Giải thích các thuật ngữ CKD, CBU, SKD

Khi tìm hiểu về những chiếc xe ô tô, chúng ta sẽ được nghe tới các thuật ngữ CKD, CBU, SKD vv… Vậy chúng là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Giải thích các thuật ngữ CKD, CBU, SKD
Giải thích các thuật ngữ CKD, CBU, SKD

Dưới đây là những định nghĩ cho các thuật ngữ này:

CKD (Completely Knocked Down): Nghĩa là xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu (completely). Ở trường hợp này, hãng xe (có nhà máy ở VN) đã nhập khẩu toàn bộ linh kiện sau đó gia công, lắp ráp thành chiếc xe hoàn chỉnh.

SKD (Semi-Knocked Down): Xe lắp ráp trong nước có một số linh kiện đã được nội địa hoá .

CBU (Completely Built-Up): Xe được sản xuất hoàn toàn ở nước ngoài và nhập khẩu nguyên chiếc về VN. Ví dụ BMW, Audi không có nhà máy ở VN nên chỉ kinh doanh xe nhập khẩu nguyên chiếc.

FBU (Fully Built Up): Giống nghĩa với CBU nhưng rất hiếm khi thấy sử dụng từ này.

Sự khác biệt giữa CBU và CKD là gì?

Xét về lợi ích, chính phủ luôn áp thuế nhập khẩu cao đối với xe CBU và khuyến khích ngành công nghiệp xe CKD. Các nhà hoạch định cho điều này là hợp lý vì CBU không tạo ra nhiều lợi ích và cơ hội việc làm cho quốc gia tiêu thụ. Trong khi đó, xe CKD lắp ráp trong nước sẽ khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, làm tăng tỷ lệ nội địa hóa, cộng thêm các cơ hội kinh doanh và việc làm được mở ra… nên phát triển xe CKD đặc biệt được chính phủ khuyến khích.

Thật không may, các nhà sản xuất hiếm khi cùng một lúc tung ra thị trường một mẫu xe ở cả hai phiên bản CBU và CKD. Ví dụ, dòng xe CKD Toyota Altis chỉ xuất hiện ở Việt Nam một năm sau khi phiên bản chính thức được phát hành tại nước sản xuất. Trong khi đó, chỉ có khoảng một nửa trong số các sản phẩm của BMW ở Việt Nam là CKD, trong khi phần còn lại là các dòng xe CBU có xuất xứ từ Đức.

Sự chênh lệch giá

Sự khác biệt lớn nhất và rõ ràng nhất giữa CBU và CKD là giá cả. Do chịu thuế nhập khẩu cao hơn nên xe nhập theo hình thức CBU sẽ có giá cao hơn so với xe CKD. Mức thuế suất nhập khẩu áp cho xe CBU từ 70-80% so với 10% thuế nhập khẩu linh kiện của xe CKD. Ngoài thuế nhập khẩu, xe nhập khẩu nguyên chiếc còn bị áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt (từ 45-60%). Xe nhập có công suất máy (dung tích xi-lanh) lớn hơn sẽ phải chịu mức thuế suất cao hơn. Với 2 biểu thuế chênh lệch như vậy, nếu bạn chọn mua dòng CBU thì ngân sách mua xe của bạn sẽ bị đội lên đáng kể.

Trên thực tế, không phải tất cả các xe CBU đều bị áp mức thuế giống nhau. Nếu chiếc xe CBU có xuất xứ tại ASEAN, mức thuế suất sẽ được ưu đãi hơn so với xe nhập từ các nước WTO. Bởi vì thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc không được áp dụng với chiếc xe được sản xuất nguyên chiếc tại một nước ASEAN (hiệp định AFTA và ATIGA). Việt Nam đang là một ngoại lệ vì là nước đang trong giai đoạn chuyển đổi nên vẫn được áp thuế đối với xe có xuất xứ ASEAN (50%).

Tuy nhiên, từ năm 2018, khi cộng đồng kinh tế Asean (ACE) chính thức được thực hiện thì mức thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ trở về mức 0%. Như vậy, với mức thuế 0% đối với xe nguyên chiếc nhập từ các nước ASEAN thì một chiếc xe nhập khẩu CBU từ ASEAN sẽ rẻ hơn chiếc xe CKD lắp ráp tại Việt Nam, mặc dù điều này không phải lúc nào cũng đúng. Do đó, bạn đừng quên hỏi đại lý bán xe về xuất xứ của nó (nơi lắp ráp) trước khi quyết định mua hàng.

Chênh lệch về chất lượng

Đã có những cuộc tranh luận về sự khác biệt về chất lượng giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc CBU và lắp ráp trong nước CKD. Hẳn là có sự khác biệt về thông số kỹ thuật giữa hai loại xe, chẳng hạn như vật liệu sử dụng, tay nghề, công nghệ hoàn thiện, tiêu chuẩn áp dụng… nhưng thường là rất nhỏ. Tuy nhiên, một số người mua xe sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua một chiếc xe CBU vì tin rằng có sự khác biệt rõ rệt về chất lượng so với loại CKD.

Thời gian xuất hiện trên thị trường

Do trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) của các hãng xe lớn đều nằm ở nước ngoài nên các phiên bản CBU thường xuất hiện đầu tiên trên thị trường nước ngoài, sau đó được nhập khẩu về Việt Nam. Các phiên bản xe CKD sẽ xuất hiện trên thị trường Việt Nam muộn hơn, thông thường sau khoảng một năm so với các phiên bản CBU.

Đối với người Việt, xe ô tô không chỉ là là một phương tiện đi lại mà còn là một tài sản quan trọng. Do đó, dù giá xe nhập khẩu nguyên chiếc thường rất đắt do bị áp thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cao, nhu cầu đối với loại xe này vẫn rất lớn.

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn