William Durant- cha đẻ của thương hiệu General Motors

Khi nhắc đến lịch sử ngành công nghiệp ôtô thế giới người ta không thể quên William Crapo Durant. Chính ông chứ không phải ai khác là người đầu tiên đã sáng lập ra General Motors, một trong 3 tập đoàn sản xuất ôtô lớn nhất thế giới hiện nay.


William Durant.

William Durant từ bỏ con đường học vấn của mình từ rất sớm để đi làm phụ mẹ. Sau thời gian bôn ba với đủ thứ nghề, ông đã mạnh dạn vay mượn tiền để mua lại một xưởng sản xuất xe ngựa kéo và đã rất thành công. Không dừng lại ở đó, William Crapo Durant quyết định đánh một canh bạc của đời mình. Có bao nhiêu tài sản, ông bỏ hết ra để mua lại công ty sản xuất động cơ ôtô của Buick. Vào ngày 16 tháng 9 năm 1908, công ty Buick Motor do ông mua lại với giá 2000 USD được đổi tên thành General Motors ở tiểu bang New Jersey nước Mỹ. Công ty mà ông xây dựng đã thống lĩnh thị trường ô tô Mỹ trong vài thập kỷ.
Tuy nhiên vào những năm đầu của thế kỷ 20, nền công nghiệp bị khủng hoảng, có gần 45 công ty xe hơi đứng bên bờ vực thẳm. Sau cuộc khủng hoảng, nhằm lấy lại lòng tin của khách hàng ông đã kêu gọi sát nhập các nhà sản xuất xe hơi lớn thành một tập đoàn để có nguồn cung đa dạng cho khách hàng. Trong khi một trong những thành viên là Briscoe muốn hợp nhất các công ty thành một thì Durant chỉ muốn giữ hình thức cổ phần và mô hình sản xuất của ông đi ngược lại với Ford, thay vì chỉ sản xuất một loại xe như Model T thì ông cho sản xuất hàng loạt các kiểu xe cho nhiều mục đích khác nhau, từ phục vụ nông dân cho tới các vị khách sang trọng. Ông tiếp tục mở rộng quy mô với việc thâu tóm thêm 30 công ty trong đó có các nhà sản xuất lớn như Oldsmobile, Cadillac và Oakland (sau này là Pontiac), cùng với một số công ty điện và phụ tùng khác.


Tượng đài của ông được đặt ở thành phố Flint, nước Mỹ.

Việc mua lại hàng loạt các công ty đã khiến cho GM gặp khó khăn về tài chính, vào năm 1911 hội đồng quản trị đã trục xuất ông ra khỏi công ty. Ông hợp tác với anh em nhà họ Chevrolet để mở một công ty xe hơi mới và có được thành công vang dội giúp ông có đủ khả năng mua lại cổ phần của GM và nắm quyền điều hành vào năm 1916. Một năm sau, Chevrolet chính thức nằm trong dây chuyền của General Motors. Tuy nhiên, vẫn với phong cách đầu tư phóng khoáng như vậy, một lần nữa ông bị mất GM vào năm 1920 và trở về làm quản lý một câu lạc bộ bowling ở Flint.

Phương Phạm

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn