Thiên Trường - Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Vụ triệu hồi tốn kém nhất lịch sử: 82.000 ô tô điện Hyundai bị triệu hồi

(News.oto-hui.com) – Mặc dù số lượng phiên bản xe liên quan trong vụ việc tương đối ít, song 82.000 ô tô điện Hyundai bị triệu hồi được đánh giá là một trong những đợt triệu hồi tốn kém nhất lịch sử ngành xe hơi, theo CNN.

Chi phí triệu hồi kỷ lục

Việc triệu hồi sẽ tiêu tốn của Hyundai 1.000 tỷ won, tương đương 900 triệu USD. Chi phí sửa chữa, thay thế trung bình trên mỗi chiếc xe là 11.000 USD, một con số cao kỷ lục.

Cụ thể, Hyundai sẽ thay thế toàn bộ pin trên những chiếc xe gặp lỗi. Quá trình này là một việc hết sức khó khăn, đòi hỏi một lượng công việc và chi phí tương tự như thay thế toàn bộ động cơ trên một chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống.

Cho đến thời điểm hiện nay, rất ít trường hợp triệu hồi ô tô để thay thế toàn bộ động cơ. Hiếm hoi nhất là vụ việc thu hồi 785 xe thể thao Porsche 911 GT3 vào năm 2014. Hãng sản xuất không công bố chi phí của đợt triệu hồi đó song chắc chắn nó sẽ đắt hơn nhiều lần so với đợt triệu hồi xe lần này của Hyundai.

Tuy nhiên, cần phải nói lại rằng, một đợt triệu hồi với chi phí sửa chữa 11.000 USD/xe là con số cực kỳ hiếm. Số liệu chính xác không có sẵn bởi hầu hết các nhà sản xuất ô tô không tiết lộ con số cụ thể cho các đợt triệu hồi của họ.

82.000 ô tô điện Hyundai bị triệu hồi: Vụ triệu hồi tốn kém nhất lịch sử - Ảnh 1.
Mỗi chiếc xe điện Hyundai thay thế pin có chi phí lên tới 11.000 USD/xe. (Ảnh: The Verge).

Do số lượng xe chạy xăng hiện tại lớn hơn rất nhiều so với ô tô chạy điện, nên tổng chi phí của những đợt triệu hồi đó có thể dễ dàng vượt qua con số 900 triệu USD của Hyundai lần này. Đơn cử, General Motors đã phải chi gần 1,2 tỷ USD cho chi phí thay thế túi khí Takata trên 7 triệu xe gặp lỗi. Điều này cũng có nghĩa là GM chỉ bỏ ra khoảng 200 USD cho mỗi chiếc xe cần sửa chữa.

Theo Mike Held, Giám đốc phụ trách mảng công nghiệp và ô tô của AlixPartners – một công ty tư vấn toàn cầu, chi phí trung bình cho một đợt triệu hồi trong 10 năm qua là khoảng 500 USD/chiếc, ít hơn rất nhiều so với con số 11.000 USD mà Hyundai phải bỏ ra.

“Nhìn chung, độ an toàn và độ bền của pin sẽ ngày càng quan trọng nếu các nhà sản xuất ô tô muốn tránh những đợt triệu hồi lớn, gây tốn kém như vậy”

Mike Held, Giám đốc phụ trách mảng công nghiệp và ô tô của AlixPartners

Chi phí triệu hồi 82.000 xe điện Hyundai là một lời cảnh báo cho thấy pin xe điện đắt đỏ như thế nào so với chi phí của toàn bộ chiếc xe. Đến một thời điểm nào đó, khi quy mô sản xuất xe điện đủ lớn, giá thành của những chiếc pin xe điện sẽ giảm xuống, song chi phí sản xuất tổng thể chắc chắn sẽ vẫn cao hơn so với xe chạy xăng, trong cùng phân khúc tương đương.

Sự cố cháy, nổ pin trên xe điện

Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào bị thương trong các vụ cháy pin xe xảy ra trên các mẫu xe điện của Hyundai. Sự cố thường diễn ra sau khi những chiếc xe đã được tắt máy và không có người ngồi bên trong.

Cơ quan An toàn Giao thông quốc gia của Mỹ ước tính, đến cuối tháng 10/2020 có khoảng 6.700 chiếc Hyundai Konas chạy điện, phiên bản bán ra tại Mỹ bị ảnh hưởng. Hyundai đã mở một cuộc điều tra về sự cố và tìm thấy nguyên nhân là do những viên pin do LG cung cấp có thể đã bị đoản mạch, gây cháy nổ.

Trong 82.000 xe triệu hồi lần này, có 27.000 xe tại Hàn Quốc và 55.000 xe trên thế giới. Sự cố cháy nổ pin xe điện không chỉ xảy ra đối với các mẫu xe nhà Hyundai. GM, một hãng xe của Mỹ cũng đang thu hồi phiên bản Chevrolet Bolt chạy điện được bán ra trước đó, cũng sử dụng chung loại pin do LG cung cấp.

Tuy nhiên, GM sẽ không thay thế tất cả pin trong tổng số 68.000 xe đã bán ra trên toàn cầu, trong đó gần 51.000 xe bán ra tại Mỹ. Nhà sản xuất xe hơi của Mỹ không cho biết sẽ xử lý vấn đề như thế nào nhưng có khả năng, họ sẽ khắc phục bằng một bản cập nhật phần mềm.

Ông lớn trong làng xe điện là Tesla cũng từng gặp sự cố về cháy pin trong lịch sử của mình, tuy nhiên nó lại bắt nguồn từ nguyên nhân các mảnh vỡ trên đường đi bắn lên và làm hỏng pin. Hầu hết các pin của xe điện sẽ được lắp ở phía dưới gầm xe. Giải quyết vấn đề này, Tesla đã phải bổ sung thêm tấm chắn bảo vệ gầm.

Hyundai cho biết họ đang làm việc với nhà cung cấp pin LG Energy Solutions để xác định công ty nào sẽ chịu trách nhiệm về chi phí cho đợt triệu hồi lần này. Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc dường như đã đổ lỗi cho LG trong sự cố này.

Song tuyên bố của LG đã phủ nhận nguyên nhân ở phía họ và cho biết sẽ hợp tác với những người có liên quan trong cuộc điều tra đang diễn ra.

“Không ghi nhận trường hợp cháy nổ xảy ra trong phòng thí nghiệm. Nguyên nhân có thể do lỗi trong quá trình sản xuất hàng loạt ban đầu, trên dây chuyền của Hyundai Motor”

Công ty LG phản hồi.

*****

Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn