(News.oto-hui.com) – Đều là phương thức thanh toán thu phí tự động không dừng của VETC/VDTC, rất tiện lợi cho các tài xế trên các tuyến đường cao tốc. Thế nhưng, nhiều người vẫn chưa biết rõ về hai loại thẻ thu phí không dừng VETC và ePass. Vậy ePass và VETC khác nhau như thế nào? Nên dán loại thẻ nào? Một xe có thể dán 2 thẻ thu phí được không? Vị trí dán thẻ thu phí không dừng ở đâu?
Thu phí tự động không dừng đang được triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Từ ngày 1/8, tất cả các tuyến đường cao tốc trong nước sẽ không còn làn thu phí thủ công (MTC), người dân muốn chạy trên cao tốc buộc phải dán thẻ định danh để chạy vào làn thu phí tự động (ETC).
Hiện tại ở Việt Nam có 2 công ty cung cấp dịch vụ dán thẻ thu phí tự động là VETC (e-Tag) và VDTC (ePass). Tất cả trạm thu phí tự động trên toàn quốc đều liên kết với 2 công ty này nên khách hàng có thể chủ động lựa chọn công ty dán thẻ theo ý muốn.
Dù giống nhau về dịch vụ cung cấp, thẻ thu phí tự động e-Tag và ePass vẫn có những điểm khác biệt. Người dùng nên nắm rõ những thông tin này để cân nhắc lựa chọn công ty hợp lý.
1. Thẻ thu phí không dừng e-Tag của VETC: Nạp tiền thủ công, chưa ghi nhận lỗi
Công ty TNHH Thu phí tự động VETC triển khai thu phí tự động từ năm 2015. Hiện có khoảng 80 trạm thu phí sử dụng dịch vụ của công ty này, chủ yếu tập trung ở QL1 và các tuyến cao tốc.
Giấy tờ cần thiết để đăng ký dịch vụ của VETC và ePass giống nhau. Khách hàng cần chuẩn bị CMND/CCCD, cà-vẹt xe và giấy đăng kiểm. Đối với xe trả góp, chủ xe cần mang theo giấy xác nhận của ngân hàng về thông tin đăng ký xe.
VETC vẫn đang triển khai dán thẻ miễn phí lần đầu tiên, nếu phương tiện dán lại từ lần thứ 2 sẽ tốn phí 120.000 đồng/lần.
Địa điểm đăng ký dán VETC là ở trung tâm đăng kiểm và trạm thu phí. Chủ xe có thể đăng ký thẻ định danh online, đợi 3-4 ngày để nhận thẻ và tự dán vào phương tiện.
VETC cho phép khách hàng nạp tiền vào tài khoản thông qua hình thức chuyển khoản (miễn phí) hoặc các cổng thanh toán (có phí từ 1% trở lên).
Nhược điểm là chưa có tính năng liên kết với tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, điều này yêu cầu người dùng nạp tiền trước vào tài khoản.
Người sử dụng VETC cần tạo thói quen nạp tiền vào tài khoản trước mỗi hành trình để không bị rơi vào tình huống hết tiền khi qua trạm.
Lợi thế của VETC so với ePass là hiện vẫn chưa ghi nhận các sự cố liên quan đến hệ thống.
2. Thẻ thu phí không dừng ePass của VDTC: Liên kết ví điện tử, từng ghi nhận lỗi
ePass là hệ thống thu phí tự động của Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam – thành viên của Viettel. Hệ thống này được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 12/2020, khá mới mẻ so với VETC.
Hiện tại, ePass đã không còn triển khai dịch vụ dán miễn phí lần đầu tiên. Khách hàng đăng ký mới cần chi 120.000 đồng để dán thẻ định danh lên xe.
Ngoài hình thức nạp tiền thông qua các cổng thanh toán (có phí) hay qua ứng dụng ngân hàng hoặc chuyển khoản (miễn phí), ePass có tính năng liên kết ví điện tử (Viettel Money).
Liên kết với ví điện tử cho phép người dùng không cần duy trì số dư tài khoản trong ePass như VETC. Tính năng này giúp hạn chế tình trạng chủ xe bị xử phạt do quên nạp tiền vào tài khoản ePass.
Tất nhiên người dùng vẫn cần nạp tiền và duy trì số dư của Viettel Money. Trong trường hợp Viettel Money hết tiền, người dùng cần thực hiện thao tác xác nhận giao dịch thanh toán giữa Viettel Money và ePass trên điện thoại khi qua trạm ETC.
Tuy nhiên trong một vài trường hợp cổng thanh toán gặp sự cố, chủ xe có thể gặp rắc rối khi qua trạm do dòng tiền không được chuyển về hệ thống ePass để thanh toán.
Sau gần 2 năm đưa vào hoạt động, người dùng dịch vụ ePass gặp không ít sự cố trong quá trình sử dụng. Đầu năm nay, hàng trăm xe dán ePass gặp lỗi không qua được trạm thu phí trên 2 tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Hà Nội – Hải Phòng. Sau khi điều tra, sự cố này xảy ra do lỗi của Công ty VETC.
Nguyên nhân sơ bộ là do hệ thống lưu trữ dữ liệu phục vụ hoạt động thu phí ETC (Back-End) của Công ty VETC gặp lỗi không lưu được thông tin ở trạm thu phí đầu vào cho xe dán thẻ ePass. Lỗi này dẫn đến không có dữ liệu đầu vào đường cao tốc để tính phí và mở barie cho những xe này qua trạm.
Ngoài sự cố trên, không ít người dùng phản ánh xe dán ePass qua trạm thu phí vẫn phải dừng lại do thanh chắn không tự động mở, nhân viên trực tại trạm phải chủ động mở thanh chắn.
3. Một xe có thể dán cả hai thẻ thu phí không dừng VETC và ePass được không? Mức phạt khi không đủ tiền?
Theo quy định, Bộ GTVT cho biết mỗi phương tiện chỉ được đăng ký dịch vụ của một nhà cung cấp dịch vụ là E-tag hoặc ePass.
Theo Nghị định 123/2021, mức phạt vi phạm giao thông có nhiều sự thay đổi so với Nghị định 100/2019 trước đó. Đặc biệt, nghị định mới tăng mức phạt đối với xe không đủ điều kiện đi làn thu phí không dừng.
Theo đó, trường hợp tài xế không chú ý biển chỉ dẫn mà lái xe vào làn ETC khi chưa dán thẻ thu phí không dừng hoặc không đảm bảo số dư trong tài khoản giao thông đủ để trả phí sẽ bị phạt.
Cụ thể, Nghị định 123/2021 quy định xe chưa đăng ký thu phí tự động hoặc tài khoản không đủ tiền đi vào làn đường dành riêng ETC sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.
Ngoài ra, tài xế cũng có thể đối diện với mức phạt 2.000.000 – 3.000.000 đồng nếu dừng, đỗ, quay đầu xe trái quy định, gây ùn tắc giao thông.
4. Vị trí dán thẻ thu phí không dừng VETC và ePass?
Loại thẻ thu phí tự động không dừng do VETC phát hành mang tên E-tag, và thẻ do VDTC phát hành có tên ePass. Cả hai (gọi chung là ETC) khác nhau về mẫu mã thiết kế nhưng đều có tác dụng như nhau.
Vị trí dán thẻ ETC trên đèn xe: Dán thẻ ETC ở đèn xe phía trước ghế lái phụ, vị trí giữa đèn (phải cách tất cả các cạnh đèn tối thiểu 2-3cm). Theo đó, chi tiết các bước dán thẻ thu phí không dừng ở vị trí đèn xe như sau:
- Bước 1: Vệ sinh đèn bằng khăn khô, mềm.
- Bước 2: Bóc thẻ nhẹ nhàng, tránh để vật khác dính vào mặt trong thẻ.
- Bước 3: Xác định vị trí dán ở giữa đèn xe, tối thiểu cách các cạnh đèn 2-3cm.
- Bước 4: Dán miếng dán lên vị trí đã xác định và miết chặt các mép sao cho không còn không khí bên trong, chú ý dán đúng chiều dọc chữ trên thẻ (miếng dán song song với mặt đất).
Vị trí dán thẻ ETC ở kính xe: Dán thẻ ở mặt trong kính xe phía trước ghế lái phụ, cách mép dưới kính 10cm và cách mép phải 5cm. Các bước dán thẻ ở kính xe như sau:
- Bước 1: Dùng khăn ẩm lau sạch vị trí mặt kính bên trong phía ghế lái phụ. Sau đó để khô hoặc dùng dùng khăn khô lau sạch.
- Bước 2: Xác định vị trí dán thẻ sao cho thẻ cách mép dưới của kính 10cm và mép phải 5cm.
- Bước 3: Bóc và dán thẻ. Nhẹ nhàng bóc lớp keo dính từ phía góc thẻ sau đó miết nhẹ đều tay cho thẻ dính hoàn toàn trên bề mặt kính và tránh nhăn nhúm.
Đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng cũng lưu ý, nếu kính ôtô có dán phim cách nhiệt thì hệ thống đầu đọc sẽ không quét được thông tin trên thẻ nên chủ xe sẽ phải chọn phương pháp dán trên đèn xe. Do đó việc sử dụng phương pháp dán thẻ trên kính lái sẽ phải được nhân kiểm tra và đo đạc cẩn thận.
Cùng với đó, thẻ đã dán thì không thể bóc ra dán lại bởi làm thế sẽ ảnh hưởng đến chip của thẻ làm máy đọc không nhận diện được.
5. Hình thức thanh toán của thẻ VETC và ePass: ePass có lợi hơn VETC
Đối với ePass: Với khả năng liên kết với thẻ ngân hàng hoặc thông qua ví điện tử Viettel Money, thế nên việc thanh toán với ePass sẽ diễn ra nhanh chóng và tiện lợi hơn. Chính nhờ việc có thể liên kết các ngân hàng, bạn hoàn toàn có thể nạp tiền vào thẻ nhờ liên kết ví MoMo.
Cũng vì được liên kết với ví điện tử Viettel Money hoặc tài khoản ngân hàng nên tình trạng hết tiền trong tài khoản gần như là rất khó, hạn chế các phiền phức không đáng khi đi qua trạm.
Đối với VETC: Bạn cần có một lượng tiền đủ để thanh toán trong tài khoản. Có thể nạp tiền bằng cách chuyển khoản thông qua internetbanking; mobile banking của các ngân hàng. Ngoài ra thì trên website, VETC còn cho biết có thể thanh toán qua Momo; Vimo; Payoo…nhưng không nói rõ cách thức sẽ như thế nào. Rõ ràng là việc nạp tiền vào tài khoản bằng cách chuyển khoản sẽ phức tạp hơn, và khả năng mà tài khoản đó hết tiền cũng cao hơn so với khả năng ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng hết tiền.
Ngày 25/7 đã xảy ra tình trạng thẻ thanh toán thu phí không dừng của nhiều tài xế hết tiền, dẫn đến kẹt xe cục bộ trên tuyến đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ hình thức thanh toán thẻ thu phí không dừng VETC hay ePass nào đã gây mất thời gian cho các chủ xe. Để tránh tình trạng kẹt xe, tài xế nên chủ động kiểm tra lại tài khoản, đóng đủ thanh toán trước khi vào trạm BOT.
6. Số lượng trạm thu phí triển khai ETC?
VETC hiện đã triển khai dịch vụ tại 76 trạm thu phí trên tổng số 114 trạm thu phí còn làn ETC trên toàn quốc. Số còn lại là của ePass. Chi tiết các trạm này bạn có thể truy cập vào website của 2 nhà cung cấp.
Theo tìm hiểu, do có liên kết nên xe dán ePass vẫn có thể đi qua các trạm VETC và ngược lại. Bên cạnh đó, số lượng trạm mà mỗi bên triển khai được thật sự không ảnh hưởng nhiều đến quyết định xem nên dùng của bên nào.
7. Tổng kết cơ bản về hai loại thẻ thu phí không dừng VETC và ePass:
Vậy các bạn chọn loại thẻ thu phí không dừng nào? Hãy cùng thảo luận bên dưới nhé!
Thông tin liên hệ:
Đối với thẻ thu phí không dừng e-Tag của VETC:
- Website: https://vetc.com.vn/
Đối với thẻ thu phí không dừng ePass của VDTC:
- Website: https://epass-vdtc.com.vn/
Bài viết liên quan:
- Muốn không kẹt xe, tài xế cần phải biết điều này về thu phí không dừng ETC từ ngày 1/8?
- Liệu có giảm ắc tắc giao thông khi thu phí ô tô vào nội đô?