Tổng hợp tài liệu Hyundai

Tìm hiểu cơ bản về hệ thống chìa khóa thông minh Smartkey Hyundai và lỗi thường gặp

(News.oto-hui.com) – Qua nhiều lần phát triển, Hyundai đã cho ra mắt nhiều phiên bản của hệ thống Smartkey như version 2.0, 2.5 và 2.7,… Nguyên lý hoạt động của các phiên bản trên hầu hết sẽ đều giống nhau, nhưng sẽ có điểm khác biệt ở một số chức năng, số lượng module, tích hợp hay tách rời các module (tùy từng phiên bản). Bên cạnh đó, cách thức đăng ký chìa khóa là điểm khác biệt ở mỗi version. Dưới đây là một hệ thống chìa khóa thông minh Smartkey Hyundai và các lỗi cơ bản cũng như những lưu ý khi cài đặt nó.

I. Một hệ thống chìa khóa thông minh Smartkey Hyundai bao gồm:

hệ thống chìa khóa thông minh Smartkey Hyundai
Hệ thống chìa khóa thông minh Smartkey Hyundai.
  • Key FOB: chìa khóa
  • SMK unit: Hộp điều khiển hệ thống chìa khóa thông minh Smartkey
  • PDM: Hộp điều khiển việc chia nguồn điện
  • RF receiver: Hộp nhận tín hiệu RF – tín hiệu điều khiển cửa (Radio frequency)
  • Antenna: Các antenna định vị chìa khóa
  • Switch: Các công tắc
  • SSB: Nút start/Stop
  • Key FOB holder: Module LIMP HOME
  • ESCL: Module khóa tay lái

1. Key FOB – Chìa khóa SMK:

Chìa khóa SmartKey bao gồm các phần chính:

  • Chìa cơ khí dùng để mở cửa, cốp, hộc găng tay… khi cần thiết
  • Phần phát tín hiệu RF (radio frequency – 315,433,447MHz) phục vụ cho việc phát tín hiệu RF để mở/khóa cửa, cốp…
  • Phần phát tín hiệu LF (low frequency – 125 KHz) dùng cho việc định vị và nhận dạng chìa khóa.
  • Phần transponder (gọi tắt là CHIP) dùng để chạy chế độ LIMP HOME khi chìa khóa hết pin hoặc có lỗi xảy ra trong hệ thống.

2. SMK unit – Hộp điều khiển hệ thống Smartkey:

SMK unit
SMK unit.

Hộp điều khiển SMK là nơi đầu tiên nhận tín hiệu từ chìa khóa, tín hiệu này có thể là tín hiệu LF thông qua các antenna định vị hoặc tín hiệu từ CHIP thông qua antenna đặt bên trong hộp LIMP HOME.

Ở version 2.5 tín hiệu RF để khóa/mở cửa cũng được hộp SMK nhận, do ở version này, RF receiver đã được hợp vào bên trong hộp SMK.

Sau khi nhận được tín hiệu chìa khóa, hộp SMK sẽ chia sẻ thông tin nhận dạng tới các hộp khác để cùng ra quyết định việc có cho phép nổ máy hay không.

Dùng máy Scan có thể log in vào DTC, Current data, S/W management của hộp SMK. Hộp SMK có thể neutralize để dùng cho xe khác và các mục đích khác.

3. PDM – Hộp điều khiển việc phân chia nguồn điện:

PDM
PDM.

Hộp PDM dùng để phân chia nguồn điện cho các hệ thống khác, thực chất nó là hộp thay thế cho thao tác xoay chìa khóa điện ở các xe truyền thống, bên trong PDM sẽ có các rơ-le cấp nguồn tưng ứng với ACC, IG1, IG2 và START.

Cũng giống như ổ khóa truyền thống, trong khi khởi động động cơ, các nguồn ACC, IG2 sẽ bị ngắt bởi các rơ-le để tập trung nguồn điện cho việc khởi động động cơ.

Điểm khác biệt lớn nhất của PDM so với ổ khóa truyền thống là PDM có lưu trữ các thông tin bảo mật của chìa khóa.

  • PDM sẽ nhận thông tin bảo mật của chìa khóa mà hộp SMK chia sẻ để cùng đưa ra quyết định có cho phép khởi động động cơ hay không.
  • PDM hỗ trợ DTC, Current data, S/W management và nó cũng có thể được sử dụng để dùng cho xe khác và các mục đích khác.

4. RF receiver: Hộp nhận tín hiệu RF – tín hiệu điều khiển cửa (Radio frequency)

RF receiver
RF receiver.

Hộp này chỉ đơn thuần là thiết bị nhận tín hiệu sóng radio từ chìa khóa cho các lệnh khóa/mở cửa, đóng/mở cốp, bật còi, đèn cho chức năng tìm xe… tùy theo models.

RF receiver chỉ có 3 dây điện trong giắc vào hộp: Nguồn B+, GND và đường truyền tín hiệu về hộp SMK hoặc, PDM hoặc hộp khác tùy model.

RF receiver không được hỗ trợ kết nối với máy Scan, muốn kiểm tra nó, phải dùng tới máy VMI hoặc thông tin mà nó báo về hộp có liên kết với nó.

5. Antenna – Các antenna định vị chìa khóa:

Antenna
Antenna.

Đúng như tên gọi của nó, antenna chỉ đơn thuần là thiết bị dùng để phát hiện chìa khóa smart key nếu chìa khóa nằm trong vùng phủ sóng của nó. Việc định vị và nhận dạng chìa khóa là do hộp SMK thực hiện. Antenna chỉ có hai dây điện kết nối với hộp SMK.

Thông thường trên một chiếc xe có từ 5 đến 9 chiếc antenna trong đó:

  • Các antenna trên tay cửa để định vị và nhận dạng chìa khóa ngoài xe.
  • Từ 1 đến 2 antenna trong cốp xe để định vị chìa khóa trong cốp xe.
  • Một antenna ở khu vực cản sau để cho phép chủ xe mở cốp bằng nút bấm.
  • Hai antenna trong khu vực cần số để định vị chìa khóa ở trong xe.

6. Switch – Công tắc:

Switch
Switch.

Tùy models xe mà sẽ có nhiều hay ít các công tắc thuộc hệ thống smart key, chúng làm việc như là những thông tin đầu vào cho hệ thống. Phổ biến có các loại công tắc sau:

  • Công tắc trên các tay cửa: tùy thuộc vào nhà SX mà số lượng công tắc này nhiều hay ít, thông thường chỉ có hai công tắc trên hai tay cửa trước và một công tắc cho việc mở khoang hành lý.
  • Công tắc phanh chân: Công tắc này báo chế độ an toàn khởi động cho hộp SMK, hệ thống sẽ không cho phép khởi động nếu công tắc này không báo tín hiệu về hộp điều khiển.
  • Công tắc báo số “P”-”N”: Công tắc này báo thông tin đầu vào cho hộp SMK như một tín hiệu an toàn cho việc khởi động động cơ.
  • Công tắc báo chìa khóa đang ở trong ổ LIMP HOME: Giúp SMK khởi động bằng chế độ LIMP HOME và báo tình trạng sẵn sàng để đăng ký chìa khóa.
  • Một số loại công tắc khác tùy theo models và nhà sản xuất.

7. SSB – Nút start/Stop:

SSB
SSB.

Đây là một module đơn giản trong hệ thống SMK. Phần quan trọng nhất của nó là hai cặp tiếp điểm loại thường mở để truyền ý định của người lái tới hộp PDM.

Hai cặp tiếp điểm chỉ để tăng độ tin cậy của nút bấm, nghĩa là, nếu một trong hai cặp gặp sự cố thì cặp tiếp điểm còn lại sẽ làm việc. Lúc này phải khởi động bằng chế độ “khởi động đúp”.

Những phần phụ khác cũng được tích hợp ở đây như đèn trang trí “Engine start/stop”, đèn báo tình trạng “ACC”, “ON” và động cơ đang làm việc.

Ở version 2.5 và version 2.7, nút SSB được tích hợp thêm cuộn dây antenna phục vụ cho việc chạy chế độ LIMP HOME và đăng ký chìa khóa.

8. Key FOB holder – Module LIMP HOME:

Key FOB holder
Key FOB holder.

Hộc chứa chìa khóa chỉ có ở những xe được trang bị hệ thống SMK version 2.0, nó là nơi để chứa chìa khóa phục vụ cho chế độ LIMP HOME của hệ thống và đăng ký chìa khóa.

Hộc chứa chìa khóa hay Module LIMP HOME cũng là một module đơn giản, nó chỉ bao gồm một cuộn dây antenna tương tự như cuộn dây ở hệ thống IMMO, một công tắc báo chìa khóa ở trong ổ (Key in) và một đèn báo.

9. ESCL – Module khóa tay lái:

ESCL
ESCL.

ESCL (Electronic Steering Column Lock) là module khóa tay lái ESCL là một module khá phức tạp và hay gặp sự cố ở các models dùng hệ thống SMK 2.0.

ESCL dùng motor điện để kéo, đẩy chốt khóa ra và vào vị trí khóa làm cho trục tay lái bị khóa hay mở tùy theo tình trạng của hệ thống, nó thay thế thao tác cơ khí, điều khiển bằng tay của loại ổ khóa điện thông thường.

Do đặc thù mang tính an toàn và an ninh của khóa tay lái nên ESCL cũng được lưu trữ thông tin chìa khóa trong quá trình đăng ký chìa và kết nối với các hộp khác thông qua đường truyền mạng. Với hộp ESCL, máy Scan có thể neutralize và xem “status”, DTC của ESCL sẽ được báo gián tiếp thông qua hộp SMK để báo DTC của phần hộp số.

10. Sơ đồ mạch điện của hệ thống SMART KEY version 2.7:

Một sơ đồ mạch điện của hệ thống SMART KEY version 2.7.
Một sơ đồ mạch điện của hệ thống SMART KEY version 2.7.

Tương tự như nguyên tắc bảo mật của hệ thống IMMO, khi đăng ký chìa khóa, các thông tin về chía khóa sẽ được chuyển về hộp SMK thông qua cuộn dây antenna bên trong module LIMP HOME hoặc nút SSB, qua hộp PDM. Từ hộp SMK, thông qua đường truyền CAN, hộp SMK sẽ lấy thông tin về xe (PIN CODE) từ ECM hoặc từ máy chẩn đoán, hộp SMK sẽ tổng hợp, phân tích rồi theo đường truyền cũ lưu lại trong chìa khóa, thông tin này cũng sẽ theo đường truyền và lưu trữ bên trong các module khác của hệ thống.

Như vậy sau khi tiến hành đăng ký chìa khóa, thông tin bảo mật lưu trữ bao gồm: ID của chìa khóa và PIN code của xe. ID của chìa khóa bao gồm ID của CHIP + tần số RF + tần số LF. Khi lái xe sử dụng SMK, những thông tin này sẽ theo antenna LF, hoặc antenna RF của hộp RF receiver truyền về hộp SMK. Ở đây hộp SMK sẽ chia sẻ thông tin này tới tất cả các hộp có liên quan trong hệ thống để cùng phân tích, so sánh, nếu hệ thống nhận dạng đúng chìa khóa thì hệ thống sẽ ra các lệch khác tùy thuộc vào thao tác của lái xe.

Trong trường hợp dùng chức năng LIMP HOME, thông tin về chìa khóa sẽ được truyền về hộp SMK thông qua antenna bên trong module LIMP HOME hoặc cuộn dây antenna bên trong nút SSB. Các lệnh tiếp theo cũng tương tự như trường hợp lái xe điều khiển hệ thống theo cách thông thường.

II. Nguyên lý hoạt động của hệ thống chìa khóa thông minh Smartkey Hyundai:

Mô phỏng khi bấm nút mở cửa trên Smart Key
Mô phỏng khi bấm nút mở cửa trên Smart Key.

Khi bấm nút mở cửa trên Smart Key, hệ thống được kích hoạt → hộp SMK gửi tín hiệu tìm kiếm chìa khóa đến antenna (sóng LF) → chìa khóa nhận được yêu cầu này từ antenna trên tay cửa nó sẽ gửi tín hiệu (RF) về hộp RF receiver → hộp RF receiver thông qua đường truyền K gửi tín hiệu về hộp SMK , ở đây dữ liệu được phân tích, so sánh, nếu chìa khóa đúng → hộp SMK sẽ gửi tín hiệu đến module điều khiển thân xe (BCM) hoặc module điều khiển chốt cửa (DDM) để mở chốt cửa.

Mô phỏng khởi khởi động động cơ khi bấm nút SSB
Mô phỏng khởi khởi động động cơ khi bấm nút SSB.

Khi bấm nút SSB →  hộp SMK gửi tín hiệu tìm kiếm chìa khóa đến hai antenna trong xe (sóng LF) →  chìa khóa nhận được yêu cầu này từ LF antenna nó sẽ gửi tín hiệu (RF) về hộp RF receiver → hộp RF receiver thông qua đường truyền LIN gửi tín hiệu về hộp SMK,  ở đây dữ liệu được phân tích, so sánh, nếu chìa khóa đúng →  hộp SMK sẽ gửi tín hiệu đến PDM và ECM →  PDM unlock ESCL →  ESCL báo kết quả đã unlock về PDM → ECM và PDM cùng phối hợp bật IG1, START, sau đó ít giây, PDM sẽ bật IG2 và ACC.

Sơ đồ nguyên lý hoạt động hệ thống Smart Key.
Sơ đồ nguyên lý hoạt động hệ thống Smart Key.

III. Một số lỗi cơ bản của hệ thống Smartkey của Hyundai:

1. Chập hoặc hở mạch mạng CAN thân xe (Body CAN):

  • Hiện tượng: Không thể khởi động động cơ.

2. PDM không nhận được tín hiệu tua máy (RPM):

+ Mô tả 1: Mất liên kết ECM↔PDM ↔ đồng hồ táp lô.

  • Hiện tượng: Máy đề sẽ kéo dài khoảng 5 giây.

+ Mô tả 2: Mất liên kết ECM↔PDM.

  • Hiện tượng: Máy đề tiếp tục chạy khi động cơ đã được khởi động.

3. Cặp tiếp điểm trong nút SSB bị lỗi:

+ Mô tả 1: Một trong hai cặp tiếp điểm bị lỗi.

  • Hiện tượng: Khởi động động cơ bằng phương pháp khởi động đúp.

+ Mô tả 2: Cả hai cặp tiếp điểm bị lỗi.

  • Hiện tượng: Không thể khởi động.

4. Mất liên kết ECM ↔ IPM:

  • Hiện tượng: Máy khởi động chạy 8 giây rồi ngừng.

5. Mất liên kết RF receiver ↔ SMK:

  • Hiện tượng: Không thể khởi động được động cơ vì SMK không tìm thấy chìa khóa. Khởi động bằng LIMP HOME.

6. Mất liên kết ESCL ↔ PDM:

  • Hiện tượng: Có thể khởi động được nếu ESCL đang ở chế độ UNLOCK. Không thể khởi động được động cơ nếu ESCL đang ở chế độ LOCK.

7. Mất tín hiệu từ công tắc Unlock trong ESCL:

  • Hiện tượng: Chốt khóa ESCL không chuyển từ Unlock ↔Lock: Có thể khởi động động cơ. Chốt khóa ESCL không chuyển từ Lock ↔Unlock: Không thể khởi động động cơ.

8. Mất tín hiệu từ công tắc rẻ quạt (công tắc báo số):

  • Hiện tượng: Khởi động bằng cách nhấn nút SSB trên 10 giây.

Tóm tắt:

IV. Một số chế độ an toàn của hệ thống chìa khóa Smartkey của Hyundai:

1. Khởi động động cơ:

+ Dùng phương pháp khởi động đúp (Nhấn nút SSB hai lần trong vòng 10 giây). Loại chế độ an toàn: Khi một trong hai cặp tiếp điểm trong nút SSB bị hỏng.

  • Cặp thứ nhất cấp tín hiệu cho hộp SMK.
  • Cặp thứ hai cấp tín hiệu cho hộp PDM.

+ Nhấn và giữ nút SSB trên 10 giây: Công tắc đèn phanh hoặc công tắc báo số “P” bị hỏng.

2. Tắt máy khẩn cấp:

+ Nhấn và giữ nút SSB trên 2 giây: Cần tắt máy khi cần số không ở vị trí “P” hoặc “N”.

+ Nhấn nhanh nút SSB 3 lần trong vòng 3 giây: Cần tắt máy khẩn cấp khi xe đang chạy.

3. Đưa chìa khóa vào ổ LIMP HOME đối với version 2.5 và đưa chìa lại gần nút SSB đối với version 2.7:

+ Khi chìa khóa hết pin hoặc có lỗi trong hệ thống.

V. Những lưu ý khi đăng ký chìa khóa Smartkey của Hyundai:

Khi đăng kí chìa khóa Smartkey của Hyundai cần lưu ý những điều sau:

  • Chú ý chiều của chìa khóa.
  • Chìa khóa phải đặt thẳng hàng với nút SSB.
  • Chìa khóa phải đặt cách nút SSB dưới 10mm.
  • Chìa khóa đã cài cho xe này thì không thể dùng lại cho xe khác.
  • Nếu nhập PIN code sai quá ba lần, hệ thống sẽ bị khóa, hãy chờ 60 phút trước khi làm lại.
  • Số lượng chìa tối đa cho hệ thống SMK 2.0 là 2 chìa, với version 2.5 và 2.7, hệ thống chấp nhận tối đa 3 chìa.

Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn

Thông Tin Cá Nhân

NamNữ

Trình Độ Học Vấn

Thông tin chung

Kỹ thuật viên sửa chữa chungKỹ thuật viên sơnKỹ thuật viên đồngKỹ thuật viên điệnChăm sóc, làm đẹp, Detailing ô tôCố vấn dịch vụBán hàng (Sales)Nhân viên phụ tùngThiết kếMarketingKiểm soát chất lượng (PDI)Quản đốc xưởngTrưởng/phó phòng dịch vụTrưởng/phó phòng kinh doanhTrưởng/phó phòng kỹ thuậtGiám đốc điều hànhChưa có kinh nghiệmKhác