(News.oto-hui.com) – Sau khi thảm họa Fukushima đã cắt đứt chuỗi cung ứng của Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới này nhận ra rằng thời gian sản xuất các chất bán dẫn là quá dài để có thể ứng phó với cú sốc lớn. Và giờ đây là tình trạng thiếu hụt chip của ngành ôtô.
Toyota Motor có thể là hãng tiên phong trong chiến lược sản xuất tức thời, nhưng khi nói về chip, quyết định của “ông lớn” này trong việc dự trữ những linh kiện chủ chốt trong sản xuất ôtô đã xuất phát từ thảm họa Fukushima cách đây 10 năm.
Sau khi thảm họa hạt nhân ngày 11/3/2011 đã cắt đứt chuỗi cung ứng của Toyota, nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới này nhận ra rằng thời gian sản xuất các chất bán dẫn là quá dài để có thể ứng phó với các cú sốc lớn như thiên tai.
Vì vậy, Toyota đã tính tới một kế hoạch đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh, theo đó yêu cầu các nhà cung cấp phải dự trữ ở bất cứ đâu lượng chip đủ để sử dụng trong 2-6 tháng cho hãng này, phụ thuộc vào khoảng thời gian từ khi đặt hàng đến khi giao hàng.
Đó là lý do mà Toyota hầu như không hề bị ảnh hưởng giữa lúc thiếu hụt các sản phẩm bán dẫn trên toàn cầu sau khi nhu cầu đồ điện tăng mạnh do tình trạng phong tỏa để phòng dịch COVID-19, trong khi sự khan hiếm này đã buộc nhiều đối thủ của Toyota phải tạm ngừng sản xuất.
Loại chip đang đặc biệt khan hiếm hiện nay là bộ vi điều khiển (MCU), bộ phận điều khiển một loạt các chức năng như phanh, tăng tốc, đánh lái…Tuy nhiên, Toyota đã thay đổi cách mua MCU và các loại microchip khác sau thảm họa Fukushima. Sau sự kiện đó, Toyota đã lập ra một danh sách 500 linh kiện và phụ tùng ưu tiên cần đảm bảo nguồn cung trong tương lai.
Thế nhưng thiên tai không phải là mối đe dọa duy nhất. Các nhà sản xuất ôtô lo ngại rằng nguồn cung chip sẽ bị gián đoạn nhiều hơn vì nhu cầu gia tăng khi các sản phẩm ô tô được số hóa nhiều hơn và đi theo xu hướng xe điện, cũng như ngành sản xuất ôtô sẽ đối mặt với sự cạnh tranh để có được nguồn cung chip ngày càng khốc liệt hơn từ các nhà sản xuất điện thoại thông minh, máy tính, máy bay và cả robot.
Các nguồn tin cho hay Toyota còn có một lợi thế khác so với các đối thủ của mình khi nói đến chip, nhờ chính sách được áp dụng lâu nay, trong đó đòi hỏi công ty này phải hiểu tất cả các công nghệ được sử dụng trong ôtô mà mình sản xuất, thay vì để các nhà cung cấp tạo ra các “hộp đen.”
Bên cạnh việc duy trì phương pháp “không hộp đen” này, Toyota đã từng xây dựng một sự hiểu biết chuyên sâu về các sản phẩm bán dẫn để chuẩn bị cho sự ra mắt thành công chiếc xe lai Prius vào năm 1997.
Nhiều năm trước đó, Toyota đã chiêu mộ nhiều anh tài từ ngành chip và mở một nhà máy bán dẫn vào năm 1989 để góp phần thiết kế và sản xuất MCU được dùng để điều khiển hệ thống truyền lực của Prius.
Toyota đã tự thiết kế và sản xuất sản phẩm MCU và các loại chip khác trong 30 năm cho đến khi chuyển lại nhà máy sản xuất chip cho Denso vào năm 2019.
Các nguồn tin cho rằng bên cạnh các hợp đồng nhằm duy trì tính liên tục trong cung ứng, thì chính việc Toyota sớm có kiến thức chuyên môn sâu về quá trình thiết kế và sản xuất bán dẫn là một nguyên nhân lớn giúp “ông lớn” này có thể tránh được tác động từ tình trạng thiếu hụt chip hiện nay.
Bài viết liên quan:
- Sản xuất ô tô toàn cầu có thể tạm dừng vì thiếu vật liệu làm ghế xe
- Mazda có thể cắt giảm sản lượng sản xuất ô tô trong hai tháng tới
- Chất bán dẫn: Cuộc khủng hoảng mới trong sản xuất ô tô toàn cầu