Nikkei Asia

Phỏng vấn chuyên gia Nhật Bản về tác động của xe điện đến môi trường.

(News.oto-hui.com) – Một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực kim loại hiếm cho biết: Khi thế giới coi xe điện như một giải pháp để giảm lượng khí thải carbon dioxide, có quá ít cuộc thảo luận về tác hại môi trường liên quan đến những kim loại hiếm cần thiết để chế tạo chúng.

Chia sẻ với tờ Nikkei Asia, Toru Okabe, giáo sư và giám đốc của Đại học Tokyo, cho biết: “Xe điện được cho là thân thiện với môi trường, nhưng chúng đang gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường và đó là thực tế mà các công ty khó có thể nói ra nếu họ nhận thức được điều đó”.

Sau đây là một số nội dung trong buổi phỏng vấn:

Quan điểm của ông về nhu cầu kim loại hiếm đang tăng mạnh trong ngành công nghiệp xe điện là gì?

Xe điện ngày càng phổ biến là một điều tốt vì chúng không thải ra CO2 và những tiến bộ trong công nghệ là rất đáng chú ý.

Nhưng pin và động cơ xe điện có chứa một lượng lớn kim loại hiếm. Quá trình khai thác quặng từ dưới lòng đất và chiết xuất kim loại hữu ích tạo ra một lượng lớn vật liệu có hại.

Xe điện ngày càng phổ biến là một điều tốt
“Xe điện ngày càng phổ biến là một điều tốt vì chúng không thải ra CO2 và những tiến bộ trong công nghệ là rất đáng chú ý. “, Toru Okabe, giáo sư và giám đốc của Đại học Tokyo

Nhật Bản chỉ nhập khẩu các nguyên liệu “sạch” đã được loại bỏ các chất độc hại, nhưng chúng ta cần nhận thức được những rủi ro về môi trường ở các mỏ khai thác và xử lý.

Nhiều nhà sản xuất ô tô đã lo ngại về mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2, nhưng có rất ít tranh luận về tác hại xảy ra trong quá trình khai thác và tinh chế tài nguyên. Họ tạo ra lượng rác thải gấp hàng trăm lần chỉ để tạo ra một chiếc xe.

Có cách nào để hạn chế tác động tới môi trường không?

Khi nói đến kim loại hiếm, các sản phẩm phụ có hại như uranium và thorium được giải phóng, còn đồng thì có asen và thủy ngân. Công nghệ xử lý hiệu quả các sản phẩm phụ này ngày càng phát triển nhưng cần có thời gian và năng lượng đáng kể để xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình tinh chế. Ngoài ra, cần rất nhiều chi phí để thực hiện.

Sẽ rất tốt nếu có các quy trình xử lý để bảo vệ môi trường, nhưng trên thực tế mà nói, sẽ có sự đánh đổi giữa chi phí và các biện pháp bảo vệ môi trường. Tôi tin rằng sẽ khó có thể thiết lập được công nghệ năng lượng thân thiện với môi trường và khả thi về mặt chi phí trong hai hoặc ba thập kỷ tới.

Các quốc gia sản xuất tài nguyên phản ứng thế nào?

Có những quốc gia như Indonesia xuất khẩu tài nguyên dưới dạng hàng hóa đã qua xử lý với giá trị cao. Nhưng việc sản xuất các sản phẩm tinh chế đòi hỏi công nghệ tiên tiến và không phải quốc gia nào cũng có thể áp dụng chiến lược tương tự.

Mỏ khai thác nikel tại Indonesia

Thị trường hàng hóa về cơ bản được thúc đẩy bởi các nguyên tắc kinh tế. Ngay cả khi người tiêu dùng và nhà sản xuất ô tô muốn bảo vệ môi trường, thị trường sẽ chọn phương án ít tốn kém hơn. Hiện nay, hầu hết các nước sản xuất tài nguyên đang lựa chọn các chiến lược tăng trưởng mà không quan tâm đến chi phí môi trường.

Ông nghĩ gì về sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc quyền tài nguyên?

Lý tưởng nhất là các nhà hoạch định chính sách nên chia sẻ sự giàu có thu được từ tài nguyên với người dân trong khu vực của họ, nhưng điều này thực tế không được thực hiện trong nhiều trường hợp.

Những vấn đề như vậy sẽ không được giải quyết chỉ bằng tiến bộ công nghệ. Các hệ thống xã hội và chính trị sẽ phải thay đổi.

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn