(News.oto-hui.com) – Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 31/5, có gần 410.000 lượt phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và hơn 50.000 lượt phương tiện không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ở lần kiểm định thứ nhất.
Cũng theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm nay, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới cả nước thu hơn 4.400 tỷ đồng phí sử dụng đường bộ. Ước tính đến hết tháng 6, con số này sẽ đạt hơn 5.300 tỷ đồng, đạt 53% dự toán Bộ GTVT giao năm 2022.
Cục đã tiến hành 122 lượt kiểm tra, đánh giá định kỳ duy trì hoạt động các trung tâm đăng kiểm; cấp 6 giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới cho đơn vị đăng kiểm; cấp 4.465 giấy chứng nhận thẩm định thiết kế; nghiệm thu và cấp 132 giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.
Về công tác kiểm tra chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã giải quyết hơn 11.700 hồ sơ kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu, cấp hơn 149.600 chứng chỉ điện tử; cấp 2.178 giấy chứng nhận sản xuất, lắp ráp, 1.014 giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới, 60 Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, 135 giấy chứng nhận mức tiêu thụ nhiên liệu xe nhập khẩu.
Đối với thử nghiệm xe cơ giới, 5 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới (VMTC) đã thử nghiệm 609 mẫu ôtô, 854 linh kiện ôtô, 348 mẫu môtô, xe máy, xe đạp điện, 1.012 mẫu linh kiện và 76 mẫu thử nghiệm vật liệu. Thẩm định 86 thiết kế ôtô.
Về thử nghiệm khí thải, Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện cơ giới đường bộ (NETC) đã kiểm tra, thử nghiệm 911 mẫu, trong đó 345 mẫu ôtô, 137 mẫu động cơ ôtô hạng nặng, 429 mẫu môtô, xe gắn máy.
Đồng thời, trong giai đoạn này, Cục ĐKVN vẫn tiếp tục thực hiện thử nghiệm khí thải mức 5 theo lộ trình áp dụng của Chính phủ; thực hiện các dự án đầu tư, nâng cấp, bảo dưỡng hàng năm thiết bị theo đúng tiến độ đã đề ra, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
Đối với công tác đăng kiểm đường sắt, Cục ĐKVN cho biết công tác kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật theo đúng các quy định của thông tư, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Tính đến 31/5, Cục ĐKVN kiểm tra định kỳ 1.950 phương tiện đường sắt, 8 phương tiện nhập khẩu, 38 phương tiện sản xuất lắp ráp và 561 thiết bị.
Đối với công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa (PTTNĐ), số lượng PTTNĐ được kiểm tra giám sát kỹ thuật trong cả nước là 16.526 lượt phương tiện, trong đó các đơn vị trực thuộc Cục kiểm tra được 12.342 lượt phương tiện, các đơn vị trực thuộc sở GTVT kiểm tra được 4.184 lượt phương tiện; thẩm định 2.071 thiết kế các loại.
Về công tác đăng kiểm tàu biển, tính đến ngày 31/5, Việt Nam có 5 tàu biển bị lưu giữ qua kiểm tra Nhà nước cảng biển (PSC) trên tổng số 316 lượt tàu bị kiểm tra tại các cảng biển nước ngoài, tỷ lệ tàu bị lưu giữ là 1,58%. Số lượng tàu biển bị lưu giữ PSC được duy trì ở mức thấp, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách trắng của Tổ chức hợp tác kiểm tra Nhà nước tại các cảng biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Tokyo MOU).
Cục ĐKVN cho biết cả nước có 61 tàu biển được giám sát đóng mới tại các cơ sở đóng tàu, trong đó có 21 tàu đang thi công, 40 tàu đã dừng thi công trên một năm.
Bài viết liên quan:
- Hơn 171.000 xe ôtô khi đăng kiểm không đạt tiêu chuẩn an toàn
- Từ ngày 1/10/2021, quy định mới về đăng kiểm ô tô chính thức áp dụng
- Đăng kiểm ô tô điện có khác gì so với xe xăng, dầu?