Hoàng Anh - Tổng hợp

Giới thiệu về xe đua NASCAR: Giải đua xe danh giá bậc nhất của Mỹ (Phần 1)

(News.oto-hui.com) – NASCAR là một giải đua xe ô tô có sức ảnh hưởng rất lớn không thua kém gì F1 hay Moto GP. Mỗi năm, giải đua xe này thường đón tiếp rất nhiều khán giả từ khắp nơi trên thế giới về thưởng thức những chặng đua cực kì gay cấn và hấp dẫn. Vậy một chiếc xe đua NASCAR tiêu chuẩn có những gì và chúng hoạt động như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết này nhé.

Đã có phần 2 NASCAR: Xem TẠI ĐÂY!

I. Giải đua xe NASCAR:

NASCAR là viết tắt của cụm từ National Association for Stock Car Auto Racing (Hiệp hội đua xe ô tô quốc gia). Đây là một công ty điều hành và quản lí đua xe ô tô của Mỹ có trụ sở chính của công ty tại Daytona Beach, Florida.

Giới thiệu về xe đua NASCAR
Giới thiệu về xe đua NASCAR

Có tới khoảng 1500 thể loại đua tại hơn 100 đường đua ở 48 tiểu bang của Hoa Kỳ và các nơi khác như Canada, Mexico,…được NASCAR tổ chức. Đây là giải đua xe có sức hút rất lớn trên thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng.

II. Xe đua NASCAR

1. Lớp vỏ khí động học của xe đua NASCAR:

Lớp vỏ của xe đua NASCAR có vai trò duy trì tính khí động học của xe trong quá trình di chuyển, giúp tăng độ bám cho bánh xe và phân bổ các dòng khí đi làm mát các bộ phận ở trên xe.

Chúng được làm từ hỗn hợp của nhiều loại vật liệu khác nhau như sợi cacbon, epoxy, kevlar và được bọc một lớp sợi thủy tinh ở bên ngoài. Ưu điểm của các loại vật liệu này là có khối lượng nhẹ, dễ chế tạo theo hình dáng thiết kế nhưng vẫn đảm bảo được độ vững chắc cần thiết.

Các lớp vỏ được chế tạo và bắt chặt vào khung xe bằng vít. Điều này giúp cho các đội đua có thể dễ dàng thay thế những lớp vỏ bị hư hỏng trong trường hợp xảy ra các va chạm với những chiếc xe đua khác.

Phần gầm đầu xe được thiết kế nhô cao ở giữa và hạ thấp ở hai bên. Thiết kế này nhằm giảm luồng không khí tác động đến bánh xe, qua đó làm giảm sự ảnh hưởng đến quá trình chuyển động của xe.

Gầm xe được thiết kế thấp ở phần đầu và cao dần về phía sau xe. Khi xe di chuyển, luồng không khí đi đến sẽ bị phân chia thành hai phần. Một phần di chuyển lên trên gặp sự cản trở của lớp vỏ xe tạo thành luồng không khí có áp suất cao. Luồng không khí còn lại di chuyển dưới gầm xe gặp ít sự cản trở hơn nên có áp suất thấp hơn.

Vì không khí luôn có xu hướng dịch chuyển từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp nên việc xuất hiện hai dòng khí có áp suất khác nhau như vậy tạo thành một lực nén vô hình ép chiếc xe xuống dưới mặt đường. Qua đó giúp tăng độ bám cho chiếc xe.

Khi đi qua chiếc xe, hai luồng không khí này gặp lại nhau và tạo thành các xoáy lốc rất nhiễu loạn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các chiếc xe đang muốn tiếp cận ở phía sau vì luồng không khí phía trước xe lúc này không còn ổn định. Phần gầm xe phía sau có các cánh gạt dọc có vai trò phân bổ và kiểm soát luồng không khí đi qua đồng đều và ổn định hơn, giúp việc hòa trộn hai luồng không khí phía sau xe diễn ra mượt mà hơn.

Cánh gió ở đuôi xe xe giúp tạo thêm lực ép cho các bánh xe phía sau. Kích thước của cách gió sẽ được thay đổi tùy theo từng loại đường đua và theo quy định của NASCAR. Có hai loại kích thước cánh gió được dùng là 7 inch và 4 inch.

  • Cánh gió có kích thước 7 inch (17,7cm) được dùng cho các đường đua có hình bầu dục và có kích thước dài hơn. Cánh gió lớn hơn giúp tăng độ bám nhiều hơn cho bánh xe. Ngoài ra còn giúp giảm tốc độ cho chiếc xe, đảm bảo an toàn cho người lái.
  • Cánh gió có kích thước 4 inch (10,2cm) được sử dụng cho các đường đua ngắn hơn.

Ngoài ra, xe đua NASCAR còn có các cánh gió ở trên cột C bên phía người lái, gọi là vây cá mập. Các cánh gió này có vai trò chống lại các lực xoay vòng khi xe vào cua.

2. Khung xe đua NASCAR:

Phần khung xe đua NASCAR có vai trò nâng đỡ các hệ thống, các bộ phận khác của xe như động cơ, hệ thống treo, khoang lái, lớp vỏ xe,…

Khung xe đua NASCAR thông thường được chia thành ba phần là phần khung phía trước, phần khung trung tâm và phần khung phía sau. Ba phần khung xe được liên kết với nhau bằng ốc vít giúp quá trình sửa chữa, thay thế diễn ra dễ dàng và nhanh chóng hơn.

  • Phần khung phía trước có vai trò nâng đỡ động cơ, hệ thống treo trước, các lớp vỏ đầu xe,…
  • Phần khung trung tâm là nơi chứa đựng khoang người lái, lớp vỏ thân xe,…
  • Phần khung phía sau là nơi chứa hộp số, hệ thống treo sau, lớp vỏ sau xe,…
Bộ khung xe của xe đua NASCAR
Bộ khung xe của xe đua NASCAR

3. Hệ thống treo xe đua NASCAR:

Hệ thống treo của xe đua NASCAR là hệ thống treo độc lập hoàn toàn.

Các tay đòn trên và dưới được bắt vít trực tiếp vào khung xe. Thanh chống lật kết nối cụm treo trái và phải với nhau để hạn chế hiện tượng lật thân xe. Độ cứng của thanh có thể được điều chỉnh linh hoạt tùy vào từng loại đường đua thông qua vị trí góc của tay đòn.

Xem thêm: Phân tích hiện tượng lật xe ở ô tô

Tay đòn này có thiết kế một mặt vát đặc biệt. Khi mặt vát hướng lên phía trên, độ cứng của tay đòn sẽ giảm xuống. Thanh chống lật sẽ chịu ít lực xoắn hơn. Ngược lại, khi mặt vát hướng sang ngang, độ cứng của tay đòn sẽ tăng lên và thanh chống lật lúc này sẽ chịu một lực xoắn lớn hơn. Bộ phận thanh chống lật có thể được tháo ra hay lắp vào tùy vào các tính toán và quyết định của đội đua.

Khác với hệ thống treo phía trước, hệ thống treo phía sau còn có thêm một hệ thống thủy lực giúp điều chỉnh độ nén của lò xo một cách độc lập nhằm giảm thiểu hiện tượng thiếu lái.

Ví dụ: khi phần thân xe ở bánh xe phía sau bên trái bị bênh lên cao, trọng lượng thân xe ở bánh xe trước phía bên phải sẽ dồn xuống nhiều hơn. Lực đè nặng hơn sẽ khiến cho bánh lái khó hoạt động giống như bình thường. Lúc này hệ thống điều chỉnh độ nén của lò xo sẽ hoạt động nhằm cân bằng trọng lượng tác dụng lên 4 bánh xe.

4. Hệ thống lái của xe đua NASCAR:

Hệ thống lái của xe đua NASCAR là hệ thống lái thanh răng. Giữa trụ lái với thanh răng là một thanh xoắn kết nối có khả năng chịu xoắn và đàn hồi. Độ đàn hồi của thanh xoắn có thể được thay đổi tùy theo quyết định của đội đua nhằm thay đổi cảm giác lái cho các tay đua.

Các góc đặt bánh xe của xe đua NASCAR có thể được thay đổi linh hoạt thông qua các miếng chêm làm bằng kim loại. Việc điều chỉnh này sẽ tùy thuộc vào từng loại đường đua, giúp cho việc vào cua diễn ra mượt mà hơn.

Các bánh xe phía sau cũng có thể được điều chỉnh góc đặt bằng các miếng chêm nhằm hỗ trợ cho việc vào cua của xe. Điều này lí giải cho hiện tượng vì sao khi nhìn từ trên cao xuống, chiếc xe trông có vẻ như đang nghiêng để vào cua mặc dù trên thực tế nó đang chạy thẳng.

5. Hệ thống phanh của xe đua NASCAR:

Hệ thống phanh của xe đua NASCAR là hệ thống phanh đĩa hoạt động giống như những chiếc xe thương mại trên thị trường. Xylanh chính của hệ thống phanh là loại xylanh chính một buồng. Có 2 xylanh phanh chính, mỗi xylanh sẽ đảm nhiệm vai trò điều khiển cụm phanh trước và sau của xe.

Các xylanh chính được liên kết với giá đỡ bằng một trục vít đặc biệt. Trục vít này có thể được điều chỉnh xoay bằng điện tử thông qua một nút bấm trên bảng điều khiển. Khi xoay sẽ làm thay đổi vị trí và hành trình của xylanh phanh chính. Qua đó có thể điều chỉnh áp suất phanh của cụm phanh trước và sau của xe khác nhau tùy theo tính toán của tay đua.

Đĩa phanh trước có kích thước 15inch được làm từ hợp kim sắt, bên trong đĩa phanh có các lỗ thông gió giúp tản nhiệt cho đĩa phanh. Trên bề mặt đĩa phanh có các rãnh vát có vai trò là nơi chứa đựng các mạt sắt mài mòn từ quá trình phanh, giúp đĩa phanh sạch hơn. Má phanh được làm từ vật liệu cacbon. Giá đỡ phanh có tới 6 xylanh công tác giúp tạo ra nhiều momen phanh hơn.

Một hệ thống ống dẫn không khí có vai trò đưa không khí vào để làm mát hệ thống phanh. Không khí được hứng bằng phễu đặt ở đầu xe và được dẫn đi làm mát đĩa phanh thông qua các ống dẫn hướng.

Cụm phanh sau có kết cấu và hoạt động tương tự như cụm phanh phía trước. Tuy nhiên kích thước của đĩa phanh phía sau chỉ có kích thước 14inch, nhỏ hơn so với đĩa phanh trước và giá đỡ phanh sau cũng chỉ có 4 xylanh công tác, ít hơn 2 xylanh so với cùm phanh trước. Thiết kế như vậy là bởi vì khi người lái đạp phanh, do lực quán tính nên trọng lượng của xe sẽ dồn nhiều hơn về phía trước. Chính vì thế nên cụm phanh trước cần được thiết kế có kích thước to hơn để sinh ra nhiều momen phanh hơn so với cụm phanh sau.


Một số bài viết liên quan:

Advertisement

Advertisement