(News.oto-hui.com) – Hà Nội đã đưa ra phương án đề xuất thu phí ô tô vào nội đô với mức phí cao nhất 60.000 VNĐ nhằm giảm tắc nghẽn giao thông. Thế nhưng, việc thu phí này có cải thiện tình trạng bức xúc bấy lâu nay hay không vẫn còn khiến nhiều người hoài nghi.
1. Đã có phương án đề xuất thu phí ô tô vào nội đô kể từ năm 2025
Hà Nội đã đề xuất phương án thu phí ô tô vào nội đô. Theo đó, có 87 trạm thu phí được đề xuất đặt bên trong ranh giới vành đai 3, nằm trên các trục đường hướng tâm vào trung tâm thành phố. Một số vị trí dự kiến đặt tại nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, Nút giao Big C Thăng Long, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Giải Phóng, Cổ Linh – cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công, cầu Đông Trù, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì…
Theo lộ trình triển khai, việc tiến hành thu phí ô tô vào nội đô sẽ bắt đầu vào năm 2025. Cụ thể, Đề án chia theo các giai đoạn, trong đó năm 2021-2025 là giai đoạn hoàn thiện đề án, ban hành mức phí; năm 2025-2030 sẽ tổ chức thu phí thí điểm tại một số vị trí. Cuối cùng sẽ là giai đoạn tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện.
2. Mức phí ô tô vào nội đô cao nhất là bao nhiêu?
Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) đã đưa ra mức phí dự kiến. Theo đó, xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ khi đi vào nội đô qua các trạm thu phí sẽ phải đóng từ 25.000đ – 60.000đ/lượt; xe ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại được đề xuất mức thu từ 15.000đ -40.000đ/lượt.
Thời gian thu là từ 5h-21h hàng ngày, có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm (giờ cao điểm sáng từ 6h00-9h00, chiều từ 16h00-19h30). Như trên đã nói, việc thu phí ô tô vào nội đô dự kiến được thực hiện từ năm 2025.
Xe taxi sẽ là đối tượng được ưu tiên, do taxi là phương thức vận tải bán công cộng, sẽ không phải chịu phí hoặc chịu mức phí thấp. Ngoài ra, xe ô tô khách thương mại dù có tác dụng vận chuyển tập trung nhiều người dân cùng lúc, song vẫn là đối tượng phải nộp phí, với mức thu thấp hơn so với xe con cá nhân.
Những đối tượng được miễn thu phí là xe ô tô của người dân, cơ quan, tổ chức trong khu vực thu phí có chính sách miễn giảm. xe ưu tiên theo quy định hiện hành, bao gồm xe cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe quân đội,…; xe công vụ; xe buýt công cộng. Mặc dù được miễn phí nhưng các loại xe này vẫn phải đăng ký trong hệ thống, được lắp thiết bị trên xe và cài đặt chế độ miễn thu phí để đảm bảo phân biệt với các loại xe ô tô cùng chủng loại những vẫn phải chịu phí.
Đề án thu phí chủ yếu nhắm vào các xe ô tô cá nhân di chuyển từ bên ngoài vào khu vực thu phí (trong vành đai 3) nhằm hạn chế số lượng phương tiện, thay đổi hành vi lựa chọn phương tiện đi lại để hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
3. Thu phí ô tô vào nội đô liệu có giúp giảm tắc nghẽn giao thông?
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc xây dựng 87 trạm thu phí là nhằm mục tiêu giảm số lượng xe ô tô đi vào nội đô, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Cụ thể, thu phí xe ô tô vào nội đô được cho là sẽ giúp thay đổi hành vi sử dụng phương tiện giao thông và văn hóa giao thông của người dân.
Các phương tiện vận tải công cộng sẽ được lựa chọn thay vì ô tô cá nhân. Những chuyến đi không cần thiết có thể được giảm bớt. Điều này sẽ giúp giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Hà Nội.
Tính toán cho thấy khi chính thức áp dụng thu phí ô tô vào nội đô, lưu lượng giao thông trên các trục chính sẽ giảm từ 8 – 30%, trung bình khoảng 12 – 18%, từ đó giúp giảm khoảng 356.600 tấn CO2/năm tại Hà Nội, cải thiện chất lượng không khí.
Tuy vậy, nhiều người đang hồ nghi mục đích giảm tắc nghẽn giao thông liệu có thành công, khi tình trạng tắc đường vẫn chưa rõ nguyên nhân. Hay nói đúng hơn, tình trạng tắc đường xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó không chỉ ô tô mà cả xe máy, cả ý thức tham gia giao thông của người dân cũng là những nguyên nhân góp phần gây tắc nghẽn giao thông ở đô thị, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Hạ tầng giao thông kém, mật độ dân cư cao và hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến tắc nghẽn giao thông ở đô thị.
Theo Đề án quản lý xe cá nhân, đến năm 2030 thành phố Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành, tuy nhiên do số lượng ô tô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, nên việc đưa ra phương án thu phí vào nội đô để giảm lượng ô tô trong khu vực trung tâm được cho là “rất cần thiết”.
4. Tại sao không có đề xuất thu phí ô tô vào nội đô ở TP. HCM?
Dự án thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội vẫn đang gây nhiều trang cãi, thì mới đây, dự án thu phí ô tô vào nội đô TP.HCM đã được tái khởi động. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải vừa báo cáo UBND TP HCM việc lập dự án thu phí ô tô vào khu trung tâm.
Đáng chú ý, TP.HCM từng nhiều lần đưa ra đề xuất thu phí ô tô vào khu vực trung tâm, nhưng chưa bao giờ được thực hiện. Năm 2010, dự án thu phí ô tô vào khu trung tâm thành phố đã được đưa ra. Theo đề án lúc đó, 36 cổng thu phí tự động được xây trên các tuyến đường bao quanh quận 1, 3 và vùng giáp ranh với quận 5, 10. Các cổng được lắp đặt thiết bị tính phí và camera chuyên dụng nhận dạng các loại xe. Tuy nhiên, dự án sau đó bị ngưng do gặp nhiều ý kiến phản đối của chuyên gia, dư luận.
Năm 2019, đề xuất thi phí ô tô vào trung tâm thành phố tiếp tục được đưa ra với việc đầu tư 34 cổng thu phí ô tô vào trung tâm. Tuy vậy, đề xuất hiện vẫn chưa được triển khai.
Bài viết liên quan:
- 10 thành phố có mật độ giao thông cao nhất trên thế giới
- Hệ thống Autopilot của Tesla: Bó tay với giao thông ở Việt Nam
- Bộ giao thông vận tải tăng thời gian kiểm định ô tô kinh doanh vận tải đến 9 chỗ ngồi