HOÀNG DUY LONG - Tuoitre

Bụi mịn độc hại không chỉ sinh ra từ pô xe

(News.oto-hui.com) – Hạt mịn độc hại trong thành phố thải ra ít hay nhiều còn phụ thuộc vào lốp xe, phanh xe, độ bẩn của đường, cách lái xe…

Bụi mịn độc hại không chỉ sinh ra từ pô xe - Ảnh 1.
Nhiều tiến bộ đạt được nhằm giảm lượng khí thải phát ra từ ống pô xe – Ảnh: OUEST FRANCE

Bất kể xe chạy bằng gì, xe ô tô phát tán trong không khí hàng triệu hạt mịn với đường kính nhỏ hơn 10 micron (PM10) và 2,5 micron (PM2.5).

Tạp chí Sciences et Avenir (Pháp) dẫn lời chuyên gia Katherine Farrow thuộc bộ phận môi trường của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận xét đến nay đã có nhiều tiến bộ đạt được nhằm giảm lượng khí thải phát ra từ ống xả xe ô tô.

Tuy nhiên, từ nay đến năm 2035, nguyên nhân phát thải hạt mịn phần nhiều lại đến từ đĩa phanh xe bị mài mòn, ma sát cơ học của phanh và lốp xe với mặt đường nhựa.

Cảnh báo này đã được nêu trong báo cáo của OECD với tiêu đề “Phát thải các hạt không phải khí từ giao thông đường bộ. Một thách thức về chính sách môi trường bị bỏ quên”, công bố ngày 7-12.

Báo cáo ước tính khối lượng hạt mịn thải ra trên thế giới không bao gồm khí thải từ ống xả xe sẽ tăng 53,5% vào năm 2030, tức từ 850.000 tấn hiện nay tăng lên 1,3 triệu tấn vào năm 2030.

Báo cáo của OECD chỉ ra khối lượng hạt mịn được thải ra ít hay nhiều ngoài ống pô xe còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác bao gồm trọng lượng xe, thành phần má phanh, cấu trúc lốp xe, nhựa đường, bụi mịn bốc lên không khí khi xe di chuyển, cách lái xe và độ bẩn của đường sá.

Bụi mịn độc hại không chỉ sinh ra từ pô xe - Ảnh 2.

Hạt mịn ít hay nhiều còn phụ thuộc vào lốp xe, má phanh… – Ảnh: realitesroutieres.fr

Do đó, OECD cũng cảnh báo về vấn đề xe ô tô chạy bằng điện.

Xe ô tô điện dù góp phần làm giảm đáng kể lượng khí thải nhưng xe được trang bị pin ắc quy nặng hơn để chạy lâu hơn, do đó có nguy cơ làm vấn đề hạt mịn thêm trầm trọng hơn.

Vậy giải pháp nào để giảm hạt mịn?

OECD gợi ý xe ô tô điện phải chịu thuế như các loại xe khác cùng với phí cầu đường, phí tắc nghẽn giao thông.

Báo cáo của OECD đề nghị: “Các quy định về giao thông đường bộ cần tính đến lượng khí thải từ ống xả và ngoài ống xả của mọi phương tiện, đồng thời tính đến các yếu tố như trọng lượng xe và cấu tạo lốp xe”.

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên hơn nữa cho các biện pháp rút ngắn thời gian đi lại bằng xe cơ giới, hạn chế phương tiện đi lại trong khu vực đô thị và khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đi bộ và đi xe đạp.

Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn