Từ Tesla tới VinFast: Các hãng xe bán được bao nhiêu ô tô mới bắt đầu có lãi?

(News.oto-hui.com) – Ít ai có thể ngờ được rằng Tesla – hãng xe điện được mệnh danh là “Apple trong làng ô tô”, “kẻ tạo ra cuộc cách mạng ô tô lần thứ hai” hay nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá lớn nhất nước Mỹ,… lại chưa một năm nào có lãi trong suốt gần thập kỉ tồn tại.

Tình hình thua lỗ của Tesla tệ đến mức đã có thời điểm, nhiều người bi quan cho rằng hãng xe này cũng đến hồi phá sản, khi đốt hết tiền và không thuyết phục được các nhà đầu tư mới tài trợ cho những dự án táo bạo của mình.

Nhà sáng lập và CEO Tesla Elon Musk cũng đã phải thừa nhận rằng, Tesla cần tạo ra lợi nhuận nếu muốn tiếp tục giữ chỗ đứng trên thị trường.

Vậy nhưng, bất chấp kết quả tài chính tồi tệ, thua lỗ triền miên, Tesla vẫn được đánh giá rất cao trong vai một người đi khai phá lĩnh vực ô tô điện – tương lai của ngành công nghiệp ô tô trên thế giới.

Bán 900.000 xe mới bắt đầu có lãi

Năm 2003, cả thế giới nhìn hãng xe điện non trẻ Tesla bằng một ánh mắt đầy nghi hoặc. Trong suy nghĩ của nhiều người lúc bấy giờ, làm ô tô điện là một việc gì đó quá viễn vông và không thực tế.

Một năm sau, Tesla cho ra đời nguyên mẫu xe điện đầu tiên, chiếc Roadster hai chỗ ngồi, sử dụng động cơ điện xoay chiều trực tiếp từ thiết kế năm 1882 của Nikola Tesla. Tuy nhiên, mẫu xe này chưa thể thương mại hoá.

Đến năm 2008, tức phải 4 năm sau đó, chiếc Tesla Roadster – mẫu xe thể thao thuần chạy điện đầu tiên, mới chính thức được trình làng. Từ năm 2008 đến tháng 3/2012, Tesla đã bán được 2.250 chiếc Roadster ở 31 quốc gia.

Phải mất 4 năm tiếp theo, Tesla mới lại cho ra mắt mẫu ô tô điện thứ 2, mang tên Model S. Và mất thêm 4 năm nữa thế hệ xe điện thứ 3, chiếc Model X mới được ra mắt với nhiều cải tiến và hoàn chỉnh hơn về mặt công nghệ.`

Năm 2019, chiếc Tesla Model 3 với giá 35.000 USD sau rất nhiều mong đợi đã chính thức được ra mắt, hoàn thiện đầy đủ từ công nghệ, thiết kế đến giá thành. Đây được xem là dòng xe mang tính cách mạng trong thế giới xe, đưa ngành công nghiệp xe hơi bước sang thời kì mới – kỉ nguyên của điện khí hoá.

Từ Tesla tới VinFast: Các hãng xe bán được bao nhiêu ô tô mới bắt đầu có lãi? - Ảnh 1.

Tesla mất 16 năm để đạt được độ chín về công nghệ. Nhưng phải mất gần 20 năm mới bắt đầu có lãi. Ảnh: Tesla.

Tuy nhiên, trong suốt khoảng thời gian dài đó, tình hình tài chính của ông vua xe điện vẫn chìm trong bóng tối. Chưa năm nào Tesla ghi nhận có lãi, mức thua lỗ năm sau luôn cao hơn năm trước.

Cụ thể, năm 2011 – sau một năm rưỡi Tesla tiến hành IPO trên sàn chứng khoán New York, doanh nghiệp này ghi nhận mức lỗ 254 triệu USD. Và rất nhanh chóng, chỉ 7 năm sau Tesla đã báo lỗ ròng tăng gần 700%, đạt mức kỉ lục 2,24 tỉ USD. Năm 2018, lỗ của Tesla giảm xuống còn 1 tỉ USD và đến năm 2019, công ty này vẫn lỗ khoảng 862 triệu USD.

Theo dữ liệu của hãng truyền hình CNN của Mỹ, sau gần 20 năm thành lập, Tesla đã lỗ tổng cộng hơn 6 tỉ USD – một kỉ lục vô tiền khoáng hậu trong làng ô tô thế giới.

Chưa năm nào có lãi trong các báo cáo tài chính, nhưng trong đầu tháng 7 vừa qua, Tesla bất ngờ vượt mặt Toyota để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, về giá trị vốn hoá.

Sau 10 năm IPO, giá trị cổ phiếu Tesla đã tăng 11.600% so với ngày đầu. Với mức giá 450 USD/cổ phiếu tới thời điểm hiện tại, thị trường đang định giá Tesla lên đến 419 tỉ USD.

Khi ghi nhận khoản lãi 342 triệu USD trong quí II/2019, CEO Elon Musk đã tự tin nói với các nhà đầu tư rằng, Tesla đã phát triển tới mức tự lo được vốn, và trong thời gian tới, hãng có thể hòa vốn trong quí III và đạt lợi nhuận trong quí IV.

Từ Tesla tới VinFast: Các hãng xe bán được bao nhiêu ô tô mới bắt đầu có lãi? - Ảnh 2.

Thời điểm hiện tại, tuy lời khẳng định đó vẫn chưa thành hiện thực, nhưng đã 4 quí liên tiếp Tesla đều có lãi, bất chấp sự gián đoạn từ đại dịch COVID-19. Và rất có thể, đây sẽ là năm đầu tiên trong lịch sử 17 năm hình thành, Tesla có lãi.

Tính đến cuối năm 2019, đã có tổng cộng 905.117 chiếc ô tô mang thương hiệu Tesla được bán ra trên phạm vi toàn cầu.

Chấp nhận lỗ để giành thị phần

Tương tự câu chuyện của Tesla, VinFast – một hãng xe mới gần 2 năm tuổi của Việt Nam cũng đang trải qua giai đoạn “khổ tận” chịu lỗ để giành thị phần.

Nửa đầu năm 2020, VinFast báo lỗ tới hơn 6.600 tỉ đồng sau thuế. Trong khi trước đó năm 2019, doanh nghiệp này cũng phải chịu lỗ hơn 5.700 tỉ đồng.

Là kẻ đi sau, có thể nói VinFast đã nhìn thấy được những bài học của những người đi trước như Tesla.

Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng cũng từng chia sẻ định hướng mục tiêu của VinFast trong giai đoạn trước mắt là mở rộng thị phần chứ không phải lợi nhuận tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Vingroup vào tháng 5/2020.

Ít nhất trong vòng 5 năm nữa, VinFast chưa thể có lãi

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng

Vingroup xác định sẽ phải bù lỗ cho VinFast từ 3-5 năm trước khi đạt điểm hòa vốn EBITDA.

Trao đổi với Bloomberg vào cuối tháng 12 năm ngoái, ông Phạm Nhật Vượng cho biết, ước tính mỗi năm doanh nghiệp này phải chịu lỗ tới 18.000 tỉ đồng. Trong đó, VinFast lỗ khoảng 7.000 tỷ đồng vì bán xe dưới giá thành sản xuất chỉ với mục đích duy nhất là… giành thị phần.

Cụ thể, hãng xe Việt cho biết, trên mỗi chiếc ô tô Lux A2.0 bán ra họ đang phải chịu lỗ tới 300 triệu đồng. Con số này là 168 triệu đồng đối với mỗi chiếc Lux SA2.0 bán ra và lỗ 107 triệu đồng trên chiếc mỗi chiếc Fadil.

Kết quả, chỉ trong vòng nửa năm 2019, VinFast đã xuất xưởng được 17.214 xe ô tô, chiếm 3,66% thị phần thị trường ô tô Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm nay, bất chấp tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, hãng xe này vẫn bán được gần 10.000 xe, góp mặt trong top 10 thương hiệu ô tô bán chạy nhất Việt Nam.

Thậm chí, trong quí I/2020, đã có 5.100 chiếc ô tô mang thương hiệu VinFast đến tay khách hàng, đưa hãng xe non trẻ này lên vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các hãng xe bán chạy nhất trong quí, ngang ngửa với những ông lớn tên tuổi như Toyota hay Hyundai.

Từ Tesla tới VinFast: Các hãng xe bán được bao nhiêu ô tô mới bắt đầu có lãi? - Ảnh 4.

Tuy nhiên, với công suất nhà máy hiện tại có thể sản xuất 250.000 xe/năm, tương lai có thể nâng công suất lên 500.000 xe/năm của VinFast, thì lượng xe bán ra thực tế hiện nay vẫn còn rất thấp.

Rõ ràng, ngoài chịu lỗ do bán xe dưới giá thành sản xuất, VinFast còn đang phải cõng trên lưng rất nhiều chi phí như: chi phí khấu hao, chiết khấu bán hàng, chi phí quản lí, chi phí tài chính,… do nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng một phần nhỏ công suất thiết kế.

Do đó, để tối ưu lợi nhuận, bán xe tại thị trường trong nước là chưa đủ. VinFast không hề giấu diếm tham vọng “đem chuông đi đánh xứ người” của mình.

Theo xác nhận từ đại diện VinFast, hãng sẽ giới thiệu mẫu xe SUV chạy điện đầu tiên tại triển lãm Los Angeles Auto Show diễn ra tháng 11/2020, trước khi bán xe tại thị trường Mỹ trong năm 2021.

Tuy nhiên, hiện tại Ban tổ chức triển lãm Los Angeles Auto Show đã quyết định lùi thời gian tổ chức lại 6 tháng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Mới đây, hãng xe này cũng đã chính thức mua lại trung tâm thử nghiệm xe rộng 872 ha tại Australia trong một thương vụ không được tiết lộ về giá trị. Theo truyền thông địa phương, bất động sản này có giá vào khoảng từ 15-20 triệu USD.

Trước đó, năm ngoái VinFast cũng đã thành lập Viện Công nghệ Ô tô 2 và khai trương văn phòng tại Melbourne.

Lợi nhuận không quyết định thành công

Năm 2007, Nokia thống trị thị trường điện thoại di động với 415 triệu chiếc bán ra mỗi năm, theo sau là Motorola với 164 triệu chiếc. Năm đó, Apple ra mắt phiên bản iPhone đầu tiên nhưng chỉ bán được chưa đầy 4 triệu chiếc.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 Apple đã bán được tổng cộng 2,2 tỉ chiếc iPhone trên toàn cầu, chiếm vị trí thứ 3 thị phần smartphone. Trong khi đó, cả Nokia và Motorola đều là những kẻ bại trận và bị xoá sổ trên thị trường.

Tương tự, suốt gần 20 năm Tesla chỉ bán được chưa tới 1 triệu ô tô, chưa bằng 1/10 doanh số bán hàng của Toyota chỉ tính riêng trong năm 2019.

Vậy nhưng, Tesla hiện mới chính là kẻ dẫn đầu cuộc cách mạng ngành công nghiệp ô tô lần thứ ba, và được các nhà đầu tư tin tưởng sẽ làm nên chuyện, chứ không phải là Toyota.

Vậy đâu là lời giải cho bài toán thành công của những gã khổng lồ như Tesla hay Apple? Đó chính là việc kiểm soát chặt chẽ và làm chủ qui trình, công nghệ sản xuất, cả phần cứng lẫn phần mềm của sản phẩm.

Tesla đã tự sản xuất mọi bộ phận của một chiếc ô tô điện, từ pin đến phần mềm tự hành. Trụ sở đặt tại Thung lũng Silicon đã cho phép Tesla có điều kiện phát triển phần mềm trên những chiếc xe điện tốt hơn hẳn so với các đối thủ như Ford hay Toyota.

Hãng cũng đã xây dựng nhà máy Gigafactory tại Nevada, Mỹ để sản xuất pin qui mô lớn. Nguồn cung pin tự thân sẽ giúp xe điện Tesla rẻ hơn so với các đối thủ dựa vào nguồn cung từ bên thứ ba.

Và không lạ gì khi VinFast hiện nay cũng đang đi đúng con đường của Tesla và Apple.

Để sản xuất ô tô, VinFast đã đầu tư xây dựng khu cung ứng (supplier park) rộng 70 ha, làm việc với trên 500 nhà cung cấp trên toàn thế giới và cũng có quan hệ với hàng nghìn nhà cung cấp như vậy.

Mục tiêu của VinFast là có thể nội địa hoá 60% chiếc xe, khoảng 1/3 còn lại sẽ là nhập khẩu. Để tự chủ về mặt con người và kĩ thuật, đến nay hãng xe Việt đã tuyển sinh các cấp học, từ đào tạo nghề tới THPT và đại học.

Mới đây nhất, VinFast cũng đã thành lập công ty TNHH Sản xuất Pin Lithium Vinfast, với khoản đầu tư trong năm 2019 là gần 189 tỉ đồng để có thể tự chủ về nguồn cung pin, tương tự như Tesla.

Để phục vụ phát triển phần mềm, Vingroup cũng có VinTech, VinSmart,…

Như vậy, có thể thấy dù là hãng ô tô lớn nhất nhì thế giới như Tesla hay một tay mơ mới vào nghề như VinFast, dù xuất phát điểm, điều kiện có khác nhau, nhưng chưa bao giờ “trái ngọt” có thể đến trong một sớm một chiều.

Đó có thể là 5 năm như dự tính của VinFast, hoặc thậm chí lâu hơn là 10 năm, 20 năm như thực tế của Tesla. Nhưng nhìn vào những gì mà hãng xe Việt đang làm, nhiều người vẫn tin rằng VinFast có thể làm nên chuyện.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng


Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn