Địa hình Việt Nam phần lớn khá gồ ghề và có nhiều những tuyến đường có bề mặt rất xấu. Do vậy, nếu xe ô tô của bạn không có hệ thống treo thì rất dễ khiến các hệ thống khác trên xe bị hư hỏng. Bởi vì hệ thống treo có nhiệm vụ giúp hấp thụ những rung động từ mặt đường để đảm bảo sự cân bằng cho xe và tạo cảm giác thoải mái không bị lắc lư cho hành khách khi di chuyển trên đường.
Phuộc nhún: là một bộ phận trong hệ thống treo, nó có tác dụng hấp thụ lực tác dụng lên xe đồng thời triệt tiêu dao động do lực đàn hồi gây ra. Nguyên lý hoạt động của hệ thống là thông qua chuyển động tịnh tiến của phuộc nhún, chuyển hóa động năng thành nhiệt năng và đưa vào bên trong ống thủy lực.
Để dự đoán và biết được tuổi thọ trung bình của hệ thống treo, các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên dưới đây:
Phuộc nhún
● Nếu xe của bạn thường di chuyển ở những cung đường bằng phẳng, ít bị kẹt xe thì hệ thống treo thường sẽ có tuổi thọ tương ứng với quãng đường bạn đi được 140.000 km.
● Ngược lại, nếu xe thường xuyên phải di chuyển trong những điều kiện như: đường xấu, nhiều ổ gà (đường quê, những vùng ngoại ô); xe phải dừng nhiều và liên tục do kẹt xe tắc đường; hay di chuyển ở những đoạn đường đèo với những góc cua gấp, khúc khuỷu; hệ thống treo sẽ chỉ hoạt động với tuổi thọ thấp hơn nhiều, tương đương với quãng đường 80.000 km.
Các dấu hiệu chứng tỏ hệ thống treo bị hư hỏng:
Những hiện tượng dưới đây tuy không phải 100% bắt nguồn từ hệ thống treo, tuy nhiên bạn hãy xem xét hết và nếu xe bạn đang gặp phải 70 – 80% những vấn đề dưới đây thì bạn nên mang xe tới garage để kiểm tra.
● Đầu xe bị chúi mạnh về phía trước khi phanh gấp.
● Rung động ở vô lăng.
● Xe trượt và chệch hướng.
● Xe lắc lư rất mạnh khi đi trên đường xấu.
● Lốp xe bị mòn không đều.
Để kiểm tra hệ thống treo, người ta thường thực hiện bài kiểm tra như sau:
● Chọn quãng đường có thể thử nghiệm lái xe được, tăng tốc xe lên 16 km/h rồi đạp phanh hết mức. Nếu đầu xe bị chúi mạnh thì đó là một dấu hiệu nhận biết phuộc nhún đang gặp vấn đề và cần được thay thế.
● Trong quá trình vận hành, dù chưa đến lúc phải thay mới nhưng nếu hệ thống treo có những âm thanh lạ thì hãy kiểm tra lại các bộ phận như: bu-lông, đệm cao su, các miếng long đền tại những vị trí tiếp xúc của phuộc với thân xe. Bởi nếu các chi tiết này bị gãy, chúng sẽ phá hủy bộ phận xung quanh như: phuộc, láp dẫn động, cao su càng A.
● Chui vào gầm xe, quan sát ống thủy lực của phuộc nhún. Nếu xuất hiện các vết lõm hay rò rỉ dầu thì cũng là lúc cần thay thế phuộc nhún.
● Khi xe chạy trên đường (đặc biệt là những quãng đường gồ ghề) phuộc nhún còn hoạt động tốt thì nó phải sinh nhiệt (chuyển hóa động năng thành nhiệt năng và đưa vào ống thủy lực như đã nói ở trên) nên nếu sờ vào vỏ phuộc nhún sẽ nóng. Nếu vỏ không nóng tức là đã có vấn đề: hoặc là không đủ dầu; hoặc là các van mòn, khe hở lớn nên không tạo lực cản, nhiệt độ dầu không tăng.
● Nếu tháo phuộc ra ngoài khi dùng tay kéo/nén lên cần ty thì phải phát sinh lực cản (tốc độ kéo/nén càng nhanh thì lực cản càng lớn). Nếu thấy không có lực cản, hoặc lực cản rất nhỏ tức là phuộc kém hoặc đã hư hỏng.
● Đối với loại phuộc ống thủy lực tác dụng 2 chiều, có kết hợp khí nén thì ngoài phần kiểm tra sức cản thủy lực như trên còn cần kiểm tra phần áp suất khí nén bằng cách ấn cần ty xuống phải có lực cản (do khí bị nén lại thêm) và khi thôi ấn thì cần ty phải bị đẩy ra tương đối nhanh. Nếu ấn thấy nhẹ và cần ty hồi nhẹ thì có thể phần khí nén đã bị rò rỉ và không đủ áp suất.
Cách sửa chữa hệ thống treo
Phuộc là chi tiết dễ hư hỏng nhất trong các bộ phận của hệ thống treo, còn các bộ phận khác như nhíp, lò xo hay thanh cân bằng thì gần như khó hư hại hơn. Khi phuộc có hiện tượng chảy dầu tức là bắt đầu quá trình hư hỏng…tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng hỏng ngay. Có khi vẫn sử dụng được vài tháng cho đến khi xe hoạt động trên đường xuất hiện tiếng kêu dội lên khoang hành khách. Vì vậy, đôi khi người ta chọn biện pháp phục hồi mà không thay mới hoàn toàn vì chi phí sửa hay phục hồi phuộc nhún ô tô rẻ hơn nhiều so với việc mua và thay mới. Khi phục hồi phuộc nhún, các kỹ thuật viên sẽ thực hiện các công đoạn sau:
+ Tháo phuộc nhún và kiểm tra:
● Phớt chắn dầu có chảy hay không ➥ nếu chảy thì thay phớt
● Ty phuộc nhún có xước không, ấn xuống để kiểm tra độ nhún ➥ nếu không bật trở lại thì xem như hư hẳn.
+ Sau khi đã kiểm tra xong, nhân viên sửa chữa sẽ tiến hành đổ dầu vào trong ống thủy lực và lắp lại lên xe.
Nên sửa chữa hay thay mới phuộc nhún?
Nếu bạn quyết định sửa phuộc nhún, đồng nghĩa với việc bạn tiết kiệm được một khoản tiền vì chi phí sửa chữa thấp và cũng không phải chờ đợi lâu.
Tuy nhiên, bạn cũng phải lưu ý một điều tuổi thọ của phuộc sau khi đã sửa chữa là không thể đoán trước được, có thể kéo dài 1 tháng, 1 tuần, thậm chí chỉ dùng được vài ngày. Vì thế một khi phuộc nhún đã có vấn đề thì bạn nên thay mới luôn, bởi vì phục hồi phuộc nhún chỉ là biện pháp mang tính chất tạm thời và không thật sự có hiệu quả trong thời gian dài. Khi quyết định mua và thay mới, bạn nên mang xe đến những garage uy tín để tiến hành thay những sản phẩm chính hãng.
Hy vọng bài viết trên đây đã phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về hệ thống treo trên ô tô. Mọi thắc mắc xin hãy bình luận ở ô bên dưới, chúng tôi sẽ luôn sẵn sàng giải đáp giúp bạn.
Diễm Hằng