Hoàng Anh - Tổng hợp

Tìm hiểu về các cách tự động điều chỉnh khe hở má phanh trong hệ thống phanh thủy lực

(NewS.oto-hui.com) – Sau một thời gian sử dụng, khe hở má phanh tăng lên do sự mài mòn. Bài viết này sẽ giúp các bạn tìm hiểu về các cách tự động điều chỉnh khe hở má phanh trong hệ thống phanh thủy lực.

Có 3 dạng cơ cấu tự động điều chỉnh khe hở má phanh trong hệ thống phanh thủy lực thường gặp là:

  • Tự động điều chỉnh khe hở má phanh bằng lẫy gạt khi phanh bằng phanh chân
  • Tự động điều chỉnh khe hở má phanh bằng đòn chống hai guốc phanh
  • Tự động điều chỉnh khe hở má phanh bằng kẹp ma sát

I. Tự động điều chỉnh khe hở má phanh bằng lẫy gạt khi phanh bằng phanh chân:

1. Cấu tạo:

Cơ cấu tự động điều chỉnh khe hở má phanh bằng lẫy gạt có cấu tạo các chi tiết được đặt toàn bộ trên thân của xylanh công tác 3. Cơ cấu hoạt động dựa trên nguyên lí làm thay đổi khoảng cách giữa chốt đẩy và piston của xylanh công tác.

Điều chỉnh khe hở má phanh bằng lẫy gạt khi phanh bằng phanh chân.
Điều chỉnh khe hở má phanh bằng lẫy gạt khi phanh bằng phanh chân.

Lẫy điều chỉnh 1 quay xung quanh chốt xoay cố định 6. Một đầu của lẫy điều chỉnh 1 tì vào răng của bánh răng 2, đầu còn lại liên kết với thanh kéo 4. Thanh kéo 4 được bố trí liên kết mềm thông qua lò xo tích năng 5 với lẫy điều chỉnh 1. Lò xo tích năng 5 được cố định với thân xylanh 3, đầu còn lại được nối với thanh kéo 4.

2. Nguyên lí hoạt động:

Điều chỉnh khe hở má phanh bằng lẫy gạt khi phanh bằng phanh chân.
Điều chỉnh khe hở má phanh bằng lẫy gạt khi phanh bằng phanh chân.

Khi người lái đạp phanh, piston dịch chuyển tì vào thanh kéo 4. Lực tì này thắng lực lò xo tích năng 5 và kéo lẫy điều chỉnh 1 xoay một góc quanh chốt xoay 6.

Điều chỉnh khe hở má phanh bằng lẫy gạt khi phanh bằng phanh chân.
Điều chỉnh khe hở má phanh bằng lẫy gạt khi phanh bằng phanh chân.

Nếu khe hở giữa má phanh và trống phanh còn nằm trong khoảng giới hạn cho phép. Góc quay của lẫy điều chỉnh 1 sẽ không đủ để làm quay bánh răng 2. Khi khe hở lớn hơn giới hạn cho phép, góc quay của lẫy điều chỉnh 1 sẽ đẩy vành răng của piston quay thêm một răng. Lò xo 5 cung cấp năng lượng thực hiện điều chỉnh vị trí của chốt đẩy. Chốt đẩy lúc này đã có một vị trí mới, khắc phục khe hở má phanh.

II. Tự động điều chỉnh khe hở má phanh bằng đòn chống hai guốc phanh:

1. Cấu tạo:

Điều chỉnh khe hở má phanh bằng đòn chống hai guốc phanh.
Điều chỉnh khe hở má phanh bằng đòn chống hai guốc phanh.

Trên một số loại ô tô, việc tự động điều chỉnh khe hở giữa má phanh và trống phanh được thực hiện nhờ đòn chống giữa hai guốc phanh. Thanh đẩy 2 được chia thành 3 phần, hai đầu của thanh đẩy liên kết với guốc phanh, phần ở giữa là một trục vít với bánh răng 7 có nhiệm vụ điều chỉnh khoảng cách giữa hai đầu thanh đẩy.

Thanh gạt 5 liên kết với đòn kéo phanh tay 9 có tác dụng điều chỉnh bánh răng 7 quay.

2. Nguyên lí hoạt động:

Điều chỉnh khe hở má phanh bằng đòn chống hai guốc phanh.
Điều chỉnh khe hở má phanh bằng đòn chống hai guốc phanh.

Khi người lái kéo phanh tay hoặc đạp phanh chân. Thanh gạt 5 sẽ bị quay một góc, qua đó làm quay bánh răng 7 và làm tăng khoảng cách giữa hai đầu thanh đẩy 2. Qua đó khắc phục khe hở giữa má phanh và guốc phanh.

III. Tự động điều chỉnh khe hở má phanh bằng kẹp ma sát:

Điều chỉnh khe hở má phanh bằng kẹp ma sát.
Điều chỉnh khe hở má phanh bằng kẹp ma sát.

Trục kẹp 2 được bố trí cố định trên mâm phanh 4. Guốc phanh 1 có thể dịch chuyển được trên một trục kẹp 2. Trên trục kẹp 2 có hai má ma sát có thể điều chỉnh được lực kẹp ban đầu. Lực ma sát giữa má ma sát 3 của trục kẹp 2 và guốc phanh 1 chỉ cho phép guốc phanh 1 dịch chuyển khi có lực đẩy của piston trong xylanh.

Khi trả về, guốc phanh 1 dịch chuyển trở lại bằng khe hở trong cơ cấu kẹp. Khi khe hở má phanh tang trống vượt quá khe hở trong cơ cấu kẹp, lò xo hồi vị guốc phanh không thể thắng được lực ma sát, do vậy hình thành khe hở mới của má phanh và tang trống nhỏ hơn.


Một số bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn