Cao Hồng Sơn

Vì sao phải điều hòa lực phanh?

(News.oto-hui.com) – Khi phanh xe, sự phân bố lực phanh không hợp lý giữa bánh trước và bánh sau có thể gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả phanh. Để khắc phục tình trạng này, bộ điều hòa lực phanh được ra đời.

Đặt vấn đề về sự trượt bánh xe sau và sự cần thiết của bộ điều hòa lực phanh

Xét một xe đang phanh:

Xe có trọng lượng G, phản lực từ mặt đường lên bánh xe trước và sau Z1 và Z2, lực phanh trên các bánh xe trước và sau Pp1 và Pp2, lực quán tính của xe Pj. Do xuất hiện lực quán tính Pj làm cho trọng lượng phân bố lên các bánh xe trước tăng lên, ngược lại ở các bánh sau bị giảm đi. Lúc này phân bố tải trọng thay đổi khiến khả năng bánh sau kém hơn bánh trước.

Nếu dẫn động phanh áp suất tới các bánh xe là như nhau (tức lực phanh tác dụng mỗi bánh) thì đến một giới hạn nào đó, các bánh sau sẽ bị trượt lết trong khi bánh trước vẫn đảm bảo bám đường tốt.

Trên cơ sở lý thuyết này, nhằm tối ưu cũng như hạn chế momen phanh bánh xe sau, kỹ sư ô tô đã làm như sau:

Phân tích lực tác dụng lên ô tô
Phân tích lực tác dụng lên ô tô

Ta có tỉ lệ hợp lý của momen phanh sinh ra trên các cơ cấu phanh các bánh trước và sau khi phanh cực đại là:

Mp1/Mp2 = (b+φh)/(a-φh)   

Nếu momen phanh sinh ra trên các cơ cấu phanh các bánh xe trước và sau không tuân theo tỉ lệ này thì sẽ xảy ra hiện tượng bánh xe cầu sau đã trượt lết (đạt hoặc vượt lực phanh cực đại) trong lúc đó lực phanh ở cầu trước chưa đạt cực đại.

Điều này luôn xảy ra ở các xe có hệ thống phanh cổ điển là hệ thống phanh có Mp1 và Mp2 bằng nhau hoặc khác nhau nhưng theo tỉ lệ không thay đổi được. Trên các xe này không sử dụng triệt để lực phanh cực đại trên tất cả các bánh xe.

Với yêu cầu nâng cao hiệu quả phanh, giảm mài mòn lốp, tăng khả năng điều khiển xe và nâng cao độ an toàn chuyển động, bộ điều hòa lực phanh là một trong các kết cấu trên xe nhằm mục đích như vậy.

Cơ sở của bộ điều hòa lực phanh

Nguyên tắc 1: Giảm áp suất dẫn động phanh tới cầu sau

Để hạn chế momen phanh các bánh xe sau, ta cần hạn chế áp suất dẫn động phanh đi đến các cơ cấu phanh sau. Như vậy chỉ có hệ thống phanh dẫn động bằng chất lỏng hoặc khí nén mới có thể thực hiện được. Hệ thống phanh dẫn động cơ khí không được áp dụng.

Nguyên tắc 2: Dựa vào đường lý tưởng

Đồ thị phanh lý tưởng
Đồ thị phanh lý tưởng

Trên hệ thống phanh dẫn động chất lỏng hoặc khí nén ta có momen phanh sinh ra trên cơ cấu phanh và áp suất p của chất lỏng (hoặc khí nén) quan hệ với nhau theo quy luật nhất định. Ta có thể xây dựng đồ thị biểu diễn mối quan hệ hợp lý của áp suất chất lỏng (hoặc khí nén) đi đến các cơ cấu phanh các bánh xe trước và sau.

Trên hình:

  • p1 và p2 là áp suất phanh đến các cơ cấu phanh bánh trước và bánh sau,
  • Đường 3 là đường áp suất phanh thực tế.
  • Đường 1 là đường áp suất phanh hợp lý khi xe đầy tải,
  • Đường 2 là khi xe không tải.

Người ta còn gọi đường 1 và 2 là các đường phân bố áp suất phanh lý tưởng. Giữa đường 1 và 2 còn có các đường ứng với một tải trọng nào đó của xe, những đường này tập hợp thành một họ đường. Điều hòa lực phanh sẽ điều chỉnh p1 và p2 cho gần với đường phân bố áp suất lý tưởng. 

 Điều hòa lực phanh 2 thông số (đường màu đỏ mang tính chất minh họa)
Điều hòa lực phanh 2 thông số (đường màu đỏ mang tính chất minh họa)

Đường màu đỏ là một ví dụ minh họa sau khi dùng bộ điều hòa lực phanh mà chúng ta sẽ đạt được.

Hy vọng rằng trong bài viết này, OTO-HUI đã cung cấp những kiến thức chuyên sâu và thú vị về bộ điều hòa lực phanh đến các bác!


Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn