(News.oto-hui.com) – Dù có trong tay công nghệ vũ khí và quân sự hàng đầu thế giới nhưng nước Nga lại không chú trọng phát triển mảng ô tô, xe máy. Và phải thừa nhận rằng kém hơn nhiều nước so với khu vực top đầu. Vậy tại sao Nga không phát triển mạnh ô tô, dù họ thừa sức làm?
Nhiều người vẫn hay đặt câu hỏi: Mặc dù nổi danh là quốc gia có công nghệ quân sự hàng đầu thế giới, với các loại khí tài sánh ngang, thậm chí vượt trội so với Mỹ, lẽ ra Nga có nền tảng rất tốt để phát triển ngành công nghiệp xe hơi, thế nhưng vì sao lĩnh vực này của Moscow lại vẫn lọt thỏm ở phía cuối danh sách?
Vũ khí Nga rất xuất sắc nhưng ô tô Nga vẫn ‘lẹt đẹt’
Ngành công nghiệp ô tô của Nga đã trải qua những thăng trầm đáng kể trong thập kỷ qua. Thị trường xe hơi trong nước đã phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để trở thành thị trường lớn thứ sáu trên thế giới, với 2,6 triệu xe (ô tô con và xe tải nhẹ) được bán ra trong năm 2012.
Nhưng suy thoái kinh tế hiện nay, nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu giảm, đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp ô tô nước này. Năm 2015, Nga chỉ bán được 1,5 triệu xe, đứng thứ 12 trên thế giới sau các quốc gia như Canada, Anh và Brazil.
Trong suốt những năm qua, thị trường Nga vẫn phục hồi chậm, ở mức dưới 2 triệu ô tô bán ra. Trong khi Mỹ có Ford, Nhật Bản có Toyota, Hàn Quốc có Hyundai… Nga gần như không có một thương hiệu xe nổi tiếng hay đình đám nào.
Người ta cũng hiếm khi thấy một chiếc xe sản xuất từ Nga xuất hiện trên đường phố nước ngoài, khác xa so với hình ảnh tên lửa, chiến đấu cơ Nga có mặt ở mọi cuộc chiến trên thế giới.
Điều gì đã khiến Nga thất bại thảm hại trong ngành công nghiệp ô tô đến vậy? Câu trả lời đến từ cả lý do chủ quan và khách quan.
Trước hết là về mặt khách quan. Ngành ô tô ở Nga là một phần không thể thiếu trong nền công nghiệp của đất nước, tạo ra khoảng 1,2% tổng GDP từ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ô tô, linh kiện.
Khi thị trường ô tô của Nga tăng trưởng nhanh chóng trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đã tìm cách mở rộng bán hàng tại thị trường này.
Để đối phó với sự cạnh tranh, chính phủ Nga đã đưa ra một số biện pháp hỗ trợ các công ty trong nước, như yêu cầu mỗi chiếc ô tô được bán ra phải bao gồm các thành phần được sản xuất tại Nga, và tỷ lệ đó tăng lên theo thời gian.
Tưởng rằng đây là cách thức hữu hiệu để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, nhưng nhiều công ty nước ngoài đã “lách” những yêu cầu này bằng cách sản xuất các linh kiện lớn, nặng ở Nga trong khi phát triển và chế tạo các linh kiện có giá trị cao hơn, công nghệ tiên tiến hơn (chẳng hạn như thiết bị điện tử) ở những nơi khác.
Các nhà sản xuất ô tô chỉ gửi các bộ phận gần như đã hoàn thiện đến Nga, sau đó nhiệm vụ của các nhà máy tại đây chỉ là lắp ráp đơn giản.
Kết quả cuối cùng là ngành công nghiệp ô tô của Nga đã không xây dựng được năng lực kỹ thuật như chính phủ mong muốn. Các nhà sản xuất Nga tụt hậu so với các đồng nghiệp trong nhiều khía cạnh trên thị trường.
Tư duy đi ngược thời đại
Một trong những lý do khác khiến Nga luôn hụt hơi trong cuộc đua sản xuất xe hơi toàn cầu đến từ tư duy cố hữu. Người Nga luôn có khả năng chế tạo ô tô, nhưng những thứ họ làm ra lại không phải thứ mà người tiêu dùng hiện đại hướng tới.
Ngành công nghiệp xe hơi có tính cạnh tranh cao và người tiêu dùng mong đợi những cải tiến cụ thể hàng năm. Nếu không có một thị trường lớn với lợi nhuận khả dụng đầu tư lại cho các phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, các nhà sản xuất ô tô Nga có rất ít động lực để mang đến những cải tiến sáng tạo.
Những thứ hiện nay đã trở thành tiêu chuẩn trên hầu hết các xe hơi, phanh chống bó cứng, túi khí, hệ thống giải trí v.v., lại không phải là những thứ được các nhà sản xuất trong nước chú trọng, trừ trên các mẫu xe hạng sang.
Nga mặc dù có kỹ thuật quân sự xuất sắc nhưng quốc gia này vẫn thường có xu hướng tạo ra những sản phẩm đơn giản, rẻ tiền, bền bỉ như súng trường AK-47. Điều này cũng được áp dụng trên xe hơi, khi chúng được chú trọng vào độ tin cậy, tính hiệu quả thay vì những thứ “râu ria”.
Trong khi đó, người tiêu dùng ngày nay lại chỉ muốn bỏ tiền cho những sản phẩm có vẻ ngoài bắt mắt, các yếu tố công năng tiện lợi.
Đơn cử như việc Nga vẫn chú trọng vào các mẫu xe địa hình như Lada Niva. Về đi đường trường, độ tin cậy của xe là điều không phải bàn, nhưng vẻ ngoài của nó vẫn còn mang tính hoài cổ, chưa thực sự trẻ trung và thể thao.
Chỉ trong năm 2021, Nga mới bắt đầu chú trọng hơn vào các mẫu sedan hạng sang, mở rộng đối tượng khách hàng mới bằng việc thúc đẩy sản xuất mẫu Aurus Senat đã được Tổng thống Putin quảng bá hồi tháng 5 vừa qua.
Hiện tại, có hai biện pháp để Nga có thể cải thiện tình hình. Đầu tiên, các nhà sản xuất nên tập trung xuất khẩu nhiều xe hơn ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Đông và các khu vực đang phát triển khác.
Thứ hai, chính phủ Nga nên thúc đẩy sự đổi mới trong các công nghệ mới có tiềm năng cao như hỗ trợ lái xe, công nghệ kết nối trên xe hơi, cũng như thuyết phục các công ty sản xuất ô tô nước ngoài thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm để tăng cường năng lực kỹ thuật.
Bài viết liên quan:
- Tổng hợp các mẫu xe Lada Niva từng khuyu đảo một thời của ngành công nghiệp ôtô Liên Xô
- LADA – Hãng xe đầu tiên phải rút khỏi thị trường châu Âu do tiêu chuẩn khí thải
- Chi tiết về Phả hệ các hãng xe ô tô trên thế giới (Có Nước Nga)