(News.oto-hui.com) – Thị trường ô tô Trung Quốc vốn “cuồng” xe điện đang có sự chuyển hướng sang thể loại xe hybrid sạc điện (PHEV), do giá bán dễ tiếp cận và sử dụng tiện hơn xe thuần điện.
Xu hướng chuyển sang xe hybrid sạc điện (PHEV)
Theo Bloomberg, với những ưu điểm như giá bán rẻ hơn xe thuần điện, trong khi vẫn tiết kiệm chi phí vận hành hàng ngày và không gây lo lắng hết pin khi đi đường dài thì ngày càng nhiều người mua ô tô ở Trung Quốc chuyển sang xe hybrid sạc điện (PHEV).
Việc chuyển hướng sang xe hybrid sạc điện như vậy là dấu hiệu cho sự thay đổi trong nội tại ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc. Sau khi chính phủ Trung Quốc dừng trợ cấp cho xe điện vào cuối năm 2022, xe hybrid sạc điện chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Năm ngoái, doanh số xe thuần điện tại Trung Quốc chỉ tăng trưởng 21%, còn xe hybrid sạc điện tăng tới 83%. Xu hướng này tiếp diễn vào đầu năm nay, với doanh số tháng 1 giảm 39% với xe thuần điện, trong khi chỉ giảm 16% với xe hybrid sạc điện.
Việc này diễn ra trong bối cảnh doanh số ô tô nói chung giảm 14%, theo số liệu của Hiệp hội Ô tô Trung Quốc (PCA).
Sở hữu ưu điểm của cả động cơ xăng và động cơ điện, xe hybrid sạc điện có vẻ như là lựa chọn tốt nhất cho người tiêu dùng ở Trung Quốc thời điểm hiện tại.
Tương lai của xe thuần điện (EV)
Dù xe thuần điện vẫn dẫn đầu doanh số, bán chạy gấp đôi xe hybrid sạc điện, nhưng sự phổ biến của xe hybrid làm dấy lên những nghi ngờ về tương lai của xe thuần điện.
Diễn biến này trên thị trường cũng gây khó các nhà sản xuất chỉ tập trung vào xe thuần điện như Tesla, Xpeng, và Nio, với tệp khách hàng chính chủ yếu ở các thành phố lớn của Trung Quốc và đang phải nỗ lực mở rộng thị trường sang khu vực nông thôn.
Có vẻ như BYD được lợi nhất từ xu hướng mới này, đạt doanh số 3 triệu xe trong năm 2023, với xe hybrid sạc điện chiếm gần một nửa.
Sự thành công của nền tảng khung gầm DM-i PHEV – giờ đây là thế hệ thứ 4 – không chỉ là bệ phóng để hãng leo lên vị trí thương hiệu ô tô bán chạy nhất Trung Quốc, mà còn giúp BYD vượt Tesla trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới trong quý IV/2023.
Xu hướng mới cũng ảnh hưởng đến vị trí của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản như Toyota và Nissan ở thị trường Trung Quốc, khi mà dù đi đầu về công nghệ hybrid nhưng họ lại không có nhiều xe hybrid sạc điện, do tập trung làm xe hybrid truyền thống – loại không được hưởng trợ cấp hay miễn giảm thuế.
Bình luận về xu hướng mới này, chuyên gia Ilaria Mazzocco đến từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược nói: “Tôi cho rằng thực tế là một số thành phố có thể liên tục điều chỉnh lại các chính sách và dành sự ưu tiên cho xe thuần điện thay vì xe hybrid sạc điện.
Nhưng trong bối cảnh các công ty có những sản phẩm đáng tin cậy và giá cả dễ chịu hơn thì người tiêu dùng sẽ đón nhận thôi. Thực tế là thị trường có nhu cầu đối với xe hybrid sạc điện”.
Theo PCA, định hướng ban đầu của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc là có 25% xe mới bán ra thị trường là xe điện hóa (bao gồm cả hybrid sạc điện) vào năm 2025, trong đó có 90% là xe thuần điện.
Thị trường ô tô Trung Quốc đã đạt được tỷ lệ 25% xe điện sớm hơn dự kiến, vào năm 2022, nhưng xe thuần điện chỉ chiếm 66% trong 25% đó, với tỷ lệ xe hybrid sạc điện ngày càng tăng.
Sự đối lập giữa doanh số xuống dốc của các nhà sản xuất xe thuần điện như Tesla, Polestar, Nio, và Xpeng, so với doanh thu kỷ lục của các công ty có danh mục sản phẩm đa dạng hơn, như Toyota, Volvo và BYD chứng minh một điều: xe thuần điện có thể là tương lai, nhưng các nhà sản xuất ô tô trước mắt vẫn cần làm xe hybrid để đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho xe thuần điện trong tương lai.