(News.oto-hui.com) – Nhiều dấu hiệu đang cho thấy các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô đang ngày càng khẳng định mình. Trong năm 2020, xuất khẩu ô tô của Việt Nam sẽ ra sao? Hãy cùng OTO-HUI điểm lại qua những kế hoạch mục tiêu của một số doang nghiệp tập đoàn lớn.
Bài viết liên quan:
- THACO xuất khẩu Kia Sedona 2020 sang Thái Lan
- Vinfast lên kế hoạch xuất khẩu ô tô điện sang Mỹ
- THACO có thể sản xuất các loại nhíp đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu
Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco)
Đầu năm 2020, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã xuất khẩu 40 chiếc ô tô du lịch Kia Grand Carnival sang Thái Lan – trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu châu Á. Điều này cho thấy các dòng xe ô tô lắp ráp tại Việt nam ngày càng chứng tỏ được chất lượng, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đại gia trong khu vực như Thái Lan và Indonesia.
Được biết, lô hàng xuất khẩu của Thaco đã đạt tiêu chuẩn chất lượng của Tập đoàn Kia toàn cầu, đi kèm tỉ lệ nội địa hóa trên 40% và đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực RVC (Regional Value Content) để hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0%. Việc xuất khẩu lô xe đầu tiên này sang thị trường Thái Lan mở đầu cho mục tiêu Thaco xuất khẩu hơn 1.600 xe các loại với tổng giá trị hơn 50 triệu USD trong năm 2020.
VinFast
Một thương hiệu ô tô nội địa khác là VinFast lại âm thầm tấn công thị trường Úc. Theo tờ Motoring, từ cuối năm ngoái, VinFast đã thành lập một trung tâm công nghệ ở Melbourne, đồng thời được cho là đang lên kế hoạch thâu tóm chuỗi dây chuyền lắp ráp ô tô mang thương hiệu Holden của General Motors (Mỹ). Nếu thương vụ M&A này diễn ra suôn sẻ, VinFast sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường khó tính Úc và tiến thêm một bước dài trên con đường trở thành thương hiệu toàn cầu. Chủ tịch Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng, trả lời hãng tin Bloomberg mới đây cho biết, dự kiến năm 2021 VinFast sẽ xuất khẩu ô tô điện thương hiệu Việt sang Mỹ và sẵn sàng bỏ 2 tỉ USD để đạt được mục tiêu này.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tạo ra một thương hiệu quốc tế. Đây là một con đường rất khó khăn và chúng tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng chỉ có một con đường phía trước”, ông Vượng nói.
Công ty Công nghiệp Chế tạo ô tô Bách Việt với tham vọng lớn
Đầu tháng 2.2020, tại Thừa Thiên Huế, Công ty Công nghiệp Chế tạo ô tô Bách Việt đã khởi động dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô trị giá 2.655 tỉ đồng tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Một khi hoàn thành, nhà máy sẽ có năng lực sản xuất, lắp ráp các loại xe ô tô đến 9 chỗ, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 trở lên với công suất 100.000 xe/năm. Hay Ford (Mỹ) mới đây đã quyết định đầu tư thêm 82 triệu USD để mở rộng quy mô lắp ráp tại Việt Nam.
“Việt Nam đang trên đường trở thành trung tâm sản xuất ô tô. Các hãng OEM từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc đang quan tâm đến các nhà sản xuất Việt Nam. Đây là thời điểm tốt cho ngành công nghiệp này phát triển”, một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô nhận định.
Về phía chính phủ?
Theo Quyết định 1211/QĐ-TTg, đến năm 2020, tỉ lệ nội địa hóa các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ là 30-40%. Con số này sau đó sẽ nâng dần lên 40-45% vào năm 2025 và 55-60% vào năm 2030. Thực tế từ các lô hàng xuất khẩu như của Thaco mới đây, cơ hội để các hãng xe của Việt Nam đi theo đúng lộ trình này là hoàn toàn có cơ sở, đồng thời đặt tiền đề đến năm 2025, Việt Nam sở hữu đủ năng lực để trở thành một “Detroit mới của khu vực châu Á”.
Dù vậy, sẽ còn một chặng đường dài để Việt Nam đủ sức thách thức ngôi vương của Thái Lan.
Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu ô tô và linh kiện của Thái Lan lên đến 38,4 tỉ USD, trong khi con số của Việt Nam chỉ vài chục triệu USD (chủ yếu là linh kiện xuất khẩu). Để thật sự trở thành một ngôi sao lớn trong khu vực, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp ô tô, ngành rất cần những chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ, nhất là xây dựng thành công hệ thống công nghiệp phụ trợ để hạ giá thành sản phẩm, cải thiện chuỗi giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, các hãng ô tô Việt cũng cần chú ý đến những yêu cầu mới về tiêu chuẩn khí thải khắt khe hơn tại các thị trường bên ngoài. Thái Lan mới đây đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô phải đáp ứng những tiêu chuẩn khí thải khá cao là Euro 5 ngay vào năm tới và đạt chuẩn Euro 6 vào năm 2022. Động thái này khiến nhiều hãng sản xuất ô tô đau đầu vì thời gian gấp gáp, trong khi chi phí phát triển các mẫu thiết kế mới là không hề nhỏ. Nhưng rõ ràng, Thái Lan đang hy sinh lợi ích ngắn hạn để chuẩn bị lợi thế cho một cuộc đua dài hạn trong tương lai.
Tham khảo Nhipcaudautu