Báo Thanh Niên

Thuế nhập khẩu linh kiện về 0% từ 10/7, giá ô tô nội có giảm?

(News.oto-hui.com) – Bắt đầu từ 10.7, thuế thuế nhập khẩu linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước giảm về 0%… Chính sách này được nhiều người kỳ vọng sẽ góp phần giúp ô tô lắp ráp trong nước giảm giá bán. Nhưng thực sự giá ô tô nội có giảm?

Sau khi lệ phí trước bạ chính thức giảm 50% từ ngày 28.6, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tiếp tục có cơ hội giảm giá bán, khi thuế nhập khẩu nhiều loại linh kiện để lắp ráp ô tô mà trong nước chưa sản xuất được sẽ chính thức giảm về mức 0%.

Thuế nhập khẩu linh kiện ô tô về 0% từ 10.7

Sau khi được Chính phủ ban hành, Nghị định 57/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 10.7. Nghị định 57/2020/NĐ-CP gồm nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định 125/2017.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 7b được bổ sung của Nghị định 57/2020, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% áp dụng từ ngày 10.7 đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (gọi tắt là sản phẩm CNHT ô tô).

Như vậy, từ 10.7 thuế suất thuế nhập khẩu nhiều loại linh kiện để lắp ráp ô tô mà trong nước chưa sản xuất được sẽ chính thức giảm về mức 0%. Theo Nghị định 57/2020, ngoài các doanh nghiệp (DN) sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô, chính sách này cũng áp dụng với các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô. Loại nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu thuộc hiện hưởng thuế nhập khẩu 0% phải đáp ứng các điều kiện tại Nghị định 57/2020 và các quy định liên quan.

Trả lời phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Đồng – Thạc sĩ chuyên ngành ô tô từng có thời gian dài làm việc cho một tập đoàn xe hơi tại Đức cho biết:

“Việc miễn thuế nhập khẩu đối với một số, nguyên liệu, linh kiện lắp ráp ô tô mà trong nước chưa sản xuất được là một chính sách hợp lý của Chính phủ để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô trong nước nhất là sau giai đoạn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”.

Trong khi đó, Giám đốc một đại lý phân phối ô tô tại TP.HCM cho rằng, việc giảm thuế linh kiện nhập khẩu về 0% sẽ giúp DN lắp ráp trong nước giảm chi phí. Chính sách này cũng phần nào thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN vốn đã được hưởng thuế nhập khẩu 0% theo nội dung Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Giá ô tô nội liệu có giảm?

Về lý thuyết, nguyên, vật liệu linh kiện linh kiện nhập khẩu là một trong những yếu tố cấu thành giá ô tô. Vì vậy, khi thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu linh kiện được miễn giảm, giá ô tô sẽ hạ nhiệt. Đây cũng chính là kỳ vọng của người tiêu dùng ô tô khi Nghị định 57/2020 chính thức có hiệu lực.

Thuế nhập khẩu linh kiện về 0% từ hôm nay 10.7, giá ô tô ‘nội’ có giảm? - ảnh 5

Về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng bày tỏ quan điểm:

“Về nguyên tắc, khi thuế nhập khẩu linh kiện giảm, giá ô tô trong nước sẽ giảm so với trước đây. Tuy nhiên, để ước tính cụ thể mức giảm giá xe lắp ráp bao nhiêu phần trăm là không đơn giản. Bởi mỗi chiếc xe được cấu thành từ hàng trăm, hàng ngàn linh kiện, mỗi linh kiện đóng góp tỉ lệ khác nhau vào việc cấu thành giá xe. Bên cạnh đó, còn tùy thuộc vào mỗi loại xe của mỗi DN họ sẽ nhập những linh kiện nào”.

Ngoài ra theo ông Nguyễn Minh Đồng, việc thuế nhập khẩu một số nguyên vật liệu, linh kiện giảm về 0% nhưng giá ô tô lắp ráp trong nước có giảm hay không còn phụ thuộc vào doanh nghiệp lắp ráp, kinh doanh ô tô trong nước.

Thực tế, hầu hết các DN lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước cho rằng, ở thời điểm hiện tại thậm chí là trong vài tháng tới, khi thuế nhập khẩu một số nguyên vật liệu, linh kiện giảm về 0%, giá ô tô lắp ráp trong nước cũng khó có thể giảm ngay. Bởi các hãng xe lắp ráp trong nước đã có kế hoạch sản xuất – kinh doanh cho cả năm. Trong đó, kế hoạch mua linh kiện nhập khẩu để sản xuất lắp ráp đã lên kế hoạch trước đó.

Bên cạnh đó, về lâu dài việc áp dụng điều kiện sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu mà doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước cần đạt được để được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện cũng khiến cơ hội giảm giá của nhiều mẫu xe “nội” bị thu hẹp. Bởi ngoài một số DN có quy số, số lượng sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước lớn và bán chạy như Trường Hải (THACO), Toyota hay TC Motor… thì các DN còn lại đều phải nỗ lực đẩy mạnh lắp ráp mới hy vọng đạt được. Nhất là trong tình cảnh hiện tại sức mua trên thị trường ô tô vẫn bị ảnh hưởng do người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu sau đại dịch Covid-19.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, Chính phủ cần có chính sách đồng bộ, ổn định hơn mới hy vọng phát triển được ngành công nghiệp ô tô trong nước.


Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn