(News.oto-hui.com) – Với thế hệ 8x, việc đặt chân vào giảng đường Đại học là điều rất hãnh diện. Thế nhưng, có một chàng trai Đà Lạt lại không màng đến chuyện đó. Anh đã từ bỏ học Đại học IT để đến với việc trang trí, thổi hồn linh kiện ô tô, xe máy. Đam mê dẫn lối đam mê, không gì có thể cản được tình yêu lắp ráp, chế tạo sản phẩm nghệ thuật từ linh kiện ô tô, xe máy.
Bài viết liên quan:
- Dân kinh doanh mê giải đua công thức, tự chế mô hình xe đua F1 trong thời gian cách ly COVID-19
- Mẫu xe địa hình Jeep Buggy của lão nông Việt chế từ động cơ xe máy
Chàng trai 8x Tuấn Anh đã từ bỏ học đại học sau nhiều lần bị chị gái bắt buộc đến nỗi chị anh ta cũng muốn từ mặt. Khanh (chị gái Tuấn Anh) cũng không nhớ rõ thời điểm vì đã nhiều năm không còn nghĩ đến chuyện học hành của đứa em nay đã có gia đình.
“Khó quên nhất có lẽ đó là lần đi xin cuối cùng vào cuối năm ba, thầy trưởng khoa không chấp nhận cho nó đi học lại vì quá nhiều lần như thế. Hồi ba, mẹ gửi nó xuống Sài Gòn để học cấp ba vì nghĩ chỉ mình quản được, nhưng rồi mình cũng thua” – Chị gái của Tuấn Anh kể.
Hơn 10 năm sau, đứa em trai bất trị ngày nào giờ là ông chủ của một xưởng Decor (sắp đặt) cơ khí nghệ thuật. Bên trong xưởng, cũng là ngôi nhà thuê tạm của đôi vợ chồng ở quận Bình Thạnh, những chiếc đồng hồ, đèn trang trí bằng bánh răng, trục khuỷu, tay biên… kết nối, chuyển động như thể ma ám.
Giàu cá tính và cứng đầu
Tuấn Anh người Đà Lạt nhưng gắn bó với Sài Gòn sớm hơn những bạn cùng trang lứa. Mang cặp kính cận to bản, mái tóc dựng chỏm, người đàn ông 35 tuổi như một nghệ sĩ nhạc thể nghiệm thích cái mới, tự do. Anh có một người vợ ở miền miệt vườn sông nước và cậu con trai gần hai tuổi, hiếu động, rất giống ông bố thời trẻ.
Tuấn Anh khi nhắc lại chuyện bỏ học giữa chừng, cũng giống như cái cách anh đối diện với chị mình ngày hôm đó, vô tư và kiên định với suy nghĩ bản thân. Anh nói gật đầu ừ cho có lệ, nhưng quả thật việc học công nghệ thông tin ở trường không phải thứ khiến cho anh vui thích.
Cái nếp hiếu động, nghịch ngợm của Tuấn Anh có từ những năm tháng trẻ thơ ở Đà Lạt. Cậu bé thích gắn những thứ đồ chơi, hình ảnh lặt vặt lên xe đạp. Cậu thích vẽ những nhân vật truyện tranh Nhật Bản như Doremon, Son Goku.
Những lần đi chơi trốn học như cơm bữa, ở tiệm game nhiều hơn ghế nhà trường khiến Tuấn Anh trở nên bất trị trong mắt ba, mẹ. “Gia đình quyết định để mình xuống Sài Gòn đi học xa để chị kèm cặp vì lúc đó mình quậy quá”, anh vừa nói vừa cười. “Nhưng xuống thành phố, mình lại có mấy đứa bạn thân hợp cạ khác. Game online, billiard có đủ”.
Anh tự nhận mình là người không đủ kiên trì dành thời gian cho việc học, thay vào đó là chơi những thứ mình thích. “Khi đã chơi hay làm cái gì đều phải cho tới, là người giỏi ở top đầu chứ không lưng chừng”. Quyết định bỏ ngang đại học cũng vì thế. Anh nói nếu mình tiếp tục, tương lai sẽ trở thành một nhân viên công nghệ thông tin bình thường ở một công ty nào đó.
Viễn cảnh có được công việc ổn định, một mức lương vừa phải là ao ước của nhiều người nhưng không hợp với chàng trai khi ấy mới 21 tuổi. Suy nghĩ này Tuấn Anh không bộc lộ ra ngoài. Người chị gái cá tính mạnh của Tuấn Anh, từng thức dậy sớm mỗi sáng để nấu cơm, gọi xe ôm chở đứa em đến trường, nói “tức lắm nhưng cũng đành chịu”.
Những năm học đại học, Tuấn Anh ngoài những thú chơi tiêu khiển của tuổi trẻ, còn tham gia phong trào độ xe. Cậu làm ở xưởng sơn Airbrush do chị gái mở, chuyên làm đẹp, trang trí cho môtô, xe máy bằng cách phun sơn lên dàn áo. Với hoa tay có sẵn, anh từng cùng bạn kiếm tiền từ những quán cà phê, trà sữa khi được thuê về vẽ, sơn trang trí nội, ngoại thất.
Đến 2018, sau thời gian gắn bó lâu với chị gái, anh tách ra với hướng đi của riêng mình vì nhiều lý do. Người chị của Tuấn Anh nói rằng quyết định đó chị không đồng ý nhưng có lẽ lòng tự trọng và tự tin ở một thằng đàn ông trong đứa em trai đã thắng.
Người trang trí, thổi hồn linh kiện ôtô, xe máy
“Lạc lõng chứ, vì không có ai trong gia đình ủng hộ việc mình đi theo con đường hiện tại. Nhưng nếu mình không làm những thứ khác biệt, không thể có kết quả khác với nhiều người được”, Tuấn Anh nói. Mượn bạn bè cùng số vốn tích lũy được, Tuấn Anh mua máy cắt, tiện, hàn, linh kiện xe cũ và bắt đầu khởi nghiệp với cái tên ABM Shop.
Học hỏi qua những video trên mạng, Tuấn Anh làm những chiếc đèn chiếu sáng từ các thanh sắt, ốc vít, xích tải để sao trông chúng có hồn và gọi là “Decor cơ khí” hay “Cơ khí sắp đặt”. Chưa từng học cơ khí, không giỏi kỹ thuật nhưng anh nói mình mạnh về logic và có máu nghệ thuật. Cách sắp đặt các chi tiết của một sản phẩm “cơ khí sắp đặt” phải hài hòa về bố cục, thể hiện được ý đồ của người tạo ra nó.
Những vật phẩm kích thước nhỏ dần dần làm anh chán. Anh đặt ra thử thách cao hơn cho bản thân bằng những mẫu đồng hồ kích thước lớn, mô phỏng cơ cấu làm việc của động cơ đốt trong. Tuấn Anh cười bảo: “Mình chưa bao giờ sợ thất bại, vì đã thất bại quá nhiều rồi”.
Kiểu sắp đặt các chi tiết cơ khí khiến người làm phải cẩn thận từng khâu. Vì khi đã hàn thành một khối, sai sót xảy ra chỉ còn cách dùng máy cắt hoặc chấp nhận làm lại từ đầu.
Tuấn Anh tìm kiếm những linh kiện ôtô, xe máy từ các bãi thu mua mặt hàng này. Khi đơn hàng ổn định và tăng lên, anh gửi danh sách những món hàng để đối tác chọn sẵn, gửi đến. Công việc hóa kiếp những thứ tưởng chừng bỏ đi bắt đầu từ khâu vệ sinh dầu, mỡ, nhớt, bụi bẩn. Chúng được đánh bóng lại, cắt, giũa sao cho phù hợp với bộ khung của người sáng tạo.
“Cái khó nhất của kiểu decor cơ khí này là ý tưởng”, chàng trai Đà Lạt nói. Không bản vẽ, không bố cục tiêu chuẩn, những bộ phận cơ khí được lắp đặt thủ công và được điều chỉnh bằng mắt và cảm quan của từng người. Làm thế nào để những ý tưởng đó không lặp lại và làm chán chính người tạo ra chúng.
Một tác phẩm cơ khí nghệ thuật thường gồm hai phần: tĩnh và động. Khi đặt bánh răng kế bên một tay biên, chúng phải có mối liên kết để tạo nên chuyển động. Két giải nhiệt, bình xăng, ốc, vít là những chi tiết tĩnh kèm theo để tạo nên một tác phẩm tổng thể đẹp về phần nhìn, khoa học về cách sắp đặt.
Để tạo ra chuyển động của những bánh răng, khớp nối, xích tải, một mô-tơ chạy bằng điện gắn ở mặt sau của tác phẩm. Chiếc đồng hồ cơ khí nói riêng, không những mang lại hiệu ứng thị giác tốt khi đặt dưới đèn chiếu sáng, còn phải chuyển động chính xác, không giật cục. Chỉ khi khâu kiểm tra này hoàn tất, kỹ thuật sơn airbrush sử dụng súng phun sơn kích thước nhỏ, tạo điểm nhấn cho những chi tiết của tác phẩm.
Một lớp sơn phủ bóng bảo vệ cuối cùng hoàn tất quá trình chế tạo một tác phẩm decor cơ khí mất vài ngày, có khi vài tháng. Giá vài triệu hoặc hàng trăm triệu tùy độ khó và kích thước.
Bởi cách sáng tạo không có khuôn khổ, những thợ cơ khí ở xưởng của Tuấn Anh cũng tự học, lấy những lần chế tạo sai làm lưng vốn. Họ đều là những bạn trẻ tuổi đôi mươi, giọng nói từ nhiều miền quê khác nhau nhưng có điểm chung thích những thứ cơ khí, mạnh mẽ. Mỗi người phụ trách mỗi sản phẩm, việc cắt, gọt, hàn các linh kiện từ động cơ xe đều tự thực hiện. Nó phần nào giống như cách những kỹ sư Mercedes-AMG chế tạo riêng động cơ mang dấu ấn cá nhân và ký tên mình lên đó.
Tuấn Anh nói không ký tên lên những tác phẩm đã làm, tạo dấu ấn của bản thân. Anh muốn tạo dấu ấn cho kiểu cơ khí sắp đặt này và mình là người đi tiên phong ở Việt Nam. Một quán cà phê như showroom trưng bày các tác phẩm của xưởng, sáng tạo không dừng lại ở đồng hồ mà nhiều thứ khác là những dự định dài hơi của chàng trai này.
Ở xưởng cơ khí của Tuấn Anh, có một chàng trai trẻ trùng tên với anh. Cậu từng không thích cơ khí-điện tử, nghề của bố đã nuôi sống gia đình vì cho rằng chúng khô khan, lỗi thời. Cậu làm bartender ở quán bar một thời gian trước khi về làm cho ông chủ cùng tên, phụ trách khâu quảng bá sản phẩm. Cậu nói cảm thấy có lỗi vô cùng khi xem thường nghề cơ khí của bố.
“Cơ khí thật ra không khô khan, ở góc nhìn của nhiều người, chúng có hồn, không vô tri, vô giác”.
Theo VNExpress
[…] Chàng trai Đà Lạt từ bỏ học Đại học IT đến với việc trang trí, thổi hồn … […]