Theo Nguyễn Thanh Đàm

5 điều cần biết khi chọn nghề sửa chữa ô tô

(News.oto-hui.com) – Kỳ thi tuyển sinh đã kết thúc, đã đến lúc hướng đến chọn lựa khó khăn nhất của mỗi người, đó là nên chọn ngành gì phù hợp với bản thân mình? Câu hỏi này không hề dễ trả lời, có người mất đến 4 năm học sau đó và nhận ra không phù hợp. Cũng có người mới học đã thấy mình rất phù hợp. Dưới đây là 5 điều cần biết khi chọn nghề sửa chữa ô tô dành cho các bạn hoặc phụ huynh có con em thực sự muốn theo nghề này.

Nhiều phụ huynh rất nóng lòng không biết con mình lựa chọn học gì để quyết định tương lai sau này. Một số phụ huynh thì bắt buộc con mình phải theo nghề truyền thống của gia đình, một số thì lại không như thế, để con mình thỏa sức lựa chọn ngành nghề. Hai cách làm trên không hẳn đều đúng và sai, mỗi bên có một lý do cho riêng mình, các phụ huynh đều luôn muốn đảm bảo tương lai đầu ra cho con mình.

5 điều cần biết khi chọn nghề sửa chữa ô tô
5 điều cần biết khi chọn nghề sửa chữa ô tô

Ngành nghề sửa chữa ô tô cũng thế, luôn trong tình trạng đạt dấu hỏi lớn mặc dù số lượng tuyển sinh rất nhiều ở các trường Đại học, Cao đẳng hay thậm chí là Trung Cấp hoặc trường nghề. Ở các trường đại học, cao đẳng đào tạo thiên về kỹ thuật, ngành sửa chữa ô tô luôn nằm trong Top ngành hot nhất của các trường đấy. Thế nhưng, liệu ngành top thì công việc sau khi ra trường có ổn không? Đó luôn là dấu hỏi lớn.

Dưới đây là bài chia sẻ câu chuyện chọn ngành nghề từ Anh Nguyễn Thanh Đàm, người có rất nhiều năm kinh nghiệm về ngành nghề sửa chữa ô tô tại Việt Nam.

“Sau kỳ thi tốt nghiệp Cấp 3 xong, có nhiều quý phụ huynh gọi điện đến xin cho con em, cho cháu học nghề sửa chữa ô tô tại các trường Đại học, Cao đẳng,… Một vị trần tình lo lắng sợ con em mình không có năng lực làm này làm nọ nên xin vào nghề sửa chữa ô tô cho “tay chân đỡ đầu óc”. Còn một vị, nhà ông chú có Garage nên muốn hướng cho cháu vào học để về phụ giúp gia đình.

Một góc nhìn “cũ nhưng luôn mới mẻ mỗi năm” về nghề này để các phụ huynh có thể dễ hình dung, từ đó bằng sự thấu hiểu, yêu thương đúng cách hãy chia sẻ và đồng cảm với con em mình để giúp các bạn trẻ ấy có thêm sự lựa chọn đúng đắn phù hợp với thị trường và khả năng bản thân.

Thứ nhất: Nghề sửa chữa ô tô có tiềm năng không?

Ngành nghề sửa chữa ô tô rất có tiềm năng!

Tuy nhiên, nó không biểu hiện rõ như những hình ảnh đầy hào nhoáng của một vài thương hiệu xe Việt mới nổi gầy đây, hay là sự đổ bộ ào ạt từ các hãng xe ngoại. Nghề sửa chữa ô tô chính là nhu cầu thiết yếu của thị trường, đặc biệt là những thị trường mới nổi như Việt Nam.

  • Hơn 4 triệu xe lăn bánh, 23 xe / 1000 Người dân, chỉ đứng thứ 5 ở Đông Nam Á và cách xa so với các nước Mỹ, Úc hơn 500 xe / 1000 Người dân.
  • Sức tăng trưởng lượng xe phụ thuộc vào GDP bình quân đầu người, tại Việt Nam theo tính toán 3000 USD/ Người, khi GDP/người tăng 1% thì tiêu thụ xe/người tăng khoảng 1.5%.
  • Dân số Việt Nam hiện nay với gần 100 triệu dân.

Nhìn những số liệu trên thì chắc chắn nhu cầu tiêu thụ xe hơi tại Việt Nam còn rất lớn, chưa kể sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành có thể sẽ lựa chọn Việt Nam làm điểm đến trong tương lai. Kể từ khi chiếc xe bắt đầu lăn bánh thì lúc đó nghề sửa chữa ô tô ra đời. Tuy nhiên, ta không đề cập ở đầy về chuyện lắp ráp, nghiên cứu, thiết kế, hay chế tạo ở nước ta ra sao vì nó đã ở một phạm trù nghề khác.

Thứ hai: Nghề sửa chữa ô tô sẽ làm những gì?

Như thể hiện ở phần thứ nhất, nghề sửa chữa ô tô bắt đầu xuất hiện khi một chiếc xe hơi bắt đầu lăn bánh cho đến hết đời xe, thường là 15 – 20 năm tuỳ theo loại xe. Trong giai đoạn này, người lái xe bắt đầu phát sinh các nhu cầu:

  • Chăm sóc
  • Sửa chữa
  • Bảo dưỡng
  • Làm đẹp
  • Độ, chế, gắn phụ kiện …

Người làm nghề sửa chữa ô tô sẽ trở thành những người thợ hay còn gọi cho một cách “sang trọng” là những kỹ thuật viên có chuyên môn với tay nghề cao để đảm bảo các công việc trên như: Sửa chữa chung, điện, máy, gầm, đồng, sơn, Car care, Độ, Nội ngoại thất, âm thanh, ánh sáng…

Với những nghề kể trên, tôi tin tương lai sẽ chẳng thể thất nghiệp được nếu biết vận động tốt, chăm chỉ học tập.

Thứ ba: Học nghề sửa chữa ô tô mất bao lâu?

Để trả lời câu hỏi này quý vị hãy tưởng tượng như sau:

  • Một chiếc xe được cấu thành từ rất nhiều chi tiết (hơn 5000 nghìn chi tiết).
  • Thế giới có trăm hãng xe, hàng ngàn loại xe, hàng triệu dòng xe, mỗi dòng xe lại có những nét riêng, thông số khác nhau và chưa kể đến mỗi năm thay đổi chóng mặt về công nghệ, thiết kế, kỹ thuật trên từng dòng xe…

Vì lẽ đó, nếu để học nghề sửa chữa ô tô này thì chắc chắn học cả đời cũng không thể hết được. Và ngưỡng cảnh giới “tối thượng” của nghề này chỉ nhìn thấy khi đã bỏ nghề.

Tuy nhiên, tất cả đều đi lên từ những điều đơn giản nhất. Những kiến thức kỹ thuật cơ bản được trang bị trong một thời gian đầu nhất định, thường sẽ tiêu tốn khoảng từ 3 đến 5 năm. Người học hỏi có thể học từ nhà trường, từ đồng nghiệp, từ sự tự nghiên cứu đúc kết do chính bản thân mình. Từ đó tích luỹ và nâng cao dần cho đến khi… thực sự không làm ngành nghề này nữa.

“Kiến thức để có thể trở thành một người thợ lành nghề nhiều khi bao trùm luôn cả cơ khí, thuỷ lực, điện, điện tử, tự động hoá, cơ điện tử, công nghệ thông tin. Mỗi thứ biết một ít nhưng không thực sự giỏi hẳn hết hoàn toàn”.

Thứ tư: Nghề sửa chữa ô tô cần những phẩm chất gì?

Trước đây, tôi chọn nghề này vì nghĩ rằng nó “chân tay” không đụng nhiều đến sách vở, sự sáng tạo, và suy luận thế nhưng khi lao vào mới vỡ oà ra nó cần rất nhiều phẩm chất, đơn cử cơ bản như:

  • Sự kiên trì: Nghề nào cũng đều cần cả, nhưng đối với nghề sửa chữa ô tô này rất giống với nghề bác sĩ ở chỗ học xong cần lao vào làm lấy kinh nghiệm cho quen chân tay, rồi tích luỹ dần, mỗi xe một kiểu, mỗi bệnh một khác nhau và không thể nhanh được.
  • Tính chi tiết, tỉ mỉ: Kỹ thuật nói chung và nghề sửa chữa ô tô nói riêng rất cần tính chi tiết và tỉ mỉ. Bạn cứ tưởng tượng có những “pan bệnh” (từ ngữ chuyên ngành ô tô) nó vật cho mấy ngày nếu mà qua loa, đại khái sẽ không thể nào tìm ra được nguyên nhân của Pan bệnh đó.
  • Sự sáng tạo, tìm tòi: Nghe có vẻ sai nhưng tại Việt Nam đòi hỏi khả năng sáng tạo trong nghề này rất cao và nếu không tìm tòi cập nhật thì rất nhanh bị bỏ lại phía sau. Mỗi năm mỗi xe đều cho ra mắt những dòng xe mới, nếu không chịu khó tìm tòi, học hỏi, cập nhật thêm các hệ thống, kỹ thuật mới trong các hội nhóm hoặc trên mạng xã hội sẽ rất khó có chỗ đứng tốt.
  • Đam mê, yêu nghề: Với cái nghề “lắm dầu nhiều mỡ” này rất quan trọng. Nếu không có nó, ta rất khó có thể đi được đến cuối con đường vì quá nhiều đặc thù và những vướng mắc, những lúc nản chí nói thật chỉ có yêu lắm mới trụ lại được và qua cơn khát.
Phẩm chất của một người thợ sửa chữa ô tô?
Phẩm chất của một người thợ sửa chữa ô tô?

Thứ năm: Vì sao tiềm năng mà hiện nay nhiều người bỏ nghề?

Xã hội ngày nay tốc độ phát triển rất nhanh chóng. Lúc trước để có cái nghề kiếm ra tiền sẽ mất nhiều thời gian và công sức. Nay đã có nhiều ngành nghề mới mẻ hơn, nghề mới ra đời có tính “ăn xổi” cao không đòi hỏi kinh nghiệm và sự học hành nhiều. Nên để chấp nhận một đồng lương thấp, rủi ro cao và nhiều cung bậc cảm xúc như nghề sửa chữa ô tô thực sự sẽ không nhiều.

Phần nữa, nhiều người vào nghề này quá vội, chọn nghề để có thứ mà làm, chọn nghề theo cảm xúc, theo sự mong muốn hoặc áp đặt của người khác nên thiếu đi phẩm chất quan trọng đó là sự đam mê dẫn đến theo được một thời gian không vượt qua nổi sự khắc nghiệt của cái mà nghề đòi hỏi nên đứt gánh giữa đường là chuyện bình thường như cân đường hộp sữa.

“Có câu lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực”.

Biết nó có tiềm năng nhưng phải hiểu căn cơ cốt cách của mình, cốt nào hãy chọn theo cách nấy. Nếu hiểu rõ không dám chọn cho mình một cái nghề phù hợp thì chắc chắn khi tham gia vào lĩnh vực sửa chữa ô tô này buộc phải nỗ lực để thích nghi. Và, sẽ thật khó để đi đến một cảnh giới cao trong nghề khi vừa làm vừa phải cố gắng để sống chung với nó!

Ở góc nhìn trên, không hồng hào, màu mỡ như nhiều người vẫn nghĩ. Nhưng cũng không phải là nghề này không mang lại nhiều niềm vui, thú vị và thậm chí kiếm được rất nhiều tiền. Tuy nhiên, những điều đó thực sự chỉ đến với những người có sự lựa chọn. Thân chúc quý vị hãy lựa chọn trước rồi sau đó nỗ lực hết mình để đi đến cái thú của nghề này nhé.”


Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn