Kỹ sư kể chuyện chế tạo chiếc ô tô đầu tiên tại Việt Nam năm 1958

(News.oto-hui.com) – Những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhu cầu giao thông vận tải tăng cao khiến nhiều cán bộ ngành xe máy quân đội trăn trở: Tại sao các nước sản xuất được ô tô? Ta công nghệ lạc hậu nhưng vẫn tự sản xuất được nhiều loại vũ khí làm cho quân thù khiếp sợ, liệu có làm được ô tô? Phải chăng điều đó đã thôi thúc Việt Nam chế tạo chiếc ô tô đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1958.

Chiếc xe ô tô đầu tiên của Việt Nam được sản xuất năm 1958
Chiếc xe ô tô đầu tiên của Việt Nam được sản xuất năm 1958

Nhà máy Chiến Thắng

Những tay thợ tài hoa về cơ khí trong những điều kiện khó khăn nhất

Năm 1958, Nhà máy Chiến Thắng quyết định sản xuất một ô tô nhỏ theo cách của ta. Nhiệm vụ được giao cho Đại tá, kỹ sư Hồ Mạnh Khang, Giám đốc Nhà máy Z157 – Cục Quản lý xe máy và ông Vũ Văn Đôn, Cục trưởng Cục Quản lý xe lúc đó trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo.

Nhà máy ô tô Chiến Thắng lúc đó tập trung những tay thợ tài hoa về cơ khí nhưng điều kiện để sản xuất thì vô cùng khó khăn. Kế hoạch sản xuất là chọn một ô tô, tháo ra làm theo mẫu đó bằng máy hoặc bằng tay. Nhà máy ô tô Chiến Thắng lúc đó hàng năm có thể đại tu được 350 ô tô. Có máy tiện, máy phay vạn năng, máy phay bánh răng, máy mài vô tâm, lò tôi điện, lò phản ứng nhiệt…

Nhà máy đang chuẩn bị đại tu cả xe tăng, xe xích và trạm nguồn điện. Nhiều người trong số họ đã học trong các trường kỹ nghệ của Pháp trước đây, hoặc có cả những công nhân hỏa xa, Avia…rồi đi theo kháng chiến. Họ có năng khiếu và say mê nghề nghiệp. Nhiều năm lăn lộn trong rừng nhưng họ đã làm ra mìn ra súng, ra phụ tùng ô tô. Họ biết cách khử hydro khi nấu nhôm để đúc quả nén, không có crom họ lấy đồng xu của Pháp pha vào gang để làm vòng găng. Không có than cốc, họ biết cách ủ than gầy để luyện kim…

Chiếc Fregate chạy bằng xăng của Pháp được đem ra làm mẫu

Các bộ phận như thân máy, nắp máy, chế hòa khí, bơm xăng, bơm dầu được các thợ chiến trường mày mò tìm mẫu, tạo khuôn mẫu trước, sau đó đúc gang rồi mới đưa lên cắt gọt, gia công cơ khí cho thật tinh xảo.

Như vậy là chọn một ô tô, tháo ra làm theo mẫu đó bằng máy hoặc bằng tay. Tuy nhiên có những chi tiết không thể làm được: nến điện, dây điện, hệ thống đồng hồ và chỉ thị, bóng điện, hệ thống kính, săm lốp và vòng bi.

Kỹ sư Hồ Mạnh Khang, Giám đốc nhà máy Z157 cho biết, để tìm ra cách sản xuất trục cơ bản của động cơ, ông đã phải bỏ ra khá nhiều công sức. Chia sẻ trên Tạp chí Ô tô xe máy Việt Nam, số 33 tháng 5-2005, ông Khang cho hay:

“Trục cơ bản của động cơ. Nó không thể cắt gọt bằng phương pháp chép hình, còn rèn bằng búa – cái búa con thì không còn gì ngớ ngẩn hơn. Không lẽ xếp nó vào chi tiết không thể sản xuẫt. Tôi viết thư sang Trung Quốc, anh Đỗ An trả lời tôi bằng ảnh một chiếc xe Bắc Kinh chụp trước Thiên An Môn. Và nói rằng, ta không thể sản xuất trục cơ. Ở bên ấy người ta dập 4 phát là xong một trục cơ. Anh còn nói, ở nước Anh có những nhóm người cũng chế tạo ô tô bằng phương pháp thủ công mà xe họ bán rất đắt…”.

Và cuối cùng, phương pháp được lựa chọn lúc này là tìm thép đã nhiệt luyện về và chế tạo bằng phương pháp thủ công.

Có những chi tiết phải đúc đi, đúc lại rất nhiều lần mới thành công. Nguyên liệu chủ yếu lấy từ đống phế liệu chiến tranh của Pháp “nấu” đúc lại. Đến phần chế tạo trục guồng của máy bàn phải dùng một trục bánh tàu hỏa, đo đạc lấy kích thước, vẽ mẫu chuẩn. Chỉ riêng cái “trục guồng quay” này, cả tổ tiện, nguội, mài… phải “đánh vật” lăn lộn làm suốt đêm ngày mất gần hai tuần lễ.

Ông Khang chia sẻ, tháng 10 năm đó, lệnh sản xuất thử được phát ra. Ở phòng kỹ thuật tôi được cử phụ trách chung toàn bộ về chiếc xe. Anh Quang, anh Đỗ Tường phụ trách về gia công cơ khí, tôi sang nhà máy xe lửa Gia Lâm xin một số trục cần thiết, anh Quang, anh Tường thiết kế đồ gá để chép hình, để cắt gọt, để gò và 500 con người lao động ngày đêm trong một tháng mới xong. Các hệ thống của xe chế tạo theo nguyên mẫu Fregate.

Vỏ theo thiết kế của nhà máy. Họa sĩ Diệp Minh Châu đã giúp đỡ nhà máy về tạo dáng và màu sắc. Ông còn bỏ tiền mua ngà voi làm núm còi, trên đó khắc nổi hình chùa Một cột. Ông làm một tượng nhỏ bằng thạch cao người chiến sĩ cầm cờ để nhà máy đúc đồng gắn lên nắp capô.

Đúng ngày 21/12/1958, tại nhà máy này, chiếc ô tô 4 chỗ ngồi đầu tiên do người Việt Nam sản xuất chế tạo ô tô đầu tiên, dù chưa phải 100%, đã ra đời. Nó trông “xịn” không kém loại Matxcơvic của Liên Xô lúc bấy giờ. Bác Hồ hay tin đã đến xem và động viên.

Chiếc ô tô do chính bàn tay người Việt thiết kế, chế tạo có tên là Chiến Thắng và xuất hiện tại miền Bắc từ năm 1958. Ảnh chụp lúc Bác Hồ ghé thăm nhà máy.
Chiếc ô tô do chính bàn tay người Việt thiết kế, chế tạo có tên là Chiến Thắng và xuất hiện tại miền Bắc từ năm 1958. Ảnh chụp lúc Bác Hồ ghé thăm nhà máy.

Chiếc xe có biểu tượng của chữ V, có thể hiểu là “Việt Nam” hay “Victory” (Chiến Thắng). Chính vì lẽ đó, chiếc ô tô “Chiến Thắng” mang biển số QS 0001 chính thức được ra đời. Xe được đem chạy thử ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa và diễu hành trong phong trào thi đua của Thủ đô… Gần 500 con người nỗ lực ngày đêm, quên ăn, quên ngủ để thực hiện bằng được một công việc mang tính lịch sử của ngành xe máy quân đội. Ngày 21/12/1958, chiếc xe “Chiến Thắng” mang biển số QS 0001 rời xưởng. Năm 1971, kíp thợ lại tiếp tục cho “ra lò” chiếc xe máy có tên Ấp Bắc. Chiếc xe có tốc độ trung bình đạt 50-60km/giờ, tiếng nổ giòn và rất khỏe, chạy đường gồ ghề rất tốt”. Đó là chiếc xe hoàn hảo nhất với phần lớn thiết bị do Việt Nam chế tạo.


Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn

Thông Tin Cá Nhân

NamNữ

Trình Độ Học Vấn

Thông tin chung

Kỹ thuật viên sửa chữa chungKỹ thuật viên sơnKỹ thuật viên đồngKỹ thuật viên điệnChăm sóc, làm đẹp, Detailing ô tôCố vấn dịch vụBán hàng (Sales)Nhân viên phụ tùngThiết kếMarketingKiểm soát chất lượng (PDI)Quản đốc xưởngTrưởng/phó phòng dịch vụTrưởng/phó phòng kinh doanhTrưởng/phó phòng kỹ thuậtGiám đốc điều hànhChưa có kinh nghiệmKhác