(News.oto-hui.com) – Nếu bạn là một người đam mê công nghệ, yêu thích kỹ thuật ô tô và thích tự mình làm mọi thứ thì bạn không nên bỏ qua những mẹo an toàn cơ bản này. Tự sửa chữa ô tô là công việc có thể giúp bạn thỏa mãn đam mê và cũng có thể giúp bạn tiết kiệm tiền nhưng nó cũng rất nguy hiểm.
Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn và mọi người xung quanh tránh được nguy hiểm của việc sửa chữa ô tô. Hầu hết các lời khuyên này là những cảnh báo thông thường nhưng có thể một vài điều bạn sẽ không biết và nó có thể gây nguy hiểm.
I. Điều đầu tiên:
Đừng cố gắng sửa chữa những thứ vượt quá khả năng của bạn. Nếu bạn cảm thấy không chắc chắn khi sửa chữa thì bạn nên đưa xe đến garage vì nhiều hệ thống trên xe ngày nay rất phức tạp. Việc sửa chữa thường đòi hỏi nhiều kỹ năng và chuyên môn, chưa kể đến các dụng cụ và thiết bị đặc biệt. Một sai lầm đơn giản có thể làm hỏng các linh kiện điện tử đắt tiền.
II. Chú ý đến sức khỏe của mình:
– Không cố gắng sửa chữa một thứ mà sức khỏe của bạn không thể đáp ứng, ví dụ như thay lốp xe, làm việc dưới gầm xe hoặc làm việc ở một vị trí khó vươn tới. Trong các tình huống này, bạn hãy tìm tới một kỹ thuật viên, người đã được đào tạo chuyên sâu để giúp sữa chữa.
– Phải tập trung và không cố gắng thực hiện bất kỳ công việc bảo trì hoặc sửa chữa nào trên xe nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, say xỉn. Khi kiệt sức, ốm đau hay say xỉn sẽ ảnh hưởng đến phán đoán và nhận thức của bạn, làm tăng khả năng bị thương tích hoặc sai sót.
III. Các lưu ý khi sửa chữa xe hơi:
1. Không hút thuốc:
– Khi sửa chữa hay thay thế bất kỳ thành phần nào liên quan đến hệ thống nhiên liệu như: bộ lọc nhiên liệu, bộ chế hòa khí, kim phun nhiên liệu, bơm nhiên liệu, thùng nhiên liệu hoặc đường nhiên liệu.
– Hãy chú ý không được hút thuốc vì đó là một trong những nguyên nhân chính gây ra hỏa hoạn.
2. Chuẩn bị bình cứu hỏa:
– Xung quanh khu vực làm việc của bạn phải có ít nhất một bình cứu hỏa và nó phải luôn sẵn sàng trong mọi tình huống.
3. Lưu ý khi sạc ắc quy:
– Không hút thuốc hay tạo ra các tia lửa điện xung quanh khu vực sạc. Bởi vì khi nạp ắc quy (đặc biệt là nạp với một dòng điện lớn) thì ắc quy sẽ sinh ra hai loại khí dễ cháy nổ là Hydro và Oxy.
– Nếu bạn muốn nạp ắc quy bằng cách câu từ xe khác thì hãy nhớ nối cáp âm từ ắc quy mồi với thân động cơ hoặc phần khung của xe có ắc quy hết điện. Điều này nhằm hạn chế tạo ra tia lửa điện gần ắc quy sau khi nạp xong.
4. Không làm việc dưới một chiếc xe khi nó chưa được kê lên an toàn:
– Đừng bao giờ tin tưởng một con đội thủy lực.
– Hãy luôn luôn sử dụng các con đội chết để kê dưới gầm xe để đảm bảo nó không rơi xuống.
– Chú ý:
- Các con đội chết luôn có khả năng chịu lực nhất định do đó tùy vào trọng lượng xe mà số lượng con đội chết có thể thay đổi.
- Không sử dụng các khối gỗ, hộp, bánh xe hay gạch để kê vì chúng có thể trượt hoặc đổ và làm xe rơi.
5. Khi thực hiện sửa chữa các hệ thống điện:
– Chú ý: Luôn tháo một cọc bình (chủ yếu là cọc âm) hoặc rút cầu chì của hệ thống đó ra khỏi hộp cầu chì.
– Tùy theo hãng xe mà cầu chì có ký hiệu cũng như vị trí đặt khác nhau. Điều này sẽ ngăn ngừa hư hỏng, ảnh hưởng đến các mạch điện trong hệ thống.
6. Túi khí:
– Trên xe thường trang bị túi khí, nên bạn hãy chú ý khi làm việc bên dưới trụ lái hoặc dưới bảng taplô và luôn tháo các cọc bình. Sau đó đợi ít nhất 15 phút trước khi tiến hành thực hiện vì trong quá trình sửa chữa, bạn có thể vô tình kích hoạt túi khí và gây thương tích cho chính bạn. Thông thường hệ thống dây điện của túi khí được mã hoá bằng màu xanh.
7. Các cụm dây điện và jack nối trên xe:
– Không bao giờ tách và rút các jack cắm điện ra khi động cơ đang chạy hoặc chìa khoá đang ở vị trí “ON”. Bởi vì, việc này sẽ tạo ra điện áp tăng đột ngột có thể làm hỏng linh kiện điện tử nhạy cảm và đắt tiền trong hệ thống.
8. Dây đai:
– Không ăn mặc quá diêm luộm thuộm, không đeo trang sức khi đang làm việc. Kiểm tra các chi tiết chuyển động như dây đai, pu ly, quạt… trên động cơ khi nó đang hoạt động.
– Hãy chú ý các hư hỏng như nứt, mòn hay gãy vỡ trên các chi tiết đó.
9. Cẩn thận với những chi tiết nóng:
– Nếu động cơ đang chạy hay đã chạy được khoảng nửa giờ thì động cơ, bộ tản nhiệt, nước làm mát, cổ góp xả, bộ xúc tác, và ống pô sẽ rất nóng. Do đó cần chú ý.
10. Khi tháo nắp bộ tản nhiệt:
– Không bao giờ được mở nắp bộ tản nhiệt khi động cơ đang còn nóng.
– Hãy luôn để động cơ nguội ít nhất một giờ trước khi mở nắp. Sau đó, đặt một miếng giẻ lên trên cái nắp rồi vặn ra từ từ, đến khi áp suất dư và hơi nước thoát ra thì dừng lại. Chờ cho áp suất trong bộ tản nhiệt giảm đáng kể rồi tháo cái nắp ra khỏi bộ tản nhiệt.
11. Làm việc với hệ thống đánh lửa:
– Hãy cẩn thận khi bạn làm việc với hệ thống đánh lửa để tránh bị điện giật.
– Điện áp của một ắc quy trong xe ô tô chở khách và xe tải nhẹ chỉ là 12 vôn nhưng điện áp trong hệ thống đánh lửa trên xe được tăng lên từ 25.000 đến 40.000 vôn. Do đó, nếu bạn chạm vào dây cao áp, cuộn thứ cấp hoặc bộ chia điện khi động cơ đang chạy, bạn sẽ phải chịu một cú sốc gây khó chịu trong vài mili giây.
– Trên xe hybrid, điện áp của pin có thể tới 300 vôn hoặc hơn, nên nó có thể giết chết hoặc làm bạn bị thương. Vì vậy, cần tháo các cọc của pin xe hybrid trước khi tiến hành sữa chữa và không được chạm đến các cáp điện có màu cam vì nó là cáp điện cao áp. Đồng thời đeo găng tay cao su khi làm việc.
12. Đeo kính bảo vệ mắt:
– Các trường hợp chúng ta cần phải đeo kính: khi làm việc dưới gầm xe (để ngăn bụi bẩn và mảnh vụn rơi vào mắt), khi đập hoặc nghiền bất cứ thứ gì (ngăn các mảnh vỡ bay vào khỏi mắt), khi câu bình ắc quy (để ngăn axit bay vào mắt khi nổ bình), và khi làm việc với hệ thống điều hòa không khí (ngăn môi chất làm lạnh bay vào mắt).
– Mang bảo vệ tai khi sử dụng các dụng cụ khí nén lớn hoặc khi đập, mài, cưa, khoan …Vì tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn lớn có thể làm giảm thính giác vĩnh viễn.
13. Bảo vệ hệ hô hấp:
– Hãy đeo mặt nạ phòng độc khi sơn phun hoặc sử dụng các hóa chất có thành phần hydrocarbon thơm cao. Chú ý: tuy mặt nạ chống bụi không thể bảo vệ bạn hoàn toàn nhưng hãy đeo nó khi bạn mài, chà nhám hoặc phun cát… nó có thể còn tốt hơn là không sử dụng.
– Không sử dụng súng xịt hơi để xịt phanh, vì trong bụi phanh chứa chất amiăng, có thể ảnh hưởng đến phổi nếu hít phải. Hãy sử dụng dung dịch tẩy rửa để rửa phanh.
– Chú ý: Khi sử dụng các bình xịt có chứa VOCs hoặc dung dịch như sơn phun, dung dịch vệ sinh bướm ga, dung dịch làm sạch phanh,… hãy làm việc ở nơi thoáng khí và tránh hít phải các dung dịch đó. Một số khu vực tốt để sử dụng các bình xịt đó như ngoài trời hay trong nhà để xe lớn với cửa mở và quạt thông gió.
14. Hệ thống nhiên liệu:
– Hãy cẩn thận khi tháo các đường ống nhiên liệu trên một chiếc xe, có trang bị hệ thống phun nhiên liệu. Áp suất ở một số nơi trong hệ thống phun có thể lên 5.5 đến 6,5 bar khi động cơ đang chạy. Vì vậy, để an toàn thì không mở bất kỳ đường nhiên liệu nào vào lúc này và sau khi tắt động cơ (áp suất nhiên liệu vẫn cao trong nhiều giờ).
– Để giảm thiểu việc xịt nhiên liệu ra ngoài khi tháo ống nhiên liệu, hãy quấn khăn xung quanh ống dẫn nhiên liệu và đai ốc hãm, rồi sau đó mới nới lỏng và tháo.
15. Cảnh báo:
– Trên động cơ diesel, áp suất nhiên liệu bên trong các đường ống dẫn nhiên liệu giữa bơm cao áp và kim phun nhiên liệu rất cao khi động cơ đang chạy (từ 35 đến 350 bar hoặc cao hơn tùy thuộc vào tốc độ động cơ và kiểu kim phun). Do đó, không bao giờ khởi động động cơ diesel khi đã tháo đường nhiên liệu hay kim phun.
– Luôn tập trung khi đang làm việc, đồng thời nói với ai đó nếu bạn đang làm việc bên dưới chiếc xe để đảm bảo không ai lại gần.
Tiến Đạt
Bài viết liên quan:
- Vì sao sửa chữa xe Hybrid rất nguy hiểm?
- Sáng kiến đảm bảo an toàn trong sửa chữa ô tô – Giá vam tháo bầu phanh lốc kê xe