(News.oto-hui.com) – Hiện nay chúng ta thường nghe tới các tình huống tai nạn giao thông được cho là do xe ô tô bị mất phanh ở các đoạn đường đèo dốc. Nhưng thực sự xe ô tô có bị mất phanh hay không? Nguyên nhân nằm ở đâu. Hãy cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết này.
Đôi nét kiến thức cơ bản về hệ thống phanh trên ô tô
Hệ thống phanh là một trong những hệ thống tất yếu, bắt buộc trên ô tô và những phương tiện di chuyển nói chung. Nó các chức năng giảm tốc độ dừng xe lại khi xe đang chuyển động với một vận tốc nhất định. Ngoài ra hệ thống phanh còn làm nhiệm vụ như giữ xe đỗ được trên dốc hay tham gia vào việc ổn định chuyển động cho ô tô.
Theo những chức năng thì hệ thống phanh trên ô tô sẽ trang bị:
- Phanh chính (phanh chân)
- Phanh tay: Đóng vai trò là phanh đỗ và phanh dự phòng
- Phanh bổ trợ: thường ít được nhắc đến và cũng ít khi chúng ta gặp.
Ngoài ra chúng ta có thể phân chia theo kiểu dẫn động phanh. Chúng ta rất quen với 2 kiểu sau: Thủy lực và Khí nén.
Rất khó có thể xảy ra hư hỏng hệ thống phanh trong quá trình đổ đèo, xuống dốc
Sau khi có một số kiến thức cơ bản về hệ thống phanh phía trên, dưới góc độ kỹ thuật về ô tô thì có một số luận điểm minh chứng sau:
- Hệ thống phanh luôn được dẫn động theo 2 đường. Chẳng hạn dẫn động thủy lực sẽ chia làm 2 nhánh: Nhánh tới cầu sau và nhánh tới cầu trước. Hoặc đi vắt chéo như hình minh họa bên dưới. Như vậy hỏng nhánh này vẫn còn một nhánh kia.
- Với các loại xe phanh được dẫn động khí nén thường được trang bị trên xe tải và xe khách, ngoài việc chia làm 2 đường như trên, nó cùng tích hợp một bộ phận gọi là lò xo tích năng. Đơn giản là, một khi hệ thống khí nén áp suất cao bị hỏng, rỏ rỉ không tác động đến cơ cấu phanh được thì ngay lập tức lò xo tích năng sẽ trực tiếp tác động đến cơ cấu phanh dừng xe lại.
- Có thể khá bất ngờ nhưng khi chúng ta về số thấp (số 1 hoặc 2 với xe số sàn và chế độ bán tự động/số ảo với xe số tự động/vô cấp) khi xuống dốc cũng làm kìm hãm lại tốc độ của xe. Khi ở số thấp sẽ làm tăng momen xoắn tại bánh xe. Mà Công suất = Momen xoắn x Tốc độ vòng quay. Công suất không đổi nên giảm được tốc độ vòng quay bánh xe do động cơ sinh ra. Như vậy vận tốc xe bây giờ chỉ còn gây bởi quán tính xuống dốc của xe là chính.
- Hệ thống phanh trên ô tô được tích hợp cơ điện tử sẽ báo lỗi và đèn báo lỗi sáng trên taplo cảnh báo ngay khi bạn mở cửa khởi động xe nếu hệ thống phanh đang có vấn đề. Nên các trường hợp như ABS lỗi, hay hết dầu phanh đều được dự đoán cảnh báo từ trước.
Như vậy trong điều kiện chiếc xe còn niên hạn, đăng kiểm đúng quy định và được chăm sóc bảo dưỡng định kỳ thì rất khó có thể xảy ra hư hỏng hệ thống phanh trong quá trình đổ đèo, xuống dốc. Chúng được các hãng ô tô tính toán rất kỹ mọi khả năng trường hợp xấu.
Tại sao khi phanh chân không hiệu quả, lái xe không dùng phanh tay?
Với hệ thống phanh bao giờ cũng có sự độc lập giữa phanh chân và phanh tay. Tuy nhiên dùng phanh tay cho trường hợp lao dốc là ý tưởng tồi. Khi chiếc xe đang lao dốc với tốc độ cao, trọng tâm của xe thay đổi. Xu hướng tải trọng tác dụng lên bánh xe sau giảm. Đồng nghĩa lực bám đường giảm. Nếu tác động thêm phanh tay nữa sẽ rất dễ khóa cứng bánh sau khiến các bánh sau trượt lết, mất kiểm soát phần đuôi xe. Lúc này mọi chuyện còn tồi tệ hơn. Vì vậy tài xế sẽ không dám làm điều này.
Vậy thực sự nguyên nhân gây ra tai nạn mà chúng ta lâu nay vẫn bảo “ô tô bị mất phanh” là gì?
Thứ nhất, chiếc xe ô tô có “tuổi đời đã lớn” nhưng vẫn cố tình cho lưu thông. Chúng không còn đảm bảo tính an toàn về mặt kỹ thuật. Chủ xe không bảo dưỡng xe thường xuyên. Tuy nhiên rất khó xảy ra khi có các chế tài pháp luật về giao thông đường bộ và quá trình đăng kiểm xe.
Thứ hai, chính là tài xế. Thiếu kỹ năng, chưa quen đường là những lý do được đưa ra đầu tiên. Nhưng dù tài xế có kinh nghiệm lâu năm trên một cung đường dốc đó mà chủ quan khi điều khiển cũng khiến gây ra hậu quả khôn lường. Đơn cử như:
- Hoảng hốt đạp phanh lên tục, rà phanh quá nhiều: Điều tồi tệ là với dẫn động phanh thủy lực, dầu thủy lực nhanh chóng nóng lên tạo các bọt khí. Mà khí thì nén được nên làm giảm áp lực lên cơ cấu phanh. Nếu bạn đã nghe tới “xả e” thì sẽ hiểu rõ điều này. Ngoài ra cơ cấu phanh sẽ nhanh chóng bị nung nóng lên ở nhiệt độ rất cao khiến giảm ma sát khi phanh – yếu tố quan trọng giúp dừng xe. Nguyên lý thì phanh không bị hỏng (vật lý) mà bị vô hiệu hoá do hiện tượng quá nhiệt.
- Thói quen thả trôi xe khi xuống dốc. Nhiều tài xe cho rằng điều này sẽ tiết kiệm nhiên liệu. Nhưng khi xe đạt quá lớn muốn giảm tốc thì không kịp phản ứng hoặc không đúng cách.
- Tắt động cơ: khi đó hệ thống lái mất dần trợ lực nên rất nặng và khó điều khiển. Bên cạnh đó, việc động cơ ngừng đột ngột khi xe đang đi ở tốc độ cao sẽ dẫn tới hiện tượng mất lái.
Lời khuyên ở đây là gì?
Hãy kiểm tra bảo dưỡng định kỳ xe. Trang bị những kỹ năng xuống dốc bằng số thấp (người ta hay nói “lên dốc số nào thì xuống bằng số ấy”), không đạp rà phanh liên tục. Không được chủ quan trong quá trình lái xe. Có một tâm lý bình tĩnh trong trường hợp xấu để có cách xử lý đúng, chính xác.
Và bạn thấy đấy, giải pháp cuối cùng cần tính đến là phải đâm vào vật cản phía trước để dừng xe lại. Có thể là chà vào vách núi, đâm vào taluy, cột mốc hay rào chắn bên đường để giảm thiểu thương vong.
Như vậy sau một quá trình phân tích dưới góc độ kỹ thuật, chúng ta cần khẳng định rằng các chiếc xe được phép lưu thông trên đường khả năng hỏng phanh (mất phanh) là cựu kỳ thấp, gần như không có. Chung quy lại vẫn là yếu tố con người là nguyên nhân. Nếu cho xe đăng kiểm đúng quy định và được chăm sóc bảo dưỡng định kỳ cùng với kỹ năng lái xe tốt thì sẽ không có những tai nạn thương tâm khi xe đi trên đường đèo dốc.
Bài viết liên quan: