(News.oto-hui.com) – Quyết định không học Y, cô gái Hải phòng quyết tâm thi vào Trung tâm Đào tạo VinFast để học ngành ô tô với niềm đam mê kỹ thuật và cơ hội việc làm rộng mở.
Bài viết liên quan:
- VinFast hợp tác cùng 5 trường cao đẳng nghề, cam kết việc làm khi ra trường
- Nữ doanh nhân 8X làm Phó Tổng giám đốc Audi Việt Nam
Bỏ trường Y, thi trường nghề
Hai năm trước, khi cả họ đang chuẩn bị ăn mừng vì lần đầu tiên có cô cháu gái đỗ trường Y, Bích Diệp khiến tất cả té ngửa với quyết định sẽ học tại Trung tâm Đào tạo VinFast.
“Người ta mơ vào trường Y còn không được, đằng này mình lại bỏ bác sĩ đi làm kỹ thuật viên ô tô. Mọi người đều nói thế và cho rằng em bị khùng”- Diệp nhớ lại.
Nữ sinh có niềm đam mê với kỹ thuật – công nghệ kể, khi em bước vào lớp 12 cũng là lúc dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô – xe máy điện VinFast được khởi công. Vì là người Hải Phòng nên Diệp được tận mắt chứng kiến sự hình thành và phát triển của VinFast “từ con số 0 trên bãi sình lầy đến một cơ ngơi đồ sộ”.
Cơ hội đến với Diệp khi VinFast công bố thông tin tuyển sinh đào tạo Kỹ thuật viên khóa đầu tiên.
“Em vẫn nộp hồ sơ trường Y như mong muốn của bố mẹ nhưng âm thầm thi vào VinFast”- Diệp tiết lộ.
Trải qua kỳ sát hạch với 3 vòng khắc nghiệt không kém gì thi đại học, tỉ lệ 1 chọi 10, Diệp chính thức được đặt chân vào nơi trước đây em từng mơ ước – nơi sản xuất ra những chiếc ô tô đầu tiên mang thương hiệu Việt.
Rồi từng ngày chứng kiến những đoàn xe container nối đuôi nhau đưa thiết bị được nhập khẩu về nhà máy để lắp ráp dây chuyền sản xuất, Diệp càng có niềm tin vào lựa chọn của mình.
“Ông James Deluca, Tổng giám đốc VinFast trước đây, từng là Phó Chủ tịch hãng General Motors của Mỹ, hơn 40 năm trước cũng xuất thân từ một người học nghề”, Diệp nhắc lại câu chuyện em đã kể để thuyết phục bố mẹ :“Học nghề ra đâu phải chỉ để làm thợ, mà có thể trở thành các chuyên gia, thậm chí là nhà quản lý”.
“Lột xác” nhờ chương trình đào tạo chuẩn Đức
Tại Xưởng Thân vỏ, Diệp đang cùng các học viên khác thực hành giám sát hoạt động của hệ thống robot hàn thân vỏ cho những chiếc ô tô dòng Lux A2.0. Đây là nội dung mà nữ sinh đặc biệt yêu thích bởi học viên được tiếp xúc nhiều với những robot tối tân của nhà máy.
“Ngay trong quá trình học, chúng em đã được thực hành với những thiết bị hiện đại được cung cấp bởi các thương hiệu lớn của Đức như DMG, Bosch Rexroth, Chistiani, ABB, Siemens, Festo… nên khi xuống xưởng không có gì làm khó được em”- kỹ thuật viên tương lai của VinFast nói về các máy móc tối tân như thể đó là các món đồ chơi quen thuộc.
Đánh giá về những học viên của khóa đào tạo đầu tiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Đông, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VinFast cho biết chỉ sau 2 năm, các em đã thực sự “lột xác” cả về nhận thức và kỹ năng, với tác phong công nghiệp hiện đại, không còn là những học sinh nhút nhát trước đây.
Vị chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo đại học trước khi chuyển sang VinFast cho rằng ngoài nền tảng là niềm đam mê kỹ thuật và tố chất tự học của các học viên thì “cây đũa thần” tạo ra sự chuyển biến này chính là chương trình đào tạo chuẩn Đức của VinFast. Nội dung của khóa học được xây dựng theo mô hình đào tạo nghề song hành của Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK), một trong các chương trình đào tạo nghề lĩnh vực cơ điện tử, cơ khí công nghiệp tiên tiến nhất hiện nay, với tỷ lệ lý thuyết – thực hành là 30-70%.
“Dựa trên kết quả đánh giá trong suốt khóa học và thể hiện của học viên trong các đợt thực tập, hỗ trợ các dự án chế tạo thử nghiệm, cải tiến công nghệ, chúng tôi tự tin khẳng định rằng các em sẽ có đầy đủ năng lực tham gia vào hệ thống sản xuất như nhà máy sản xuất ô tô của VinFast”, ông Đông đánh giá.
Vị giám đốc Trung tâm Đào tạo VinFast cũng cho biết, sau 2 năm đồng hành cùng DIHK, đến nay, VinFast đã hoàn toàn tiếp nhận và làm chủ được cách thức triển khai mô hình đào tạo song hành, kiểm soát được chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu năng lực nghề nghiệp các vị trí công việc của các xưởng sản xuất và dịch vụ. Vì vậy, từ năm 2020, VinFast triển khai nhân rộng và chuyển giao mô hình đào tạo song hành này bằng cách kết hợp với các trường cao đẳng trên cả nước.
“Với mô hình đào tạo liên kết với các trường cao đẳng, học viên sẽ được cấp bằng Kỹ sư thực hành của trường và chứng chỉ Kỹ thuật viên của VinFast, đồng thời được VinFast hỗ trợ một phần chi phí đào tạo và đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp”, vị đại diện VinFast tiết lộ.
THY NHUNG – Báo Pháp Luật