Kỹ sư ô tô – Ra trường làm việc ở đâu? Ngoài hãng và Garage, còn những môi trường nào?
(News.oto-hui.com) – Mỗi năm, có hơn 15.000 sinh viên ngành ô tô tốt nghiệp mới. Nhưng cũng có hơn một nửa trong số đó đã không thể tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình theo những gì mình đã học. Một trong những lý do dẫn đến thực trạng đáng buồn này đó là chúng ta “Thiếu được định hướng” và chưa thực sự hiểu ngành. Vậy kỹ sư ô tô ra trường, có những nơi làm việc nào là phù hợp?
Thứ nhất: Số đông các bạn hiện nay đều nghĩ rằng: “Học ô tô là chúng ta chỉ làm về ô tô“
Chính vì hiểu khái niệm về ô tô theo nghĩa hẹp như vậy, nên đã vô hình chung bó hẹp luôn định hướng lựa chọn việc làm của chúng ta sau này. Các bạn quên mất rằng ngành ô tô là một ngành rất rộng.
Chuyên ngành đào tạo kỹ thuật ô tô hay công nghệ ô tô ở các trường đang đào tạo hiện nay dành cho kỹ sư ô tô, thực chất là đang đào tạo chung cho cả một ngành xe và ngành máy.
- Trong đó bao gồm rất nhiều lĩnh vực như: lĩnh vực xe ô tô, xe máy công trình (xe cẩu, xe lu…), xe máy xây dựng, máy công nghiệp (ở trong các nhà máy sx), xe, máy nông nghiệp, xe chuyên dụng, xe máy, xe đạp, xe nâng……
Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa rộng về ngành ô tô, thì chúng ta sẽ thấy có rất rất nhiều lĩnh vực mà sau khi ra trường, ta có thể tham gia vào. Và trong mỗi lĩnh vực nhỏ đó, thì lại có rất nhiều nghề, rất nhiều vị trí cần đến kỹ sư ô tô chúng ta.
Thứ hai: Ngoài làm việc ở gara, làm việc ở hãng xe, kỹ sư ô tô còn có thể làm việc ở đâu?
Đây cũng là một suy nghĩ mà rất đông các bạn sinh viên ô tô gặp phải. Hễ cứ học ô tô, ra trường là chỉ biết vào gara, vào hãng. Ngoài ra, chúng ta không biết nên làm ở đâu tiếp theo. Tuy nhiên, đây chỉ là một số ít loại hình doanh nghiệp trong lĩnh xe ô tô.
a. Với những bạn muốn đi theo hướng làm kỹ thuật sửa chữa:
Nếu thấy lĩnh vực sửa ô tô lương thấp, mức độ cạnh tranh cao, các kỹ sư ô tô tương lai có thể đi theo hướng khác như: Sửa máy công trình, sửa máy công nghiệp, máy xây dựng, xe nâng… hay đơn giản hơn là sửa xe máy.
Với những lĩnh vực này thì độ cạnh tranh thấp hơn và lương đãi ngộ cũng tốt hơn.
b. Với những bạn muốn đi theo hướng thiết kế:
Thiết kế, không có nghĩa là chúng ta chỉ đi tìm những công ty thiết kế về ô tô để nộp CV vào làm. Ở Việt Nam, nếu các bạn tư duy theo hướng đó thì sẽ có rất ít cơ hội để tìm được việc làm phù hợp. Đối với các hãng xe ở Việt Nam, rất ít hãng xe trực tiếp sản xuất và “cần thiết kế cả chiếc xe”.
Thay vào đó, ta hãy tìm những công ty sản xuất phụ trợ, công ty cơ khí để xin vào làm việc. Đối với ô tô nước ta ít các nhà máy sản xuất trực tiếp nên ít cần đến thiết kế. Tuy nhiên, đối với xe máy, xe đạp thì chúng ta vẫn sản xuất đều.
Thay vì thiết kế nguyên chiếc ô tô (rất khó), hãy thiết kế từng cái capo, từng cái ghế, từng cái phuộc nhún,…. Chủ động tìm kiếm những công ty chuyên sản xuất từng linh kiện nhỏ này.
Tuy nhiên, hướng rẽ trái ngành hơn là xin vào những công ty, nhà máy chuyên sản xuất những đồ gia dụng. Đối với những loại vật dụng này, muốn sản xuất được đều cần phải thiết kế trước, yêu cầu trình độ thiết kế không cần cao.
- Vì: Đã là thiết kế thì có bản là gần giống nhau, cũng phải vẽ bằng phần mềm 3D, 2D, cũng vẽ từng đường solid, cũng từng mặt cong, cũng layer, cũng vật liệu, cũng tính bền như nhau….
Nên cần gì phải thiết kế ô tô, thiết kế cái khác cũng là thiết kế. Miễn sao lương cao, thấy sự nghiệp rộng mở… là được.
Lời kết:
Trên đây là vài ví dụ để các kỹ sư ô tô tương lai có thể mở rộng góc nhìn của mình và thỏa thích lựa chọn công việc. Lựa chọn được rồi thì các bạn hãy chuyên tâm rèn luyện và thực tập càng sớm càng tốt.
Ngành ô tô “không rẻ” như cách chúng ta nghĩ, vì những người giỏi thực sự họ rất ít khi xuất hiện để chia sẻ với các bạn. Do đó, đừng để những “tạp âm thanh không tốt” tác động đến lựa chọn của các bạn. Hãy kiên trì, tập trung thành công sẽ đến với các bạn!
Chúc các bạn thành công trong sự nghiệp của mình!
Nguyễn Xuân Giang,
Từ bài viết “Kỹ sư ô tô – Ra trường làm việc ở đâu? Ngoài Gara và hãng xe ra thì còn những môi trường nào?”
Bài viết liên quan:
- Những điều cần biết với sinh viên ô tô mới bước vào ngành “Lắm dầu nhiều mỡ”
- Kinh nghiệm xin thực tập ở garage cho sinh viên ô tô – Nên và không nên làm những gì?
- Những nguyên nhân chính khiến sinh viên ô tô ra trường thất nghiệp