Theo Taichinhdoanhnghiep

Nhiều hãng xe hơi cam kết ngừng sản xuất xe sử dụng năng lượng hóa thạch

(News.oto-hui.com) – Đã có gần 30 quốc gia và 6 hãng ô tô lớn trên thế giới cam kết ngừng sản xuất xe sử dụng năng lượng hóa thạch vào năm 2040.

Liên quan đến Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26), các hãng sản xuất ô tô Volvo (Thụy Điển), Ford và General Motor (đều của Mỹ) và Mercedes-Benz của Daimler AG (Đức), BYD (Trung Quốc) và Jaguar Land Rover – một thương hiệu thuộc hãng Tata Motors (Ấn Độ) dự kiến ký cam kết vào ngày 10/11 tại hội nghị COP26.

Trong đó, hãng xe Volvo đã cam kết chuyển hoàn toàn sang động cơ điện vào năm 2030. Chính phủ Anh cũng cho biết vừa có thêm 4 nước, trong đó có New Zealand và Ba Lan, sẽ “gia nhập” cùng các các nước đã cam kết đảm bảo đưa mức phát thải của tất cả xe lưu thông trên đường về bằng 0 muộn nhất vào năm 2040.

Ngoài ra, các công ty, trong đó có hãng bán lẻ thực phẩm Sainsbury’s (Anh), và các thành phố trên khắp thế giới cũng sẽ đưa ra tuyên bố chung về nỗ lực “xanh hóa” các phương tiện giao thông.

Trước đó, hôm 22/10, hãng sản xuất xe BMW cho biết, họ sẽ ngừng sản xuất động cơ đốt trong tại nhà máy chính ở Munich (Đức) vào năm 2024 để bắt đầu sản xuất các mẫu xe chạy điện. Giám đốc sản xuất của BMW Milan Nedeljkovic cho biết, động cơ đốt trong (ICE) hiện đang được sản xuất tại Munich sẽ được chuyển sang sản xuất tại các nhà máy của BMW ở Áo và Anh trong tương lai, mặc dù những chiếc xe sử dụng động cơ này vẫn sẽ được lắp ráp tại nhà máy ở Munich.

Tuy nhiên đến năm 2023, ít nhất một nửa số xe sản xuất ở Munich sẽ được điện khí hóa, trong đó chủ yếu sử dụng nhiên liệu chạy bằng pin điện hoặc xe lai sạc điện (plug-in hybrid), công ty cho biết.

BMW đã đặt mục tiêu ít nhất 50% doanh số bán ô-tô mới trên toàn cầu là xe chạy điện hoàn toàn vào năm 2030. Giám đốc điều hành của BMW Oliver Zipse cho biết, công ty sẽ sẵn sàng cung cấp xe điện hoàn toàn nếu có bất kỳ thị trường nào cấm động cơ ICE vào thời điểm đó.

Hiện BMW đang sản xuất dòng ô-tô điện i4 và được lắp ráp chung cùng với dây chuyền lắp ráp của động cơ ICE, cùng các mẫu xe hybrid (xe lai) như BMW 3 Series Sedan và Touring, một sự thay đổi tiêu tốn khoảng 233 triệu USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất của hãng.

Một số hãng sản xuất ô tô quan ngại việc thực hiện cam kết trên đòi hỏi chi phí tốn kém để chuyển đổi công nghệ, trong khi lại thiếu cam kết tương tự từ các chính phủ nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng như trạm sạc điện và mạng lưới điện cần thiết để hỗ trợ xe điện.

Mùa Hè vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất đến năm 2035 cắt giảm 100% lượng khí thải CO2, đồng nghĩa với việc ôtô mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ không được bán tại 27 nước thành viên của khối.

EC cũng đề xuất giảm 55% lượng khí thải CO2 từ ôtô từ nay đến năm 2030 so với mức của năm 2021, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu cắt giảm hiện tại là 37,5%.

Nhằm thúc đẩy doanh số xe điện, EC còn đề xuất một điều luật yêu cầu các nước từ nay đến năm 2025 lắp đặt các điểm sạc điện dọc các con đường lớn với khoảng cách giữa các điểm tối đa 60 km. Các loại xe điện được sử dụng rộng rãi được dự đoán sẽ tạo ra 3,5 triệu trạm sạc công cộng đến năm 2030 và đến năm 2050 con số này sẽ tăng lên 16,3 triệu trạm.


Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn