(News.oto-hui.com) – Van phân phối kiểu con trượt trong hệ thống hỗ trợ lái có tác dụng điều khiển đóng ở đường dầu cao áp đến hai khoang của xylanh lực. Qua đó làm thay đổi vị trí của piston trong xylanh lực, hỗ trợ cho việc điều khiển hệ thống lái của xe.
Van phân phối là bộ phận có vai trò quan trọng nhất trong hệ thống trợ lực lái. Chúng có tác dụng phân bổ dầu cao áp đến các khoang của xylanh lực dựa vào tác động của cơ cấu lái. Giúp cho người lái điều khiển bánh xe dễ dàng hơn mà không cần tốn quá nhiều sức lực.
Van phân phối kiểu con trượt là một loại van có kết cấu đơn giản nhất và được trang bị phổ biến trên các hệ thống hỗ trợ lái của xe ô tô ngày nay. Vậy loại van phân phối này có cấu tạo và hoạt động như thế nào?
1. Cấu tạo của van phân phối kiểu con trượt:
Van phân phối con trượt được lắp đặt ở vị trí trung gian giữa cơ cấu lái và đòn quay bánh xe. Thân van 1 và con trượt 4 có thể dịch chuyển tương đối với nhau thông qua sự điều khiển từ cơ cấu lái (CLL).
Trên thân van 1 và con trượt 4 được thiết kế các rãnh phối dầu. Khi con trượt dịch chuyển trong thân van, các rãnh phối dầu này sẽ đóng mở các đường dầu tương ứng theo vị trí của con trượt.
2. Nguyên lý hoạt động của van phân phối kiểu con trượt:
Có 3 trường hợp hoạt động của van phân phối con trượt:
a. Khi xe chạy thẳng:
Khi xe đi thẳng, con trượt 4 nằm giữa thân van 1. Các cửa van trên thân van 1 đều được mở. Dầu cao áp đi từ bơm 11, thông qua đường dầu 2 tràn vào van phân phối và đi trở lại bình chứa 12 qua đường dầu hồi 3.
Lúc này dầu ở hai khoang A và B trong xylanh lực (XLL) có áp suất bằng nhau. Piston lực 8 nằm ở vị trí trung gian, xe chạy thẳng.
b. Khi xe vào cua phải:
Khi người lái quay vô lăng sang phải. Cơ cấu lái (CLL) thông qua đòn dọc 6 kéo con trượt 4 lùi về phía sau xe (dịch sang trái của hình). Hai khoang a và b trong thân van lúc này bị tách ra.
Ở khoang a, đường hồi dầu 3 bị đóng, đường dầu cao áp 2 mở khiến cho áp suất dầu ở khoang A (XLL) tăng lên. Ở khoang b thì ngược lại nên khiến áp suất dầu trong khoang B (XLL) giảm xuống. Piston lực 8 lúc này dịch chuyển sang phải (dịch chuyển xuống phía dưới hình), tác dụng vào đòn quay ngang làm cho bánh xe quay sang phải, xe vào cua phải.
c. Khi xe vào cua trái:
Trường hợp này tương tự như trường hợp ở phía trên. Khi xe vào cua trái, con trượt 4 lúc này dịch chuyển về phía trước của xe (dịch sang phải của hình).
Áp suất dầu trong khoang B (XLL) tăng và trong khoang A (XLL) giảm. Piston lực lúc này dịch chuyển sang trái (dịch chuyển lên trên của hình). Tác dụng vào đòn quay ngang làm cho bánh xe quay sang trái, xe vào cua trái.
Một số bài viết liên quan:
- Tìm hiểu về van phân phối hai dòng trong hệ thống phanh khí nén
- So sánh trợ lực lái điện với thủy lực: Lựa chọn nào sẽ phù hợp?
- Các dấu hiệu khi thiếu dầu trợ lực lái
- Tổng quan các hệ thống trợ lực lái hiện nay