(News.oto-hui.com) – Việc Thái Lan và Indonesia tập trung phát triển thị trường xe điện Đông Nam Á đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và Hàn Quốc tiến vào.
Khi Great Wall Motor tung ra mẫu xe thể thao đa dụng Hybrid Haval H6 tại Thái Lan vào tháng trước, khẩu hiệu cho buổi ra mắt là “Đã đến lúc phải thay đổi”. Điều này dường như là lời thách thức đối với các hãng xe Nhật Bản, vốn gần như độc quyền tại thị trường Đông Nam Á, theo Asia Nikkei.
Great Wall nằm trong số các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc đang tận dụng nỗ lực của Thái Lan và Indonesia để thúc đẩy sự phát triển của xe điện, đe dọa đến vị thế của các công ty Nhật Bản.
Khoảng 90% xe được sản xuất và bán tại Thái Lan đến từ các nhà sản xuất Nhật Bản, nhưng phần lớn chúng đều chạy bằng xăng. Great Wall dường như sẽ tạo dựng được chỗ đứng với 9 dòng xe điện khí hóa trong vòng ba năm tới, trong đó có một số dòng xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Công ty của Trung Quốc đã tiến vào thị trường Thái Lan với việc mua lại một nhà máy vào năm ngoái từ General Motors. Great Wall đã đầu tư hơn 700 triệu USD để biến cơ sở này thành một nhà máy thông minh với dây chuyền sản xuất sử dụng trí tuệ nhân tạo, bắt đầu sản xuất xe hybrid vào tháng 6 và dự kiến bắt đầu sản xuất các mô hình khác vào năm 2023.
Ngoài ra, chính phủ Thái Lan cũng cung cấp chương trình miễn thuế doanh nghiệp trong vòng 8 năm cho các dự án xe điện. Nước này đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có khoảng 30% xe điện được sản xuất trong nước.
“Chúng tôi sẽ trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện ở Thái Lan và hợp tác để thúc đẩy ngành công nghiệp này”, Zhang Jiaming, người đứng đầu chi nhánh của Great Wall tại Thái Lan và Đông Nam Á cho biết.
Thái Lan, một trong những thị trường ô tô lớn nhất Đông Nam Á lại tỏ ra tương đối chậm chạp trong việc sản xuất ô tô điện. Năm ngoái, chỉ có khoảng 1.400 chiếc xe điện được bán tại Thái Lan, trong đó khoảng 60% là hàng nhập khẩu do SAIC Motor sản xuất. Công ty có trụ sở tại Thượng Hải dự định sản xuất xe điện tại Thái Lan thông qua liên doanh với tập đoàn Charoen Pokphand Group.
Các sản phẩm xe điện của Nhật Bản chỉ giới hạn ở một số mẫu xe nhập khẩu như Leaf của Nissan Motor và những mẫu xe thuộc thương hiệu xe sang Lexus của Toyota Motor. Mặc dù Mitsubishi Motors dường như sẽ bắt đầu sản xuất xe điện ở Thái Lan vào năm 2023, nhưng nhìn chung xe hybrid vẫn được ưa chuộng do nguồn thu nhập ở Thái Lan vẫn ở mức thấp và thiếu hệ thống sạc xe.
“Các công ty Trung Quốc chắc chắn sẽ giành được thị phần bằng những phương tiện giá rẻ”, ông Hajime Yamamoto đến từ Viện nghiên cứu Nomura cho biết. Great Wall ban đầu sẽ nhập khẩu chính mẫu xe điện của mình mang tên Ora, với giá bán dưới 10.000 USD ở Trung Quốc. Doanh nghiệp này dự kiến sẽ chuyển sang sản xuất xe tại Thái Lan sau khi nhu cầu tăng lên.
Tại Indonesia, một thị trường ô tô lớn khác của Đông Nam Á, Hyundai Motor chuẩn bị đưa vào một nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD cho các phương tiện chạy bằng năng lượng điện trong năm nay.
Hyundai quyết định tiếp tục thực hiện dự án này vào tháng 11/2019, cùng thời điểm Indonesia và Hàn Quốc ký thỏa thuận đối tác kinh tế. Thỏa thuận này giúp các phụ tùng ô tô từ Hàn Quốc được miễn thuế, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc cạnh tranh bình đẳng với các nhà sản xuất Nhật Bản.
Năm 2019, chính phủ Indonesia đặt mục tiêu các loại xe điện chiếm 20% sản lượng ô tô của cả nước. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trước đó đã mở rộng sản xuất sau khi chính phủ bắt đầu cung cấp các ưu đãi vào năm 2013 và đang bắt tay vào một vòng đầu tư lớn khác. Điều này cho phép Hyundai có cơ hội để nhảy vào cuộc chơi.
Cả Bangkok và Jakarta đều tỏ ra thất vọng với việc các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản miễn cưỡng tham gia vào cuộc đua trong lĩnh vực xe điện.
Khi chính phủ Thái Lan bắt đầu cân nhắc một mục tiêu lớn hơn, bộ phận ô tô của Phòng Thương mại Nhật Bản ở Bangkok đã thúc giục các doanh nghiệp cần tiếp cận một cách thận trọng hơn theo từng giai đoạn.
Mặc dù vậy, nếu các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản không theo kịp các khoản đầu tư của các đối thủ đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc, họ có nguy cơ thua lỗ như các nhà sản xuất thiết bị gia dụng và điện thoại di động Nhật Bản trước đây.
Nói thêm, về phía Việt Nam, hãng xe VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng chọn ô tô điện là động lực tăng trưởng chính trong tương lai. Song khác với Great Wall Motor hay Hyundai, VinFast lại tìm đến các thị trường xa hơn như Bắc Mỹ, châu Âu.
Riêng tại thị trường Đông Nam Á, đến nay ngoài Việt Nam, VinFast mới chỉ có showroom tại Lào. Do đó, có thể thời gian tới, hãng xe Việt có khả năng chịu sức ép lớn trên mảng kinh doanh xe điện ngay tại khu vực ASEAN, trong bối cảnh các ông lớn Hàn Quốc, Trung Quốc đẩy mạnh khai thác thị trường này.
Bài viết liên quan:
- Hơn 8.100 cổng sạc ô tô, xe máy điện VinFast đã được lắp đặt tại 60 tỉnh thành
- Sạc VinFast và sạc Tesla: Liệu có thể “râu ông nọ cắm cằm bà kia” được không?
- Các nước Đông Nam Á (trừ Việt Nam) có chính sách ưu đãi xe điện như thế nào?