Chi tiết phân tích “thiệt hơn” phương án giảm 50% lệ phí trước bạ xe ô tô của Bộ Tài chính

Bộ Tài chính vừa trình hai phương án giảm 50% lệ phí trước bạ xe ô tô. Mức giảm thu ngân sách về lệ phí trước bạ có thể lên đến 16.000 tỷ đồng và ảnh hưởng tới cân đối ngân sách của hàng loạt địa phương…

CÂN NHẮC LỢI HẠI KHI GIẢM 50% LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ VỚI Ô TÔ NHẬP KHẨU

Theo Bộ Tài chính, hiện chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như đề nghị của UBND các tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thực hiện chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc một trong hai phương án.

Phương án 1: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Phân tích ưu điểm của phương án này, Bộ Tài chính cho rằng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe ô tô tồn kho.

Từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

Về nhược điểm, “chưa tuân thủ quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do (FTA), nguy cơ bị phản ứng, khiếu kiện từ các nhà nhập khẩu và các tổ chức quốc tế”, Bộ Tài chính phân tích.

Cùng với đó, phương án này có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 8.000 – 9.000 tỷ đồng. Trước đó, thực hiện chính sách này trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu do đã điều chỉnh chính sách là 8.727 tỷ đồng.

Phương án này theo đánh giá cũng chưa phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025 theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ.

Việc gia tăng sử dụng phương tiện cá nhân, trong đó có ô tô, sẽ gây áp lực lên hạ tầng giao thông, đặc biệt là tại các đô thị có mật độ giao thông lớn, nơi lượng xe cá nhân lưu thông chiếm tỷ trọng cao và tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Phương án 2, giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu.

Về ưu điểm, Bộ Tài chính đánh giá thực hiện phương án này sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh; đồng thời, sẽ đảm bảo được việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là chưa phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025.

Đồng thời, “chưa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, giúp ngành sản xuất ô tô trong nước vượt qua khủng hoảng vì người dân sẽ ưu tiên mua xe ô tô nhập khẩu hơn xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước”, Bộ Tài chính lưu ý.

Phương án này cũng làm giảm thu ngân sách nhà nước. Theo thống kê cho thấy, số thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chiếm khoảng 70% tổng số thu lệ phí trước bạ.

Do đó, “nếu thực hiện theo phương án này, tổng số thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sẽ giảm khoảng 15.000 – 16.000 tỷ đồng, từ đó ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước năm 2023 và đặc biệt là cân đối ngân sách của một số địa phương khó khăn”, Bộ Tài chính tính toán.

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo một trong hai phương án nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị giao bộ này chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng nghị định giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đồng thời, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.

HỤT THU NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG, NHIỀU TỈNH YÊU CẦU BÙ ĐẮP

Theo Bộ Tài chính, từ khi dịch bùng phát vào cuối năm 2019 đến nay, để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vượt qua những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, trên cơ sở đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành các nghị định quan trọng.

Có thể kể đến như: Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 quy định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020); Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 quy định tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022).

Từ ngày 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022. Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô cùng loại.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã đạt được những kết quả, cũng như còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Về tác động tích cực, Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung.

Theo đó, chính sách góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu xe ô tô. Từ đó, kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. Số lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký tăng mạnh.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng có không ít tồn tại, hạn chế, trước hết là tác động đến cân đối thu ngân sách nhà nước”, Bộ Tài chính đánh giá.

Thực tế triển khai thực hiện việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022, tổng số thu ngân sách nhà nước về lệ phí trước bạ đạt 8.727 tỷ đồng. 

Về mặt chính sách, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã tác động giảm thu ngân sách nhà nước về lệ phí trước bạ tương ứng 8.727 tỷ đồng.

Cũng theo bộ này, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, khoản thu lệ phí trước bạ thuộc ngân sách địa phương.

Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm tăng sản lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, từ đó làm tăng số thu về thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên, “số thu thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ tập trung ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, đây là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Còn các địa phương khác đều giảm thu ngân sách địa phương từ chính sách trên”, Bộ Tài chính nêu rõ.

Các địa phương cũng yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.

Do đó, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, ngoài việc làm giảm thu ngân sách nhà nước được đánh giá là sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách năm 2023 của nhiều địa phương.

Cùng với đó, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

nguồn vneconomy

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn