Auto Service World

Thợ sửa chữa ô tô nói gì về ngành nghề mà mình đang làm

Kỹ thuật viên sửa chữa ô tô và cố vấn dịch vụ phải đối mặt với những thách thức và cơ hội mới khi ngành công nghiệp này đang phát triển với một tốc độ chóng mặt. Tạp chí CARS đã tiến hành một cuộc khảo sát hướng tới những đối tượng là chuyên gia hàng đầu, các kỹ thuật viên trong ngành để làm rõ quan điểm của họ về công nghệ, khách hàng và những gì ta cần để phát triển sự nghiệp của mình

Kỹ thuật viên sửa chữa ô tô (hay còn gọi là “thợ máy”) và cố vấn dịch vụ là đóng vai trò cốt lõi là lao động chính của ngành sửa chữa ô tô. Khi các công nghệ trên xe và dịch vụ khách hàng phát triển, vai trò và yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của họ cũng phải phát triển theo.

Ngày nay, Kỹ thuật viên sửa chữa ô tô đang phải vật lộn với các hệ thống ngày càng phức tạp trên xe, đi kèm theo đó là sự kỳ vọng hiệu suất sửa chữa ngày càng cao của khách hàng, đôi khi là khách hàng có hiểu biết (đôi khi là hiểu sai), những điều này áp lực khiến họ phải liên tục nâng cao kỹ năng, kiến thức và tay nghề.

Để hiểu được họ, tạp chí CARS đã tiến hành một cuộc khảo sát lên những người thợ sửa chữa ô tô này để ta có thể nhận thức rõ hơn về thách thức mà họ phải đối mặt, điều yêu thích của họ trong công việc, những gì họ cần từ những người chủ và khách hàng. Chúng tôi đã đặt những câu hỏi chung cho cả hai nhóm và cũng có một số câu hỏi cụ thể chỉ dành cho các kỹ thuật viên và cố vấn dịch vụ.

Họ thích công việc sửa chữa ô tô của họ

Phần lớn (82%) kỹ thuật viên sửa chữa ô tô và cố vấn dịch vụ cho biết thích công việc của mình. Trong đó quá nửa người trả lời (45,5%) rằng họ thực sự yêu công việc của mình.

“Chủ của tôi rất tuyệt vời, giờ làm việc rất hợp lý và luôn sẵn sàng tìm mọi cách hỗ trợ khi chúng tôi yêu cầu. Tôi thích nhất là khi tìm thấy các bộ phận rất hiếm để thay thế và sửa chữa đúng hạn đã báo với khách hàng”,

“Tôi sẽ rất vui và hài lòng ngay khi biết mình có thể sửa chữa trường hợp pan bệnh này hay không”, một người khác nói. “Các bác sĩ có thể mất nhiều năm mới có khả năng nhìn bệnh mà phán chắc chắn có thể chữa được như tôi”.

Trong khi những người khác khen ngợi công ty/ ga ra của họ về môi trường làm việc, những người thợ sửa chữa ô tô khác cũng chỉ ra những thách thức trong việc khiến khách hàng hiểu được công việc họ đang làm.

Một người giải thích rằng đây là một điểm cần cải thiện: “Chủ xe nên tìm hiểu sơ qua về xe của họ, cách bảo dưỡng để xe tiếp tục hoạt động ổn định, quan trọng hơn hết là ít nhất có thể hiểu được những người thợ sửa chữa ô tô đang giải thích trong quá trình sửa chữa ô tô”.

Một người đồng tình với quan điểm này và bổ sung rằng khi khách hàng có những yêu cầu phi lý hay cực kỳ khó thực hiện, thì thay vì đưa ra lời khuyên cho khách hàng, quản lý ga ra sẽ gây áp lực buộc thợ sửa chữa ô tô phải hoàn thành công việc trong định mức thời gian mà khách hàng mong muốn nhưng lại “không hợp lý”.

Họ nói thêm: “Chúng tôi muốn khách hàng hiểu rằng công việc bảo dưỡng và sửa chữa ô tô cần có phải thời gian, và chúng tôi thường đề xuất đặt lịch trước nhiều ngày”.

Và hơn hết, họ chia sẻ ngành sửa chữa ô tô : “Đây là một ngành khó để gắn bó cả đời. Giống như bạn chơi tàu lượn vậy, có những lúc thăng trầm bạn phải tập thích nghi với những khó khăn vấp ngã, giữ tập trung và bình tĩnh để giải quyết mọi khó khăn và tiến xa hơn. Tuy vậy, không nên đứng núi này trông núi nọ, nghề nào cũng có những rào cản, khó khăn thử thách naht61 định.”

Nhưng họ đều cho rằng tất cả mọi thứ có thể thay đổi theo hướng tốt hơn. Khi được hỏi bạn muốn điều gì sẽ được cải thiện trong tương lại, câu trả lời của những người thợ sửa chữa ô tô có thể trải dài từ nhận được nhiều sự tôn trọng hơn của khách hàng cho đến sự hỗ trợ kỹ thuật của chủ và phúc lợi bảo hiểm.

Tuy nhiên, họ cũng cảm thấy ít nhất sẽ tôn trọng nếu có thể đưa ra giải pháp cho các trường hợp hư hỏng – hơn 90% cho biết.

“Điều tôi thích ở sếp tôi là anh ấy đối xử công bằng với tất cả mọi người kể cả ảnh. Khi có có vấn đề chúng tôi không thể xử lý, anh ấy sẽ tự tay giải quyết, sửa chữa”, một người trả lời giải thích. “Sếp tôi rất giỏi trong việc tạo việc làm và đảm bảo chúng tôi ít nhất có một nơi để đến làm việc”.

Lương thưởng

Theo một số chuyên gia, ngành sửa chữa ô tô đang trả lương khá thấp cho các kỹ thuật viên và cố vấn dịch vụ. Mức lương thấp khiến ga ra chậm phát triển cũng như không thu hút được nhân tài.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi về mức lương, 91 phần trăm cho biết họ đang được trả công xứng đáng cho công việc sửa chữa ô tô.

“Tôi được trả lương theo số giờ công. Và đôi khi năng suất làm việc của tôi cao, tôi có thể kiếm được khoảng 1,5 lần tiền lương theo giờ của mình, đôi khi tôi còn làm thêm giờ và nhận được các khoản tiền thưởng, trợ cấp khác nữa”, một người hào hứng chia sẻ.

Số ít khác thì thờ ơ: “Tôi biết tiền lương của tôi đang ở mức trung bình khá. Tôi vẫn muốn kiếm nhiều tiền hơn nhưng xét cho cùng trình độ và tay nghề của tôi không cho phép chủ tôi có thể tăng lương. Tuy mức lương là ngang nhau và thậm chí là hơn, chúng tôi không được người khác xem trọng như nhân viên văn phòng chứ đừng nói đến là bác sĩ hay luật sư.”

Một người khác cảm thấy họ được người chủ nên trả lương công bằng cho công việc họ làm, dựa trên khả năng xử lý khối lượng công việc và độ khó của công việc.

Thông tin chi tiết của cố vấn dịch vụ ngành sửa chữa ô tô

Chúng tôi đã đặt một loạt câu hỏi nhanh cho các cố vấn dịch vụ để biết suy nghĩ của họ về một số chủ đề nhất định.

Tất cả đều cho biết họ hiểu cách đặt lịch để đạt năng suất làm việc tối đa, cũng như cách hỏi khách hàng để đảm bảo người thợ sửa chữa ô tô có đủ thông tin nhằm đưa ra nhận định về tình trạng hư hỏng. Tất cả đều cho rằng họ đủ kiến ​​thức về xe để có thể tư vấn hiệu quả cho khách hàng.

Một câu hỏi gây tranh cãi về việc tự ý đặt lịch hẹn lịch bảo dưỡng, kiểm tra tiếp theo của khách hàng. Một số ít (43%) cho biết họ đang làm như vậy, trong khi số còn lại (57%) thì không.

Ngoài ra còn có phân loại khách hàng. Phần lớn (57%) cho biết họ đã được đào tạo để làm như vậy trong khi số còn lại nói là không.

Khi được yêu cầu nói thêm, các cố vấn đã khen ngợi công ty/ ga ra của họ.

“Nhìn chung, chúng tôi cảm thấy mọi thứ đang rất tốt, chúng tôi đã trở nên “kén chọn” hơn trong việc llựa chọn công việc sửa chữa ô tô cụ thể và khách hàng mà chúng tôi muốn làm việc cùng”, một cố vấn giải thích.

Những người khác nhấn mạnh rằng khách hàng của họ là ưu tiên hàng đầu, họ đã triển khai các công cụ, phần mềm tới khách hàng như ứng dụng nhắc nhở lịch hẹn và thông báo, khuyến nghị kiểm tra bảo dưỡng, sữa chữa ô tô theo chu kỳ khuyến nghị.

Thông tin chi tiết của kỹ thuật viên ngành sửa chữa ô tô

Một loạt các câu hỏi nhanh cũng được đưa ra cho các kỹ thuật viên ngành sửa chữa ô tô. Và kết quả có thể gây ngạc nhiên vì chúng trái ngược với những gì mọi người thường coi là vấn đề nan giải trong ngành.

Khi được hỏi liệu họ có được đào tạo để thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả hay không, hơn 71% trả lời có, trong khi 29% còn lại trả lời là không.

Phần lớn (86%) cho biết họ có đủ công cụ và đồ nghề để thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả.

“Tôi có hầu hết các dụng cụ cần thiết để thực hiện các thao tác tháo lắp và cân chỉnh, nhưng việc tiếp cận các thiết bị và phần mềm chẩn đoán thường rất tốn kém đối với một kỹ thuật viên sửa chữa ô tô, đặc biệt là trong một ga ra nhận làm nhiều loại xe,” một kỹ thuật viên bình luận.

Một vấn đề gây nên nhiều bất đồng là khi được hỏi liệu họ có đủ thời gian để chẩn đoán đúng xe hay không — 57% số người trả lời là có, 43% người trả lời là không.

Một kỹ thuật viên nhận xét: “Nếu chúng tôi yêu cầu tính lương tương xứng với thời gian làm việc và trình độ của mình, sẽ không có ai thuê tôi cả. Vì chi phí để duy trì và bảo dưỡng một chiếc xe để có thể vận hành hoàn hảo sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc thuê hoặc đổi xe sau mỗi vài ba năm.”

Cam kết với nghề nghiệp sửa chữa ô tô

82% số người được hỏi, bao gồm cả chuyên gia kỹ thuật và cố vấn, họ đã có kế hoạch để gắn bó với ngành sửa chữa ô tô này lâu nhất có thể.

Tuy nhiên, họ cũng chia sẻ rằng vấn đề sức khỏe rất có thể sẽ khiến họ buộc phải nghỉ làm.

“Cơ thể tôi dần bị hao mòn. Càng lớn tuổi, tôi càng mất nhiều thời gian hơn để bước ra khỏi giường buổi sáng”, một người chỉ ra.

Một người khác cho biết họ sẽ nghỉ làm chỉ vì sự thiếu tôn trọng mà khách hàng dành cho những Kỹ thuật viên nữ. “Tôi cảm thấy khó chịu với những người đàn ông không tôn trọng phụ nữ trong ngành sửa chữa ô tô, đa phần mọi người đều không xem trọng chúng tôi trong ngành nghề này.”

Một người khác chỉ ra nhiều lý do khác nhau. “Có nhiều yếu tố cần xem xét như người sếp, khách hàng, các dụng cụ, thiết bị cần thiết cho những công việc cơ bản, áp lực cạnh tranh do yêu cầu cao của ngành”

Chịu áp lực

Đối với nhiều kỹ thuật viên sửa chữa ô tô, khía cạnh thỏa mãn nhất của là khi giải quyết được các vấn đề khó khăn. Một người trả lời chia sẻ, “Tôi cảm thấy hài lòng ngay lập tức khi sửa chữa thành công. Thật vui khi biết rằng tôi đã tạo ra sự khác biệt khi vận hành cả một chiếc xe.”

Tuy nhiên, họ đang phải chịu áp lực ngày càng tăng. Áp lực này càng tăng thêm do công nghệ ngày càng phát triển với tốc độ chống mặt. Việc theo kịp công nghệ (54,5%) được chọn là thách thức hàng đầu đối với các kỹ thuật viên và cố vấn sửa chữa ô tô .

Một danh sách những thứ cần phải học để theo kịp thời đại được liệt kê bao gồm lập trình, coding lại và reset mô đun, làm việc với hệ thống chống trộm, chẩn đoán bus CAN và nhiều thứ khác nữa.

“Mọi công việc đều phải tốn thời gian, học cách hệ thống hoạt động,” họ nói. “Không ai có thể biết mọi thứ về mọi hãng và model xe. Và không ai trả tiền cho chúng tôi trong khoảng thời gian học tất cả công nghệ mới này.”

Một người khác lưu ý rằng việc đào tạo vẫn có thể thực hiện được — vấn đề chỉ là thời gian.

“Vấn đề cụ thể mà tôi thường xuyên nhận thấy là khối lượng công việc phải làm”, họ giải thích. Chúng tôi thường xuyên được đặt lịch trước 3-4 ngày và có nhiều việc phải làm trong cùng một ngàykhiến chúng tôi phải tăng ca. Đây là một thách thức để duy trì tiến độ công việc trong khi vẫn phải học tập để theo kịp sự phát triển của ngành.”

Mối quan tâm về tương lai

Khi các hệ thống tiên tiến hơn như ADAS (hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao), xe điện và xe Hybrid gia nhập thị trường, các kỹ thuật viên phải liên tục học hỏi và thích nghi.

Trong khi một số hào hứng với những cơ hội mới mà thời đại mang lại, những người khác lại lo lắng về chi phí liên quan đến việc duy trì vận hành một ga ra. Một kỹ thuật viên dự đoán rằng “Điều này báo hiệu sự suy giảm của các ga ra vừa và nhỏ. Ga ra giờ đây yêu cầu cần phải đạt đến một quy mô nhất định để đủ khả năng trang bị thiết bị, dụng cụ cần thiết và khả năng đào tạo thợ máy cho các công nghệ kỹ thuật mới”.

Một người khác cho biết họ không thể theo kịp và họ cảm thấy thất vọng.

“Mọi thứ dường như phát triển quá nhanh. Đến lúc chúng tôi hiểu và có thể sửa chữa một thứ gì đó thì nó không còn thịnh hành nữa và đã chuyển sang công nghệ mới. Công việc này không dễ dàng và không dành cho những người yếu tim”, họ nói.

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn