Những điều cần biết với sinh viên ô tô mới bước vào ngành “Lắm dầu nhiều mỡ”

(News.oto-hui.com) – Ghé qua nhiều group tìm việc làm và cảm nhận theo góc nhìn đa chiều của ngành ô tô (đặc biệt là mức lương sau khi ra trường). Thực trạng sinh viên ra trường cần một mức lương sao cho xứng đáng vẫn là dấu hỏi lớn. Dưới đây là những điều cần biết với sinh viên ô tô mới bước vào ngành sửa chữa ô tô qua bài chia sẻ của một thành viên O-H từng trải. 

Những điều cần biết với sinh viên ô tô mới bước vào ngành "Lắm dầu nhiều mỡ"
Những điều cần biết với sinh viên ô tô mới bước vào ngành “Lắm dầu nhiều mỡ”

Bài viết dưới đây là những suy nghĩ của từ thành viên O-H tâm huyết, mặc dù đôi chút thô và có thể sẽ không nhận xét được chuẩn. Nếu sai sót, mong quý đọc giả bỏ qua và đóng góp ý kiến:

“Em cũng là sinh viên ô tô đã ra trường và làm kỹ thuật được 3 năm nay. Thế nhưng, do dòng đời đưa đẩy, em cảm thấy không còn hứng thú nên đã chuyển sang làm kinh doanh các sản phẩm là các thiết bị chuẩn đoán và các đồ chơi công nghệ ô tô được gần 2 năm. Do tính chất công việc nên em được làm cùng văn phòng với một Garage nên cũng biết chút ít về đời sống anh em sửa chữa xe.

1. Chuyên ngành sửa chữa ô tô:

Chắc chắn sẽ phát triển tốt vì ô tô đã là xu thế hàng đầu hiện nay, nếu đã lựa chọn chuyên ngành này thì nên lạc quan và cố gắng tìm giải pháp, con đường phát triển, chứ không nên nản chí và an phận như một số lời nhận xét em mới đọc được.

Ví dụ như: “Ngành này bạc lắm! Học đại học ra rồi cũng phải cầm cờ lê sửa chữa thôi, phí 4 năm đại học! Ra trường auto thất nghiệp, hoặc cầm cờ lê không lương hay có lương nhưng chỉ đủ ăn tính theo từng tháng,…”. 

Sau khi đọc xong những lời ấy, em thấy tiếc và buồn lắm. Mặc dù là thực tế, nhưng chúng ta không cần phải nói thẳng thừng với những lời lẽ đanh thép như thế. Khác nào một con người mới bước chân vô ngành, chưa làm gì mà đã bị đánh mạnh vào tâm lí khiến họ nản chí, đâm ra chán nản, mất đam mê bản thân.

“Cây ngay không sợ chết đứng”

Ảnh: Phạm Văn Minh
Ảnh: Phạm Văn Minh

Đúng như thế, chỉ khi nào tâm lí mạnh con người ta mới có thể vực được đạo. Hãy nói những lời động viên thay vì những lời như thế. Nếu ta đã không có được tương lai tốt rồi, cũng không nên kéo người khác xuống với mình. Thay vào đó hãy vực họ khỏi “con tàu đắm” mà chúng ta đang mắc phải.

2. Khi đang ngồi trên ghế nhà trường:

Các bạn cần phải xác định rõ việc học của mình, đành rằng hệ thống giáo dục của chúng ta có thể có vấn đề, đào tạo lý thuyết rất nhiều, ít gắn với thực hành. Các kỹ sư ô tô ra trường không tháo nổi bộ lazang bánh xe, không biết vị trí các con cảm biến cũng như nguyên lí hoạt động,… Nhưng thực tế là như vậy, mình không thay đổi được nó thì thay đổi bản thân cho phù hợp.

a. Tiếp tục học tập thay vì từ bỏ:

Vì bằng đại học – cao đẳng không đánh giá đúng khả năng làm việc của mỗi người nhưng nếu ta không có một tấm bằng đàng hoàng thì cơ hội việc làm sau này bị bó hẹp rất nhiều.

b. Không đánh đồng việc học cao đẳng sẽ tốt hơn trong ngành ô tô:

Ở các trường đại học không đào tạo cho bạn tay nghề nhưng họ sẽ đào tạo cho bạn lối tư duy logic, các kỹ năng do đó về lý thuyết thì bạn sẽ có khả năng vươn xa hơn so với những người thợ không được đào tạo bài bản (Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng cá nhân và hoàn cảnh cụ thể). Phần này tất nhiên sẽ không đúng với một số bạn đã có tư duy tốt từ ban đầu, chỉ là điều kiện học tập không phù hợp lúc chọn trường. 

c. Có gắng xin thực tập ở Garage hơn là vào hãng thực tập: 

Trong quá trình học suốt 3 – 4 năm, các bạn tốt nhất xin đi thực tập ở các Garage hơn là vào hãng khoảng 3 – 4 tháng. Mặc dù, có một số Garage có thể trả lương ít hoặc không trả lương cho các bạn nhưng họ sẽ phụ phí cho các bạn một số thứ để trang trải và cũng dạy cho bạn được nhiều điều hay ho (kinh nghiệm thực tế, va chạm nhiều, tập nhẫn nại,…) mà trong hãng không bao giờ có. Để đến khi ra trường, khi đó ta đã có kinh nghiệm nếu xin vào làm một garage ta sẽ không bị bỡ ngỡ, vì đã quen với cách làm việc của Garage.

Nếu xin vào làm được ở hãng thì chắc chắn môi trường làm việc sẽ tốt hơn nhiều.

  • Tuy nhiên, công việc ở hãng rất nhàm chán, quay đi quẩn lại chỉ có bảo dưỡng (lúc bắt đầu làm). Bước đầu nếu xin vào hãng ở mảng gầm – động cơ – điện, bạn phải làm kỹ thuật viên bảo dưỡng nhanh trước, sau đó mới có thể đi lên các vị trí khác bằng các bài kiểm tra trình độ. Nhanh nhất là 6 tháng. 
  • Nếu bạn đã có tay nghề khá (theo từng đợt trong năm sẽ có đợt tuyển kỹ thuật viên sửa chữa chung).

Khi làm ở hãng bạn sẽ làm rất chắc dòng xe của hãng, nếu ra ngoài ra, bắt buộc phải học lại.

Ảnh: Le Viet Mao
Ảnh: Le Viet Mao

Ngược lại nếu như các bạn cứ phó mặc số phận thì khi ra trường các bạn chỉ là một kỹ sư giấy.

  • Nếu không có sự may mắn hay mối quan hệ thì đừng nói làm việc lương cao, kiếm được một công việc cũng là rất khó rồi. Vì thay vì nhận bạn, người chủ nhận một anh thợ lành nghề còn hơn vừa dễ trả lương vừa không cần đào tạo lại. Như vậy bạn cần ít nhất 1-2 năm học nghề để trở thành thợ lành nghề, lúc đó mới hy vọng phát huy khả năng bản thân hay phát huy cái bằng kỹ sư của bạn.
  • Quá trình học tập này nếu không thực tập sớm, sẽ tiêu tốn của bạn thêm 1 năm – 1,5 năm.

d. Người thầy dẫn dắt:

Bạn muốn học nhanh cần tìm cho mình những người thầy, người này có kinh nghiệm thực tế và có cái tâm muốn truyền đạt cho bạn. May mắn nhận vào một garage chỉ toàn người thầy có tâm, truyền thụ tất cả kinh nghiệm mà họ có, bạn sẽ may mắn thành công.

Ảnh: Pinterest
Ảnh: Pinterest

Thế nhưng, tại nước ta, hầu hết các người thầy lại không muốn truyền hết nghề của mình cho một sinh viên mới ra trường thực tập, chịu chui gầm 3-6 tháng rồi nghỉ. Vì họ nghĩ đó là chén cơm manh áo của mình, truyền hết rồi bạn đi đến garage khác cạnh tranh thì nếu vô tình sẽ ảnh hưởng đến việc làm của họ.

Họ sẽ truyền nhưng với những lượng kiến thức vừa đủ để bạn tìm hiểu và học hỏi.

Bạn cũng đừng buồn vì chuyện này, hãy hiểu cho họ. Nghề sửa chữa ô tô này, kinh nghiệm là trên hết, sửa nhiều ắt sẽ lên tay. Bao năm họ bỏ ra công sức miệt mài để đúc kết không phải chỉ dành cho bạn 5-10 phút truyền nghề cho bạn. Cái họ muốn là sự nhẫn nại, kiên trì của bạn.

e. Ngoại ngữ:

Sinh viên cần phải trau dồi tiếng Anh kỹ thuật và khả năng đọc hiểu tài liệu, tham gia diễn đàn ô tô để tìm hiểu kiến thức hơn nữa. Thay vì sau một buổi học xong ở trường và ra về với những nhu cầu giải trí cá nhân sau đó. Thì mỗi buổi tối nên dành 10-15 phút học các từ vựng tiếng Anh. Đây là điều rất dễ dàng với các bạn.

Ảnh: Pinterest
Ảnh: Pinterest

Tài liệu tiếng Anh chuyên ngành về ô tô có rất nhiều trên các diễn đàn (ở Oto hui có dành riêng cho các bạn một mục Tiếng Anh chuyên ngành) có thể tìm hiểu. Các bạn cố gắng kiên trì trong một tháng sẽ thành thói quen tốt. Và cứ thế tiếp tục, tiếp tục. Sau này nếu có làm đồ án tốt nghiệp về những hệ thống mới, bộ phận mới hay đơn giản là những tài liệu sửa chữa nước ngoài khi tài liệu tiếng Việt không có, thì sẽ dễ dàng hơn nếu biết đôi chút. 

Tiếng Anh chuyên ngành là yêu cầu tiên quyết nếu muốn tiến xa hơn trong ngành ô tô.

3. Trong quá trình làm việc:

Cần nhìn nhận vị trí quản lý trực tiếp của mình, xem anh ấy có những kỹ năng gì, giỏi về vấn đề gì để mình phấn đấu học hỏi, trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để một ngày lên vị trí anh ấy.

Cần vẽ ra cho mình 1 lộ trình: Từ Thợ phụ việc -> Thợ chính -> Thợ bậc cao -> Tổ trưởng/Cố Vấn DV -> Quản Đốc -> Chủ Xưởng.

Từ đó để biết được các bước đi và định hình bước đi cho mình, tránh trường hợp trang bị những thứ chưa phù hợp với mình.

4. Mức lương:

Em xin tiết lộ chút về mức lương cơ bản mà anh em ở xưởng gần nhà em đang nhận, có thể ở một số garage khác không đúng. Tuy nhiên, theo em quan sát đây chỉ là xưởng làm các dòng xe tầm trung trở xuống;

  • Thợ phụ: Tầm 2-2,5 triệu.
  • Thợ chính: Tầm 5 triệu.
  • Tổ Trưởng: Tầm 7-8 triệu.
  • Cố vấn DV: Tầm 7 triệu.
  • Trưởng phòng kỹ thuật: Tầm trên 10 triệu, với kinh nghiệm hơn 5 năm trong nghề.

5. So sánh nghành nghề:

Em thấy một số anh em so sánh ngành kỹ thuật mình và ngành kinh tế, thương mại, IT,… nhưng theo quan điểm của em thì như thế này:

  • Đúng là khi mới ra trường thì dân kỹ thuật vất vả hơn và lương thấp hơn, nhưng thông thường trưởng phòng kinh doanh hay giám đốc các công ty đều xuất thân từ dân kỹ thuật vì nhiều anh em làm kỹ thuật một thời gian thì chuyển hướng sang kinh doanh hoặc quản lý.
  • Vậy lợi thế của dân kỹ thuật là nắm được kỹ thuật, nắm được cách thức tư duy về điều phối ở mảng kỹ thuật.
  • Nếu chịu học hỏi thêm những lớp học đào tạo về Marketing, các kỹ năng mềm,… thì khi làm kinh doanh hay quản lý sẽ dễ dàng hơn và thành công hơn là dân kinh tế hay thương mại nếu muốn dấn thân vào lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật.
Ảnh: Pinterest
Ảnh: Pinterest

Thế nhưng, vấn đề là các bác có lựa chọn chuyển hướng hay các bác có định hướng lâu dài tích lũy kinh nghiệm để mở xưởng làm ông chủ hay không. Còn nếu các bác chỉ trông chờ làm kỹ thuật thuần túy, an phận với vị trí hiện tại thì LƯƠNG luôn luôn bị giới hạn.

Bài chia sẻ từ một thành viên có tâm huyết tại Group OTO-HUI TEAM


Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn