Cao Hồng Sơn

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và tham vọng thâu tóm ngành công nghiệp ô tô thế giới

Trong hơn nửa thập kỷ trở lại đây, ngày càng có nhiều công nhân ở ngành công nghiệp ô tô thế giới đang phải “trông cậy” vào các công ty Trung Quốc để nhận lương hàng tháng của mình. Các doanh nghiệp của đất nước đông dân nhất thế giới đang đổ tiền vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành ô tô, từ sản xuất gương và lốp cho tới công nghệ phát triển, chế tạo xe mới, qua đó phản ánh mục đích cao cả cuối cùng là thống trị ngành công nghiệp ô tô thế giới.

“Bàn cờ vây” của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp ô tô thế giới

Nỗ lực trên đã được tăng tốc trong nửa đầu năm 2017, với 8 thương vụ nước ngoài có tổng giá trị hơn 5,5 tỷ USD bởi các nhà đầu tư Trung Quốc, so sánh với con số 9 vụ đầu tư trong cả năm 2016.

Danh sách những đối tượng được các doanh nghiệp Trung Quốc nhắm tới vô cùng đa dạng, có thể kể đến như hãng sản xuất túi khí Takata bị phá sản của Nhật Bản hay nhãn hiệu xe bay Terrafugia. Ngoài ra, “gã khổng lồ” trong ngành Internet Tencent còn mua cả một lượng lớn cổ phần của Tesla. trước đó, vào hồi năm 2005, hãng SAIC Motor đã mua lại nhãn hiệu ô tô Anh quốc MG sau khi công ty mẹ MG Rover bị sụp đổ.

“Tôi muốn cả thế giới nghe thấy âm thanh tạo ra bởi Geely và những chiếc xe made-in China khác”, Li Shufu nói với Bloomberg.

Li Shufu là người sáng tạo ra tập đoàn Geely từ những năm 1980 khi còn là thợ sửa tủ lạnh. Hiện tại, tập đoàn của ông sở hữu Volvo Cars, Lotus, London Black Cabs và lượng cổ phần lớn nhất tại Daimler AG – công ty sáng tạo ra ôtô. Li là đại diện cho tham vọng của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc, muốn vươn mình sánh ngang 3 ông lớn thế giới gồm Mỹ, Đức và Nhật Bản. “Giấc mơ của Geely là trở thành một công ty toàn cầu. Để làm được điều đó, chúng tôi phải ra khỏi biên giới Trung Quốc”.

Chủ tịch của Geely - Li Shufu - muốn biến Trung Quốc thành một cường quốc xe hơi. 
Chủ tịch của Geely – Li Shufu – muốn biến Trung Quốc thành một cường quốc xe hơi.

Li không đơn độc trong cuộc chơi này. Ít nhất 4 nhà sản xuất ôtô Trung Quốc và 3 start-up do người Trung Quốc sở hữu là SF Motors, NIO và Byton có kế hoạch bán xe tại Mỹ vào năm sau. Cùng thời điểm, BYD đang phát triển xe bus điện tại California, Baidu hợp tác với Microsoft, TomTom và Nvidia phát triển nền tảng xe tự lái, TuSimple thử nghiệm xe tự lái tại Arizona.

Số tiền đầu tư vào ngành ô tô nước ngoài của Trung Quốc ước tính vượt hơn 34 tỷ USD kể từ năm 2008, cho dù không ít đất nước đã cố gắng kìm nén những vụ mua lại này. Chuyện này phản ánh hai yếu tố, dựa theo chia sẻ của ông Michael Dunne, chủ tịch của Dunne Automotive. Một là các công ty ô tô Trung Quốc đã lựa chọn đối tượng cẩn thận và đảm bảo giá trị tốt tương xứng số tiền họ bỏ ra, không giống những đồng nghiệp ở các lĩnh vực khác như giải trí. Hai là phân khúc ô tô rõ ràng đang nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ bởi chính phủ để có thể nắm vị trí đứng đầu thị trường toàn cầu.

“Không có gì nghi ngờ khi tham vọng của họ là trở thành số 1,” ông Dunne nói. Đồng thời, ông Dunne cũng ví von cách thức tiếp cận của các công ty Trung Quốc giống như đang chơi một ván cờ vây vậy.

Những vụ “thâu tóm” đình đám của Trung Quốc

Volvo

Một trong những thương vụ đầu tiên, mở đầu cho phong trào này là việc Geely mua lại thương hiệu Thụy Điển Volvo từ Ford vào năm 2010. Sau đó, Geely đổ 10 tỷ USD để tái thiết Volvo, đưa thương hiệu xe phổ thông tại châu Âu lên thành xe sang. Nhờ đó, doanh số Volvo tăng trưởng nhanh ở cả châu Âu, châu Mỹ và châu Á.

Tuy nhiên, Geely khá thận trọng khi không làm xáo trộn Volvo, vẫn giữ nguyên các nhà máy tại Thụy Điển, Bỉ và Malaysia (có từ năm 1967). Bên cạnh đó, hãng này cho mở thêm các nhà máy tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và đầu tư để phát triển công nghệ cho những ”xe an toàn nhất châu Âu”.

Việc cải tổ nội bộ duy nhất có lẽ là việc tách phân hiệu hiệu suất cao Polestar thành một thương hiệu xe điện riêng. Có thể thấy, ngoài việc không làm xáo trộn nội bộ của Volvo, Geely cũng khá thông minh với nước bài ”đi ngầm”, không vội khuếch trương để tránh việc Volvo bị áp đặt là ”xe Trung Quốc” như các thương hiệu đi trước đã bị.

MG

Một trong những nạn nhân của cuộc khủng hoảng ngành công nghiệp ôtô Anh những năm 1990 – hãng MG lâm vào bờ vực phá sản. Tháng 2/1994, BMW vung hơn 800 triệu bảng để cứu vớt MG cùng với tập đoàn Rover. Tình hình MG vẫn không khả quan nên lại tiếp tục bị BMW bán lại cho Phoenix Consortium vào năm 2000.

MG vẫn chưa được ”an cư” khi tiếp tục bị bán lại cho tập đoàn ôtô Nam Kinh của Trung Quốc. Ban đầu, tập đoàn Nam Kinh dự tính mua lại Land Rover nhưng lại chậm chân hơn Ford nên đành chuyển sang MG như một sự thay thế. Sau khi mua MG, tập đoàn Nam Kinh sáp nhập MG với SAIC Motor và MG đã có những bước phát triển đầu tiên sau hơn 20 năm lận đận.

Proton

Sau khi đặt chân vào châu Âu với Volvo, Geely tiếp tục nhắm đến thị trường Đông Nam Á. Tháng 6/2017, Geely chính thức mua lại 49,9% cổ phần của Proton – hãng xe nội địa Malaysia. Đây là thương vụ có lợi cho đôi bên. Nhờ Geely mà Proton được thừa hưởng các công nghệ tiên tiến từ châu Âu lên khung sườn, động cơ nhưng vẫn giữ giá bình dân, vẫn là ”xe nội địa”. Nhờ Proton, Geely chạm chân được vào thị trường Malaysia và xa hơn là cả Đông Nam Á – nơi vốn không chuộng xe Trung Quốc.

 

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ra mắt chiếc SUV đầu tiên của Proton sau khi về tay Geely. Ảnh AP News.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ra mắt chiếc SUV đầu tiên của Proton sau khi về tay Geely. Ảnh AP News.

Lotus

Thương vụ Proton được ví là thương vụ ”mua 1 được 2” của Geely. Ngoài việc sở hữu Proton, tập đoàn Zhejiang Geely Holding – hãng mẹ của Geely cũng sở hữu luôn thương hiệu Lotus đến từ Anh với 51% cổ phần. Proton đã thâu tóm hãng xe thể thao của Anh từ năm 1996. Có thể thấy, từng nước cờ thu mua của Geely đều có tính toán. Chỉ với 2 thượng vụ mà họ đã thâu tóm được 3 hãng xe với 3 phân khúc khác nhau (Volvo: xe sang, Lotus: xe thể thao và Proton: xe bình dân) ở 2 châu lục.

Tương tự MG, Lotus có thời gian lận đận sau khủng hoảng nền công nghiệp ôtô Anh. Sau đó, Lotus được tỷ phú ”điên” người Italy Romano Artioli mua lại từ General Motors vào năm 1993. Người ta gọi Romano Artioli là kẻ điên vì ông đã từng hủy hoại Bugatti sau khi mua lại hãng siêu xe Pháp năm 1987. Rất may cho Bugatti khi sau đó Artioli chịu bán thương hiệu này cho Volkswagen vào năm 1998.

Daimler

Thương vụ đình đám và tốn nhiều giấy mực nhất là thương vụ Geely mua lại 9,69% cổ phần của Daimler - công ty mẹ của Mercedes-Benz vào đầu năm 2018.
Thương vụ đình đám và tốn nhiều giấy mực nhất là thương vụ Geely mua lại 9,69% cổ phần của Daimler – công ty mẹ của Mercedes-Benz vào đầu năm 2018.

Thương vụ này tiêu tốn của Geely khoảng tiền 9 tỷ USD. Sau khi trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong tập đoàn nước Đức, Geely dự định mang thương hiệu Lynk & Co đến với châu Âu từ giữa năm 2019. Bên cạnh đó, Geely cũng đầu tư để cùng với Daimler đẩy mạnh phát triển xe điện và xe tự lái. Khác với những nhà đầu tư chỉ để hưởng lợi,  luôn rót những khoản tiền khổng lồ để phát triển những nơi mà công ty này có cổ phần.

“Vị trí của họ đang tốt hơn bao giờ hết. Họ có nhiều thời gian làm việc với các nhà sản xuất quốc tế và trở nên trưởng thành hơn rất nhiều”. Anna-Marie Baisden – trưởng bộ phận nghiên cứu về ôtô của BMI Research – nói về các hãng xe hơi Trung Quốc Geely.

Rõ ràng, nếu tình hình vẫn giữ nguyên như hiện nay, tham vọng của Trung Quốc sẽ sớm thành hiện thực. Chúng ta hãy tiếp tục chờ những bước đi tiếp theo của Trung Quốc và cách đối phó của các cường quốc xe hơi.

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn