T.H - Tổng hợp

8 ngôn ngữ thiết kế xe nâng tầm các thương hiệu ô tô châu Á

(News.oto-hui.com) – Ngôn ngữ thiết kế xe luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của thương hiệu xe hơi đến với người dùng. Và với bản sắc cùng thiết kế dường như đồng nhất, các nhà sản xuất ô tô luôn cố gắng đồng bộ những chiếc xe của họ. Mục tiêu này đã dẫn đến việc tạo ra một thiết kế đặc trưng nhất quán trên các dòng xe của một thương hiệu ô tô. Dưới đây là 8 ngôn ngữ thiết kế xe nâng tầm các thương hiệu ô tô châu Á.

8 ngôn ngữ thiết kế xe nâng tầm các thương hiệu ô tô Châu Á hiện nay: Mitsubishi, Hyundai, Mazda, Kia, Honda, Nissan, Toyota, VinFast.

1. Mitsubishi Dynamic Shield:

Dynamic Shield là kết hợp hoàn hảo giữa sự an toàn, chắc chắn của Pajero và hiệu năng vận hành vượt trội của Lancer Evolutions. Ngôn ngữ thiết kế mới không chỉ mang lại diện mạo mới cho các mẫu xe mà còn thể hiện chính xác đặc trưng làm nên tên tuổi Mitsubishi: năng động – mạnh mẽ – an toàn.

Tsunehiro Kunimoto, giám đốc thiết kế toàn cầu Mitsubishi.
Tsunehiro Kunimoto, giám đốc thiết kế toàn cầu Mitsubishi.

Dynamic Shield được giới thiệu vào năm 2016 bởi giám đốc thiết kế toàn cầu Tsunehiro Kunimoto. Được biết, ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield là sự thay đổi mang tính bước ngoặt, đưa thương hiệu ôtô Nhật Bản hơn 100 năm tuổi bước sang trang mới.

“Nút thắt” lời giải đáp cho bài toán khó của Mitsubishi đã được tìm thấy từ năm 2014, khi ông Tsunehiro Kunimoto – người có hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất ô tô trở thành Giám đốc thiết kế toàn cầu của Mitsubishi. Nhận thức sứ mệnh mà mình mang trên vai, sau nhiều lần thử nghiệm và cải tiến, “vị thuyền trưởng” đã tìm ra ngôn ngữ thiết kế mới: Dynamic Shield.

Điều gây ấn tượng cho người nhìn ngay từ giây đầu tiên là chữ X đầy uy lực phần đầu xe tạo bởi những thanh nẹp mạ chrome – đại diện cho tính năng động. Đuôi xe với những đường nét dập nổi cơ bắp mang đến vẻ mạnh mẽ. Phần đầu bóp nhỏ dần về chính giữa gợi lên cảm giác bao bọc, bảo vệ an toàn. Nhưng giá trị của thiết kế Dynamic Shield không chỉ dừng lại ở đó.

Chính cấu trúc thiết kế thông minh của Dynamic Shield đã góp phần nâng cao tính an toàn trên xe. Liên kết giữa mặt trước xe với khung xe sẽ hấp thu xung lực, giảm thiểu tác động khi xảy ra va chạm. Cách bố trí đèn pha và đèn LED giúp tránh cho người lái xe khỏi việc bị lóa sáng.

Với những thành công bước đầu mà Dynamic Shield mang lại, có thể kỳ vọng về một chặng đường mới nhiều bước ngoặt và cơ hội cho Mitsubishi ở phía trước. Không ngừng thích ứng và đổi mới dựa trên những giá trị bền vững cốt lõi, thương hiệu Nhật Bản hoàn toàn xứng đáng với vị thế một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.

2. Hyundai Sensuous Sportiness:

Năm 2018, Hyundai đã từ bỏ ngôn ngữ thiết kế Fluidic Sculpture để chuyển sang Sensuous Sportiness (Thể thao gợi cảm), một sự phát triển thiết kế tự nhiên cho thương hiệu nhằm khai thác những tỷ lệ, kiến ​​trúc, kiểu dáng và công nghệ. Đây là bốn yếu tố cơ bản trong việc thiết kế xe hơi hiện đại ngày nay.

Với ngôn ngữ thiết kế xe Sensuous Sportiness, Hyundai hy vọng sẽ tạo ra một diện mạo liền mạch khai thác các chuyển động về phía trước, những đường cong và công nghệ cao trên những chiếc sedan và crossover trong tương lai của mình. Với ngôn ngữ thiết kế này, tất cả các xe Hyundai đều sở hữu tấm lưới tản nhiệt lớn mạ crôm sáng bóng, các đường cong trên nắp ca-pô, phía dưới cửa và một đường mái dốc xuống sau những cột C, hệ thống đèn PHL (Parametric Hidden Lights) và đèn hậu được kéo dài sang hai bên.

Đối với nội thất, bên trong cabin sẽ luôn được đội ngũ thiết kế xe Hyundai chú trọng đến sự ‘rộng rãi’ và ‘lái xe tập trung’, với các vật liệu chất lượng, công nghệ mới và nhiều hệ thống hỗ trợ lái xe.

Sang Yup Lee, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Trung tâm Thiết kế Hyundai.
Sang Yup Lee, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Trung tâm Thiết kế Hyundai.

Sang Yup Lee, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Trung tâm Thiết kế Hyundai, người tạo ra ngôn ngữ thiết kế xe Sensuous Sportiness, lần đầu tiên công bố chữ ký thiết kế với mẫu xe Concept là Le Fil Rouge vào năm 2018.

Xe đầu tiên của Hyundai áp dụng ngôn ngữ thiết kế xe Sensuous Sportiness.
Xe đầu tiên của Hyundai áp dụng ngôn ngữ thiết kế xe Sensuous Sportiness.

Ông SangYup Lee cho biết: “Bằng cách dựa trên lịch sử lâu dài của chúng tôi trong việc tạo ra các tính cách đặc biệt và thể thao cho những chiếc xe, chúng tôi sẽ tạo ra một kỷ nguyên mới cho thiết kế xe Hyundai.”

Khi Hyundai giới thiệu “Le Fil Rouge” – mẫu concept coupe 4 cửa – tại Geneva Motor Show 2018. Đây là một bước ngoặt đối với thương hiệu Huyndai bởi đây là mẫu xe đầu tiên của Hyundai được áp dụng ngôn ngữ thiết kế Sensuous Sportiness. “Le Fil Rouge” được ví như sợi dây kết nối quá khứ của Hyundai với hiện tại và tương lai.

Trong ngôn ngữ thiết kế Sensuous Sportiness, yếu tố Parametric dynamics đóng vai trò quan trọng trong việc đề cập đến việc sử dụng các thuật toán hình học để tối đa hóa công nghệ kỹ thuật số như một yếu tố thiết kế. Thay vì vẽ hoặc phác thảo truyền thống, đội ngũ thiết kế sử dụng các đường nét, khuôn mặt, góc độ và hình dạng đã được tạo ra thông qua dữ liệu kỹ thuật số để tạo ra tính thẩm mỹ thiết kế táo bạo và cá tính chưa từng có.

Một ví dụ điển hình cho điều này là lưới tản nhiệt với các họa tiết hoa văn trang trí như viên ngọc quý. Nó nhấn mạnh hình dạng ba chiều theo góc độ và ánh sáng phản chiếu trông giống như một viên ngọc dưới hình dạng hình học.

Ngoài ra, nhờ kiến trúc tích hợp, đội ngũ thiết kế Hyundai có thể tích hợp đèn của xe hoàn toàn vào lưới tản nhiệt và chỉ sáng rõ lên khi xe nổ máy.

3. Mazda KODO—Soul of Motion:

Mazda đã công bố ngôn ngữ thiết kế hiện tại của mình là KODO — Soul of Motion vào năm 2010. Ikuo Maeda, người đứng đầu Bộ phận thiết kế của Mazda, cho biết KODO là một triết lý thiết kế lấy cảm hứng từ tư thế của một con vật mạnh mẽ sẵn sàng vồ hoặc một thanh kiếm sắp lao tới.

Ikuo Maeda, người đứng đầu Bộ phận thiết kế của Mazda.
Ikuo Maeda, người đứng đầu Bộ phận thiết kế của Mazda.

Với những hình ảnh này, ngôn ngữ thiết kế xe KODO của Mazda mô tả năng lượng tiềm năng ở dạng tĩnh, được Mazda mô tả với ba từ: tốc độ, tập trung và quyến rũ. Thay vì tập trung vào trọng tâm chuyển động của chiếc xe về phía trước mà Hyundai thể hiện, ngôn ngữ thiết kế Mazda lại tập trung “nét cuốn hút” ở phía sau.

Đã có bài viết chi tiết về Kodo, nên chúng tôi sẽ không đề cập đến. Bạn đọc vui lòng xem chi tiết ở link bên dưới đây:

Tìm hiểu chi tiết hơn về ngôn ngữ thiết kế KODO của Mazda trong bài viết này: Ngôn ngữ thiết kế KoDo – Soul of Motion của Mazda

4. Kia Tiger Nose:

Cũng giống như Lưới tản nhiệt quả thận của BMW (Kidney Grille), Ngôn ngữ thiết kế xe Tiger Nose (Mũi hổ) của Kia tập trung chủ yếu ở mặt trước.

Và điều thú vị đến từ cựu giám đốc điều hành BMW Peter Schreyer, chính là bộ não đằng sau ngôn ngữ thiết kế này.

Peter Schreyer, giám đốc thiết kế của Kia Motors từ năm 2006 - 2012.
Peter Schreyer, giám đốc thiết kế của Kia Motors từ năm 2006 – 2012.

Ra mắt vào năm 2007 tại Frankfurt Motor Show, Tiger Nose được thiết kế với đặc trưng bởi hai đường lõm ở trên và dưới, hút mắt người nhìn với hình dáng mạnh mẽ. Hãng Kia đã sử dụng ngôn ngữ đặc trưng của mình trong nhiều năm, và Schreyer khoe khoang rằng nó sẽ tồn tại mãi mãi. Thế nhưng, ngôn ngữ thiết kế Tiger Nose ngày nay đã trở nên lỗi thời, dần bị thay thế bởi ngôn ngữ thiết kế xe Opposites United.

Dưới bàn tay của “phù thủy” thiết kế Peter Schreyer, KIA gần như trải qua một cuộc cách mạng hoàn toàn về thiết kế khi liên tiếp trình làng những mẫu xe mới thể thao đầy cá tính, với tâm điểm là lưới tản nhiệt hình “mũi hổ”. Sự thời thượng của “Tiger Nose” đã giúp hãng xe Hàn từng bước khẳng định vị thế; không chỉ việc mang về hơn 70 giải thưởng thiết kế, mà còn bởi liên tiếp những giới hạn bị phá vỡ; đã đưa hãng xe châu Á này vươn mình ra thế giới, chinh phục cả những thị trường vốn dĩ cao cấp và khó tính như châu Âu hay Bắc Mỹ.

Với sự phát triển của xe điện như hiện nay, một ngôn ngữ thiết kế xe khác đã được Kia đề cập vào cuối năm 2021 bởi giám đốc thiết kế Karim Habib. Đó là Opposites United. Nếu Tiger Noise là sức mạnh giúp Kia bức phá thương hiệu ra toàn cầu thì Opposites United được ví như đôi cánh giúp nâng tầm thương hiệu.

Opposites United – Ngay từ tên gọi, triết lý này đã nói lên phần nào ý tưởng và khát vọng của thương hiệu và nó được xây dựng dựa trên 5 thành tố chính, bao gồm Bold for Nature (Hiện đại và Thiên nhiên), Joy for Reason (Cảm xúc và Lý trí), Power to Progress (Sức mạnh tạo đổi mới), Technology for Life (Công nghệ và Cuộc sống) và Tension for Serenity (Tương phản và Cân bằng).

Dàn xe Kia cùng ngôn ngữ thiết kế xe Opposites United mới.
Dàn xe Kia cùng ngôn ngữ thiết kế xe Opposites United mới.

5. Honda Solid Wing Face:

Được giới thiệu trở lại vào năm 2013, Honda đã xác định ngôn ngữ thiết kế Solid Wing Face là yếu tố then chốt giúp thương hiệu vươn tầm, còn được gọi là Exciting H Design!!! (ba dấu chấm than đó đều có chủ ý), như một sự đề cao tính thể thao nhưng toát lên hào nhoáng. Ba dấu chấm than thực sự có ý nghĩa và đại diện cho High Tech (tinh thần đổi mới), High Tension (theo đuổi cái đẹp) và High Touch (bậc thầy về bề mặt và kết cấu).

Honda Solid Wing Face
Honda Solid Wing Face

Về thiết kế ngoại thất, các yếu tố tượng trưng gồm :

  • High Tech (công nghệ cao): Thiết kế mặt ca-lăng mới trong khi vị trí logo chữ “H” vẫn nằm ở giữa, là trung tâm. Phía dưới tấm ca-lăng là hệ thống đèn pha hai bên được thiết kế theo phong cách tiên tiến, liên tục như một dòng chảy. Điều này được Honda gọi tên “Solid Wing Face” – Đôi cánh vững chãi.
  • High Tension (tập trung cao độ): Chiếc xe sẽ sở hữu phần thân xe với những đường gân nổi tuyệt đẹp, lấy ý tưởng từ những vận động viên thể thao – “Athlete Form”.
  • High Touch (bề mặt ấn tượng): Honda sẽ nỗ lực xây dựng lên một chiếc xesao cho có được cái nhìn ấn tượng nhất, ngay từ ban đầu – “Dramatic Surfacing”.

Về thiết kế nội thất, các yếu tố tượng trưng bao gồm :

  • High Tech (công nghệ cao): Honda theo đuổi triết lý dành cho khách hàng “easy-to-see/ easy-to-use” – dễ dàng nhận biết/ dễ dàng sử dụng. Honda nâng cao giao diện bên trong xe và áp dụng nhiều hơn những công nghệ tiên tiến trong khoang lái.
  • High Tension (tập trung cao độ): “Personal Cockpit” – một khoang lái đậm tính cá nhân, mang xu hướng thể thao, kích thích cảm giác lái của khách hàng.
  • High Touch (bề mặt ấn tượng): “Craftsmanship” – nghề thủ công. Honda mong muốn bằng tay nghề của người thợ, có thể tạo ra được phần nội thất chu đáo hơn, bền bỉ hơn. Điểm trọng tâm ở đây là kết cấu của các vật liệu.

Ba điểm này ảnh hưởng đến cả nội thất và ngoại thất của xe Honda, thương hiệu hy vọng sẽ làm cho các sản phẩm của họ trở nên thú vị hơn đối với người tiêu dùng.

6. Nissan V-Motion:

Vào năm 2015, Nissan đã ra mắt ngôn ngữ thiết kế “V-Motion” để thống nhất tất cả các dòng xe của mình. Các đặc điểm chính của ngôn ngữ thiết kế V-Motion bao gồm lưới tản nhiệt mạ crôm hình chữ V, nóc xe “hình nan hoa”, đèn pha kiểu dáng “boomerang” và bảng điều khiển nội thất “cánh lướt”.

Nissan lần đầu tiên triển khai ngôn ngữ V-Motion trên mẫu xe thể thao Nissan Murano 2015 (SUV) và ngôn ngữ thiết kế sau đó đã được áp dụng cho các mẫu xe khác trong dòng sản phẩm của Nissans, bao gồm Maxima, Altimaa.

Nissan Murano 2015
Nissan Murano 2015

Trước khi áp dụng ngôn ngữ thiết kế V-Motion, các xe Nissan có rất ít điểm tương đồng với nhau. Theo Phó Chủ tịch Cấp cao của Nissan, Shiro Nakamura, ngôn ngữ V-Motion được sử dụng không nhằm mục đích ảnh hưởng đến tốc độ và định hướng thiết kế cũng nhằm mang lại cho các phương tiện Nissan một diện mạo nhất quán.

Phó Chủ tịch Cấp cao của Nissan, Shiro Nakamura.
Phó Chủ tịch Cấp cao của Nissan, Shiro Nakamura.

Năm 2017, Nissan cũng đã cập nhật phiên bản VMotion 2.0, nâng cấp toàn diện về nội thất xe Nissan. Hãng cũng đã đưa hết tất cả những gì đặc trưng nhất trong thiết kế của hãng vào một mẫu xe, lấy tên là Vmotion 2.0, ra mắt ở triển lãm Detroit (Mỹ).

Sau ngôn ngữ thiết kế V-Motion 2.0, tại một hội nghị tổ chức năm 2019, Satoru Tai, Giám đốc Điều hành Thiết kế của Nissan, đã hé lộ định hướng phát triển tương lai xe điện là 100% và công bố thiết kế mới của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.

Satoru Tai cho biết: “Triết lý mới của Nissan dựa trên cách tiếp cận tối thiểu của người Nhật. Nó tập trung vào công nghệ tiên tiến hoàn toàn phù hợp với phong cách sống của khách hàng. Đây là những yếu tố chính mà chúng tôi gọi là “Chủ nghĩa vị lai Nhật Bản vượt thời gian”. 

Cách tiếp cận tối thiểu này chủ yếu đề cập đến thể chất – chẳng hạn như hình dạng bên ngoài đơn giản giúp giảm thiểu hệ số cản. Những biểu hiện khá mượt mà này cho thấy tiềm năng của xe điện và công nghệ lái xe tự hành trong tương lai theo cách đặc trưng của Nhật Bản. “Chủ nghĩa vị lai Nhật Bản vượt thời gian” là một cách để lưu giữ hương vị truyền thống và mang tính biểu tượng của Nhật Bản, được diễn giải lại với một góc nhìn mới mẻ.”

7. Toyota New Global Architechture (TNGA):

Dù là thương hiệu xe bán chạy nhất thế giới mỗi năm nhưng Toyota luôn bị người dùng “chê” thiết kế xe có phần nhàm chán. Tuy nhiên, “nhìn đi nhìn lại”, thiết kế Toyota luôn bền theo thời gian với một nét hoài cổ, không lẫn đi đâu được. “Đơn giản mà hiệu quả” chính là một trong những triết lý kinh doanh kinh điển của hãng xe Nhật Bản.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá: “Một tên tuổi lớn như Toyota không thiếu kỹ sư tài năng để tạo nên những thiết kế ấn tượng, tuy nhiên, thương hiệu này bị đánh giá bảo thủ, chậm thay đổi, thậm chí nhàm chán. Nguyên nhân đến từ một điều ít ai ngờ đến.

Thành công của Toyota ở mảng doanh số là điều không cần bàn cãi. Nhưng thiết kế các sản phẩm của thương hiệu này bị đánh giá bảo thủ, chậm thay đổi, thậm chí nhàm chán. Chỉ khi Toyota Camry mới, hay Toyota Land Cruiser mới trình làng, những ý kiến chê bai mới phần nào dần lắng xuống.

Kevin Hunter, Giám đốc thiết kế Toyota
Kevin Hunter, Giám đốc thiết kế Toyota

Ngay đến Giám đốc thiết kế của Toyota khi ấy là Kevin Hunter cũng phải thừa nhận rằng thiết kế Toyota trong quá khứ rất nhạt nhẽo. Lý do đầu tiên là thương hiệu muốn làm hài lòng tất cả mọi người, điều này dẫn đến việc những chiếc xe kết thúc với thiết kế trung bình – không có gì thực sự phi thường.

Lý do khác mà Hunter chỉ ra là tổ chức dựa trên sự đồng thuận lớn mà Toyota có. Với rất nhiều suy nghĩ và ý kiến ​​đến từ những người khác nhau, họ phải thỏa hiệp, điều này một lần nữa khiến họ bị đứng giữa. Ông cũng cho biết ngôn ngữ thiết kế của công ty đã được hướng tới sự đồng thuận trước khi chủ tịch Toyota, Akio Toyoda chấp nhận.

Trong bài viết này, OTOHUI không đề cập đến nhiều về ngôn ngữ thiết kế của hãng xe Toyota bởi vì từng mẫu xe Toyota thiết kế đều hướng đến tính ổn định, hiệu suất, vẻ ngoài của chiếc xe không có nhiều sự thay đổi lớn qua mỗi năm và qua từng thời kỳ thay vì tập trung vào ngoại hình xe. Mặc dù L-Finesse được Toyota giới thiệu nhưng đó là dành cho thương hiệu con Lexus. Chúng tôi sẽ nói về nền tảng TNGA, sự “cách tân” này đã biến Toyota trở thành mọt trong những hãng xe bán chạy nhất thế giới trong những năm gần đây.

Vào năm 2015, một nền tảng thiết kế mới là TOYOTA NEW GLOBAL ARCHITECHTURE (TNGA) được ra mắt để làm “lu mờ” sự nhàm chán trong thiết kế của hãng xe Nhật Bản. Nền tảng TNGA cho phép điều đó xảy ra với trọng tâm thấp hơn, khung cứng hơn, hệ thống treo mới và sử dụng nhiều hơn thép cường độ cao.

TNGA cũng giải phóng thiết kế của xe, cho phép các đường viền mui và nắp ca-pô thấp hơn và dẫn đến việc mỗi mẫu xe trở nên khác biệt về mặt hình ảnh với tỷ lệ hấp dẫn hơn.

TNGA làm nền tảng cho những chiếc xe Toyota hiện tại có vẻ ngoài hấp dẫn hơn, chẳng hạn như C-HR, Camry, Prius Hybrid, Lexus UX, Lexus LS và mẫu hatchback RAV4 & Corolla thế hệ thứ 12. Với cách nhìn của những chiếc xe này, người ta có thể dễ dàng nói rằng Toyota hiện đang đi đúng hướng.

Theo hãng xe Nhật, TNGA tái định nghĩa cảm giác lái và sự thoải mái cho hành khách với 3 mục tiêu phát triển cốt lõi gồm có tính linh hoạt, tính ổn định và tầm nhìn.

Theo cấu trúc thiết của TNGA, phần trọng tâm của xe sẽ được hạ thấp và dưới ảnh hưởng của trọng lực, chiếc xe sẽ có khả năng bám đường tốt hơn và đồng thời hạn chế được các chuyển động thân xe vặn xoắn. Cơ sở này tạo tiền đề cho việc Toyota phát triển đi kèm một hệ thống treo hoàn toàn mới có mục tiêu cải thiện độ êm ái cho người ngồi. Việc phát triển hệ thống treo mềm với nền tảng trọng tâm của khung gầm được đặt thấp sẽ giúp cho các mẫu xe của Toyota có khả năng đánh lái nhanh nhạy hơn và tránh được cảm giác “bồng bềnh”.

8. VinFast Pininfarina:

Tại Việt Nam, VinFast là hãng xe Việt đầu tiên trong lịch sử hợp tác với Pininfarina trong những mẫu xe của mình. Hai phiên bản xe động cơ đốt trong là Sedan (Lux A2.0) và SUV (Lux SA2.0), các mẫu thiết kế xe VinFast đầu tiên được thừa hưởng những tinh hoa thiết kế với kinh nghiệm gần một thế kỷ của nhà thiết kế Italy, nhưng vẫn kết hợp hài hòa với bản sắc Việt để tạo nên một sản phẩm có vẻ đẹp thời thượng và đẳng cấp quốc tế.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm Pininfarina chỉ nhận thiết kế cho 1-2 hãng ô tô và năm 2018 là hai dòng xe VinFast Lux A 2.0 và VinFast Lux SA 2.0.

Không dừng lại ở đó, VinFast tiếp tục hợp tác với Pininfaria chắp bút cho các chi tiết không chỉ mang vẻ đẹp thời thượng và đẳng cấp trên các mẫu xe điện mới của hãng như VF 8, VF 9,… mà còn tạo ra những trải nghiệm lái thông minh và an toàn hơn.

Xem thêm về Battista Farina – ‘Cha đẻ’ của ngành thiết kế ô tô hiện đại

Nếu bạn hỏi tôi phong cách Ý nghĩa là gì, thì đó là cảm giác về tỷ lệ, sự đơn giản và hài hòa của đường nét, để dù sau một thời gian nhất định, vẫn còn thứ gì đó sống động chứ không chỉ là ký ức về nét đẹp”, Battista “Pinin” Farina từng nói.


Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn

Thông Tin Cá Nhân

NamNữ

Trình Độ Học Vấn

Thông tin chung

Kỹ thuật viên sửa chữa chungKỹ thuật viên sơnKỹ thuật viên đồngKỹ thuật viên điệnChăm sóc, làm đẹp, Detailing ô tôCố vấn dịch vụBán hàng (Sales)Nhân viên phụ tùngThiết kếMarketingKiểm soát chất lượng (PDI)Quản đốc xưởngTrưởng/phó phòng dịch vụTrưởng/phó phòng kinh doanhTrưởng/phó phòng kỹ thuậtGiám đốc điều hànhChưa có kinh nghiệmKhác