VNExpress

Cẩm nang mua xe mới: Dành cho người mới bắt đầu (Phần 1)

(News.oto-hui.com) – Khi quyết định mua một chiếc xe mới, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Nên mua khi nào, Nên chọn xe gì phù hợp với hầu bao, Thủ tục mua xe có rắc rối hay không, Nên lắp phụ kiện nào?,… Dưới đây là cẩm nang mua xe mới dành cho người mới bắt đầu tìm hiểu (phần 1).

Mục lục nội dung:

Cẩm nang mua xe mới: Dành cho người mới bắt đầu (Phần 1)
Cẩm nang mua xe mới: Dành cho người mới bắt đầu (Phần 1)

Khi bạn quyết mua một chiếc ô tô mới, câu hỏi đặt ra là khi nào? Và nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm vàng để mua xe giá tốt là vào cuối tháng, cuối quý, cuối năm hoặc tại các kỳ triển lãm ô tô.

Bên cạnh đó, để có được chiếc ưng ý và phù hợp với nhu cầu, điều kiện kinh tế của bản thân thì bạn còn phải cân nhắc và lưu ý rất nhiều yếu tố: Việc lái thử, giá trị xe, mẫu xe, tính năng và trang bị đi kèm… Dưới đây là 6 vấn đề chính cần phải xác định rõ nếu muốn tìm mua một ô tô mới:

1. Xác định nhu cầu:

a. Xác định khung tài chính:

Việc đầu tiên mà các chuyên gia tài chính cá nhân khuyên người tiêu dùng là xác định rõ tầm tiền định sử dụng để mua xe. Nếu không xác định rõ, bạn sẽ không thể có kế hoạch chi tiêu phù hợp như còn lại tiết kiệm bao nhiêu, cần trả lãi hàng tháng bao nhiêu nếu mua trả góp.

Nhiều người dùng có tâm lý “cố” khi mua xe, tức là chỉ có khoảng 500 triệu, nhưng cố tìm cách vay mượn để có 600 triệu mua chiếc xe khác. Nếu không tỉnh táo, bạn có thể rơi vào chiếc bẫy do chính mình tạo ra. Bạn cần tính tới trường hợp nếu có rủi ro trong thu nhập, khoản vay này có thể trả được không để đảm bảo chiếc xe không trở thành gánh nặng tài chính.

  • Khoản tiền mua xe nên là khoản tiền đã loại trừ tiết kiệm của bản thân hoặc gia đình bạn.

b. Nhu cầu sử dụng:

Sau khi đã xác định được số tiền bạn có để mua xe, hãy tính tới nhu cầu sử dụng.

  • Nhiều khách hàng đã mua chiếc xe vượt quá khả năng tài chính, nhu cầu sử dụng chỉ bởi vì thích kiểu dáng đẹp.
  • Khi không tính tới tổng hòa các yếu tố, bạn sẽ trở nên mông lung trong vô vàn các lựa chọn ôtô cùng tầm tiền.

Hãy trả lời các câu hỏi như bạn mua xe chủ yếu để đi một mình hay phục vụ cả gia đình, ưu tiên xe di chuyển nội đô, đường trường hay cả chạy đồi núi, đường khó. Mỗi chiếc xe sẽ có ưu thế khác nhau mà mỗi hãng đã nhắm tới khi phát triển sản phẩm.

  • Nếu chỉ đi nội thị, bạn có thể một chiếc xe mới nhưng cỡ nhỏ, trong khi ưu tiên chạy ổn định cao tốc bạn có thể nên tìm tới xe cũ ở phân khúc cao hơn, nhưng tất nhiên sẽ phải chấp nhận dùng xe cũ một, vài đời.

Đừng cố mua xe mới đồng thời ở phân khúc cao hơn, vì khi đó giá sẽ đẩy lên, bạn lại rơi vào bẫy tài chính như ở phần “Xác định khung tài chính” phía trên.

c. Tác động từ bên ngoài:

Những tác động này trước tiên đến từ người thân. Ví dụ:

  • Nếu chồng mua thì vợ có lái cùng không? Nếu có, nên chọn mẫu xe có cách điều khiển phụ hợp với cả phụ nữ, các chức năng không quá phức tạp…
  • Lời khuyên từ người thân, bạn bè đã sử dụng các dòng ôtô khác nhau cũng là một nguồn tham khảo vô cùng hữu ích.

Nếu đã trả lời đủ các thắc mắc phía trên, giờ là lúc bạn đưa ra lựa chọn, sẽ mua xe mới hay xe cũ?

2. Lựa chọn xe:

a. Chọn thương hiệu mà bạn ưng ý:

Đây là bước đầu tiên giúp bạn “khoanh vùng” được chiếc xe mình mong muốn.

Nếu bạn nhắm tới một mẫu xe 500 triệu, của một hãng mà bạn yêu thích và không có ý định chọn thương hiệu khác, thì việc chọn xe đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Vì lúc này, lựa chọn đó đã được rút gọn xuống chỉ còn 1-2 mẫu xe.

Tuy vậy, lời khuyên của chuyên gia là không nên quá phụ thuộc vào một hãng xe nào riêng. Hãy mở rộng vùng tìm hiểu bởi mỗi hãng lại có những ưu điểm riêng. Rất có thể, một mẫu xe của thương hiệu khác lại phù hợp với nhu cầu của bạn hơn.

Tham khảo thêm danh sách Top 10 xe bán chạy nhất tháng để có quyết định đúng đắn. Bài viết có thể tham khảo:

Xe ở showroom thường sẵn hàng, trong khi của người dùng thường có độ tin cậy cao hơn (nhưng không phải lúc nào cũng vậy). Vì nhiều nơi bán nên sẽ không có một mức giá niêm yết như xe mới.

b. Xu hướng lái xe của bạn là?

Xu hướng lái ảnh hưởng lớn đến quyết định mua xe. Bạn thích chạy êm ái, mượt mà hay chạy thể thao?

Bạn sẽ không thoải mái nếu thích một chiếc xe phục vụ cả gia đình nhưng lại ồn ào, giảm xóc cứng và điều hòa lâu mát. Bù lại, nếu bạn chạy một mình, muốn vận hành linh hoạt thì sẽ rất khó chịu nếu mua xe có phản hồi chân ga chậm chạp.

c. Trang bị/tiện nghi an toàn bắt buộc mà bạn muốn?

Sau khi tìm hiểu về ô tô, hãy mường tượng trước nếu mua xe ở tầm tiền này, bạn cần những “option” gì? Khi đã có những tiêu chí bắt buộc, việc chọn xe sẽ theo những tiêu chí đó. Hoặc ít nhất, bạn có thể nghĩ tới những thứ sẽ nâng cấp sau khi mua xe.

d. Tính phổ biến của thương hiệu?

Tính phổ biến là một chỉ dấu cho sự yên tâm về mặt thương hiệu. Mua một chiếc xe nhiều người chọn có thể không phải xe tốt nhất, nhưng chắc chắn mang lại cảm giác rủi ro thấp. Ngược lại, khám phá những thương hiệu ít người dùng có thể sẽ tạo nên chấm phá riêng.

e. Yếu tố công việc:

Để phù hợp với công việc, chiếc xe cũng phải có phong cách tương tự. Một chiếc xe bóng bẩy, ăn điểm thiết kế có thể là điểm cộng nếu phải đi gặp khách hàng. Nhưng điều này không quan trọng bằng cảm giác thỏa mãn khi sử dụng xe, vì vậy nó được xếp cuối cùng trong các yếu tố cần cân nhắc.

Chọn phiên bản xe phù hợp với những tính năng cần thiết nhất, đỡ tốn kém chi phí
Chọn phiên bản xe phù hợp với những tính năng cần thiết nhất, đỡ tốn kém chi phí

3. Tìm nơi bán:

a. Giá xe, các chương trình ưu đãi mà đại lý đang áp dụng?

Đây là tiêu chí đầu tiên người dùng thường đặt ra để cân nhắc lựa chọn giữa đại lý này hay đại lý khác.

Ngoài số tiền phải trả thực tế, xung quanh giá xe còn có các yếu tố khác như ưu đãi tặng phụ kiện, tặng gói bảo dưỡng, voucher đổ xăng… Người mua nên tham khảo nhiều tư vấn bán hàng, đại lý để có được khung giá hợp lý nhất. Bạn cũng nên chủ động đề xuất mức giá mong muốn sau khi đã tham khảo. Đồng thời, cũng nên cân đối việc quy đổi giữa giá giảm và phụ kiện để có một mức đàm phán đúng với mong muốn.

Gợi ý:

  • Khách hàng nên sử dụng giảm giá bằng tiền mặt sẽ có lợi nhất. Bởi lẽ, những gói phụ kiện thường được báo giá cao hơn nhiều giá trị thực. Ví dụ: tặng gói phụ kiện 50 triệu đồng, nhưng thực tế tổng giá trị các món đồ lắp thêm chỉ khoảng 20-30 triệu đồng.

b. Dịch vụ trong và sau khi bán xe?

Khách hàng nên chọn đại lý có dịch vụ tốt, uy tín, nhân viên nhiệt tình trong và sau bán hàng.

Có thể nhận biết qua cơ sở vật chất, trang thiết bị, hoặc quan sát cách các kỹ thuật viên làm việc, cách hướng dẫn, độ chuyên nghiệp của nhân viên bán hàng, cố vấn dịch vụ.

Nên chọn các đại lý có tiêu chuẩn từ 3S trở lên và nằm ở các quận lớn. 3S tức bao gồm Showroom – Service – Spare part (bán hàng, dịch vụ và phụ tùng). Có những đại lý chỉ có 1S là showroom, tức chỉ bán hàng, không kèm dịch vụ bảo hành, sửa chữa và bán phụ tùng.

c. Vị trí địa lý (gần/xa):

Vị trí cũng là một điểm đáng lưu tâm với khách hàng. Nếu các đại lý đều có chương trình bán hàng khuyến mãi như nhau, chất lượng dịch vụ cũng tương đương thì nên ưu tiên mua xe ở đại lý nào gần nhà hoặc nơi làm việc, để tiện bảo dưỡng và xử lý xe khi có sự cố.

Nhưng khách hàng cũng không phải lo lắng nếu mua ở đại lý xa nhà, bởi bạn có thể bảo dưỡng ở bất kể đại lý nào chính hãng. Nên lưu ý các mốc bảo dưỡng ban đầu với xe mới như 2.000 km, 5.000 km… Bạn nên theo dõi trên sổ bảo dưỡng hoặc theo nhắc lịch bảo dưỡng từ hãng hoặc thông báo trên xe.

Hiện nay, do tình hình covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hãng xe đã đưa ra các giải pháp như mang xe đến tận nhà để khách hàng có thể lái thử xe. Đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch.

4. Chọn mua xe:

a. Cách đàm phán với nhân viên bán hàng, đại lý?

Hãy chắc chắn bạn đã nắm tổng quát giá bán trên thị trường, sau khi tham khảo từ nhiều kênh bán hàng cũng như thông tin trên các phương tiện truyền thông và website chính hãng. Giá xe và những ưu đãi, khuyến mãi, quà tặng đi kèm cần được làm rõ, khoản nào có thể quy ra tiền mặt hoặc không.

Hầu hết các đại lý đều cho phép đàm phán giá theo các “tầng” khác nhau. Ví dụ:

  • Nhân viên tư vấn có thể giảm cho bạn 10 triệu, nhưng nếu cấp trưởng phòng sẽ được 20 triệu và giám đốc là 30 triệu (nếu quen biết).

Tuy vào thực tế bán hàng, để đảm bảo đủ doanh số và khách hàng nắm rõ thông tin, đại lý có thể phải giảm giá tới các cấp cao hơn.

Chú ý: Nên trực tiếp đến hãng xe để kiểm tra xe, không nên quá tin tưởng vào những bình luận trên các trang mạng xã hội
Chú ý: Nên trực tiếp đến hãng xe để kiểm tra xe, không nên quá tin tưởng vào những bình luận trên các trang mạng xã hội

Nếu bạn còn phân vân ở yếu tố nào, nên tập trung vào làm rõ yếu tố đó để chốt xe như chất lượng xe, màu xe… Kiểm tra kỹ các điều khoản, tránh mập mờ thông tin, nên xác nhận lại toàn bộ thông tin bằng văn bản như tin nhắn, email với nhân viên bán hàng trước khi làm hợp đồng. Những thông tin cần ghi nhớ là màu xe, nội thất, năm sản xuất, các ưu đãi đã đàm phán.

b. Các lưu ý khi soạn và ký hợp đồng?

Mẫu hợp đồng thường sẽ được nhân viên tư vấn bán hàng soạn sẵn và cho bạn đọc qua, nếu đồng ý thì ký xác nhận.

Đây là hợp đồng dân sự, hoàn toàn có thể chỉnh sửa theo ý chí của các bên, vì vậy bạn có thể thay đổi, thêm, bớt, chỉnh sửa những mục về quyền lợi, trách nhiệm của bên bán và bên mua mà bạn cho là chưa hợp lý. Thông thường, để tránh làm thêm việc, các tư vấn bán hàng thường lấy nhiều lý do để khách tuân theo hợp đồng soạn sẵn. Bạn nên tỉnh táo để tránh rơi vào tình huống này, nếu có điều khoản nào đó trong hợp đồng chưa thỏa đáng.

Ví dụ:

  • Các đại lý thường mập mờ thời gian giao xe và thường không có điều khoản phạt nếu giao chậm, vì vậy bạn nên đàm phán để bổ sung.
  • Giá xe cần được quy định rõ là tính theo thời điểm ký hợp đồng, hay khi nhận xe. Nếu không viết rõ, rất có thể bạn sẽ phải trả giá cao hơn nếu ở thời điểm nhận xe giá thực tế trên thị trường đã thay đổi.

Một số thông tin chi tiết mà bạn nhất định cần làm rõ là thời gian giao xe, đời xe, màu xe (cả màu sơn bên ngoài và màu da nội thất), phiên bản. Thực tế có nhiều khách hàng và đại lý đã xung đột vì không quy định rõ những yếu tố này trong hợp đồng.

Ví dụ:

  • Đại lý thường viết Model 2020, có nghĩa là xe đời 2020, nhưng mẫu xe này hoàn toàn có thể sản xuất trong 2019. Vì vậy, bạn nên viết rõ Model 2020, sản xuất năm 2020.

Ngoài ra, màu sơn cũng dễ bị nhầm lẫn. Hợp đồng ghi màu nâu nội thất, bạn nghĩ rằng đó là nâu cafe, nhưng đến khi nhận xe lại là nâu da bò sáng. Lúc này bạn cũng không thể kiện đại lý làm sai, bởi hợp đồng không ghi rõ là màu nâu gì. Hãy ghi chuẩn màu chi tiết theo mã màu, cách gọi tên của hãng.

c. Các lưu ý khi thanh toán?

Sau khi ký hợp đồng, bạn sẽ tiến tới bước thanh toán cho nơi bán. Tuỳ phương thức thanh toán trả thẳng hay trả góp sẽ có từng bản hợp đồng riêng cho mỗi loại.

Bạn cũng cần nhớ những vấn đề sau khi thanh toán: thời gian thanh toán, tiến độ thanh toán, nội dung thanh toán, người nhận thanh toán. Lưu ý: nếu thanh toán tiền mặt, bạn cần làm việc trực tiếp với bộ phận kế toán để lấy được hóa đơn gốc. Nếu chọn chuyển khoản, không nên chuyển vào tài khoản của nhân viên bán hàng hay bất cứ một bên nào khác không phải tên công ty. Tài khoản thanh toán phải là tài khoản của đại lý nơi bạn mua xe.

Nếu bạn chuyển vào tài khoản cá nhân của tư vấn bán hàng, nhân viên kế toán, bạn có thể gặp rủi ro mất trắng số tiền này nếu người nhận tiền biến mất. Đại lý, nhân viên bán hàng cũng có thể sử dụng tiền của bạn để làm việc khác, vì vậy không nên chuyển tiền quá sớm, chỉ cần đúng tiến độ là được.

d. Các lưu ý khi nhận xe?

Khi nhận xe, bạn cần kiểm tra hình thức từ bên ngoài vào trong để đảm bảo không có gì xước sát, hư hại do quá trình sản xuất, vận chuyển ở các vị trí như đèn, ba-đờ-sốc.

Thậm chí có một số lỗi khi lắp ráp như cửa không khít, lốp lắp ngược, nhầm màu da, dùng lốp cũ (xe 2021 nhưng lốp 2019, 2018)… đều có thể xảy ra. Bên cạnh đó, bạn nên kiểm tra các dụng cụ trang bị theo xe có đầy đủ hay không, có đúng thông số của hãng hay không, như kích, bộ sửa xe cơ bản, lốp dự phòng, tam giác cảnh báo nguy hiểm…

Giấy tờ cũng là thứ cần kiểm tra để đảm bảo các thông tin về xe trên giấy tờ không có sai sót, gây khó khăn trong quá trình đăng ký, đăng kiểm.

5. Đăng ký/đăng kiểm xe:

a. Trình tự đăng ký, đăng kiểm:

Khi đã nhận xe, chủ xe cần phải làm các thủ tục để được cấp biển số, có thể lăn bánh hợp pháp ra đường.

Về cơ bản, theo trình tự cần phải nộp thuế, phí, đăng ký biển số rồi đăng kiểm. Nhân viên bán hàng có thể hỗ trợ chủ xe làm các thủ tục này để bạn đỡ mất thời gian, với khoản phí khoảng 2-5 triệu đồng tùy đại lý, tùy hãng.

– Nộp thuế: chính xác ở đây là nộp lệ phí trước bạ cho xe tại cơ quan thuế. Chủ xe sẽ phải đến cơ quan thuế nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để kê khai, nhận thông báo thuế, sau đó ra ngân hàng hoặc kho bạc (nếu cơ quan thuế chưa kết nối với hệ thống ngân hàng) nộp tiền. Bạn cũng có thể nộp thuế online, tuy nhiên nếu có sai sót, việc đính chính sẽ mất thời gian hơn nộp trực tiếp.

Đăng ký biển số: Sau khi nộp và nhận được giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, bạn đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe của Phòng CSGT Công an tỉnh hoặc Đội CSGT Công an quận, huyện (tùy thuộc vào cơ quan công an nơi đó có được quyền cấp giấy đăng ký xe và biển số hay không) nơi bạn đăng ký hộ khẩu thường trú để làm thủ tục đăng ký xe. Sau khi khám xe, kiểm tra hồ sơ nếu đầy đủ, bạn sẽ tự tay bấm nút để chọn biển số (một cách ngẫu nhiên) cho xe của mình. Chờ nhận biển số.

– Đăng kiểm: sau khi xe được cấp biển số, bước cuối cùng là đăng kiểm để được lưu hành. Khách đưa xe và giấy tờ cần thiết tới các điểm đăng kiểm để tiến hành thủ tục, đóng các khoản lệ phí.

6. Vấn đề khác mở rộng:

a. Lắp thêm phụ kiện gì, mua bảo hiểm loại nào?

Tùy theo khả năng tài chính, nhu cầu của chủ xe mà chọn lắp các loại phụ kiện nào.

Tuy vậy, để phục vụ việc lái xe an toàn, thuận tiện hơn, nhất là với tài xế mới, bạn nên lắp thêm những chi tiết sau nếu xe chưa có: camera lùi, dán kính, camera hành trình, cảm biến áp suất lốp…

Nếu chọn tiện nghi theo sở thích, có thêm bọc vô-lăng, thêm nước hoa hay đồ trang trí cho xe. Dù vậy, nếu thận trọng với những đồ gắn trên táp-lô, vì chúng nó thể trở thành vũ khí sát thương cho người trên xe khi xảy ra tai nạn. Phủ gầm chống ồn, phủ bóng sơn xe cũng là một vài lựa chọn được nhiều người dùng.

Sơn phủ gầm ô tô
Sơn phủ gầm ô tô

Gợi ý: Khách hàng nên sử dụng giảm giá bằng tiền mặt sẽ có lợi nhất.

Kết:

Trên đây là những chia sẻ về CẨM NANG MUA XE MỚI, đối với xe cũ mời bạn đọc tìm hiẻu trong phần kế tiếp.


Bài viết liên quan:

nguồn Cẩm nang mua xe

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn

Thông Tin Cá Nhân

NamNữ

Trình Độ Học Vấn

Thông tin chung

Kỹ thuật viên sửa chữa chungKỹ thuật viên sơnKỹ thuật viên đồngKỹ thuật viên điệnChăm sóc, làm đẹp, Detailing ô tôCố vấn dịch vụBán hàng (Sales)Nhân viên phụ tùngThiết kếMarketingKiểm soát chất lượng (PDI)Quản đốc xưởngTrưởng/phó phòng dịch vụTrưởng/phó phòng kinh doanhTrưởng/phó phòng kỹ thuậtGiám đốc điều hànhChưa có kinh nghiệmKhác