Những nguyên nhân hàng đầu gây cháy ô tô

(New.oto-hui.com) – Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc xe bị bốc cháy, trong đó rò rỉ nhiên liệu được cho là nguyên nhân hàng đầu gây cháy ô tô.

Bài viết liên quan:

Những nguyên nhân hàng đầu gây cháy ô tô

1. Lỗi thiết kế:

Sai sót trong thiết kế sẽ gián tiếp gây cháy ô tô khi xảy ra va chạm

Sai sót trong thiết kế chỉ là bước đầu tiên dẫn đến một vụ cháy tiềm ẩn. Lỗi thiết kế thường không thể gây ra một vụ cháy, nhưng nó có thể tạo ra điều kiện chín muồi cho một vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nắm bắt được vấn đề khá nhanh trước khi sự cố trở nên phổ biến. Họ sẽ thu hồi những chiếc xe bị lỗi để khắc phục vấn đề. Bởi vì không một nhà sản xuất ô tô nào muốn trở nên nổi tiếng vì đã “nướng chín” khách hàng của mình.

2. Lười bảo dưỡng:

Lười bảo dưỡng dẫn đến nhiều hệ thống làm việc không ổn định, ảnh hưởng xấu đến chiếc xe

Lỗi của con người có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hỏa hoạn cho xe ô tô. Lười bảo dưỡng không nguy hiểm như việc đốt một que diêm ném vào bình xăng. Nhưng nếu không thường xuyên bảo dưỡng, chiếc xe của bạn sẽ trong tình trạng nguy hiểm hơn rất nhiều và có thể là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới một trận hỏa hoạn.

3. Va chạm ô tô:

Va chạm ô tô luôn tiềm ẩn cháy.

Tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng, một vụ tai nạn ô tô có thể gây ra cháy xe. Hầu hết các khu vực bảo vệ như cản trước và cản sau của xe được thiết kế khá chắc chắn để hấp thụ lực va chạm và bảo vệ các bộ phận bên trong như động cơ, ắc-quy hay bình xăng. Tuy nhiên, với những cú va chạm đủ mạnh có thể gây rò rỉ hoặc tràn chất lỏng ra ngoài, cùng với hơi nóng và khói, đây là điều kiện cần và đủ để gây cháy xe. Cách tốt nhất trong trường hợp này là tránh xa chiếc xe bị hư hại càng nhanh càng tốt.

4. Pin trên xe hybrid và xe điện:

Pin xe điện cũng bị ảnh hưởng khi va chạm cá vật sắt nhọn trên đường

Hồi tháng 9/ 2013, một chiếc Tesla Model S bốc cháy không lâu sau khi được trao danh hiệu “Chiếc xe an toàn nhất từ trước đến nay” của Tesla. Mặc dù trước đó hãng xe điện của Mỹ luôn tự tin khẳng định rằng mẫu xe này “miễn nhiễm” với các vấn đề liên quan đến pin. Nguyên nhân gây ra sự cố này là do khi xe chạy ở tốc độ cao, các vật cứng, nhọn như gạch đá trên đường đâm vào tấm pin khiến xe bốc cháy. Chính điều này càng khiến mọi người nghi ngại hơn về độ an toàn của các tấm pin trên xe hybrid và xe điện.

5. Bộ chuyển đổi xúc tác khí thải bị quá nhiệt:

Bộ chuyển đổi xúc tác quá tải (hoặc bị tắc) có thể làm tăng nhiệt độ, tăng nguy cơ cháy nổ

Bộ chuyển đổi xúc tác quá nóng là một nguy cơ gây cháy thường bị bỏ qua. Như chúng ta biết, một trong những bộ phận nóng nhất chạy dọc chiều dài của xe là hệ thống ống xả. Bộ chuyển đổi xúc tác thường bị quá nhiệt vì phải làm việc quá tải để xử lý các khí thải gây ô nhiễm trước khi xả ra môi trường. Nếu động cơ của xe không hoạt động hiệu quả thì bộ chuyển đổi xúc tác phải hoạt động nhiều hơn.

Bộ chuyển đổi xúc tác quá tải (hoặc bị tắc) có thể làm tăng nhiệt độ bình thường của nó từ 649- 871 độ C lên đến 1.093 độ C. Điều này gây ra thiệt hại lâu dài không chỉ đối với bộ chuyển đổi xúc tác, mà còn đối với các bộ phận xung quanh. Nếu bộ chuyển đổi xúc tác bị làm nóng quá mức, nó có thể đốt cháy tấm cách nhiệt trong cabin, thảm sàn ngay cả khi có tấm cách nhiệt và sàn xe bằng kim loại.

6. Động cơ bị quá nhiệt:

Động cơ bị làm nóng quá mức không thể gây cháy xe, nhưng nhiệt độ cao tỏa ra từ động cơ khiến cho các chất lỏng bên trong xe như dầu nhớt và nước làm mát sôi lên và tràn ra ngoài, rồi rò rỉ qua khoang động cơ, hệ thống xả. Khi chúng đi đến những khu vực bị làm nóng sẽ dễ dàng bắt lửa và lan rộng ra cả xe. Nếu động cơ xe của bạn liên tục bị quá nhiệt thì tốt nhất bạn nên mang xe đến garage để được sửa chữa, nhằm phòng ngừa những mối nguy tiềm ẩn.

7. Rò rỉ/ tràn chất lỏng:

Rò rỉ nhiên liệu

Ngoài nhiên liệu ra còn có rất nhiều chất lỏng dễ cháy khác trên xe như dầu bôi trơn động cơ, dầu hộp số, dầu trợ lực tay lái, dầu phanh và chất làm mát động cơ. Các chất lỏng này tuần hoàn khi động cơ hoạt động và tất cả chúng có thể bắt cháy khá dễ dàng nếu đường ống hay bình chứa bị rò rỉ.

8. Lỗi hệ thống điện:

Dây điện bị đứt, hở rất nguy hiểm

Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai ở các vụ cháy xe ô tô. Hệ thống điện bị hỏng có thể làm phát ra tia lửa điện châm lửa cho các chất dễ cháy bị rò rỉ bùng lên thành ngọn lửa. Trên xe ô tô, không chỉ có pin lithium-ion mới dễ cháy, khí hydro được sinh ra trong phản ứng tách nước khi sạc ắc quy chì nếu tích tụ lâu ngày trong khoang động cơ cũng có thể gây ra hỏa hoạn. Đặc biệt, do hệ thống điện không chỉ gói gọn ở khoang động cơ mà có mặt ở khắp xe ô tô từ bảng đồng hồ đến cửa ra vào, dưới thảm trải sàn, dưới ghế… Nếu dây dẫn bị sờn, bị chạm mạch ở bất cứ vị trí nào cũng có thể gây cháy.

9. Rò rỉ nhiên liệu:

Rò rỉ xăng là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến hỏa hoạn và cháy xe ô tô. Loại nhiên liệu này có thể tự bốc hơi ở 7,2 độ C và chỉ cần một tia lửa cũng dễ dàng bốc cháy. Đặc biệt, nếu có sự hiện diện của không khí, xăng có thể tự bốc cháy ở nhiệt độ 257,2 độ C. Chính vì vậy, khi bị rò rỉ lên kim loại hay nhựa nóng, xăng có thể tự bốc cháy.

Rò rỉ nhiên liệu là nguyên nhân hàng đầu gây cháy ô tô

Do xăng thường rò rỉ ở đầu nối bị hở hay ống dẫn bị lão hóa nên cách tốt nhất để phòng ngừa nguy cơ này là thường xuyên kiểm tra xe và bảo dưỡng đúng quy cách.

Hy vọng bài viết trên đây phần nào giúp bạn hiểu được nguyên nhân gây cháy xe cũng như cách khắc phục để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc. Chúc các bạn lái xe an toàn!

Tổng hợp

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn