(News.oto-hui.com) – Rất nhiều năm nay, ô tô được bán tại thị trường Việt Nam đều bị cắt giảm trang bị so với phiên bản quốc tế. Điều đáng nói, một số mẫu xe bị cắt giảm không những không giảm giá cho người tiêu dùng mà còn tăng giá.
Năm 2021, dư luận xôn xao khi Mercedes GLC 300 thiếu đi phanh AMG có trị giá hơn 100 triệu đồng nếu lắp ở garage ngoài. Cùng đó, hai mẫu xe C-Class và GLC sản xuất tại Việt Nam cũng không có tính năng đỗ tự động như bản quốc tế, nhưng giá bán của các mẫu xe này lại tăng đến 100 triệu đồng sau đó.
Mới đây, mẫu xe MG5 phiên bản tiêu chuẩn (STD) nhập khẩu từ Thái Lan (ra mắt tại Việt Nam vào tháng 3/2022) đã cắt giảm hàng loạt trang bị, tính năng để có giá bán 515 triệu đồng.
Cụ thể, MG5 1.5L STD không có nhiều tính năng an toàn hỗ trợ như: Hệ thống kiểm soát hành trình (Cruise Control), cảnh báo điểm mù (BSD), hỗ trợ chuyển làn (LCA), cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau (RCAT), cảnh báo va chạm phía sau (RCW)…
Phiên bản này cũng bị lược bỏ cửa sổ trời, đèn LED chiếu sáng ban ngày và chỉ có 2 túi khí phía trước thay vì 6 túi khí như bản MG5 1.5L Lux…
Dù vậy, tình trạng các mẫu xe bị lược bớt trang bị thời gian qua đã giảm đáng kể. Thậm chí, các nhà sản xuất còn chạy đua trong việc trang bị những tính năng an toàn tiên tiến trên nhiều dòng sản phẩm, thuộc nhiều phân khúc.
Điển hình trong số này là gói an toàn với các hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao (Advanced Driver Assistance System – ADAS), tích hợp các công nghệ mới như: Cảnh báo lệch làn, điểm mù, va chạm phía trước, phương tiện cắt ngang phía sau; hỗ trợ giữ làn, phanh tự động khẩn cấp; kiểm soát hành trình thích ứng, đèn pha thích ứng…
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Kỹ thuật (VAMA) cho biết: “Hiện có một số quy chuẩn Việt Nam chưa có so với thế giới hoặc đơn giản và dễ dàng hơn nên cũng phải nâng lên để tiệm cận với thế giới cho xe ô tô an toàn hơn, bảo vệ môi trường hơn”.
Tính đến nay, hầu hết các hãng xe đều đã trang bị gói an toàn trên những mẫu ô tô bán tại Việt Nam. Có thể kể đến Toyota Safety Sense, Honda Sensing, Hyundai SmartSense, Mitsubishi e-Assist, Ford Co-Pilot360, Mazda i-Activsense, Subaru EyeSight hay gói ADAS của Kia, VinFast.
Không chỉ có ở các mẫu xe tiền tỷ hay phân khúc hạng sang, các tính năng an toàn nâng cao đã xuất hiện trên cả những mẫu ô tô giá trên dưới 700 triệu đồng như Toyota Veloz Cross hay VinFast VF e34.
Về cơ bản, những gói an toàn kể trên sử dụng hệ thống gồm các camera, cảm biến, radar hoặc lidar đặt trên ô tô với khả năng theo dõi, phân tích tình huống vận hành thực tế của xe và các phương tiện, người tham gia giao thông xung quanh. Từ đó hỗ trợ người lái tăng/giảm tốc độ, phanh, đánh lái, chuyển làn hay duy trì khoảng cách với xe phía trước.
Đây là sự thay đổi đáng kể so với quãng thời gian trước, khi thị trường vẫn còn không ít những mẫu ô tô phiên bản “thiếu”, không có bất cứ tính năng cơ bản nào, kể cả túi khí.
Theo ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ GTVT), việc cắt option thường do nhà sản xuất muốn hạ giá bán xe, giúp mẫu xe này cạnh tranh tốt hơn.
Ngoài ra, việc cắt giảm trang bị có thể là do nhà phân phối sẽ lược bớt những tính năng không phù hợp với nhu cầu, thời tiết hay đường sá tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc cắt giảm trang bị, nhất là các trang bị an toàn sẽ gặp phải phản ứng từ người tiêu dùng và ảnh hưởng đến mức độ an toàn của các mẫu xe.
Sẽ có quy chuẩn cao hơn để các hãng xe ít cắt giảm trang bị
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban Kỹ thuật, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, Hiệp hội đã có đề xuất sửa Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng an toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (QCVN 09:2015/BGTVT) để hài hòa với quy định kỹ thuật quốc tế, quy chuẩn kỹ thuật châu Âu cho tất cả các loại xe.
Theo tìm hiểu, hiện nay, chỉ xe khách có giường nằm bắt buộc phải trang bị hệ thống chống bó cứng phanh (ABS).
Trong khi tại châu Âu, phanh ABS hay hệ thống cân bằng điện tử trên ô tô từ lâu đã là những trang bị bắt buộc. Từ ngày 6/7, các dòng ô tô mới bán ra ở thị trường châu lục này buộc phải có một số tính năng an toàn nâng cao như cảnh báo tài xế mất tập trung, hỗ trợ giữ làn đường…
“Việc sửa đổi nên theo hướng nâng cao, tiệm cận và hài hòa hơn với thế giới. Điều này cũng đồng thời ngăn ngừa việc đưa xe kém an toàn về Việt Nam nên phải đặt ra mức tối thiểu cần tuân thủ. Việc nâng theo tiêu chuẩn quốc tế, các doanh nghiệp rất dễ dàng đáp ứng bởi hầu như hiện nay họ không tự thiết kế ô tô cho thị trường Việt Nam, ngoại trừ VinFast. Tuy nhiên, VinFast còn xuất khẩu cả ô tô đi Mỹ rồi nên đã phải đáp ứng quy chuẩn quốc tế. Việc nâng quy chuẩn cũng mang lại cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng hơn”, ông Hiếu nhận định.
Theo một lãnh đạo Phòng Chất lượng xe cơ giới – VAQ (Cục Đăng kiểm Việt Nam), đơn vị này đang trong quá trình soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (QCVN 09:2015/BGTVT). Hiện tại đã có dự thảo và dự kiến trình lên Bộ GTVT vào năm 2023.
Quy chuẩn mới sẽ đưa ra những quy định chung về mức độ an toàn của ô tô chứ không yêu cầu cụ thể từng hệ thống, trang bị an toàn nào buộc phải có trên xe.
Ví dụ như theo QCVN 09:2015 hiện tại, ở vận tốc ban đầu khi phanh 50 km/h, xe con không tải phải có quãng đường phanh không quá 19m. Dựa vào đó, các nhà sản xuất sẽ chủ động trang bị các hệ thống, tính năng an toàn cần thiết để đáp ứng được quy định trên.
Bài viết liên quan:
- Những công nghệ cần được xem là trang bị tiêu chuẩn
- Volkswagen T-Cross 2022: Trang bị có phần ‘không xứng’ với xe tầm giá 1 tỷ đồng?
- Ấn Độ: Đề xuất bắt buộc trang bị 6 túi khí cho ô tô mới
- Honda Accord ra mắt phiên bản mới 2021, thêm trang bị, giá không đổi
- Kể từ năm 2021, mọi ô tô Mazda dòng CX đều được trang bị dẫn động 2 cầu
- 11 trang bị tùy chọn trên siêu xe có giá đắt không tưởng