Tổng hợp

Khám phá các dòng taxi vòng quanh thế giới

(News.oto-hui.com) – Có thể nói taxi giúp làm nên một phần cảnh quan, văn hóa của thành phố hay thậm chí là cả một quốc gia với những đặc tính riêng bởi chúng “mỗi nơi mỗi kiểu” tùy thuộc vào môi trường xã hội và con người xung quanh. Cùng khám phá các dòng taxi đã hoặc đang trở thành biểu tượng của nơi mà chúng xuất hiện.

1. Mỹ: Checker Marathon

Checker Marathon.
Checker Marathon.

Nhắc đến nền văn hóa Mỹ giai đoạn hậu thế chiến thứ 2, có lẽ không ít người Mỹ sẽ chọn chiếc Checker Marathon làm dòng xe biểu tượng cho giai đoạn này. Dù chỉ tồn tại trong quãng thời gian khá “ngắn ngủi” (sản xuất giai đoạn 1961-1982 và được sử dụng thêm 10 năm sau đó) nhưng mẫu xe lắp ráp tại Michigan đã trở thành hình ảnh khó quên trong tâm trí người Mỹ khi trở thành một phần không thể thiếu của nền văn hóa giai đoạn đó.

Xuất hiện trên vô số áp phích, bảng quảng cáo hay thậm chí phim ảnh từ đó tới giờ.

  • Màu sơn vàng đặc trưng cùng tản nhiệt cỡ lớn đã nhanh chóng trở thành thương hiệu của Marathon nói riêng và taxi tại New York nói chung.
  • Vô hình biến dòng xe này trở thành một trong những dòng xe biểu tượng rõ rệt nhất qua mọi thời đại.

Ngay cả bây giờ bạn cũng không khó để bắt gặp hình ảnh một chiếc Checker Marathon trong các bộ phim mô tả cuộc sống tại New York hay tại bất cứ thành phố lớn nào tại Mỹ trong giai đoạn thế kỷ 20.

2. Mỹ: Ford Crown Victoria

Ford Crown Victoria.
Ford Crown Victoria.

“Người kế thừa” di sản để lại của dòng Checker Marathon, Ford Crown Victoria nhanh chóng được chấp nhận bởi các ưu điểm của mình.

  • Sử dụng khung gầm dạng sát-xi rời tương tự dòng Lincoln Town Car (một trong những mẫu limousine phổ biến vào thời điểm đó) và Mercury Grand Marquis (mẫu xe được giới trung niên hoặc đã nghỉ hưu tại Mỹ ưa chuộng).
  • Crown Victoria kế thừa đặc tính bền, đầy đủ tiện nghi và khá “dễ chịu” cho hành khách ngay cả khi xe đang lưu thông trên các con phố nhộn nhịp, đông đúc của thành phố New York.
  • Dòng xe Ford cũng nhanh chóng được cảnh sát Mỹ lựa chọn ngay sau đó.
  • Crown Victoria cũng đánh dấu mẫu sedan sát-xi rời cuối cùng được lắp ráp tại Bắc Mỹ.

Ngưng sản xuất vào năm 2011, chiếc xe biểu tượng nói riêng và dòng taxi tại Mỹ nói chung phải dần nhường lại sân chơi cho các mẫu xe mới và dịch vụ chia sẻ xe như Uber hay Lyft. Tuy vậy nếu bạn ghé thăm New York hay Philadelphia vào thời điểm này, chắc chắn bạn sẽ vẫn thấy một vài chiếc Crown Victoria còn hoạt động.

3. Mỹ: Toyota Prius

Toyota Prius.
Toyota Prius.

Công cuộc tìm kiếm một dòng taxi “tiết kiệm” hơn dẫn tới sự xuất hiện của chiếc Toyota Prius – một trong những dòng hybrid tiêu biểu trong quãng thời gian 5 năm trở lại đây.

Sở hữu hiệu suất nhiên liệu tốt cùng ưu điểm của một dòng xe hatchback (không gian rộng rãi cho cả hành khách lẫn việc để hành lý), Prius nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới tài xế taxi và cả những người sử dụng dịch vụ này. Hiện tầm phủ sóng của Prius tại các thành phố lớn đã khá rộng.

4. Australia: Ford Falcon

Ford Falcon.
Ford Falcon.

Dòng Falcon tới từ Ford đã trở thành đứa con cưng của nền công nghiệp taxi tại Australia từ nhiều năm qua, vượt mặt đối thủ cạnh tranh Holden Commodore (General Motors).

  • Việc Ford đóng cửa nhà máy tại Australia vào năm 2016 đã gây nên hiệu ứng Domino dẫn tới việc Holden và Toyota cũng đóng cửa dây chuyền lắp ráp tại đây theo.

Giờ đây, cánh tài xế taxi tại Australia đang tìm kiếm các mẫu xe thay thế và dòng Camry, với sự phổ thông của mình, trở thành ứng viên sáng giá nhất.

5. Anh Quốc: Taxi đen – Black Cab

Taxi đen - Black Cab.
Taxi đen – Black Cab.

Hackney carriage (Black Cab) Llà biểu tượng của thành phố London tương tự vai trò của chiếc Checker Marathon với New York.

  • Hình dáng đặc biệt của dòng taxi này đã in đậm trong tâm trí người dân Anh Quốc và những ai từng đến thăm London.
  • Và về mặt nào đó, nổi không kém dòng xe bus 2 tầng, tháp Big Ben hay các bốt điện thoại màu đỏ – những hình ảnh thường được người ta liên tưởng đến khi nhắc về London.

Dù đã thay đổi qua năm tháng nhưng những “giá trị” làm nên dòng taxi đen của London vẫn còn đó: khoang hành khách và buồng lái được tách riêng bởi lớp kính chắn, bán kính quay đầu không quá 8,5m và người lái phải… thuộc lòng toàn bộ 25.000 con phố lớn nhỏ tại thành phố này.

6. Anh Quốc: LTC TX5

LTC TX5.
LTC TX5.

Mẫu taxi đen mới nhất được Anh hợp tác với Trung Quốc lắp ráp có tên TX5. Xe sử dụng động cơ hybrid sạc điện và xanh, sạch hơn rất nhiều bản TX4 hiện tại (vốn đã hết dòng đời 15 năm quy định bởi chính phủ). Dòng xe này ổn định tới mức Geely (tập đoàn mẹ của Volvo và Lotus) muốn sử dụng khung gầm của chính TX5 để làm chuẩn cho các dòng xe khác của họ tại các thị trường đang phát triển như Trung Quốc và châu Á, Nam Mỹ.

7. Đức: Mercedes-Benz E-Class

Mercedes-Benz E-Class.
Mercedes-Benz E-Class.

Chiếc E-Class tới từ MB đã trở thành lựa chọn hàng đầu của cánh taxi tại Đức trong hàng thập kỷ qua. Không quá nổi bật với màu sơn mặc định là xám tro nhưng E-Class sedan (dòng diesel) phục vụ cho mục đích chạy taxi bán chạy tới mức MB quyết định bổ sung luôn cấu hình taxi (nội thất, đồng hồ đo tiêu chuẩn…) vào danh sách tùy chọn cho khách hàng mua xe tại quốc gia này.

Hầu hết các dòng E-Class taxi đang lưu thông trên đường phố Berlin đều thuộc thế hệ hiện hành. Hiếm lắm ta mới có thể bắt gặp một chiếc W210 20 tuổi phục vụ trong đội hình xe taxi dù không phải không có.

8. Trung Quốc: Volkswagen Jetta

Volkswagen Jetta.
Volkswagen Jetta.

Không quá ngạc nhiên khi dòng Jetta – một trong những dòng xe lâu đời nhất và gần như là người “khai mở” thị trường ô tô tại Trung Quốc, đã và đang đóng vai trò không thể thay thế trong ngành công nghiệp taxi của quốc gia này. Hiện vẫn đang chiếm phần lớn lượng xe taxi tại Thượng Hải và Bắc Kinh, Jetta được coi là đối tượng phù hợp bởi chúng đơn giản, rộng rãi và bền.

  • Volkswagen vừa chấm dứt dây chuyền sản xuất cuối cùng cho dòng Jetta thế hệ thứ 2 (ra mắt từ tận năm… 1984) nhưng điều này không thể ngăn cản Jetta tiếp tục củng cố vị thế của mình.
  • Ngay cả các mẫu xe mới hiện đại hơn tới từ Hyundai và Kia, dù được đánh giá là có số ưu điểm không hề thua kém, vẫn không thể tiếp cận vị trí của chiếc sedan Đức.

9. Cộng hòa Séc: Skoda Octovia

Skoda Octovia
Skoda Octovia.

Các hãng taxi tại CH Séc chủ yếu dùng xe nội địa sản xuất trong nước chẳng hạn như 2 dòng Superb và Octavia. Trong đó, cả 2 bản sedan và wagon của Octavia nổi trội hơn cả.

10. Pháp: Taxi tự do

Taxi tự do
Taxi tự do.

Pháp là một trong số các quốc gia hiếm hoi trên thế giới cho phép người lái taxi sử dụng bất cứ dòng xe nào mình muốn miễn là đạt chuẩn lưu thông.

Không giới hạn màu sắc, không giới hạn số ghế (tự do từ 2 tới 9 ghế), các dòng taxi ở đây nhờ thế khá đa dạng, từ phân khúc phổ thông với các dòng xe Peugeot như 3008, hybrid như Toyota Prius, sang trọng như BMW 5-Series hay Mercedes-Benz E-Class hay “điên rồ” như cả Tesla Model S.

11. Ấn Độ: Hindustan Ambassador

Hindustan Ambassador
Hindustan Ambassador.

Dòng xe Morris Oxford không đạt chuẩn taxi tại Anh nhưng tại quốc gia từng là thuộc địa của Anh là Ấn Độ, Oxford đã thống trị phân khúc xe taxi dưới cái tên Hindustan Ambassador trong gần 60 năm trời. Bền, dễ sửa và rộng rãi là những điểm mạnh đã được minh chứng của chiếc sedan 4 cửa.

Mẫu Ambassador cuối cùng lăn bánh ra khỏi nhà máy vào năm 2014 sau 56 năm ròng lắp ráp tại Ấn Độ. Giờ, vẫn còn hàng ngàn chiếc Ambassador lưu thông tại Ấn Độ đặc biệt là tại Kolkata nhưng chúng sẽ sớm bị thay thế bởi các dòng xe mới hơn, hiện đại hơn tới từ Mahindra, Toyota và Tata Motors.

12. Nhật Bản: Toyota Comfort/Crown Comfort

Toyota Comfort/Crown Comfort.
Toyota Comfort/Crown Comfort.

Toyota phát triển dòng xe Comfort (và bản kéo dài Crown Comfort) với đúng một tiêu chí: mang lại sự thoải mái, tiện lợi nhất cho cả hành khách lẫn người lái (đúng như cái tên của mình).

Thiết kế không tuổi đi kèm bộ khung gầm dẫn động cầu sau từng là khung gầm của 2 dòng Lexus IS đầu tiên chính là sự kết hợp mang lại thành công cho Comfort. Tuy nhiên kể từ năm sau, dòng xe này sẽ bị thay thế bởi…

13. Nhật Bản: Toyota JPN Taxi

Toyota JPN Taxi.
Toyota JPN Taxi.

Trong khi dòng Crown mang dáng dấp của một chiếc sedan tới từ những năm 80 của thế kỷ trước, dòng xe JPN Taxi hoàn toàn mới lại sở hữu dáng dấp phần nào đó làm ta liên tưởng tới dòng taxi đen của Anh. Vẫn đặt mục tiêu thân thiện, êm ái và thoải mái lên hàng đầu, Toyota cho biết họ đã chăm chút tới từng chi tiết của JPN Taxi. Ngoài ra hãng cũng không quên chăm chút cho sự an toàn của người ngồi trong xe với 6 túi khí cùng hàng loạt các công nghệ hỗ trợ lái chủ động thường thấy trên các dòng xe du lịch Toyota thời gian gần đây.

JPN Taxi sử dụng hệ thống truyền động hybrid. Dòng xe này sẽ bắt đầu được lắp ráp trong năm 2018.

14. Mexico: Volkswagen Beetle

Volkswagen Beetle.
Volkswagen Beetle.

Volkswagen Beetle trở thành dòng xe taxi tiêu chuẩn của Mexico City – thủ phủ của Mexico từ năm 1972 nhờ tính kinh tế hơn hẳn so với các dòng sedan V8 cỡ lớn tới từ Mỹ vào thời điểm đó. Hàng trăm ngàn chiếc Beetle được sản xuất tại chính quốc gia này đã lưu thông trên đường phố Mexico City từ đó tới nay và hình ảnh chú cánh cam đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của không ít người dân địa phương.

Tuy vậy, cho tới năm 2002, sự thống trị của Beetle đã bắt buộc phải dừng lại sau khi chính quyền Mexico bắt bộc các dòng taxi phải có 4 cửa vì lý do an toàn và thực tiễn – trùng hợp đúng thời điểm thế hệ Beetle lúc đó ngưng sản xuất. Chiếc taxi Beetle tại Mexico “nghỉ hưu” vào năm 2012 – thời điểm hạn sử dụng 10 năm của chúng kết thúc. Thay thế vị trí của dòng xe Volkswagen giờ là chiếc Nissan Tsuru.

15. Malaysia: Proton Saga

Proton Saga.
Proton Saga.

Chưa bao giờ được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ nhưng bù lại Proton Saga ăn điểm ở khoản chở khách từ A tới B một cách ổn định với độ tiện lợi khá cao.

  • Dòng xe này chiếm gần như toàn bộ thị phần xe taxi trong giai đoạn 1990 – 2000 tại Malaysia với nội thất và khoang hành lý rộng rãi.

Tuy nhiên cũng chính vì thế mà hình ảnh Saga không được tốt trong mắt bạn bè quốc tế vì đi kèm cụm từ “taxi Malaysia”, đơn giản bởi cánh tài xế ở đây nổi tiếng với thái độ phục vụ kém, thậm chí kém nhất trên toàn cầu.

Xe “taxi Malaysia” còn phân ra loại màu, tùy theo nhu cầu của khách hàng. Được biết:

  • Taxi màu xanh lam: Đây là loại Taxi cao cấp, luôn đi đúng đường và dường như không lo vấn đề chặt chém giá. Nhưng mặt khác, giá trung bình của loại giá taxi này được biết là cao nhất.
  • Taxi màu đỏ và taxi vàng là 2 loại taxi bình dân: Loại taxi này thường xuất hiện phổ biến ở thành phố và được khách du lịch sử dụng nhiều nhất, bởi giá thành rẻ. Tuy nhiên, loại taxi này thường đi lòng vòng, để kiếm Km và ăn thêm tiền của khách du lịch.
  • Taxi Uber, Grab: Độ an toàn cao, giá rẻ hơn taxi màu đỏ và vàng, không lo chặt chém.

16. Morocco: Mercedes-Benz W123

Mercedes-Benz W123.
Mercedes-Benz W123.

Vào giai đoạn những năm 90, cánh tài xế taxi tại Ma-rốc đã mua lại hàng loạt Mercedes-Benz W123 cũ từ người tiêu dùng châu Âu vào thời điểm đó. Độ bền bỉ đáng kinh ngạc của dòng 240D đã thuyết phục được họ và nhìn chung là toàn bộ người yêu xe tại khu vực Địa Trung Hải lúc đó. Mỗi chiếc 240D lúc đó thậm chí có thể chở được 6 người, 2 trước 4 sau nhờ một chút chỉnh sửa (nâng vị trí hệ thống treo phía sau lên một chút, thay thế một số chi tiết bằng bản tương tự lấy từ dòng 190D).

Tuy vậy, sự tồn tại của W123 tại Ma-rốc nhìn chung không được lâu. Nhận thấy những mối nguy khó lường cho an toàn giao thông cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, chính quyền quốc gia này mới đây đã tuyên bố buộc giới taxi phải tiêu hủy chúng và thay vào đó khuyến khích dòng xe lắp ráp nội địa tới từ Dacia là Lodgy.

17. Peru: Daewoo Tico

Daewoo Tico
Daewoo Tico.

Không khó để bắt gặp một chiếc Daewoo Tico trên đường phố Peru. Dù sở hữu kích thước tí hon nhưng nhờ việc trục bánh xe sau được đẩy sát đuôi hết mức có thể, không gian nội thất trên chiếc xe Daewoo không quá bé như những gì người ta thường tưởng tượng khi nhìn thấy dòng xe này lần đầu tiên.

18. Philipines: Xe Jeepney

Nếu Thái Lan có xe tuk tuk, Indonesia có xe becak thì Philippines cũng có nét đặc trưng riêng với những chiếc jeepney cải tiến từ xe jeep của quân đội Mỹ.

  • Nguồn gốc của xe jeepney là từ Austin 7, đây cũng là một trong những tiền thân của xe Jeep.
  • Quân đội Mỹ đã đến Philippines vào đầu Thế chiến thứ hai và bỏ lại những chiếc xe này.
Xe Jeepney.
Xe Jeepney.

Những chiếc xe Jeep bị thay đổi hoàn toàn thân hình:

  • Mái kim loại được thêm vào để tạo bóng mát;
  • Trang trí thêm các đồ vật có màu sắc rực rỡ với mạ chrome ở hai bên và mui xe.
  • Phần sau được thiết kế lại với hai băng dài song song với hành khách quay mặt vào nhau để chứa nhiều hành khách hơn.
  • Kích thước, chiều dài và sức chứa hành khách đã tăng lên từng năm. Sau đó, nó đã được Chính phủ Philippnes sửa đổi, quy định chỉ có thể chứa từ tám đến mười người, vượt quá sức chứa hành khách bình thường của những chiếc Austin 7, hay Jeep.

Xe Jeepney được xuất khẩu sang Papua New Guinea để thay thế xe buýt và xe tải nhập khẩu quá đắt ở Philippines. Đã có hơn 4.000 xe Jeepney đã được xuất khẩu sang Papua New Guinea vào năm 2004.

Nhược điểm và sự tồn vong:

  • Ngành công nghiệp xe Jeepney đã phải đối mặt với những mối đe dọa đến sự tồn vong của nó.
  • Hầu hết các nhà sản xuất lớn đã phá sản hoặc chuyển sang sản xuất các sản phẩm khác, trong đó các nhà chế tạo nhỏ hơn buộc phải ngừng kinh doanh.
  • Xe jeepney chở khách cũng đang phải đối mặt với những hạn chế và quy định ngày càng tăng về kiểm soát ô nhiễm, vì chúng tiêu thụ nhiều nhiên liệu.

Điều đặc biệt:

  • Một chuyến đi với Jeepney chỉ tốn khoảng 9 peso (hơn 4.000 đồng), rẻ hơn đi tàu hỏa, taxi.

19. Thụy Điển: Volvo

Volvo.
Volvo.

Các dòng xe Volvo chiếm đa số xe lưu thông ở Thụy Điển chứ không riêng gì trong lĩnh vực taxi. Tại các gara tư nhân, sở cảnh sát, bệnh viện… không đâu tại Thụy Điển là ta lại không bắt gặp logo Volvo. Cánh tài xế taxi đã bắt đầu sử dụng xe Volvo từ năm 1930 – thời điểm thương hiệu này chính thức lắp ráp xe phục vụ mục đích chở khách và kéo dài tới tận bây giờ. Hiện, 2 dòng V90 và XC60 đang rất được giới lái taxi ở đây ưa chuộng.

20. Thái Lan: Xe Tuk Tuk

Tên “Tuk Tuk” của xe lấy từ 1 âm từ động cơ của Nhật Bản cách đây 60 năm về trước. Và tới ngày nay, xe Tuk Tuk ở Thái Lan đã có những nét riêng hơn và đạt hiệu suất tốt hơn, nó có thể chạy bằng năng lượng LGP hoặc năng lượng điện. Trên các con phố của Thái Lan có tổng 4.000 chiếc xe Tuk Tuk.

Xe Tuk Tuk.
Xe Tuk Tuk.

Xe Tuk Tuk có nguồn gốc từ nhiều loại xe, nhiều loại mẫu mã phù hợp với sở thích của người sở hữu.

  • Một trong số đó là xe SPG3 theo kiểu mẫu của Nhật Daihatsu Midget những năm 1957; hay Xe tuk tuk màu đổ ở Phuket theo mẫu xe nhật Daihatsu hoặc trang trí theo kiểu đáng yêu của mỗi tỉnh theo kiểu mẫu nhật Midget MP4.
  • Xe Tuk Tuk loại taxi có giá 5.660 USD, loại khách sạn có giá 6.350 USD. Xe Tuk Tuk thiết kế riêng có giá 5.000 USD và nếu muốn sở hữu phải đợi sau 7 ngày mới được nhận xe. Nhưng hiện tại chính phủ Thái Lan không cho đăng kí xe tuk tuk theo sở hữu cá nhân.

21. UAE: Toyota Camry

Toyota Camry.
Toyota Camry.

 Chiếc Camry chạy taxi ở các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất phổ biến tới nỗi người mua xe Camry tại đây phải cân nhắc có nên mua 1 chiếc xe với danh tiếng “gắn liền cùng taxi” như vậy hay không. Ngoài các dòng xe xăng truyền thống, hiện cũng có tới hơn 1.000 chiếc Camry tại Dubai sở hữu hệ thống truyền động hybrid.

22. Việt Nam: Toyota Vios (Nay)

Toyota Vios hiện đang được mệnh danh là Vua doanh số ở nước ta và là “con cưng” của Toyota Nhật Bản tại thị trường Châu Á. Tuy nhiên, Vios không “sinh ra” tại Nhật mà “chào đời” tại Thái Lan – láng giềng của nước ta.

Chiếc Vios đầu tiên được sản xuất tại nhà máy Toyota Geteway Plant Thái Lan vào năm 2002. Do được sản xuất tại Thái Lan nên đây cũng chính là đất nước được Toyota chọn làm điểm ra mắt Vios đầu tiên trên thế giới. Sau đó, Vios được giới thiệu tại 1 quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia.

Kể từ lần đầu ra mắt tại Việt Nam năm 2003, chiếc xe Vios luôn đổi mới, và nâng cấp với những trang bị ngày một hoàn thiện hơn. Bốn năm sau lần đầu ra mắt, Toyota Vios nâng cấp lên thế hệ thứ hai và nhận được rất nhiều sự quan tân từ phía người tiêu dùng.

Toyota Vios thế hệ thứ 2
Toyota Vios thế hệ thứ 2

Toyota Vios là vua doanh số (chủ yếu chạy dịch vụ) ở Việt Nam bởi vì:

  • Giá cả phù hợp với tiêu chí bền – an toàn – dễ thay thế, sửa chữa (dưới 600 triệu).
  • Xe dễ lái, phù hợp với nhiều người mới.
  •  Độ thực dụng, khả năng vận hành bền bỉ, tiết kiệm nhiên liệu và giá trị sử dụng cao.
Toyota Vios 2020, thế hệ mới - Thiết kế gần giống với mẫu xe Camry
Toyota Vios 2020, thế hệ mới – Thiết kế gần giống với mẫu xe Camry

23. Việt Nam: Xe Lam (Xưa)

Xe lam là tên gọi tiếng Việt của xe 3 bánh. Một thời là một phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Việt Nam, nhất là ở miền Nam Việt Nam từ thập niên 1960, dành cho người lao động bình dân.

  • Tên gọi xe lam xuất hiện từ thời đó, do dùng kiểu Lambro do thuộc dòng xe Lambretta sản xuất ở Ý. Sau này xe được người dân tự chế với các động cơ nhập hoặc dùng động cơ xe máy khác.
  • Đây là loại xe thùng nhỏ có 3 bánh xe, gồm một cabin cho tài xế ngồi lái phía trước và một thùng xe để chở khách hay chở hàng phía sau, có thể chở từ 8 đến 10 hành khách.
Xe Lam 3 bánh
Xe Lam 3 bánh.
  • Phân chia 3 bánh thì một bánh xe đặt phía trước, người lái có thể điều khiển để quẹo trái hay phải, còn hai bánh sau chịu đựng phần thùng xe. Dưới ghế ngồi của tài xế là thùng đặt máy xe.
  • Tên gọi xe lam có nguồn gốc từ các dòng xe 3 bánh của Lambretta FD (dung tích xy lanh 123 và 150 cc), FLI (175 cc) và sau đó là Lambro 200, 550 (đều có dung tích 198 cc) do công ty cơ giới Innocenti chế tạo.

Các dòng xe Lam này lần lượt được nhập vào Việt Nam vào giữa thập niên 1960 để thay thế xe thổ mộ vẫn còn được lưu hành vào khoảng thời gian đó.

  • Thời vàng son của xe Lam là khoảng thời gian sau khi đất nước Việt Nam giải phóng năm 1975 do các phương tiện cơ giới khác bị thiếu xăng hoặc thiếu phụ tùng thay thế không sử dụng được.
  • Tại Việt Nam, từ năm 2004, sau khi Nghị định 23/2004/NĐ-CP ban hành (Nghị định quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại ô tô tải và ô tô chở người tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ), xe lam bị hạn chế và dần bị cấm hẳn.
  • Tuy nhiên, đến năm 2020, hiện vẫn còn 10 chiếc xe lam Dasu của tuyến 37 (đi từ cảng quận 4 đến Nhà Bè) vẫn được hoạt động do tuyến đường vẫn còn nhiều cầu sắt nhỏ.
  • Đời cuối xe Lam có tên Lambro 550 (cc).

Những chiếc “Lam Taxi” này đã hòa vào với giòng xe Renault 4, Renault 8 hoặc Dauphine hay Simca (của Pháp) trước đó để làm thành một hình ảnh khá sinh động và nhộn nhịp cho hình ảnh Thủ Đô Sài Gòn thời xưa. Nhiều người Sài Gòn khi ấy rất thân thương với xe này và Nhạc sĩ Vinh Sử đã sáng tác nhạc phẩm “CHUYẾN XE LAM CHIỀU” để khơi gợi nỗi nhớ dung về bóng hình chiếc xe Lam thuở ấy.


Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn

Thông Tin Cá Nhân

NamNữ

Trình Độ Học Vấn

Thông tin chung

Kỹ thuật viên sửa chữa chungKỹ thuật viên sơnKỹ thuật viên đồngKỹ thuật viên điệnChăm sóc, làm đẹp, Detailing ô tôCố vấn dịch vụBán hàng (Sales)Nhân viên phụ tùngThiết kếMarketingKiểm soát chất lượng (PDI)Quản đốc xưởngTrưởng/phó phòng dịch vụTrưởng/phó phòng kinh doanhTrưởng/phó phòng kỹ thuậtGiám đốc điều hànhChưa có kinh nghiệmKhác