Trí. H - Jardinemotors

Những dấu mốc đáng nhớ về lịch sử phát triển công nghệ ô tô

(News.oto-hui.com) – 200 năm trước, ít có ai có thể nghĩ xe hơi sẽ gắn bó mật thiết với đời sống con người hơn ngựa. Nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao hơn, một chiếc xe không chỉ có chạy được, chở được mà nó còn phải đáp ứng đầy đủ những yêu cầu từ phía người dùng. Chính vì lẽ đó, một cuộc cách mạng công nghiệp ô tô bùng nổ, trải qua hơn 200 năm mới có thể hoàn thiện như ngày nay. Dưới đây là 31 dấu mốc đáng nhớ nhất về lịch sử phát triển công nghệ ô tô trên thế giới.

Bài viết đề cập đến một mốc thời gian (bắt đầu từ năm 1883 – 2020) cho thấy sự phát triển vượt bậc của công nghệ xe hơi qua từng năm tháng. Mở đầu từ chiếc xe hơi 3 bánh đầu tiên được phát minh bởi kỹ sư Karl Benz. Cho đến một loạt công nghệ an toàn, tiện nghi trong thời hậu chiến tranh lạnh, với hệ thống điện dần phức tạp hơn. Và cuối cùng là tương lai của những chiếc xe hiện đại ngày nay: Xe điện, xe tự lái.

OTO-HUI đã lập “bản đồ năm” khoang vùng các bước phát triển lớn về công nghệ ô tô. Chung quy lại, tất cả nhánh rẽ nhỏ ấy đều dẫn đến cuộc cách mạng công nghiệp ô tô, với mong muốn thay đổi cách lái xe ngày một an toàn hơn, hiện đại hơn.

A. 31 dấu mốc đáng chú ý về lịch sử phát triển công nghệ ô tô

1. Năm 1886 – Chiếc xe hơi đầu tiên được phát minh:

Karl Benz, kỹ sư người Áo, đã phát minh ra chiếc ô tô “thực sự” đầu tiên vào thế kỷ 19. Nó chạy bằng động cơ đốt trong và có ba bánh. Chiếc xe này đã chứng minh rằng: bất kỳ nỗ lực phát minh ô tô nào trước đây đều sử dụng năng lượng hơi nước đều sẽ không đạt được nhiều hiệu suất như động cơ đốt trong mang lại.

Chiếc xe của Karl Benz sử dụng bộ chế hoà khí, phiên bản cải tiến thứ hai sau Bộ chế hòa khí đầu tiên được phát minh bởi Samuel Morey vào năm 1826.

Kỹ sư Karl Benz (1844 -1929) và chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong đầu tiên trên thế giới

2. Năm 1908 – Hãng Ford sản xuất dòng xe huyền thoại – Ford Model T:

Ford Model T là chiếc xe đầu tiên trên thế giới được sản xuất theo dây chuyền lắp ráp. Bước nhảy vọt về công nghệ này đã làm cho giá thành của chiếc xe ô tô rẻ hơn bao giờ hết. Động cơ xăng cung cấp 20 mã lực giúp xe có thể đạt tốc độ 72 km/h.

Henry Ford (1891 – 1947) bên cạnh chiếc Ford Model T 1908

Tuy nhiên, nó vẫn còn chậm hơn rất nhiều nếu so với những con ngựa “phi nước đại” thời ấy. Nhưng mẫu xe này là một bước tiến vượt bậc, mở ra trang lịch sử vàng son của ngành công nghiệp ô tô.

3. Năm 1911 – Hệ thống khởi động bằng điện tử (Electric Ignition Starter):

Hệ thống khởi động bằng điện tử (máy khởi động,…) được phát minh để thay thế các loại tay quay động cơ. Nó ưu việt hơn hẳn, bằng cách khởi động động cơ chỉ bằng nút bấm. 

Hệ thống điện động cơ Cadillac – 366 CID 50 HP của nhà khoa học Charles Franklin Kettering (1876 – 1958)

Được biết, tay quay được coi là nguy hiểm khi khởi động động cơ vì nó có thể văng ra bất cứ lúc nào, đôi khi khiến người sử dụng bị thương nặng. Bộ khởi động động cơ bằng điện tử đầu tiên được sử dụng trên chiếc Cadillac vào năm 1912 và chúng nhanh chóng được ứng dụng rộng rãi.

4. Năm 1921 – Ổ mồi thuốc lá trên ô tô (Cigarette lighters):

Ổ mồi thuốc lá có một bộ phận có thể tháo rời được đốt nóng bằng điện. Đến năm 1925, chúng là tiêu chuẩn trong hầu hết các xe hơi của Mỹ. Ngày nay, ổ mồi thuốc lá đã không còn hợp thời.

Mẫu xe đầu tiên đi kèm với ổ mồi thuốc lá là chiếc xe Lincoln L sản xuất năm 1922. Xe “hạng sang” được trang bị động cơ V8 5.8L sản sinh công suất 90 mã lực, có giá 4.300 đô la.

Lincoln L 1922

5. Năm 1930 – Đài phát thanh trên ô tô (Car radio):

Đài phát thanh trên xe hơi đầu tiên được tạo ra vào năm 1930 ở tần số AM, đơn âm. Trước đó, đã có rất nhiều sáng chế về đài phát thanh trên ô tô, tuy nhiên, muộn nhất là vào năm 1927, loại “âm thanh trên xe” này mới thật sự xuất hiện.

Đài phát thanh trên ô tô năm 1927 của Crosley Roamio 91, bản chưa chính thức.

Lần đầu tiên, âm nhạc/ âm thanh/ giọng nói xuất hiện trên xe. Mặc dù phải mất đến 22 năm nữa, chiếc radio đầu tiên có khả năng nhận tần số FM mới được thêm vào ô tô vào năm 1952. Chú ý: Tần số AM và FM là khác nhau.

Motorized Victrola/ Motorola 1930- Đài phát thanh trên ô tô đầu tiên được sáng chế bởi Paul Galvin và William Lear
Một vài sáng chế đạt giải thưởng về Radio Car năm 1937: Magnadyne RACI, Condor CR5 , Irradio Autoradio và Sliar Savoia (hầu hết là của Ý)

6. Năm 1934 – Hệ thống treo lò xo cuộn/xoắn (Coil-spring suspension System):

Nhiều nhà sản xuất ô tô bắt đầu tìm cách để việc lái xe thoải mái hơn, họ đã phát minh hệ thống treo lò xo cuộn. Mỗi bánh xe (ban đầu chỉ là hai bánh trước) đều trang bị lò xo cuộn. Loại lò xo này tự nén lại để hấp thụ rung động giữa mặt đường và xe khi qua các đoạn đường xóc, giúp chiếc xe hoạt động êm dịu hơn.

1934 CHEVY Master Knee-action
1934 Chevrolet Street Rod

7. Những năm 1940 – Cửa sổ điện ô tô (Power Windows/ Electric Windows):

Cửa sổ điện đầu tiên xuất hiện vào những năm 1940, khi nó được bổ sung như một tính năng sang trọng của dòng xe Packard 180 đời 1940.

Năm 1941, Ford Motor Company ra mắt cửa sổ chỉnh điện đầu tiên trên Lincoln Custom (chỉ dành cho xe limousine và sedan 7 hành khách).

Sau này, nhiều hãng xe tạo ra loại cửa sổ chỉnh điện hiện đại hơn như General Motor, Buick, Volvo, Mazda, … sử dụng công tắc nằm ở bảng điều khiển trung tâm.

Cửa sổ điện trên chiếc Limousine Lincoln Custom 1941

8. Năm 1949 – Chìa khóa ô tô (Car key):

Nghe rất vô lý phải không? Dù chiếc xe hơi đầu tiên ra đời đã hơn 60 năm, mới có người phát minh ra chìa khoá này. Hãng xe Chrysler đã phát minh ra công nghệ có thể khởi động cả bộ khởi động điện và bộ đánh lửa chỉ bằng chìa khoá. Chìa khoá này là tiền đề để phát triển các hệ thống Smart Key sau này.

9. Năm 1951 – Hệ thống trợ lực lái đầu tiên cho xe thương mại (Power steering System):

Hệ thống trợ lực tay lái đầu tiên được lắp đặt trên ô tô vào năm 1876 bởi một người thợ máy được biết đến với tên Fitts, nhưng có khá ít người biết đến ông ấy. Thế hệ tiếp theo đã được bố trí trên một chiếc xe tải hiệu Colombia tải trọng 5 tấn.

Robert E. Twyford, một cư dân ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania Hoa Kì đã đăng kí bằng sáng chế cho cơ cấu trợ lực cơ khí vào tháng 4 năm 1900 (bằng sáng chế số 646.477 U.S) và sử dụng nó trên chiếc xe đầu tiên có hệ thống dẫn động toàn phần.

Dù hệ thống này đã có từ lâu, nhưng chỉ đến khi Kỹ sư Francis W. Davis của Chrysler xuất hiện và ra mắt phiên bản dành xe hơi thương mại thì hệ thống này mới thật sự phổ biến. Hệ thống trợ lực lái lần đầu tiên xuất hiện trên chiếc xe Chrysler Imperial, nó được đặt tên là “Hydraguide”.

Chrysler Imperial 1951

Năm 1952, General Motors mới trình làng mẫu Cadillac có hệ thống trợ lực tay lái tạo nên từ những gì mà Davis đã hoàn thành tại công ty từ trước đó gần 20 năm.

Thông tin thêm:

Kỹ sư Francis W. Davis, bộ phận sản xuất xe tải của hãng Pierce-Arrow đã tìm ra cách chế tạo bộ phận trợ lực trở dễ dàng hơn. Năm 1926 ông đã tạo ra hệ thống trợ lực đầu tiên thực sự hoạt động hiệu quả. Davis chuyển sang làm việc tại General Motors và sáng chế thành công hệ thống trợ lực bằng thủy lực, hay còn gọi là trợ lực dầu, tuy nhiên hãng xe cho rằng nó quá đắt để có thể đưa vào sản xuất thương mại.

Kỹ sư Francis W. Davis (1919-1999)

Sau đó Davis gia nhập Bendix, một nhà sản xuất phụ tùng xe hơi (nổi tiếng với sản phẩm bánh răng Bendix) rồi chuyển sang hãng xe Chrysler (General Motors).

Phát minh năm 1926 của Kỹ sư Francis W. Davis

10. Năm 1953 – Hệ thống điều hoà ô tô (Air Conditioning System):

Chrysler Imperial là chiếc xe đầu tiên sản xuất có hệ thống điều hoà không khí như một tùy chọn thêm. Nó đi kèm với ba cấp độ: thấp, trung bình và cao. Một năm sau đó, hệ thống “tích hợp” của Nash ra mắt với đầy đủ hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí phía trước, giúp trải nghiệm lái xe tốt hơn.

11. Năm 1958 – Hệ thống kiểm soát hành trình (Cruise Control System):

Trước đó, hệ thống điều khiển hành trình với bộ điều khiển ly tâm được dùng trong ô tô từ đầu thập niên 1910, đặc biệt là hãng Peerless. Peerless quảng cáo rằng hệ thống điều khiển của họ sẽ “duy trì tốc độ dù khi xe lên hay xuống dốc”. Công nghệ này dựa trên phát minh của James Watt và Matthew Boulton vào năm 1788 để điều khiển động cơ hơi nước. Bộ điều khiển điều chỉnh vị trí của van tiết lưu khi tốc độ của động cơ thay đổi với trọng tải khác nhau.

Hệ thống kiểm soát hành trình được phát minh vào năm 1945 bởi kỹ sư cơ khí khiếm thị Ralph Teetor. Ý tưởng của ông nảy sinh từ sự thất vọng khi ngồi trong xe do luật sư của mình lái quá chán. Chiếc xe sử dụng hệ thống do Teetor phát minh đầu tiên là Chrysler Imperial năm 1958. Đến năm 1960, nó đã trở thành một tính năng tiêu chuẩn trên tất cả các chiếc xe Cadillac.

12. Năm 1959 – Dây đai an toàn (Seatbelts):

Trong cuối thập niên 1950, việc đảm bảo an toàn cho hành khách chưa được xem trọng. Nếu dây đai an toàn có được trang bị ở trong một chiếc xe mới, chúng cũng thường là dạng đeo thắt lưng. Như thế đã là tốt hơn so với không có dây. Dây an toàn thắt lưng phân phối lực va chạm quán tính lên một phần hẹp hơn của cơ thể người so với một dây đai đa điểm. Loại dây này không thể giữ chắc được phần thân người, để phần đó và đầu người bị lay động tự do trong khoang lái khi va chạm.

Đã có phát mình dây đai an toàn 2 điểm từ những năm 30 của thế kỷ 20, nhưng chỉ áp dụng cho ngành hàng không. Năm 1956, Ford cũng đã sử dụng mẫu dây đai này cho các mẫu xe của mình. Những vụ tai nạn khi ấy liên quan đến dây đai 2 điểm vẫn không hề thuyên giảm. Muôn hình vạn trạng, dây đai an toàn khi đấy chủ yếu vẫn là hình thức và như một option “để cho đẹp”.

Bước ngoặt đã tới vào năm 1959, khi Nils Bohlin – một kĩ sư của Volvo đã phát minh ra Dây đai an toàn 3 điểm, thay đổi hoàn toàn “bộ mặt của ngành ô tô”. Mẫu xe đầu tiên được vinh dự áp dụng là Volvo PV54. Với chiếc dây đai này, hầu như mọi điểm yếu đã được phát hiện khi sử dụng dây đai an toàn 2 điểm đều được khắc phục như khả năng giữ chặt được ngực, vai, xương chậu, giúp người ngồi không bị lao về phía trước hay văng ra ngoài. Volvo ban đầu cũng chỉ lắp đặt dây đai 3 điểm ở ghế trước, và phải tới năm 1967 thì họ mới bổ sung chúng vào ghế phía sau.

Nils Bohlin (1920 – 2002)

Sau này, Volvo quyết định tặng miễn phí bằng sáng chế cho các nhà sản xuất ô tô khác, vì biết rằng nó sẽ cứu được nhiều tính mạng. Kể từ đó, tiêu chuẩn an toàn của một chiếc ô tô bắt buộc phải có dây đai an toàn. Việc thắt dây an toàn trở thành bắt buộc đối với tất cả trẻ em từ năm 1989 và đối với hành khách ở ghế sau từ năm 1991.

Dây đai an toàn 3 điểm

13. Năm 1969 – Cần gạt nước kính chắn gió kiểu gián đoạn (Intermittent windshield wipers):

Trước khi đến năm 1969, cần gạt nước kính chắn gió chỉ có một tốc độ, bất kể thời tiết. Robert William Kearns là người đã phát minh ra hệ thống gạt nước kính chắn gió gián đoạn này, được sử dụng trên hầu hết các ô tô từ năm 1969 đến nay.

Tuy nhiên, ông đã vướng vào vụ kiện bằng sáng chế với Ford và Chrysler. Hai nhà sản xuất này sau đó phải bồi thường cho Robert, và Ford đã mua lại bằng sáng chế của ông Robert.

Robert William Kearns (1927 – 2005) cùng phát minh của mình

14. Những năm 1960 – Dàn âm thanh băng cassette (Cassette tape stereos):

Vào những năm 1960, các nhà sản xuất ô tô bắt đầu bổ sung dàn âm thanh có thể phát công nghệ băng cassette mới nhất. Chrysler là hãng đầu tiên cung cấp dàn âm thanh có băng cát-sét vào năm 1956 bởi CBS Labs. Tuy nhiên thiết bị này đã bị loại bỏ 2 năm sau đó.

CBS Labs và dàn âm thanh trên chiếc Chryler 1956
Dàn âm thành trên chiếc Oldsmobile 1958

Năm 1962, Muntz giới thiệu máy nghe nhạc băng hộp mực 4 rãnh Wayfarer.

Năm 1965, Ford và Motorola cùng nhau giới thiệu máy nghe nhạc có 8 rãnh, thiết bị tùy chọn cho các mẫu xe Ford năm 1966.

Năm 1968, Philips giới thiệu một chiếc radio trên bảng điều khiển xe hơi tích hợp một máy nghe băng cassette. Chúng phổ biến trong suốt những năm 1970 và 1980.

15. Những Năm 1970 – Công nghệ ABS (ABS technology):

Hệ thống chống bó cứng phanh ABS hoặc Hệ thống chống bó cứng phanh, là một công nghệ thông minh giúp ngăn bánh xe bị bó cứng trong quá trình phanh gấp, tránh trượt bánh. Ban đầu nó được sử dụng trên tàu hỏa và máy bay Concorde, trước khi phát triển trên chiếc Chrysler Imperial với tên gọi Sure-Brake (ABS 3 kênh). Cùng năm, Toyota giới thiệu hệ thống phanh chống trượt điều khiển điện tử trên Toyota Crown.

Hệ thống Sure-Brake trên chiếc Chrysler Imperial 1971
Toyota Crown 1971

Năm 1972, Triumph 2500 Estates dẫn động bốn bánh được trang bị tiêu chuẩn hệ thống điện tử Mullard. Tuy nhiên, những chiếc xe như vậy rất hiếm và rất ít còn tồn tại cho đến ngày nay.

Năm 1976: WABCO bắt đầu phát triển hệ thống chống bó cứng phanh trên xe thương mại để ngăn chặn việc bó cứng trên đường trơn trượt, tiếp theo vào năm 1986 là hệ thống phanh điện tử (EBS) dành cho xe hạng nặng

Phiên bản đa kênh đầu tiên của ABS được giới thiệu trên chiếc W116 Mercedes-Benz S-Class vào năm 1978. Và còn nhiều nâng cấp dành cho hệ thống ABS đến từ nhiều hạn. Tham khảo tại đây (Theo wikipedia).

W116 Mercedes-Benz S-Class 1978

16. Năm 1973 – Bộ chuyển đổi xúc tác (Catalytic converter):

Các nguyên mẫu bộ chuyển đổi xúc tác lần đầu tiên được thiết kế ở Pháp vào cuối thế kỷ 19, bấy giờ chỉ có vài nghìn chiếc xe chạy dầu trên đường. Nó được tạo thành từ vật liệu phủ bằng bạch kim, iridi và paladi, được đóng kín thành ống hình trụ.

Eugene Houdry (1892–1962)

Vào giữa những năm 1950, Eugene Houdry là người đầu tiên bắt đầu nghiên cứu phát triển bộ chuyển đổi xúc tác cho động cơ xăng sử dụng trên ô tô. 

Năm 1973, từ bộ chuyển đổi của Eugene Houdry, các kỹ sư bao gồm Carl D. Keith, John J. Mooney, Antonio Eleazar và Phillip Messina tại Engelhard Corporation đã phát triển thêm về nó và được thương mại hoá cũng như trở thành tiêu chuẩn cho một chiếc xe hơi ngày nay.

Công nghệ này được thiết kế để làm sạch khói thải gây ô nhiễm bằng cách giảm lượng khí thải độc hại do động cơ tạo ra. Bộ chuyển đổi xúc tác trở thành bắt buộc trên ô tô chạy xăng từ năm 1993.

17. Năm 1974 – Màn hình bảng điều khiển kỹ thuật số (Digital dashboard displays):

Màn hình bảng điều khiển kỹ thuật số đầu tiên xuất hiện trên Aston Martin Lagonda. Nó gồm 3 màn hình hiển thị quãng đường di chuyển, tốc độ và mức nhiên liệu. Tuy nhiên, bảng điều khiển kỹ thuật số này hiện không phổ biến với người lái xe vào thời điểm đó và hầu hết các tài xế thích sử dụng đồng hồ tốc độ analog cùng với màn hình kỹ thuật số hơn.

Năm 1988, Oldsmobile Cutlass Supreme trở thành chiếc xe sản xuất đầu tiên có màn hình hiển thị trên kính lái.

18. Năm 1984 – Đầu đĩa CD (CD players):

Năm 1984, Pioneer giới thiệu CDX-1, đầu đĩa CD (đĩa nhỏ gọn) đầu tiên trên xe hơi thay thế băng cassette. Nó được biết đến với chất lượng âm thanh được cải thiện, khả năng bỏ qua bản nhạc tức thì và độ bền của định dạng cao hơn băng cassette.

19. Năm 1988 – Túi khí (Airbags):

Túi khí đã được trang bị trên nhiều xe ô tô ở Mỹ từ những năm 1970. Oldsmobile Toronado năm 1973 là chiếc xe đầu tiên có túi khí hành khách được bán cho công chúng nhưng nó thật sự không đảm bảo an toàn.

Oldsmobile Toronado 1973

Vào năm 1988, Chrysler mới tạo ra điểm nhấn khi công bố tiêu chuẩn túi khí và được chính phủ Hoa Kỳ phê duyệt. Họ bắt đầu sản xuất loại túi khí đó, đến năm 1990 hầu hết các xe ở Mỹ đều sử dụng túi khí này của Chrysler. Ban đầu chúng chỉ dành cho người lái xe, nhưng ngày nay công nghệ túi khí có thể được đặt xung quanh xe để bảo vệ tất cả hành khách.

Thử nghiệm túi khí của Euro NCap

20. Năm 1992 – Hệ thống cảnh báo đỗ xe/ Cảm biến cảnh báo va chạm (Electromagnetic parking sensor):

Cảm biến cảnh báo va chạm được “tái phát minh” bởi Mauro Del Signore và cấp bằng sáng chế vào năm 1992.

21. Năm 1994 – Hệ thống máy chẩn đoán ô tô (On-board diagnostics):

Ford lần đầu tiên giới thiệu hệ thống chẩn đoán ô tô OBD-I vào những năm 1980. Đến năm 1994, xuất hiện những cải tiến của hệ thống với hộp 16 chân tích hợp, trở thành máy chẩn đoán bắt buộc phải có đối với tất cả các nhà sản xuất ô tô khi ấy, tên là OBD-II. Hệ thống này cũng được sử dụng để chẩn đoán lỗi các máy bay.

Chẩn đoán OBD-II bắt buộc trang bị ở Mỹ vào năm 1996 và châu Âu vào năm 2001.

22. Năm 1996 – Hệ thống cuộc gọi khẩn cấp (Connected Cars):

Năm 1996, General Motors ra mắt hệ thống OnStar. Hệ thống này đã sử dụng có thể thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp ngay trên chính chiếc xe của người lái. Ngày nay, công nghệ này tích hợp với dữ liệu GPS của điện thoại để có thể thực hiện các dịch vụ khẩn cấp như cứu trợ xe, phát tín hiệu cấp cứu,…

23. Năm 2000 – GPS định vị vệ tinh (GPS nat sav):

Có nhiều phiên bản của hệ thống định vị vệ tinh GPS được xây dựng từ đầu những năm 1990. Tuy nhiên, không có hệ thống GPS dành cho ô tô nào khi ấy có thể thực hiện đúng chức năng của nó. Vì quân đội Hoa Kỳ đã làm nhiễu vào tín hiệu để bảo vệ công nghệ GPS độc quyền của họ. 

Hệ thống GPS định vị vệ tinh

Năm 2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã ra lệnh cho quân đội ngừng sử dụng thiết bị làm nhiễu tín hiệu GPS và khai mở công nghệ này đến cho tất cả mọi người. Kể từ đó, thiết bị GPS mới được phổ biến dần trên các ô tô.

24. Năm 2000 – Xe hybrid (Hybrid Cars):

Việc trang bị thêm động cơ hybrid vào động cơ xăng lần đầu tiên được thực hiện vào thế kỷ 20. Thế nhưng ý tưởng này được cho là không khả thi vào thời điểm ấy. Đến năm 2000, Toyota đã tạo ra một chiếc xe Prius sử dụng động cơ xăng và động cơ Hybrid, đánh dấu thời điểm chuyển giao của thế kỷ 21. Kể từ đó, công nghệ Hybrid ngày càng được nhiều hãng sản xuất ô tô và người dùng ưa chuộng vì nhiều ưu điểm nổi bật.

Toyota Prius

25. Năm 2001 – Bluetooth:

Bluetooth là một chuẩn công nghệ truyền thông không dây tầm gần, giữa các thiết bị điện tử. Công nghệ này hỗ trợ việc truyền dữ liệu qua các khoảng cách ngắn giữa các thiết bị di động và cố định, tạo nên các mạng cá nhân không dây. Nó được phát triển đầu tiên bởi Ericsson (hiện nay là Sony Ericsson và Ericsson Mobile Platforms), và sau đó được chuẩn hoá bởi Bluetooth Special Interest Group (SIG). Chuẩn được công bố vào ngày 20 tháng 5 năm 1999. Năm 2000, công nghệ bắt đầu chuyển giao trên ô tô bởi nhiều nhà cung cấp linh kiện bán dẫn.

Cuối năm 2001, xuất hiện công nghệ bluetooth với tính năng tối ưu hơn, có khả năng nhận diện giọng nói dành cho xe hơi. Ngày nay, bluetooth được tích hợp với hệ thống thông tin giải trí trên ô tô.

26. Năm 2002 – Camera hành trình phía sau (Reversing camera):

Camera dự phòng đầu tiên được sử dụng trong mẫu xe concept Buick Centurion năm 1956. Chiếc xe gắn một camera truyền hình phía sau để gửi hình ảnh đến màn hình TV trong bảng điều khiển thay cho gương chiếu hậu. Tuy nhiên, không biết vì lí do gì nó không còn được phát triển.

Sau đó, Volvo thử nghiệm mẫu xe an toàn Volvo 1972 (VESC) với ý định trang bị một camera hành trình. Tuy nhiên, camera đã không được tích hợp vào Volvo 240 để sản xuất đại trà vì nhiều vấn đề phát sinh.

Volvo 1972 với camera phía sau

Chiếc ô tô sản xuất đầu tiên, tích hợp camera dự phòng là chiếc Toyota Soarer Limited 1991 (UZZ31 và UZZ32), chỉ có ở Nhật Bản. Hệ thống Toyota sử dụng màn hình EMV có màu, với camera CCD gắn trên cánh gió phía sau. Tuy nhiên, hệ thống này đã ngừng phát triển vào năm 1997 và không được sử dụng. 

Tháng 4/2000, hãng Infiniti của Nissan đã giới thiệu Màn hình hiển thị phía sau trên chiếc sedan concept Q45 tại Triển lãm ô tô quốc tế New York 200. Công nghệ này được đánh giá có tính ưu việt cao hơn các hệ thống camera hành trình của các hãng khác đang phát triển. Các camera nhỏ phát trực tiếp cảnh quay của các khu vực phía sau xe khi người lái lùi xe.

Năm 2002, chiếc xe đầu tiên sử dụng công nghệ này mang tính thương mại hoá là Nissan Primera.

Nissan Primera 2002
Buick 2015

27. Năm 2003 – Hệ thống đỗ xe tự động (Automatic Parking):

Năm 2003, Toyota lần đầu tiên ra mắt công nghệ này với Hệ thống hỗ trợ đỗ xe thông minh giúp người lái đỗ xe song song. Năm 2006, Lexus bổ sung hệ thống tự đỗ xe cho mẫu LS. 

28. Những năm 2010 – Tính năng hỗ trợ người lái (Driver assist features):

Nhiều tính năng công nghệ tự động đã được phát triển để hỗ trợ người lái. Bao gồm: Cảnh báo chệch làn đường, cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện giao thông cắt ngang và kiểm soát đèn pha,…

Các nhà sản xuất ô tô khi ấy cũng đã bắt đầu bổ sung tính năng tích hợp điện thoại thông minh, với nhiều ứng dụng được tạo ra để người sở hữu có thể tìm thấy ô tô của mình thông qua định vị GPS, hay khóa ô tô từ xa và kiểm tra mức nhiên liệu hiện có của nó.

29. Năm 2014 – Công nghệ lái xe tự động của Tesla (Tesla autopilot):

Elon Musk là người đầu tiên cung cấp công nghệ lái tự động trên Tesla Model S. Đây là hệ thống hỗ trợ lái xe được thương mại hoá lần đầu tiên trên thế giới, có thể tự điều khiển xe và thậm chí chuyển làn trên đường cao tốc.

Cách hệ thống Autopilot hoạt động

30. Năm 2014 – Bộ định tuyến phát sóng Wi-Fi 4G (4G Wifi Hotspots):

Công nghệ mới này có thể biến chiếc xe thành một bộ định tuyến 4G sử dụng mọi lúc mọi nơi, có nghĩa là hành khách có thể sử dụng nó để kết nối các thiết bị thông minh với Internet.

Bộ định tuyến phát sóng Wi-Fi 4G

31. Năm 2020 – Ô tô tự lái:

Năm 2020, Google, Waymo ​​ra xe tự lái. Nó đã hoàn thành chuyến đi không người lái đầu tiên trên đường công cộng vào năm 2015 ở Austin Texas với một người mù ngồi sau tay lái.

Xe tự hành Wayno

B. Lời kết

Dựa theo trang jardinemotors, nội dung bài viết này chỉ nói đến những công nghệ, hệ thống hay thiết bị trên ô tô mang tính quyết định, có tính phổ biến cao. Một số công nghệ, hệ thống, thiết bị ô tô có thể không được đề cập trong bài viết lịch sử phát triển công nghệ ô tô.

(Bài viết sẽ liên tục được cập nhật theo từng thời điểm…)


Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn

Thông Tin Cá Nhân

NamNữ

Trình Độ Học Vấn

Thông tin chung

Kỹ thuật viên sửa chữa chungKỹ thuật viên sơnKỹ thuật viên đồngKỹ thuật viên điệnChăm sóc, làm đẹp, Detailing ô tôCố vấn dịch vụBán hàng (Sales)Nhân viên phụ tùngThiết kếMarketingKiểm soát chất lượng (PDI)Quản đốc xưởngTrưởng/phó phòng dịch vụTrưởng/phó phòng kinh doanhTrưởng/phó phòng kỹ thuậtGiám đốc điều hànhChưa có kinh nghiệmKhác