(News.oto-hui.com) – Không ít sinh viên bỏ ngang đại học, rẽ sang học nghề. Nhiều người trẻ tốt nghiệp trường nghề đã và đang khởi nghiệp thành công. Dưới đây là câu chuyện về 2 ông chủ thành công trong lĩnh vực ô tô.
Đam mê ô tô và trở thành ông chủ
Anh Phạm Hoàng Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Ôt ô 5S – chuyên kinh doanh ô tô các loại, nhớ lại quãng thời gian miệt mài học tập, đeo đuổi đam mê với những chiếc xe của mình tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.
Lúc bấy giờ, anh chưa từng nghĩ sẽ có ngày trở thành “ông chủ” của một công ty kinh doanh về ôtô với 6 thợ, 2 nhân viên kinh doanh. Lợi nhuận anh thu về những tháng “bán chạy” có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Là sinh viên khóa 2 của trường nghề, anh Sơn tốt nghiệp vào năm 2011. Bấy giờ, nhà nhà vẫn theo đuổi mục tiêu vào bằng được trường đại học, thì anh Sơn lại có hướng đi riêng dựa trên sở thích của mình.
“Tôi có hai lý do lựa chọn trường nghề và ngành học là công nghệ ô tô. Đầu tiên phải kể đến sở thích với công việc liên quan ô tô. Ngay từ nhỏ, tôi đã rất mê xe. Thứ nữa, lúc bấy giờ tôi học không đồng đều các môn, vì vậy căn cứ khả năng của mình khó đỗ vào các trường đại học nên tôi chọn trường nghề” – anh Sơn chia sẻ.
Bên cạnh đó, Giám đốc Công ty Ôtô 5S khẳng định, nếu xác định đi làm nghề, thì trường cao đẳng nghề sẽ đào tạo chuyên sâu về thực hành. Có như vậy, khi ra trường sinh viên sẽ không bị bỡ ngỡ, có khả năng bắt nhịp tốt với công việc.
Anh Sơn là những sinh viên khóa đầu tiên của ngành công nghệ ô tô của trường cao đẳng nghề song trang thiết bị thực hành về ô tô trong nhà trường cũng khá đầy đủ. Sinh viên được tận mắt nhìn thấy, và thực hành trên sản phẩm sau khi học lý thuyết.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh xin về làm thợ sửa chữa ô tô ở các gara nổi tiếng tại Hà Nội. “Thời điểm ra trường, mức lương của tôi khoảng 2,5 triệu đồng, lúc bấy giờ là không đủ ăn” – anh Sơn nhớ lại.
Tuy nhiên, với đam mê của mình, anh không nản lòng. 2 năm sau, khi đã tích lũy được kỹ năng, kinh nghiệm, anh quyết định chuyển sang kinh doanh.
Anh Sơn cho biết: “Tôi nghĩ rằng mình phải có hướng đi riêng cho bản thân. Chỉ có kinh doanh thì mới cho thu nhập nhiều. Dù bấy giờ nhan nhản các cửa hàng kinh doanh ô tô, lĩnh vực này khá khốc liệt. Song, tôi chọn hướng đi riêng cho mình là kinh doanh chủ đạo về ô tô khách”.
Giám đốc Công ty Ôtô 5S cho rằng, vì am hiểu về xe, nên anh cũng dễ dàng hơn trong việc kinh doanh. Đây là một trong những ưu thế so với người tay ngang mà lấn sân sang lĩnh vực này.
Định hướng rõ ràng cho bản thân
Đang học một trường đại học về thể dục thể thao, anh Lê Văn Hiếu quyết định rẽ sang học nghề sau một năm. Người giúp anh có định hướng nghề nghiệp đúng đắn đó là bố của mình.
Anh Hiếu chia sẻ: “Bố tôi là người văn minh, không đặt nặng việc học hành lên con cái. Bố tôi thấy lĩnh vực nào trong tương lai sẽ phát triển thì định hướng con mình đi theo. Vì lẽ đó, tôi quyết chọn lại học nghề về lĩnh vực ôtô”.
Anh Hiếu tốt nghiệp trường nghề năm 2006. Anh cho rằng nghề ôtô khá vất vả, buộc chúng ta phải có sự đam mê, bền bỉ, không được nản lòng thì mới có ngày nếm được quả ngọt. Nghề này sẽ có 5 năm thử thách, nếu vượt qua mới có thể “sống khoẻ”.
Vì vậy, khi mới ra trường, anh xin về làm phụ việc ở một gara ôtô. Bên cạnh việc thực tập, anh được đơn vị hỗ trợ 300.000 đồng/tháng. Vừa làm, vừa học việc, sau 1 năm, anh Hiếu đã kết hợp cùng bạn bè mở một gara riêng về sửa chữa ôtô ở khu vực Mỹ Đình (Hà Nội).
Năm 2017, anh quyết định thành lập Công ty TNHH Dịch vụ ôtô HT Auto An Khánh. Nơi đây cũng chính là địa điểm để các sinh viên trường nghề đến thực hành.
Anh Hiếu cho biết: “Hằng năm, vẫn có nhiều sinh viên trường nghề đến đây thực hành. Bên cạnh truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng, đây cũng là nơi động viên các theo cố gắng theo được nghề này. Hiện nay điều kiện học tập tốt hơn rất nhiều, sinh viên thông minh, nhanh nhạy hơn”.
Đến nay, không ít gia đình vẫn nặng nề, coi đại học mới là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Trao đổi về quan niệm này, anh Hiếu cho rằng, mỗi bạn trẻ cần xác định rõ sở thích, đam mê của mình là gì, khả năng của mình đến đâu và thị trường đang cần những gì? Từ đó, có những định hướng rõ ràng về ngành nghề.
“Đại học không phải là con đường lập nghiệp duy nhất. Tôi có biết nhiều bạn có bằng đại học đã quay lại học nghề. Vì vậy, mỗi người cần có những định hướng rõ ràng cho bản thân” – anh Hiếu nói.