(News.oto-hui.com) – Trước khi hãng xe Ford bắt đầu quá trình cải tiến, nâng cấp xe chạy xăng thì xe điện chiếm thị phần đa số ở Mỹ. Đến năm 1920, một công cuộc cải cách toàn bộ của Henry Ford, ô tô sử dụng động cơ đốt trong đã trở thành xu thế, chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. Ngành vận tải từ đó mà thay đổi theo. Những chiếc xe taxi đầu tiên ở Mỹ là xe điện đã dần bị thế chỗ hoàn toàn bởi những chiếc xe chạy xăng/dầu mang tính “kinh tế” hơn.
Có một giai thoại nổi tiếng về cuộc trò chuyện giữa Henry Ford và Thomas Eddison xoay quanh việc loại nhiên liệu nào sẽ được sử dụng để thay thế sức ngựa trong cuộc cách mạng vận tải vào đầu thế kỷ 20. Henry Ford đã chứng minh rằng luận điểm mình đúng.
Nhà phát minh nổi tiếng Thomas Eddison cho rằng các phương tiện giao thông tương lai sẽ sử dụng điện. Trong khi, nhà sản xuất ô tô Henry Ford tin là ô tô chạy xăng dầu mới là hướng phát triển đúng đắn. Cuối cùng, sự bùng nổ của xe chạy xăng dầu trong thế kỷ 20 đã chứng minh Henry Ford là người chiến thắng.
Tuy nhiên, giai thoại này cũng cho thấy một điều, trong thời kỳ phát triển sơ khai của ngành sản xuất ô tô, xe chạy điện cũng đã từng có cơ hội ngang bằng với xe chạy xăng, nó không phải là một phát minh “sinh sau đẻ muộn” như nhiều người lầm tưởng.
Taxi đầu tiên của New York là xe điện
Ngạc nhiên hơn, chiếc taxi đầu tiên của thành phố New York là một mẫu xe điện chứ không phải Ford Model T hay bất cứ mẫu xe nào do bộ ba Ford, GM, Chrysler chế tạo.
Đó là sản phẩm của 2 nhà khoa học Pedro Salom và Henry G Morris, một người là kỹ sư cơ khí và người kia là chuyên gia hóa học. Cả hai người đàn ông này đều đang hoạt động trong ngành sản xuất tàu điện mặt đất. Chính sự kết hợp hoàn hảo này đã làm tiền đề tạo nên chiếc ô tô chạy điện đầu tiên trên thế giới.
Ở phiên bản thứ nhất:
- Chiếc Electrobat sử dụng loại bánh xe bằng kim loại, dẫn động cầu sau.
- Hai động cơ điện ở bên thân xe có công suất 1,1 Kw, sử dụng năng lượng điện từ bộ ắc quy chì khối lượng 725 kg.
Chiếc Electrobat có thể đạt vận tốc tối đa 32 km/h và chạy được quãng đường 40 km cho một lần sạc đầy ắc quy. Con số này thua kém rất nhiều so với những chiếc xe điện ngày nay.
Electrobat được sản xuất tại thành phố Philadelphia, Mỹ và có hẳn một công ty được thành lập chỉ để sản xuất và phân phối chiếc xe này.
Ngày nay, có tới hàng nghìn trạm sạc pin cho xe điện được bố trí xung quanh thành phố New York, nhưng từ 100 năm trước đã có một trạm sạc dành riêng cho xe chạy điện trên đại lộ Broadway.
Doanh nghiệp vận tải taxi đầu tiên ở New York
Phần lớn xe Electrobat sản xuất ra đều được bán cho công ty Electric Vehicle Company, đây chính là doanh nghiệp vận tải taxi đầu tiên ở New York và cũng là trên toàn thế giới.
Đầu thế kỷ 20, đã có hàng trăm chiếc Electrobat hoạt động trên các con phố của Manhattan. Mẫu xe này cũng rất phổ biến ở Boston, Washington D.C và Philadelphia.
Những phiên bản chế tạo sau này được nâng cấp sử dụng loại lốp cao su bơm hơi và cải thiện khả năng sạc điện. Dù vậy những cải tiến này vẫn không khắc phục được 2 nhược điểm cố hữu của xe chạy điện là:
- Giá đắt
- Khả năng chạy đường dài
Khi hãng xe Ford bắt đầu quá trình cải tiến, nâng cấp xe chạy xăng thành những chiếc xe đơn giản và rẻ tiền, xe chạy xăng đã dần chiếm thị phần của xe chạy điện và tới năm 1920 thì xe chạy điện đã biến mất hoàn toàn.
Lời tiên đoán của Thomas Eddison
Nếu chứng kiến sự trở lại và lớn mạnh của xe điện trong vài năm gần đây, có thể Thomas Eddison sẽ mỉm cười hài lòng. Lời dự đoán của ông là chính xác, có điều nó phải mất cả trăm năm để trở thành hiện thực.
Có rất nhiều mẫu xe điện hiện đại ngày nay đang sử dụng chung nguyên lý chế tạo của chiếc Electrobat đời đầu. Vì vậy, sau này nếu bạn có cơ may sử dụng những chiếc xe điện tuyệt đẹp như Tesla Roadster hay Mercedes SLS E-Drive, hãy nhớ tới công lao của 2 nhà khoa học Pedro Salom và Henry G Morris.
Nếu không có mồ hôi, nước mắt của họ thì đã không có những chiếc xe điện như bây giờ.
Bài viết liên quan:
- Henry Ford có phải là cha đẻ của xe hơi?
- Ai đã thiết kế và chế tạo chiếc xe lai đầu tiên?
- Lịch sử của xe điện: những nốt thăng trầm