Toàn cảnh ngành ô tô Việt thiệt hại thế nào vì Covid-19?

(News.oto-hui.com) – Hiện tại, Việt Nam đã kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đã bắt đầu hoạt động trở lại sau những ngày cách ly toàn xã hội. Mọi lĩnh vực kinh tế đều “thấm đòn” rất nặng nề, ngành ô tô cũng không phải ngoại lệ. Vậy ngành ô tô Việt thiệt hại thế nào vì Covid-19?

Bài viết liên quan:

Đại dịch Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu kể từ đầu năm nay đã tạo ra “cơn sóng thần” cuốn trôi mọi sự kỳ vọng phát triển kinh tế thế giới, trong đó có nền công nghiệp ô tô. Rất nhiều nhà máy sản xuất ô tô phải đóng cửa, nhiều showroom, đại lý ngừng kinh doanh để thực hiện phòng, chống đại dịch…, tất cả đã phản ánh ngành ô tô Việt “thiệt hại” thế nào vì Covid-19.

Số lượng ô tô nhập khẩu Quý 1/2020 sụt giảm mạnh

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), tính từ đầu năm đến hết tháng 3, lượng ô tô nhập khẩu chỉ đạt 23.000 xe, trị giá đạt 497 triệu USD, giảm 43,1% về lượng và giảm 43,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Đi kèm với tác động trực tiếp từ trong nước, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng bị gián đoạn khi nhiều quốc gia phong tỏa toàn quốc, nhiều nhà máy đóng cửa, xuất khẩu đứt đoạn…

Doanh số bán hàng các hãng xe giảm

Thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho thấy “gam màu xám” khi tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường trong 02 tháng đầu năm giảm 27%, trong đó doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 20% trong khi xe nhập khẩu giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Sơ bộ đến hết tháng 3, chỉ số tồn kho ô tô của VAMA tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ của VAMA cũng sụt giảm khoảng 40% trong 3 tháng đầu năm và có thể sẽ lên tới 70% nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Lực lượng lao động ngành ô tô Việt chật vật 

Nhiều nhà máy sản xuất, đại lý, showroom ô tô, các xưởng dịch vụ, gara sữa chữa ô tô buộc phải tạm dừng kinh doanh, đóng cửa. Công nhân, thợ, kỹ thuật viên buộc phải tạm nghỉ trông chờ vào các chính sách hỗ trợ. Nhân viên Sale lo lắng vì thu nhập theo doanh số bán hàng không có. Ngoài ra, khác với các chủ showroom hay các đại lý ô tô, những người kinh doanh xe tự do phải chuyển tạm nghề nhằm vượt qua giai đoạn dịch bệnh.

Chợ xe cũ đóng băng, Đại lý có nguy cơ phá sản hàng loạt

Để kinh doanh xe cũ, số tiền phải lên đến vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Hầu hết người mới mở đại lý đều phải bán xe diện ký gửi (cho khách gửi xe bán, ăn phần trăm) và hầu hết đại lý mở ra phải chung vốn góp chứ ít ai dám tự bỏ tiền đầu tư một showroom một mình. Tuy việc doanh số sụt giảm, thị trường xe cũ đóng băng khiến cả đại lý lớn, nhỏ lâm cảnh vỡ trận. Chi phí thuê mặt bằng đang ăn mòn lợi nhuận của rất nhiều đại lý.

Nhìn nhận về bối cảnh hiện tại, thời hậu Covid-19, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, xu hướng chung của người tiêu dùng hiện nay là tích cóp, tiết kiệm và sẽ rất khó để họ đầu tư một khoản tiền lớn như việc mua ô tô. Chính phủ vẫn đang suy nghĩ phương án hỗ trợ ngành ô tô. Các doanh nghiệp tung nhiều ưu đãi kích cầu. 

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn