Theo Báo Mới

Hành trình từ thợ máy đến tỷ phú USD của Vua ôtô Việt Nam

(News.oto-hui.com) – Không phải xuất phát từ ‘cái nôi Đông Âu’ như những tỷ phú USD Việt Nam trước đó, ông Trần Bá Dương đặt nền móng cho vị thế tỷ phú của mình từ một anh thợ máy ở Đồng Nai. Dưới đây là hành trình từ thợ máy đến tỷ phú USD của Vua ô tô Việt Nam.

Sự xuất hiện trong bảng xếp hạng tỷ phú USD thế giới mới nhất do Forbes công bố của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ôtô Trường Hải (Thaco) không khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, hành trình từ anh thợ máy đến ông chủ tập đoàn sản xuất khổng lồ với những tư duy khác biệt của ông mới là yếu tố gây bất ngờ.

Anh thợ sửa xe có bằng đại học

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM năm 1983 với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành máy nâng chuyển bốc xếp, ông Trần Bá Dương trở thành kỹ thuật viên sửa chữa tại nhà máy đại tu ôtô Đồng Nai. Năm 1987, ông được đề bạt lên vị trí quản đốc xưởng sửa chữa của nhà máy này. Được xem là “anh thợ sửa xe có bằng đại học”, Chủ tịch Tập đoàn ôtô Trường Hải (Thaco), Trần Bá Dương khiến nhiều người phải nể trọng bằng cờ-lê, mỏ-lết và kiến thức của mình khi còn là kỹ sư cơ khí.

Ông chủ Trường Hải từng chia sẻ: “Tốt nghiệp đại học, tôi xin làm công nhân sửa chữa ôtô, công việc đầu tiên của tôi là vét mỡ bò. Nhờ kiến thức ở trường, tôi đưa ra dự án ‘Chuyển đổi tay lái nghịch’, được Bộ Giao thông – Vận Tải chấp nhận. Từ đó, công ty giao cho tôi quản lý tổ sửa chữa lưu động, làm khoán, tôi đã có điều kiện tích lũy và phát huy khả năng của mình”.

“Tôi xuất thân là một kỹ sư cơ khí, làm nên Trường Hải từ hai bàn tay trắng”, ông Trần Bá Dương chia sẻ

Năm 1997, thợ máy Trần Bá Dương xin nghỉ việc và thành lập xưởng sửa chữa của riêng mình. Xưởng sửa xe này chính là tiền thân của Thaco, doanh nghiệp đưa ông Dương đến với danh hiệu “vua ôtô” Việt Nam.

Khi mới thành lập, hoạt động kinh doanh chủ yếu của công ty là nhập khẩu xe đã qua sử dụng về tân trang lại để cung cấp ra thị trường, đồng thời cung cấp các vật tư phụ tùng cho việc sửa chữa ôtô.

Người Việt Nam đầu tiên làm được xe du lịch

Năm 2000, ông Dương mở xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA và chính tỷ phú đôla này là người Việt Nam đầu tiên đã làm được xe du lịch. Từ dòng xe Kia, Thaco, Kinglong…, Trần Bá Dương đưa Trường Hải trở thành doanh nghiệp tư nhân với 100% vốn trong nước đầu tiên lắp ráp và sản xuất xe du lịch.

“Nếu đủ hết các nguồn lực mà không có tâm cũng sẽ thất bại. Hãy làm đúng, làm thật ngay từ đầu.”

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco.

Ở một diễn đàn khởi nghiệp mới đây, ông Dương cho rằng ai đó muốn làm tốt công việc của mình thì ngay từ đầu phải học lại như một người thợ, và phải hơn những người thợ không có may mắn được đi học đại học như mình.

“Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến tâm thế. Tâm tức là cái bên trong, thế là chuẩn bị cái gì để làm. Nếu đủ hết các nguồn lực mà không có tâm cũng sẽ thất bại. Hãy làm đúng, làm thật ngay từ đầu, có tâm trước, sống với nghề, làm từ nhỏ tôi lớn với sự nỗ lực, kiên trì tích lũy từng bước một. Tôi cho rằng đó là cách để khởi nghiệp thành công”, ông Dương từng chia sẻ với báo giới.

Giấc mơ khác với nền công nghiệp ôtô Việt Nam

Là người đề xuất chiến lược tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thay vì cứ mãi theo đuổi giấc mơ về chiếc ôtô “Made in Vietnam”, ông được xem người tiên phong mở lối đi riêng cho ngành công nghiệp ôtô trong nước vốn vẫn đang bế tắc.

Cùng hướng đến một giấc mơ phát triển một chiếc xe nguyên bản của Việt Nam nhưng hành trình đi đến tận cùng ước mơ của ông Trần Bá Dương lại hoàn toàn khác.

Khu phức hợp cơ khí ôtô Chu Lai – Trường Hải đang tạo ra chuỗi giá trị cho ngành sản xuất ôtô Việt Nam.

“Tôi cho rằng nếu mong muốn có được một sản phẩm ôtô “Made in Vietnam” thì việc trước tiên là phải cân nhắc về độ lớn của thị trường. Mục tiêu chúng tôi nhắm đến là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua hợp tác với các đối tác nước ngoài”, ông Dương tâm sự trên VnEconomy.

Với kinh nghiệm có được từ thực tế, ông đã chọn xe tải và xe bus là điểm khởi đầu trong con đường sản xuất chiếc ôtô tại Việt Nam.

“Đối với tôi, những câu nói hay về thất bại chỉ mang tính khích lệ thôi, còn về mặt kinh tế, không nên thất bại.”

Đến này, tập đoàn này đang phát triển mô hình kinh doanh theo hướng quản lý đầy đủ chuỗi giá trị, từ sản xuất, lắp ráp, dịch vụ phụ tùng, sửa chữa và phân phối ôtô đến người dùng.

“Chúng ta cố gắng hạn chế tối đa thất bại. Đối với tôi, những câu nói hay về thất bại chỉ mang tính khích lệ thôi, còn về mặt kinh tế, không nên thất bại” – ông quan niệm.

Khu phức hợp cơ khí ôtô Chu Lai – Trường Hải ngoài hơn 20 nhà máy và công ty, trong đó có 4 nhà máy lắp ráp ôtô, 8 nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng và các đơn vị hỗ trợ như trường nghề, trung tâm nghiên cứu và phát triển, các công ty xây dựng, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và hệ thống vận chuyển, bao gồm cả vận tải biển và vận tải đường bộ.

Từ ôtô vươn vai thành người khổng lồ

Thành công ở ngành nghề cốt lõi, ông Trần Bá Dương phát triển Thaco thành tập đoàn đa ngành. Năm 2012, ông đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và phát triển đô thị bất động sản, ngay thời kỳ thị trường này rơi xuống đáy. Khu đô thị Sala – Đại Quang Minh được hình thành nhanh chóng và trở thành trái tim của Thủ Thiêm – TP.HCM.

Sau ôtô, bất động sản, ông Trần Bá Dương lại lấn sân vào nông nghiệp bằng hợp tác sản xuất và phân phối máy nông nghiệp với Công ty LS Mtron (Hàn Quốc).

Theo nội dung ký kết, LS Mtron sẽ chuyển giao công nghệ cho Thaco xây dựng nhà máy và bắt đầu sản xuất máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa đến 50%, mang thương hiệu Thaco và phân phối độc quyền tại Việt Nam.

Đang sở hữu tập đoàn tư nhân quy mô hàng đầu Việt Nam, có hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng, việc ông Trần Bá Dương có tên trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2018 không có nhiều bất ngờ.

Trong danh sách của Forbes, ông Trần Bá Dương có tài sản 1,8 tỷ USD, đứng vị trí 1.339 trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới năm 2018. Tỷ phú đôla đứng thứ 3 của Việt Nam có ngành nghề kinh doanh được Forbes ghi nhận là sản xuất xe hơi.

Cuối năm 2017, trong một buổi trả lời phỏng vấn của Zing.vn, ông Dương chia sẻ năm 2018 là bước ngoặt thay đổi về thị trường ôtô khi phải hội nhập với các nước trong khu vực. Thách thức và cơ hội đều có.

Với định hướng đầu tư lâu dài cùng phát triển với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, hầu hết sản phẩm của Thaco đều chuyển sang lắp ráp. Khi đáp ứng đủ điều kiện hưởng thuế xuất khẩu 0% sang các nước trong ASEAN, doanh nghiệp này sẽ xuất khẩu một số dòng xe du lịch sang các quốc gia trong khu vực.

Chuẩn bị cho hướng đi này, Thaco mở rộng nhà máy sản xuất lắp ráp xe Mazda hồi tháng 3/2017 và dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 4 năm nay.

Nhìn lại hành trình 20 năm khởi nghiệp, ông Dương chia sẻ ba bước ngoặt quan trọng để tạo ra Thaco. Trong đó, việc xây dựng nhà máy lắp ráp tại Chu Lai là quyết định đương đầu với rủi ro để làm cái lớn.

Bình Nguyên

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn

Thông Tin Cá Nhân

NamNữ

Trình Độ Học Vấn

Thông tin chung

Kỹ thuật viên sửa chữa chungKỹ thuật viên sơnKỹ thuật viên đồngKỹ thuật viên điệnChăm sóc, làm đẹp, Detailing ô tôCố vấn dịch vụBán hàng (Sales)Nhân viên phụ tùngThiết kếMarketingKiểm soát chất lượng (PDI)Quản đốc xưởngTrưởng/phó phòng dịch vụTrưởng/phó phòng kinh doanhTrưởng/phó phòng kỹ thuậtGiám đốc điều hànhChưa có kinh nghiệmKhác