Tạ Hiển - Theo Auto Veteran

Tìm hiểu về cảm biến tốc độ bánh xe trong hệ thống phanh ABS

(News.otohui-com) – Hệ thống chống bó cứng phanh ABS ngày càng thông dụng hơn trên thị trường. Hiện nay, chúng được sử dụng phổ biến trên các loại phương tiện di chuyển từ xe tải, ô tô, xe máy… Hệ thống này có mục đích chính là đảm bảo hệ số bám của bánh xe trên mặt đường và để làm được điều đó, chúng cần thu thập và tính toán liên tục hệ số bám của phương tiện. Cảm biến tốc độ bánh xe chính là chi tiết chính giúp thu thập giá trị tính toán độ bám này. Hãy cùng tìm hiểu cảm biến tốc độ bánh xe qua bài viết dưới đây.

1. Cảm biến ABS là gì?

Hệ thống chống bó cứng phanh ABS (Hệ thống chống bó cứng phanh – Anti-lock Braking System) là một hệ thống phanh nâng cao. Hiện tại đây là một tiêu chuẩn trên những chiếc ô tô hiện đại. Cảm biến chống bó cứng phanh hay cảm biến tốc độ bánh xe ABS là một loại máy đo tốc độ đo tốc độ quay của bánh xe sau đó chuyển nó đến hộp điều khiển phanh ABS và hộp điều khiển đồng cơ.

Cảm biến tốc độ bánh xe ABS.
Cảm biến tốc độ bánh xe ABS.

Cảm biến ABS còn được gọi là cảm biến tốc độ bánh xe hay cảm biến phanh ABS. Vì tất cả các bánh xe không quay cùng một tốc độ, nên cảm biến ABS sẽ báo độc lập tốc độ của tất cả bốn bánh cho ECM, dựa vào đó ECM xác định xem các bánh có bị bó cứng hay không. Việc áp dụng phanh ABS sẽ làm giảm thời gian và quãng đường phanh, đồng thời giúp gia tốc phanh đạt hiệu suất tốt nhất. Do đó, khi ABS hoạt động, nó sẽ phát ra tiếng ồn mài trong một số tình huống.

2. Vị trí lắp đặt cảm biến tốc độ bánh xe

Các cấu hình cũ của ABS có các cảm biến nằm ngoài trục bánh xe ở các bộ phận khác như khớp tay lái hay vỏ vi sai, điều này giúp đo được tốc độ của hai bánh xe chủ động dựa vào tốc độ quay của bánh răng vành chậu.

Vị trí Cảm biến tốc độ bánh xe ABS.
Vị trí cảm biến tốc độ bánh xe ABS.

Tuy nhiên, các cảm biến tốc độ bánh xe ABS trong các hệ thống phanh ABS hiện nay được trang bị trong chính cụm bánh xe. Cảm biến tốc độ bánh xe ABS sẽ đo tốc độ quay của một vòng tín hiệu. Vòng tín hiệu này được lắp trên đầu ra của bán trục hay cụm moay ơ bánh xe. Xe có thể có một hoặc bốn cảm biến tốc độ bánh xe ABS tại các bánh xe tuỳ vào từng hệ thế bố trí của xe.

3. Phân loại và nguyên lý hoạt động của cảm biến

Cảm biến tốc độ bánh xe ABS có thể được chia ra làm hai loại chính: cảm biến loại điện từ và cảm biến Hall.

Các loại cảm biến này có thể được tìm thấy trên nhiều dòng xe khác nhau và chúng còn tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng mà có hình dạng và kích thước theo từng hãng xe. tuy nhiên chúng có cùng một nhiệm vụ giúp đo đạc tín hiệu tốc độ bánh xe nhằm giúp hộp điều khiển tính toán ra được hệ số bám cần thiết.

Cảm biến tốc độ bánh xe ABS thường bao gồm một nam châm được bao bọc trong một cuộn dây và một vòng răng tín hiệu. Sự quét qua của vòng tín hiệu và nam châm tạo ra sự thay đổi từ trường đi qua cuộn dây bên trong cảm biến. Do đó tín hiệu được tạo ra – hiện tượng này gọi là cảm ứng điện từ. Tín hiệu này sau đó được chuyển thành tín hiệu số và được đưa đến bộ điều khiển chống bó cứng phanh.

Sau khi tín hiệu số được gửi về, bộ điều khiển sẽ tính toán hệ số bám phù hợp và tác dụng lực phanh cho từng bánh xe theo hệ số bám đã được tính đó – hệ số bám tối ưu thường nằm trong khoảng 10-30% nhưng chúng còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau như: điều kiện mặt đường, cấu tạo và áp suất lốp, tải trọng hiện tại mà hộp điều khiển có thể thay đổi hệ số bám không đáng kể. 

Cần lưu ý rằng:

  • Cảm biến tốc độ bánh xe khác với cảm biến tốc độ xe.
  • Nó không giúp hiển thị tốc độ xe trên bảng điều khiển như chúng ta thường nghĩ (cảm biến tốc độ bánh xe thường được đặt tại đầu ra của hộp số và chúng ta nên phân biệt hai loại cảm biến này để tránh nhầm lẫn trong tính toán và sửa chữa).

Hầu hết các mẫu xe sau này đều được trang bị một số loại thiết bị giúp kiểm soát độ bám đường trong đó cảm biến tốc độ bánh xe ABS đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chuyển động của xe trong bất kỳ điều kiện nào. Trong quá trình mất lực kéo, tốc độ của các bánh xe ở một bên của ô tô sẽ khác với tốc độ của các bánh xe ở phía bên kia. Những tình huống này là khi máy tính trên xe có thể điều chỉnh lực phanh đến các bánh xe và đạt được lực kéo mong muốn.

Cảm biến tốc độ bánh xe ABS là cảm biến chính giúp kiểm soát lực phanh của ô tô. Cảm biến truyền thông tin quay tới ECM để báo hiệu rằng một trong các lốp xe đang bị bó cứng, trong trường hợp đó, máy tính sẽ giảm lượng lực phanh tác dụng lên bánh xe được đề cập. Khi lực phanh giảm, bánh xe bây giờ có thể quay và lấy lại độ bám.

Nhiều phương tiện hiện đại cũng có cảm biến ABS tương tác với hệ thống kiểm soát lực kéo điện tử và hệ thống kiểm soát ổn định để đảm bảo an toàn cho xe.

4. Các triệu chứng lỗi cảm biến phanh ABS

Theo thời gian, việc tiếp xúc với các mảnh vụn, bụi bẩn và các tạp chất trên đường có thể khiến cảm biến tốc độ bánh xe ABS bị hỏng. Vệ sinh và kiểm tra các cảm biến theo các khoảng thời gian được chỉ định trong sách hướng dẫn sử dụng là rất quan trọng để giúp hệ thống hoạt động tối ưu. 

Một trong những dấu hiệu cơ bản của cảm biến tốc độ bánh xe ABS bị lỗi bao gồm sự sáng lên của đèn ABS hoặc đèn kiểm soát độ bám đường trên bảng điều khiển của xe của bạn. Các triệu chứng của cảm biến tốc độ bánh xe không tốt cũng bao gồm mất độ bám đường đáng kể khi bạn lái xe trên đường trơn trượt.

  • Hãy tìm hiểu thêm về các triệu chứng có thể xảy ra tại đây.

Cảm biến tốc độ bánh xe ABS có thể không phải lúc nào cũng là thủ phạm; hệ thống dây điện hoặc đầu nối cũng có thể bị hỏng, không truyền được các tín hiệu cần thiết đến ECM. Vì vậy, chúng ta nên kiểm tra các bộ phận liên quan của nó và xác định đúng bộ phận bị lỗi trước khi kiểm tra và thay thế cảm biến ABS.


Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn