(News.oto-hui.com) – Ô tô chủ yếu được phân loại theo hai cách đó là dựa vào hình dáng xe và theo phân khúc xe. Việc phân biệt theo hình dáng là dễ phân biệt và nhận biết hơn so với phân hạng theo phân khúc. Vì vậy, bài viết này chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu về phân hạng các phân khúc xe ô tô!
Về tổng quan chúng ta có cách phân hạng các phân khúc xe ô tô bằng ký hiệu chữ cái như sau:
- Phân khúc hạng A (Mini Class Vehicles)
- Phân khúc hạng B (Small Class Vehicles)
- Phân khúc hạng C (Sub-Medium Class Vehicles)
- Phân khúc hạng D (Top-Middle Class Vehicles)
- Phân khúc hạng E (Upper Class Vehicles)
- Phân khúc hạng F (Luxury Class Vehicles)
- Phân khúc hạng M (MPV)
- Phân khúc hạng J (Crossover Utility Vehicle/Sport Utility Vehicle)
- Phân khúc hạng S (Super Luxury Vehicle)
- Phân khúc bán tải (Pick-up)
Dưới đây là các nhận định chi tiết về các phân hạng các phân khúc xe ô tô
Phân khúc xe hạng A (Mini Class Vehicles)
Phân khúc A hay còn gọi là xe mini, xe gia đình cỡ nhỏ hay xe nội thị. Đây là loại xe có thân xe nhỏ, khoảng cách đầu và đầu gối không nhiều, chúng có kích thước nhỏ và nhẹ. Những chiếc xe này thường sử dụng động cơ với dung tích dưới 1.2. Do đó, khả năng thích ứng với điều kiện khó khăn của chúng thường rất thấp, không phù hợp cho những chuyến đi dài, thường được sử dụng để chạy ở thành phố.
Những cái tên tiêu biểu là Chevrolet Spark, Kia Morning, Hyundai i10..
Phân khúc hạng B (Small Class Vehicles)
Đây chính là những chiếc xe gia đình cỡ nhỏ thường có kích thước dao động vào khoảng 370cm đến 400cm, về mặt kỹ thuật thì chúng mạnh hơn phân khúc loại A do chúng trang bị động cơ từ 1.4 đến 1.6 và nặng hơn so với phân khúc loại A.
Những chiếc ô tô phân khúc B nổi tiếng như Toyota Vios, Mazda 2, Honda City, Nissan Sunny, Volkswagen Polo,….
Phân khúc hạng C (Sub-Medium Class Vehicles)
Đây là một trong những phân khúc được sản xuất và bán nhiều nhất. Phân khúc loại C là những chiếc xe bình dân hạng trung, chiều dài khoảng 425 Cm với kiểu hatchback và 450 cm với sedan, xe compact đủ chỗ cho 5 người lớn và thường trang bị động cơ từ 1.4 đến 2.2, đôi khi lên tới 2.5. Đây là loại xe phổ biến nhất trên thế giới bởi nó “vừa đủ” cho tất cả các nhu cầu từ trên phố, xa lộ hay nông thôn.
Toyota Altis, KIA Cerato, Honda Civic,…. là những đại diện tiêu biểu cho phân khúc này.
Xem thêm: Sự cạnh tranh trong các phân khúc xe tại Việt Nam
Phân khúc hạng D (Top-Middle Class Vehicles)
Chúng còn được gọi là xe bình dân cỡ lớn, sự khác biệt so với phân khúc loại C là chúng có kích thước và hiệu suất cao hơn, cabin rộng rãi,động cơ mạnh mẽ hơn và có chiều dài khoảng 470cm đến 480cm.
BMW 3.20, Mercedes C series, Honda Accord, Volkswagen Passat và Mazda 6 là những chiếc xe loại D phổ biến nhất.
Phân khúc hạng E (Upper Class Vehicles)
Đây là phân khúc của những chiếc xe hạng sang, những chiếc xe hàng đầu.Chúng không chỉ mạnh mẽ về hiệu suất và động cơ mà còn mang đến sự thoải mái, tiện nghi cho người sử dụng. Tuy nhiên so với các phân khúc khác thì chúng khá đắt đỏ.
Các mẫu xe phân khúc E phổ biến nhất là Mercedes E Series, Audi A5, BMW 5 Series và Chrysler 300.
Phân khúc hạng F (Luxury Class Vehicles)
Xe phân khúc F, còn được gọi là xe phân khúc hạng sang cao cấp, nổi bật với các tính năng công nghệ và tiện nghi, cũng như dữ liệu hiệu suất và tính năng vật lý của chúng,các mẫu “hạng sang cao cấp” dài hơn, động cơ với 6, 8 hoặc 12 xi-lanh và trang bị tốt hơn xe sang hạng trung. Chúng là những mẫu sản xuất trên dây chuyền hàng loạt cao cấp nhất.
Các mẫu xe phân khúc F phổ biến nhất là BMW 7 series, Mercedes S-Class và Audi 8.
Phân khúc hạng M (MPV)
Đây là những chiếc xe đa dụng có thể làm thương mại hoặc là xe gia đình tùy vào mục đích của người sử dụng. Những chiếc xe phân khúc M, đạt doanh số cao trên thế giới, lần đầu tiên được sản xuất bởi thương hiệu Ford.
Trong số những chiếc xe phổ biến nhất trong phân khúc này là Ford C-Max, Citroen Picasso và Opel Zafira, Toyota Innova, Kia Rondo,….
Phân khúc hạng J (Crossover Utility Vehicle/Sport Utility Vehicle)
Là những chiếc xe thể thao địa hình, với hiệu suất là cực lớn, thường có khoảng sáng gầm cao với thiết kế thân xe có thế đứng thẳng và kiểu hình hộp vuông vức. Xe CUV có kết cấu thân xe liền khối (unibody), thân và khung là một. Trong khi trên xe SUV, thân và khung được sản xuất rời sau đó lắp vào nhau (body on frame).
Những mẫu xe phổ biến nhất trong phân khúc J là các mẫu Kia Sportage, Nissan Qashqai và Range Rover.
Phân khúc hạng S (Super Luxury Vehicle)
Cũng là khối động cơ lên đến 12 xilanh nhưng mẫu xe ở phân khúc này lại không đem đến sự thoải mái cho người dùng mà thay vào đó là cảm giác thể thao, phấn khích tột độ sau từng pha tốc độ. Ngoài ra, các mẫu xe roadster, convertible (mui trần 2 chỗ) và những chiếc siêu xe đều được liệt kê vào phân khúc S.
Tiêu biểu cho phân khúc này là Bugatti Chiron, Ferrari 488, Lamborghini Aventador,…
Phân khúc bán tải (Pick-up)
Chưa bao giờ thị trường Việt Nam lại chứng kiến sự nhộn nhịp của những mẫu xe bán tải nhiều đến vậy. Khả năng chuyên chở đỉnh cao cùng chính sách thuế tương đối thấp chính là những điểm “ăn tiền” của dòng xe này. Trong phân khúc, Ford Ranger là mẫu xe bán tải thành công nhất, với thiết kế khỏe khoắn cùng các trang thiết bị hiện đại và hơn hết là khả năng vận hành mạnh mẽ.
Những chiếc xe tiêu biểu cho phân khúc này là : Ford Ranger, Toyota Hilux, Nissan Navara, Isuzu D-Max, Mazda BT-50, Mitsubishi Triton.
Hy vọng sau bài viết này các bạn sẽ không còn bối rối về chủ đề phân hạng các phân khúc xe ô tô hiện nay.