(News.oto-hui.com) – K Jetronic là hệ thống phun xăng đa điểm, phun liên tục và được điều khiển bằng cơ khí. Hệ thống này được sử dụng rất phổ biến trên các động cơ ô tô.
I. Khái quát về hệ thống phun xăng K Jetronic:
K Jetronic là hệ thống phun xăng kiểu gián tiếp, đa điểm, có kết cấu hoàn toàn bằng cơ khí. Mỗi xylanh trên động cơ được trang bị một vòi phun và phun liên tục. Lượng nhiên liệu được đưa vào trong xylanh phụ thuộc vào lượng khí nạp đi qua van và không cần những cơ cấu dẫn động từ động cơ.
Trong bài viết này sẽ nói đến hệ thống phun xăng K-Jectronic cơ bản nhất, kiểu cơ khí. Bên cạnh đó, bài viết này sẽ không trình bày riêng cấu tạo từng phần của hệ thống như bơm nhiên liệu, bộ tích năng, kim phun, bộ đo lưu lượng khí nạp,… mà chỉ nói đến nguyên lý hoạt động cơ bản.
II. Hệ thống phun xăng K Jetronic hoạt động như thế nào?
1. Trạng thái làm việc bình thường:
Xăng ở trong thùng xăng 16 được bơm 8 đưa đến bộ dự trữ áp suất 10, sau đó đi đến bình lọc tinh 17. Tại đây, các cặn bẩn được lọc bỏ và xăng tiếp tục di chuyển đến cụm chi tiết 4, 5 và 7. Các cụm chi tiết này được gọi là bộ điều chỉnh thủy cơ (cơ khí – thủy lực).
Ở giữa piston 4 là cửa thoát 5 có phần tiết diện nhỏ hơn. Nhiên liệu đi qua cửa thoát 5 đến bộ hằng chênh áp bằng cửa nạp dưới. Phần nhiên liệu còn lại sẽ đi qua cửa nạp phía trên đến vòi phun 6 và được phun vào xylanh động cơ.
Lượng nhiên liệu được phun vào xylanh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy có cùng một thời gian đóng mở vòi phun nhưng nếu chênh lệch áp suất (ΔP) trước và sau vòi phun có sự biến thiên thì lượng nhiên liệu được đưa vào sẽ khác nhau. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều khiển động cơ. Vì vậy bộ hằng chênh áp 7 có tác dụng duy trì ΔP ổn định. Làm cho lượng xăng đi tới vòi phun chỉ phụ thuộc vào một yếu tố đó là độ mở của cửa thoát phía trên. Giúp việc kiểm soát lượng nhiên liệu tốt hơn.
Xem thêm: Việc thay đổi thời điểm đóng mở xupap sẽ ảnh hưởng ra sao trong động cơ đốt trong?
Xăng được đưa đến vòi phun ít hay nhiều sẽ phụ thuộc vào vị trí của van lá bập bênh 1. Khi lượng không khí đi vào nhiều, van lá 1 di chuyển lên cao hơn để mở rộng cửa van. Thông qua cơ cấu như trong hình, piston 4 được nâng lên, mở rộng cửa nạp phía trên dẫn tới lượng nhiên liệu được đưa đến vòi phun 6 nhiều hơn và ngược lại.
Biên dạng profil 2 sẽ quyết định thời điểm hoạt động của động cơ và tỉ hệ hòa khí được đưa vào trong động cơ.
2. Trạng thái bắt đầu làm việc (làm nóng máy)
Ở trạng thái bắt đầu làm việc, rơle 11 được mở làm cho áp suất ở các cổng gíclơ 13 giảm đột ngột. Áp lực trên đỉnh piston giảm xuống làm piston di chuyển lên trên và mở rộng thêm cửa nạp phía trên. Cung cấp thêm nhiều nhiên liệu hơn.
Đồng thời khi này rơle 12 cũng được mở, cung cấp thêm một lượng không khí đi vào xylanh thông qua đường bổ sung khí nạp.
Các rơle 11 và 12 là các rơle nhiệt. Khi nhiệt độ của động cơ đạt đến mức ổn định. Các rơle này sẽ ngắt và hệ thống nhiên liệu quay về trạng thái hoạt động bình thường như đã trình bày ở phần 1.
Hoạt động của hệ thống nhiên liệu K Jetronic phụ thuộc hoàn toàn vào sự phối hợp của các kết cấu cơ khí nên hiệu năng của loại hệ thống này không quá cao. Chất lượng hỗn hợp nhiên liệu được đưa vào động cơ phụ thuộc vào sự mài mòn của các chi tiết trong hệ thống. Vì vậy cần phải thường xuyên điều chỉnh, kiểm tra và bảo dưỡng các chi tiết.
Một số bài viết liên quan:
- Sự khác biệt giữa hệ thống phun xăng GDI và EFI
- 4 thế hệ phun xăng điện tử trên ô tô hiện đại ngày nay
- Tìm hiểu về các hệ thống chính của bộ chế hòa khí trong động cơ đốt trong
- Nguyên lý hoạt động của hệ thống phun xăng L Jetronic?