Khởi động Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô tại Quảng Ninh – Quyết tâm nâng tỷ lệ nội địa hóa xe nội

(News.oto-hui.com) – Ngày 22/09/2020, ở lễ khởi công xây dựng khu tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô tại Ninh Bình của Tập đoàn Thành Công, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ có nhiều giải pháp khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô, đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt được xây dựng trên tổng diện tích 340ha của Khu công nghiệp (KCN) Việt Hưng, nằm ngay bên bờ vịnh Cửa Lục, thuận tiện cho cả giao thương nội địa và quốc tế.

Những sản phẩm của Tổ hợp sẽ không dừng lại là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ô tô cốt lõi hiện tại của Tập đoàn Thành Công, mà còn hướng tới xuất khẩu, mang giá trị của ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khu vực và thế giới.

Ông Đào Phong Trúc Đại, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển KCN Việt Hưng (thành viên của Tập đoàn Thành Công) chia sẻ: “Mục tiêu của Tập đoàn Thành Công là phát triển Tổ hợp thành trung tâm sản xuất lắp ráp và công nghiệp phụ trợ của ngành ô tô, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo hướng tăng tỉ lệ nội địa hoá”.

Các vị đại biểu nhấn nút phát tín hiệu bắt đầu lễ động thổ Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng
Các vị đại biểu nhấn nút phát tín hiệu bắt đầu lễ động thổ Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng

Tại buổi lễ, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công đã khẳng định: “Sự kiện hôm nay cũng là nghi thức khởi động triển khai đầu tư đầu tiên của Tập đoàn Thành Công tại Quảng Ninh. Những sản phẩm từ Tổ hợp Công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng với hàm lượng công nghệ – kỹ thuật cao sẽ là điểm khởi đầu để Quảng Ninh tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và phát triển kinh tế theo hướng bền vững”.

Trước đó, ngày 18/9, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hai dự án thứ cấp đầu tiên thuộc Tổ hợp Công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng cho Tập đoàn Thành Công.

Dự án thứ hai là dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dịch vụ và hạ tầng ô tô Thành Công Việt Hưng, do Công ty Cổ phần Dịch vụ và hạ tầng ô tô Thành Công đầu tư với tổng vốn hơn 799 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là kinh doanh kho bãi và lưu giữ hàng hoá, dịch vụ logistics .

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh cho biết, quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho những dự án đầu tiên của tổ hợp triển khai chưa đầy 24h kể từ khi Ban tiếp nhận hồ sơ đầu tư đầy đủ của 2 dự án thành phần. Đây là kỷ lục mới về thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Quảng Ninh.

Phát biểu tại lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư này, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã nhấn mạnh: Với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc…, giai đoạn 2020-2025, Quảng Ninh định hướng tập trung phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện môi trường, tăng tỷ trọng của ngành chế biến, chế tạo, công nghệ cao, thông minh.

Vì thế, việc đầu tư Tổ hợp Công nghiệp phụ trợ ô tô của Tập đoàn Thành Công là dấu mốc quan trọng, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới. Điều này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh cũng như sự đồng hành, tin tưởng, ủng hộ của Tập đoàn Thành Công.

Có thị trường, có nhu cầu, nên ưu tiên phát triển

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020 và dự thảo Chiến lược 10 năm 2020-2030 của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định mục tiêu phải sớm đưa nước ta trở thành nước cơ bản công nghiệp, theo hướng hiện đại.

Thay vì đầu tư phát triển nền kinh tế theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào tài nguyên, vốn, lao động giá rẻ… thì sẽ chuyển sang chiều sâu, hướng tới nền kinh tế tri thức, kinh tế số. Đặc biệt, chúng ta phải chuyển từ một nền công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, sang sản xuất, tăng giá trị nội địa hoá, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, hiện nay, xu hướng “ô tô hoá” đang gia tăng mạnh mẽ. Mong muốn sở hữu một chiếc ô tô là nhu cầu chính đáng của mọi người dân và hiện ngày càng nhiều người có khả năng chi trả để mua ô tô.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu bấm nút khởi động Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Một chiếc ô tô có giá trị như một căn nhà trung bình ở đô thị. Trong khi với ngành xây dựng, tỷ lệ nội địa hoá đạt 99% thì chúng ta phải nhập khẩu nhiều ô tô để tiêu dùng, còn ô tô sản xuất trong nước thì tỷ lệ nội địa hoá lại đang rất thấp”, Phó Thủ tướng dẫn chứng và nêu vấn đề cần ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Mục tiêu của Chính phủ là phải có ô tô thương hiệu Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tốt, đẹp, thuyết phục được người tiêu dùng sử dụng. Các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị ngành ô tô, tăng dần tỷ lệ nội địa hoá của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, cũng như tiến tới tham gia các chuỗi giá trị công nghiệp ô tô toàn cầu”.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt coi trọng và đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thay đổi quan điểm phát triển ngành ô tô, thay vì đặt ra những chỉ tiêu nội địa hoá không sát với thực tế, có cách tiếp cận hài hoà, theo hướng chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, khuyến khích các nhà sản xuất ô tô lớn thay vì nhập khẩu sẽ chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam thông qua các chính sách hỗ trợ bình đẳng, hấp dẫn. Khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, phát triển các mẫu ô tô Việt Nam với tỉ lệ nội địa hoá cao. Khuyến khích và tạo điều kiện các doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam đầu tư dây chuyền, đổi mới công nghệ để có thể lắp ráp được nhiều mẫu xe, trong đó có cả các mẫu xe của các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Tham gia sâu vào chuỗi giá trị ô tô toàn cầu

“Tất nhiên, Việt Nam cũng không thể sản xuất 100% giá trị của một chiếc ô tô. Xác định rõ điều này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô nói riêng, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới và nâng cao thu nhập của người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp ô tô nói riêng vẫn đang đứng trước nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất chính là việc còn thiếu sự vào cuộc của các doanh nghiệp “đầu tàu”, chính là các doanh nghiệp lắp ráp ô tô, trong việc dẫn dắt các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển thông qua việc đặt hàng, hỗ trợ công nghệ, quản lý, nhân lực…

Tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 Dự án đầu tư của Tập đoàn Thành Công.
Tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án thứ cấp đầu tiên vào Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng.

Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao việc tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Thành Công đã rất tích cực chuẩn bị để sớm triển khai đầu tư Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng.

“Điều này khẳng định tầm nhìn, quyết tâm, sự vào cuộc của các địa phương và doanh nghiệp trong việc thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói. Những sản phẩm của tổ hợp sẽ không dừng lại là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ô tô hiện tại của Tập đoàn Thành Công, mà còn hướng tới xuất khẩu, giúp ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khu vực và thế giới.

Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn

Trong thời gian tới, để đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ, cũng như tiếp tục thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư lớn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cơ chế chính sách, cải cách hành chính, quy hoạch, chất lượng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, chuẩn bị các điều kiện về đất đai, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội… để thu hút nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển. Đồng thời, tiếp tục tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án, thường xuyên báo cáo, giải quyết những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án

Bản đồ tổng thể Khu công nghiệp Việt Hưng
Bản đồ tổng thể Khu công nghiệp Việt Hưng

Tỉnh Quảng Ninh cũng cần hoàn tất các thủ tục, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ Việt Hưng theo quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ. Từ đó làm cơ sở để lựa chọn các nhà đầu tư vào khu công nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo baodautu


Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn

Thông Tin Cá Nhân

NamNữ

Trình Độ Học Vấn

Thông tin chung

Kỹ thuật viên sửa chữa chungKỹ thuật viên sơnKỹ thuật viên đồngKỹ thuật viên điệnChăm sóc, làm đẹp, Detailing ô tôCố vấn dịch vụBán hàng (Sales)Nhân viên phụ tùngThiết kếMarketingKiểm soát chất lượng (PDI)Quản đốc xưởngTrưởng/phó phòng dịch vụTrưởng/phó phòng kinh doanhTrưởng/phó phòng kỹ thuậtGiám đốc điều hànhChưa có kinh nghiệmKhác