Theo Tuoitre

Cuộc chiến ‘đào vàng’ công nghiệp dữ liệu ô tô: Cạnh tranh khốc liệt

(News.oto-hui.com) – Theo Nikkei Asia, ngành công nghiệp dữ liệu ô tô có giá trị lên tới 400 tỷ USD/năm. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên khắp mọi lĩnh vực, nhu cầu sử dụng xe ô tô có kết nối lại càng tăng, tạo nên một kho dữ liệu vô cùng lớn. Điều này đã vô tình biến thành cuộc chiến “ngầm” giữa nhiều hãng xe công nghệ với nhau. Bất cứ ai cũng đều muốn “nuốt” miếng phô mai béo bở này!

“Mỏ vàng” của cả một hệ sinh thái dữ liệu ô tô

Hiện nay, những chiếc xe có kết nối đang thu thập được một lượng lớn dữ liệu từ người dùng thông qua cảm biến, camera và kết nối internet trên xe.

Những công nghệ này giúp các hãng xe phân tích được nhu cầu sử dụng của hành khách để cải thiện chất lượng, tiện ích của xe. Từ đó, gắn kết khách hàng với thương hiệu của họ.

Về phần khách hàng, họ cũng được sử dụng những chiếc xe hiện đại và đáp ứng được hết những nhu cầu của mình. Hơn nữa, sự kết nối và các tiện ích công nghệ mới trên ô tô cũng mang lại lợi nhuận cho cả một hệ sinh thái.

  • Ví dụ, các công ty bảo hiểm có thể đưa ra các kế hoạch yêu cầu người lái xe lắp một thiết bị trong ô tô để tính phí bảo hiểm dựa trên quá trình lái xe thực tế, thay vì phán đoán sau khi xảy ra sự cố; các đơn vị marketing xe hơi có thể xây dựng chương trình đánh đúng tâm lý người tiêu dùng hơn…

Tomoki Hamano, cố vấn kinh doanh tại Viện nghiên cứu Nomura, Nhật Bản cho biết: “Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang cạnh tranh tối ưu hóa sản phẩm, việc chuyển đổi dữ liệu ô tô thành doanh thu thực tế đang là ưu tiên hàng đầu”.

Các hãng tăng cường cạnh tranh công nghệ khai thác dữ liệu ô tô

Từ sau khi thành lập doanh nghiệp khai thác dữ liệu ô tô vào năm 2017, Honda Motor liên tục có những bước tiến mới.

Từ việc chỉ sử dụng dữ liệu ô tô một cách hạn chế, chẳng hạn như hỗ trợ chính quyền địa phương xác định con đường có thể di chuyển khi xảy ra thiên tai, Honda Motor đã bắt đầu cung cấp dữ liệu ô tô cho các cơ sở thương mại và các khách hàng khác từ năm 2021.

  • Honda, công ty nắm giữ dữ liệu của khoảng 3,7 triệu xe, cũng đang hợp tác với công ty khởi nghiệp về dữ liệu vị trí Nightley ở Tokyo để phân tích hành vi của người lái xe.

Dữ liệu thu được ​​sẽ được sử dụng để xác định nhu cầu của người tiêu dùng, đánh giá hiệu quả của quảng cáo và lập kế hoạch mở cửa hàng bán lẻ. Việc đăng ký sử dụng gói dữ liệu và phân tích này của Honda mỗi tháng có giá khởi điểm từ 200.000 yên.

Các ông lớn ô tô khác cũng không ngồi yên. Toyota Motor đã hợp tác với Tập đoàn NTT để phát triển công nghệ kiểm soát lưu lượng giao thông. Gần như tất cả các loại xe chở khách mới của Toyota được bán tại Nhật Bản và Mỹ kể từ năm 2020 đều có tính năng kết nối. Hiện, Toyota đang xây dựng cơ sở hạ tầng để sử dụng dữ liệu này.

Từ bên kia đại dương, các ông lớn Âu, Mỹ cũng nhanh chóng hành động. Vào năm 2019, General Motors không chỉ đầu tư mà còn trở thành cổ đông của công ty khởi nghiệp Wejo nhằm phát triển một nền tảng giao dịch dữ liệu ô tô quy mô lớn.

  • Công ty này thu thập dữ liệu thời gian thực từ các công ty ô tô, sau đó xử lý và cung cấp thông tin phù hợp cho các đối tác.

BMW, Daimler và 14 hãng sản xuất ô tô khác cũng đã gia nhập sàn giao dịch dữ liệu ô tô của Công ty Otonomo – đối thủ đáng gờm của Wejo.

Các nhà sản xuất ô tô là bên bán dữ liệu, còn người mua dữ liệu trên sàn Otonomo (hơn 100 người) là các công ty trong ngành bảo hiểm, thanh toán và quảng cáo. Otonomo nhận 35% doanh thu trong khi các công ty ô tô thu phần còn lại.

Những tranh cãi và quy định pháp lý liên quan đến dữ liệu ô tô?

Chính vì quan trọng như vậy nên thời gian qua xảy ra nhiều cuộc tranh giành quyền tiếp cận dữ liệu, điển hình là cuộc chiến giữa ngành bảo hiểm và ngành ô tô tại Liên minh châu Âu.

Để quản lý “mỏ vàng” dữ liệu, tháng 2 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã công bố Đạo luật dữ liệu, đề ra quy định mà các công ty cần phải tuân thủ nếu muốn truy cập dữ liệu phi cá nhân (có thể hiểu là các dữ liệu không chứa thông tin về danh tính cá nhân) từ các thiết bị có kết nối, chẳng hạn như ô tô và thiết bị gia dụng thông minh.

Đạo luật có một số điểm đáng chú ý: Các công ty bị cấm thực hiện hợp đồng không công bằng nhưng ăn chặn chia sẻ dữ liệu với các công ty nhỏ hơn; phải cung cấp dữ liệu cho khu vực công trong trường hợp khẩn cấp; phải cho phép người dùng được kết nối với dữ liệu phát sinh trong quá trình sử dụng thiết bị.

  • Ví dụ, chủ xe có thể gửi dữ liệu trải nghiệm trên ô tô đến một cửa hàng sửa chữa mà họ lựa chọn, giúp khách hàng dễ dàng bảo dưỡng xe, thay vì phải đến trực tiếp.

Ngoài ra, Đạo luật cũng yêu cầu các công ty sử dụng dữ liệu ô tô phải áp dụng biện pháp bảo vệ, ngăn chính phủ ngoài EU truy cập “mỏ vàng” của khu vực.

Đề xuất này đang được các nước EU và Nghị viện châu Âu xem xét thông qua. Quá trình có thể mất vài năm trước khi có hiệu lực. Song song với đó, EU đã tiến hành thêm một cuộc tham vấn công khai về các quy định có thể đảm bảo quyền tiếp cận công bằng dữ liệu lái xe.

Các công ty bảo hiểm và đơn vị bảo dưỡng ô tô đã vận động hành lang EU để cơ quan này cho phép người lái xe, thay vì để các hãng ô tô có quyền quyết định bên nào có thể tiếp cận dữ liệu từ xe do hãng đó sản xuất.

Nếu các nhà sản xuất ô tô kiểm soát dữ liệu, họ cũng có thể kiểm soát hoạt động của các công ty bảo hiểm cũng như các bên cung cấp dịch vụ khác cho xe hơi.

Nicolas Jeanmart, người phụ trách khối bảo hiểm cá nhân và bảo hiểm phi nhân thọ tại Liên minh bảo hiểm châu Âu cho rằng: “Cần phải điều chỉnh quy định tiếp cận dữ liệu ô tô này. Không thể để quyền lợi này nằm trong tay các nhà sản xuất xe hơi”.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) bày tỏ không hài lòng. ACEA cho rằng, việc tiếp cập dữ liệu một cách không kiểm soát sẽ kéo theo các mối đe dọa lớn về an toàn, bảo mật (mạng), bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Fuji Keizai có trụ sở tại Tokyo, khoảng 80% tổng số ô tô bán ra trên toàn cầu vào năm 2035 sẽ là xe có kết nối, với số lượng lên tới 94,2 triệu xe/ năm.

Còn trong tương lai gần hơn, theo dữ liệu công bố cuối tháng 3 của Ủy ban châu Âu, ước tính sẽ có hơn 470 triệu ô tô có kết nối di chuyển trên đường phố châu Âu, Mỹ và Trung Quốc vào năm 2025. Trên thực tế, hơn 85% ô tô mới trong năm 2018 đã được kết nối không dây.


Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn