(News.oto-hui.com) – Hiện tượng oà ga là tình trạng ga lớn hơn bình thường hay vòng tua máy lớn hơn giá trị đặt trước hoặc không cần đạp bàn đạp ga mà xe vẫn chạy quá mức. Tình trạng ga không tải/ bù ga quá lớn gây khó khăn cho quá trình điều khiển xe và nếu quá nhiều còn có thể gây mất an toàn. Đối với xe số sàn thì bù thừa ga sẽ làm vòng tua máy cao quá mức cần thiết trong lúc ngắt ly hợp khi xe đang chạy nên thường gọi là hiện tượng oà ga.
Bài viết liên quan:
- Mẹo sửa chữa các vấn đề chính của hệ thống phanh
- Những hư hỏng thường gặp của thước lái
- Hướng dẫn nạp ga cho điều hòa ô tô
Hiện tượng oà ga tạm chia thành hai loại như sau để dễ phân biệt:
– Oà ga tĩnh: Xe đứng một chỗ nổ cầm chừng cũng oà ga và khi đang chạy ngắt côn cũng oà ga trên 1500 rpm.
– Oà ga động: Nổ cầm chừng thì vòng tua ổn định ở mức khoảng 850 rpm, nhưng khi xe đang chạy mà ngắt ly hợp thì vòng tua vọt lên trên 1500 rpm và không xuống hoặc giao động lúc xuống, lúc lên, có khi lên trên 2000 rpm.
– Hiện tượng oà ga xảy ra khi hỗn hợp hòa khí nhiên liệu “xăng – không khí” cung cấp cho động cơ quá nhiều mà không thể kiểm soát được. Từ bản chất nguyên nhân như vậy có thể phân tích được 3 nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên đó là: van không tải, bướm ga và cảm biến vị trí bướm ga.
1. Van không tải (Idle Air Control):
Van này có nhiệm vụ điều chỉnh tự động tiết diện lưu thông của đường gió phụ theo chế độ động cơ. Khi van không tải bị bẩn, kẹt hoặc chết, chế độ không tải của động cơ không còn được đảm bảo, xe dễ chết máy hoặc oà ga.
- Nếu van này mở quá lớn không khí sẽ theo đường gió phụ qua bướm ga kéo theo nhiều nhiên liệu đi vào động cơ hơn. Điều này làm cho tốc độ động cơ tăng cao dẫn đến hiện tượng oà ga như chúng ta thường thấy.
2. Bướm ga:
Bướm ga là cơ cấu điều khiển và hòa trộn hỗn hợp nhiên liệu trước khi hỗn hợp nhiên liệu vào động cơ, đảm bảo được hỗn hợp nhiên liệu phù hợp với thông số mà nhà sản xuất đưa ra.
Do thời gian sử dụng lâu, cũng như do sự can thiệp của việc sửa chữa dẫn đến bướm ga bị mòn làm tăng khe hở khi đã đóng hoàn toàn. Khi đó, không khí đồng thời đi qua đường gió phụ và đường gió chính dẫn tăng lượng xăng cung cấp làm tăng vòng tua máy. Cũng có trường hợp bướm ga đóng không kín do bụi bẩn hoặc kẹt dây ga, lò xo hồi vị của bàn đạp chân ga yếu. Lượng khí vào nhiều khiến xăng cũng đi vào nhiều làm cho số vòng quay động cơ tăng cao.
3. Cảm biến vị trí bướm ga:
Cảm biến vị trí bướm ga được lắp trên cổ họng gió. Cảm biến này biến đổi góc mở bướm ga thành điện áp, và gửi tín hiệu về ECU động cơ như tín hiệu mở bướm ga (VTA). ECU dựa vào tín hiệu này và kết hợp với tín hiệu của cảm biến lưu lượng khí nạp để xác đinh lượng gió vào động cơ, từ đó điều khiển phun nhiên liệu một cách phù hợp.
Cảm biến vị trí bướm ga hoạt động không đúng như thông số của nhà sản xuất hoặc chết sẽ dẫn tới việc truyền tín hiệu của chế độ không tải đến ECU không chính xác. Với các dòng xe sử dụng dây ga để điều khiển bướm ga, van không tải và cảm biến vị trí bướm ga là riêng biệt nên khi xảy ra hiện tượng oà ga sẽ dễ điều chỉnh và sửa chữa hơn. Còn với các dòng xe dùng chân ga điện tử, van không tải và cảm biến vị trí bướm ga được tích hợp với nhau nên thường chỉ có thể can thiệt bằng cách cài đặt lại thông số ban đầu bằng máy chẩn đoán.
Ngoài ra, đối với những xe cũ còn sử dụng chế hòa khí như Kia Pride, Mitsubishi Jolie,… Hiện tượng oà ga thường là do trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng, có thể người thợ lắp sai các đường ống phụ (các đường ống phụ hoạt động ở các chế độ: khởi động nguội, sấy nóng, không tải, bù ga,…)
Đối với các dòng xe phun xăng điện tử, phần họng hút – vị trí có lắp các cảm biến như cảm biến vị trí bướm ga, cảm biến lưu lượng khí nạp,… đã không còn những đường ống khí phụ phức tạp như bộ chế hòa khí do việc cung cấp nhiên liệu đã được ECU tính toán theo từng chế độ của động cơ thông qua tín hiệu từ các cảm biến. Tuy nhiên, xe có hệ thống phun xăng điện tử lại có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng oà ga hơn.
Nguồn: Tổng hợp