(News.oto-hui.com) – Chất bôi trơn trên hệ thống phanh là sản phẩm được chế tạo đặc biệt, nó không giống với các chất bôi trơn sử dụng cho rô tuyn lái, rô tuyn trụ hay khớp các đăng. Dưới đây là những điều cần biết về chất bôi trơn trên hệ thống phanh.
Do nhiệt sinh ra trong quá trình phanh nên một số bộ phận trong hệ thống bắt buộc phải được bôi trơn để đảm bảo chúng hoạt động bình thường. Trong quá trình phanh thông thường, nhiệt độ cụm phanh trên các bánh trước của nhiều loại xe như minivan, SUV hay xe tải có thể lên tới hơn 200 độ. Đôi khi còn cao hơn trong một số trường hợp nhất định như điều khiển xe trong khu vực nội thành, phải dừng xe nhiều lần hoặc trên các cung đường đồi núi, lái xe với tâm trạng không vui hoặc kéo móc hay lái xe tải nặng có lực quán tính lớn.
Ở nhiệt độ cao, hầu hết mỡ bôi trơn cho hệ thống gầm đều không thể giải nhiệt, dễ bị chảy hoặc cháy và biến chất, nếu sử dụng chúng cho hệ thống phanh thì bố phanh có thể bị hỏng do mỡ chảy ra làm phanh mất tác dụng. Đó là lý do tại sao các chất bôi trơn trên hệ thống phanh được sản xuất riêng biệt với hàm lượng chất rắn cao nhằm tăng khả năng chịu nhiệt.
Một lý do khác không nên sử dụng mỡ bôi trơn trong hệ thống gầm cho các bộ phận phanh là vì các sản phẩm này thường là sản phẩm từ dầu mỏ. Các loại mỡ này không tương thích với các vật liệu sử dụng trong hệ thống phanh như cao su chắn bụi, cao su bảo vệ ắc suốt phanh, cuppen, do đó chi tiết này dễ dàng bị nở ra, vỡ và rò rỉ làm mất mát dầu phanh.
1. Các loại chất bôi trơn trên hệ thống phanh:
Được chia làm hai loại chính:
Loại 1: Dùng để bôi trơn các piston khi lắp vào xilanh chính và xilanh con, bôi trơn ắc suốt phanh khi lắp cùm phanh.
- Đây là chất bôi trơn lý tưởng cho những vật liệu là cao su hay nhựa.
- Nó tương thích với tất cả các hợp chất cao su như nitrile, teflon, nylon và cao su tổng hợp khác.
- Chúng làm việc trong phạm vi nhiệt độ từ -40 độ C đến 204 độ C.
- Đây là chất bôi trơn “ướt” nên khả năng giữ bụi cao, do đó chúng chỉ thích hợp với việc bôi trơn ắc suốt phanh khi lắp cùm phanh và bôi trơn piston khi lắp vào xi lanh chính và xi lanh con.
- Loại này thường sử dụng polyalphaolefin (PAO) làm thành phần chính, có thể chịu được nhiệt độ lên đến 315 độ C.
Loại 2: Dùng để bôi lên các bộ phận cơ khí khác như tấm sắt phía sau của má phanh,… Loại này thường có tỷ lệ phần trăm chất rắn cao.
- Đây là một loại dầu nhờn đặc biệt, chịu được nhiệt độ cao và được thiết kế để bảo vệ các chi tiết cơ khí lâu dài; chúng thường có dạng mỡ bôi hoặc dạng dán.
- Loại này có thể là sản phẩm tổng hợp hoặc silicon có hàm lượng chất rắn cao như moly hay graphite.
- Khả năng chịu được nhiệt độ cao (lên tới 1315 độ C), không bốc hơi hay bị cháy theo thời gian và đặc biệt là chúng khá khô nên khả năng giữ bụi là rất ít.
Hãy luôn tuân thủ các hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đối với bất kỳ loại chất bôi trơn trên hệ thống phanh nào mà bạn chọn.
Chất bôi trơn phanh cũng có thể được sử dụng để làm giảm sự rung động giữa má phanh đĩa và piston của cùm phanh. Không nên bôi vào giữa tấm lót và miếng đệm chống ồn.
2. Vị trí để sử dụng chất bôi trơn trên hệ thống phanh:
Chất bôi trơn phanh nên được sử dụng ở các bộ phận trượt hoặc di chuyển của hệ thống phanh.
- Trên phanh đĩa, các bộ phận bôi trơn bao gồm ắc suốt phanh, chốt trượt, các vị trí trượt của má phanh trên cùm phanh.
- Còn đối với phanh tang trống là điểm tì guốc phanh trên tấm dừng, đai ốc điều chỉnh hoặc dây cáp và mối nối của phanh tay.
Hãy chú ý không được để chất bôi trơn dính lên bề mặt bố phanh vì nó sẽ làm mất tác dụng phanh. Ngoài ra, dung dịch bôi trơn cũng được sử dụng khi lắp piston vào xi lanh hay cùm phanh.
Bài viết liên quan: